Tiếng Quê Hương - Cuộc chơi đầy gian nan

Chương trình Văn Học Nghệ Thuật tuần này xin giới thiệu đến quý vị nhà xuất bản Tiếng Quê Hương do nhà văn, ký giả Uyên Thao chủ trương từ nhiều chục năm nay tại Thủ Đô Washington của Hoa Kỳ.
Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2012.03.05
7-305.jpg Một trang quảng cáo của NXB Tiếng Quê Hương
Photo: RFA

Tiếng Quê Hương đã và đang hiện diện tại hải ngoại như một nhắc nhở cho người xa quê về quá khứ cũng như những gì đang bị che đậy tại Việt Nam qua các tác phẩm mà người dân không thể đọc mặc dù chúng được sáng tác từ chiếc nôi văn học của người Việt là quê nhà yêu mến.

Phản ánh đúng thực tế Việt Nam

Uyên Thao cho biết động cơ đã thúc giục ông phải dấn thân vào một cuộc chơi đầy gian nan nhưng cũng có rất nhiều phấn khích:

Nhà văn Uyên Thao:  Trước tiên có thể nói nó khơi nguồn từ sự việc đã xảy ra lâu lắm rồi, tức là vào khoảng bọn tôi mới 12 – 13 tuổi, khoảng năm 1945-1946, lúc đó hầu như lứa tuổi chúng tôi đều thuộc lòng những bài ca mà giờ này tôi vẫn còn nhớ những lời như là “Dân Nam ơi nhớ ơn cụ Hồ là người ….. gì gì đó”, rồi “Việt Nam chịu ơn Hồ Chí Minh muôn đời, ơn cụ xua tan thời tăm tối, đem cho ta những ngày tự do và hạnh phúc, cuộc đời ấm no”.

Những lời ca đó cuối cùng thách thức mình đến rất nhiều những hình ảnh thực tế mà mình gặp phải hàng ngày. Nhưng cho đến sau năm 1975 tôi vẫn thấy không phải chỉ có những lời ca mà mình phải ca từ hồi mình còn con nít, mình không biết gì,  mà qua sách báo trên thế giới, nhất là qua những lớp trí thức, rồi qua nhiều tác giả, thậm chí qua cả bách khoa tự điển của Mỹ, của Anh cũng đều có những sự mô tả Hồ Chí Minh là người có công lớn đối với dân tộc Việt Nam, là người yêu nước thương dân, đã bỏ trọn đời mưu cầu hạnh phúc cho mọi người.

Thậm chí có những người đặt vấn đề là phải quên tất cả những việc chết chóc, thậm chí những thảm cảnh trên biển sau 30-4-1975 .....phải quên hết những cái đó đi để chọn sự tôn kính đối với sự nghiệp rực rỡ hào quang của con người như ông Hồ Chí Minh. Tôi nghĩ những điều đó mình không thể nào im lặng trước những sự việc như vậy được.

Tôi không thể quên được cái cảnh mà tôi đã biết khoảng năm 1980-1981 xảy ra một vụ ngay bên phía ngoài trại tù của bọn tôi. Một thiếu phụ ở Chợ Lớn khoảng chưa tới 30 tuổi đầu mà khi tiếp xúc với bọn tù chúng tôi thì chỉ phải che giấu và cho biết là chỉ ở Chợ Lớn bị đưa lên “kinh tế mới” ở phía ngoài trại tù chúng tôi, chỉ cho biết là tới 18 tháng rồi mà chỉ với hai đứa con, một đứa con trai 5 tuổi và đứa con gái 7 tuổi, chưa biết hạt gạo là gì cả. Ba mẹ con cứ phải cắm cúi để cuốc, rồi cuối cùng, sau lần chúng tôi gặp gỡ chuyện trò như vậy, thì xảy ra cảnh mà không bao giờ tôi quên được: người thiếu phụ đó cuối cùng đã nổi lửa đốt cái lều của mình và ôm hai con nhảy vào lửa để 3 mẹ con cùng chết.

Thực tế đó nó đối nghịch lại những lời của tất cả những kẻ cầm bút. Những kẻ gọi là học giả ở trên thế giới đã từng viết về Việt Nam ca ngợi ông Hồ, ca ngợi đời sống ở Việt Nam theo cái kiểu như của ông Neil Sheehan hay là của ông Aulary ở California nói rằng mấy trăm năm nay, mấy thế kỷ nay chưa bao giờ người Việt Nam có cuộc sống êm ả tốt đẹp như bây giờ. Những điều đó cho thấy nó trái ngược với thực tế và nó thúc đẩy tôi cần phải ghi lại những thực tế cho mọi người nhìn và có dịp để mà đối chiếu cho mọi người thấy cái thực tế của đời sống ở Việt Nam.

Mặc Lâm : Vâng, đó là lý do mà ông nói là chủ yếu để ông dấn thân vào chuyện xuất bản những tác phẩm còn trong bóng tối và những tác phẩm nói lên sự thật mà Tiếng Quê Hương đã chứng kiến, nó khác với những lời của kể cả các tác giả ngoại quốc tuyên truyền về ông Hồ Chí Minh. Thưa, trong thời gian đầu làm việc thì có phát hiện nào khiến ông cảm thấy đáng để đưa tới bạn đọc đúng theo ước vọng của ông, và ông có thể cho biết một trong những tác phẩm đó là tác phẩm nào không?

Nhà báo Uyên Thao : Sự thực thì tôi nghĩ tất cả những tác phẩm mà tủ sách Tiếng Quê Hương đã chọn in thì chúng tôi đều đặt trên tiêu chuẩn đó là những dữ liệu mà nó phản ánh đúng cuộc sống thực tế đã diễn ra trên đất nước Việt Nam. Trong số những tác phẩm mà chúng tôi chọn có lẽ ít nhất có 4 tác phẩm  mà tôi đặc biệt chú trọng là một chuyện thực của họa sĩ Chóe, một truyện dài của Tạ Duy Anh, một cuốn hồi ký của Tô Hải, và một cuốn ký sự của một ký giả Pháp là ông Pierre Darcourt. Đó là 4 tác phẩm mà tôi nghĩ, theo quan điểm riêng chủ quan của tôi, đấy là những gắn bó chặt chẽ nhất với cuộc sống ở Việt Nam.

Sự thực thì tôi nghĩ tất cả những tác phẩm mà tủ sách Tiếng Quê Hương đã chọn in thì chúng tôi đều đặt trên tiêu chuẩn đó là những dữ liệu mà nó phản ánh đúng cuộc sống thực tế đã diễn ra trên đất nước Việt Nam.

Nhà văn Uyên Thao

Mặc Lâm: Vâng, dĩ nhiên là hầu hết thính giả đã biết tài năng của họa sĩ Chóe thì không có bàn cãi nữa, nhưng ông Chóe thì chỉ vẽ biếm họa thôi. Còn nhạc sĩ Tô Hải là một người phản tỉnh rất sớm và không hề sợ hãi sự trả thù. Nhưng riêng về tác giả Tạ Duy Anh thì vẫn còn sống tại Việt Nam và vẫn còn viết lách ở Việt Nam. Vậy khi Tạ Duy Anh được nhà xuất bản của ông xuất bản tác phẩm của ông ta thì ông ta có gặp khó khăn gì ở trong nước hay không, thưa ông?

Nhà văn Uyên Thao: Tôi phải nói ngay là trường hợp Tạ Duy Anh gặp những khó khăn thì có lẽ rằng mọi người có thể đoán ra được, hình dung ra được cái khó khăn đó như thế nào. Thế nhưng có lẽ trường hợp Tạ Duy Anh là trường hợp hơi đặc biệt một chút vì ông ta là người sáng tác văn học thôi và ông ta ở trong hàng ngũ bộ đội để chiến đấu trong mặt trận biên giới phía Bắc chống Trung Quốc. Ông ta là một trong những người tương đối xuất sắc trong lớp nhà văn trẻ, bởi ông sinh năm 1959 tương đối có được nhiều ưu đãi một chút.

Riêng tác phẩm của ông là tác phẩm “Đi Tìm Nhân Vật” mà Tiếng Quê Hương in khi bị cấm ở trong nước, thế nhưng khi được đưa ra bên ngoài thì ông ta vẫn có lý do là ông ta chẳng có dính dáng gì bởi vì đã in ở trong nước rồi mà bị cấm thì có những bản lọt ra ngoài tầm quyết định của ông ta, thế thôi. Đấy là nói về hậu quả. Còn riêng tác phẩm đó thì tôi thấy Tạ Duy Anh là một người trẻ thuộc lớp sau nhưng anh ta có thể nhìn thấy rõ ràng nguyên do xô đẩy hơn 80 triệu người dân Việt Nam của mình vào cảnh sống mà chính ông ta mô tả là “không còn là cảnh sống của con người nữa!”  Và cái nguyên do đó, thông qua ngòi bút của Tạ Duy Anh mà mình có thể hình dung được, đó là sự hiện diện của một tập thể cầm quyền mà Tạ Duy Anh mệnh danh một cách rất rõ ràng đó là “một tập đoàn ma quỷ”, thì đấy chính là điều đã thúc đẩy tôi phải in tác phẩm đó ở bên ngoài này.

Mặc Lâm: Đó là những tác giả ở trong nước, còn những tác giả ở hải ngoại thì theo ông, tác giả nào mà ông đã từng in ấn tác phẩm của họ mà ông thấy là vừa ý nhất, thưa ông?

Nhà văn Uyên Thao : Phải nói ngay rằng những tác giả ở bên ngoài thì điều kiện sáng tác dễ dàng hơn, nói chung tôi nghĩ người mà tôi lưu ý nhiều hơn hết là ông Minh Võ. Ông Minh Võ đã viết cuốn sách có tựa đề là “Hồ Chí Minh – Nhận Định Tổng Hợp” dày tới gần một ngàn trang và trong đó ông đã điểm qua tất cả những ý kiến của hơn 100 tác giả ngoại quốc viết về ông Hồ. Qua đó ông đã vẽ lại hình dung ông Hồ như thế nào cho thật đúng. Tác phẩm của ông Minh Võ, theo quan điểm riêng của tôi thì có lẽ là tác phẩm mà tôi thú vị hơn hết so với những tác giả khác, dù rằng những tác giả khác tất nhiên cũng có những ưu điểm để mình chọn

Kêu gọi sự đồng cảm

Nha-van-Uyen-Thao-copy-200.jpg
Nhà văn Uyên Thao
Nhà văn Uyên Thao
Mặc Lâm: Xin được hỏi ông về vấn đề sinh hoạt trong nhà xuất bản. Thường thường điều quan trọng nhứt đối với nhà xuất bản là phải có lợi nhuận, nhưng mà theo chúng tôi được biết thì việc xuất bản của ông không mang lại lợi nhuận mà lợi nhuận nếu có thì cũng không đủ cho ông sống. Ông làm cách nào để ông vượt qua những khó khăn trong thời gian dài như vậy, thưa ông?

Nhà văn Uyên Thao : Về điều này thì tôi phải nói ngay như thế này: Trong những khó khăn của việc xuất bản sách thì có lẽ đó là sự khó khăn chung của tất cả. Riêng với anh em chúng tôi thì chuyện khó khăn đó lại không thành vấn đề bởi vì chúng tôi không có mưu cầu gì trong chuyện gọi là phải dựa vào tủ sách để nuôi sống mình hay là kinh doanh gì cả. Yêu cầu mà chúng tôi muốn đạt tới là làm sao có nhiều người biết tới những tác phẩm do chúng tôi in và có thể lưu giữ hay truyền bá những tác phẩm đó rộng hơn.

Phải nói ngay là chuyện in sách đối với Tiếng Quê Hương là chuyện bình thường, thế nhưng cũng may mắn là có rất nhiều bạn bè đã đóng góp để có thể nếu in cuốn sách này ra nó hao hụt, nó mất vốn thì vẫn có người bù vào những chỗ đó để mình in cuốn sách sau. Đấy là một trong những lý do để chúng tôi tồn tại.

Mặc Lâm: Một câu hỏi cuối cùng, xin ông cho biết là tình hình mua sách, thưởng thức sách của người Việt ở hải ngoại này, theo chúng tôi thấy càng ngày họ càng xa lìa sách vở và càng ngày càng dính mắt vào computer, đặc biệt là trên trang mạng vì trên ấy có những thông tin rất nhanh cũng như không phải tốn tiền để mua. Ông có thấy bên cạnh những khó khăn mà ông đã gặp thì đây có phải là khó khăn sắp tới làm sao Tiếng Quê Hương tránh được khó khăn này, thưa ông?
Vào cái giờ này đây, tôi thành thực hỏi anh, có còn nhiều người nghĩ tới những con người bị tàn phế, bị cụt tay cụt chân, lê lết khắp đầu đường xó chợ để kiếm sống một cách đắng cay tủi nhục ở trong nước không?
Nhà văn Uyên Thao

Nhà văn Uyên Thao : Về những khó khăn thì phải thú thực với các anh là hầu như tôi không nghĩ nhiều. Triển vọng của sách vở bằng chữ in trên giấy sẽ bị đe dọa như thế nào bởi tiến trình máy móc hiện nay thì hầu như tôi không nghĩ tới, mà cái điều chúng tôi nghĩ tới, tôi nghĩ nó vượt qua khỏi cái khó khăn mà hồi nãy anh đã hỏi về cái chuyện không có thể phổ biến sách vở được. Tôi nghĩ đến cái khó khăn lớn hơn, cái khó khăn giống như một trái núi, mà nó nằm ở trong cái chỗ mà tôi nói ngay là nỗi băn khoăn của chúng tôi.

Chúng tôi nghĩ rằng có lẽ hầu hết mọi người chúng ta đều dường như là người ở trong nước cũng như người ở ngoài nước đều có vẻ vẫn còn thái độ hơi ơ hờ đối với thảm cảnh mà đồng bào mình, đất nước mình phải trả suốt thế kỷ vừa qua. Vào cái giờ này đây, tôi thành thực hỏi anh, có còn nhiều người nghĩ tới những con người bị tàn phế, bị cụt tay cụt chân, lê lết khắp đầu đường xó chợ để kiếm sống một cách đắng cay tủi nhục ở trong nước không?

Và cũng vào cái giờ này đây, có bao nhiêu người trong chúng ta còn băn khoăn trước cảnh sống của những bà mẹ bị cướp đoạt tất cả những đứa con? Và có bao giờ chúng ta ưu tư về lớp trẻ thơ đã bị dập xóa hết tương lai? Thế thì đấy là những cái khó khăn đặt chúng tôi vào cái thế phải suy nghĩ. Nói chung, đến lúc nào thì chúng ta có thể vượt khỏi được cái thái độ thản nhiên, vô tâm của chúng ta trước những thảm cảnh ở trong nước đó?

Mặc Lâm: Vừa rồi là nhà văn Uyên Thao, người chủ trương nhà xuất bản Tiếng Quê Hương tại Thủ đô Washington DC. Với hằng trăm đầu sách đã ra mắt gồm nhiều thể loại, tủ sách Tiếng Quê Hương đã góp thêm tiếng nói cho hoạt động sách vở tại hải ngoại và như quý vị đã nghe ông Uyên Thao chia sẻ, với ông, niềm trăn trở lớn nhất không phải là thái độ của người đọc đối với sách vở nhưng nằm ở chỗ chia sẻ nỗi đau mà rất nhiều người tại quê nhà còn phải chịu sau khi chiến tranh đã kết thúc gần bốn mươi năm qua.

Một lần nữa xin cám ơn nhà văn, ký giả Uyên Thao đã tạo cơ hội cho chúng tôi có cuộc trao đổi với ông ngày hôm nay.

Video: Người Việt khắp thế giới vận động cho Nhân quyền VN
Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Anonymous
10/12/2012 07:50

Van hoc luon phai phan anh hien thuc nhung phai phan anh duoc ban chat cua van de khong the chi nhin vao hien tuong de quy ve ban chat nhu ong Uyen Thao nha ta duoc . Rua ma cung nhan minh la nha van . Voi chu tich Ho Chi Minh thi da duoc ca the gioi suy ton la ANH HUNG GIAI PHONG DAN TOC DANH NHAN VAN HOA THE GIOI thi khong mot ke nao co the xuyen tac duoc ! ong Uyen Thao va ai do hay NHO cho! !