Nhà văn Mạc Ngôn
2012.10.14
Truyện dài “Báu vật của đời” là một tác phẩm lớn của Mạc Ngôn đã nói lên được cả một giai đoạn lịch sử của đất nước Trung Hoa qua từng số phận nghiệt ngã khác nhau trong nhiều thế hệ. “Báu vật của đời” cũng được phân tích trong nhiều cuộc hội thảo văn học cũng như rất nhiều bài viết nói về nó sau này.
Nhà văn Mạc Ngôn tên thật là Quản Mô Nghiệp, sinh năm 1955, xuất thân từ một gia đình bình dân. Ông phải nghỉ học rất sớm do phong trào Cách mạng Văn Hóa của Mao Trạch Đông. Vào năm 1981 ông công bố tác phẩm đầu tay và cho đến nay ông đã cho ra đời 200 đầu sách. Mạc Ngôn hiện là sáng tác viên bậc 1 của Cục chính trị - Bộ Tổng tham mưu Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.
Chúng tôi có cuộc trao đổi với nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên về hiện tượng văn học Mạc Ngôn đã và đang gây ấn tượng trên các tủ sách văn học trong nước nhằm tìm hiểu thêm về tác phẩm của người vừa đoạt giải thưởng cao quý Nobel Văn học năm 2012.
Báu vật của đời
Mặc Lâm: Thưa anh Phạm Xuân Nguyên, chúng tôi được biết anh đã từng tham gia hội thảo về tác phẩm “Báu vật của đời” khi truyện dài này ra mắt tại Việt Nam. Anh có thể khái quát một vài điểm đáng chú ý của nội dung cuốn sách hay không?
Ông Phạm Xuân Nguyên: Mạc Ngôn đến Việt Nam với cuốn tiểu thuyết “Phong nhũ phì đồn” mà nếu dịch đúng cái tên này là “Vú to mông đầy” thì bị coi là vi phạm thuần phong mỹ tục của Việt Nam lắm, cho nên do lấn cấn cái tên đó mà sau này đến khi chọn thì "Báu vật của đời”, lấy từ một chữ khi nhân vật Kim Đồng nhìn vào đấy và coi là báu vật của đời cho nên bản dịch tiểu thuyết đó của Mạc Ngôn sang tiếng Việt được chuyển thành “Báu vật của đời” để được xuất bản. Phải nói rằng cuốn sách ra đời vào đầu thế kỷ 21, năm 2001, thì nó cũng gây được sự chú ý, gây được dư luận cho văn giới và cho bạn đọc.
Mặc dù trước đó, thời Trung Quốc mở cửa, thời Việt Nam đổi mới thì một số tác giả, tác phẩm Trung Quốc cũng đã sang Việt Nam như là Trương Hiền Lượng với tác phẩm “Một nửa đàn ông là đàn bà”, sau đó một loạt tác phẩm khác nữa người ta gọi là "văn học vết thương", nhưng với tác phẩm này thì nó gây được sự chú ý và gây được dư luận. Người đọc trước hết họ thấy cách mà nhà văn phơi bày sự thật của đất nước mình, của xã hội mình đang sống nó cũng có cái phần đồng vọng. Trước nhu cầu này Hội Nhà Văn hồi đó đã tổ chức một hội thảo và cũng đông đảo mọi người đến dự.
Xáo trộn như vậy người ta thấy một cách viết có thể gọi là khủng khiếp, đầy tính hiện thực mà cũng đầy tính khai thác về xã hội Trung Quốc hiện đại.
Ông Phạm Xuân Nguyên
Trước hết họ thấy là nhà văn này rất mới lạ. Đọc vào thì thấy nó khủng khiếp quá, mô tả một phụ nữ nhà quê Trung Quốc tên là Lỗ Toàn Nhi đẻ ra một đàn con 9 đứa, 8 gái 1 trai, con của rất nhiều ông bố và trải qua một cuộc đời hết sức là cay cực, hết sức là biến động xã hội, của bên này bên kia. Xáo trộn như vậy người ta thấy một cách viết có thể gọi là khủng khiếp, đầy tính hiện thực mà cũng đầy tính khai thác về xã hội Trung Quốc hiện đại.
Tôi nhớ lại hơn 10 năm trước trong khi hội thảo, tất cả đều nhấn mạnh điểm đó của Mạc Ngôn. Mặc dầu đã có một số người rất khen, nhưng một số người khác sau khi đọc xong thì bảo là “Ô! Chưa phải là đã lắm, nếu viết như thế này thì có thể viết được”.
Nhưng sau đó khi dịch giả Trần Đình Hiến dịch tiếp một số cuốn nữa của Mạc Ngôn, đặc biệt là cuốn “Đàn hương hình” thì nhiều người đã đánh giá “Đàn hương hình” cao hơn. Phải nói lại là Mạc Ngôn có được cái may mắn vào Việt Nam bằng tác phẩm mà có lẽ bằng một trong hai ba tác phẩm lớn, nổi bật của ông, chắc cũng là một trong các căn cứ để ban giải thưởng Nobel đã trao giải cho cuốn “Phong nhũ phì đồn”.
Cao lương đỏ
Mặc Lâm: Có một thời gian người Việt rất hâm mộ tác phẩm “Cao lương đỏ” của Mạc Ngôn sau khi đạo dỉễn Trương Nghệ Mưu đưa nó vào phim. Xin anh cho biết nội dung văn học của tác phẩm hay nghệ thuật điện ảnh đã là tác nhân lôi cuốn người xem?
Ông Phạm Xuân Nguyên: “Cao lương đỏ” vào phần phim, xem phim thì có thể nói từ “Cao lương đỏ” người ta bắt đầu biết đến Trương Nghệ Mưu. Cái tên đạo diễn “Trương Nghệ Mưu” đến với khán gải Việt Nam từ “Cao lương đỏ”. Sau đó là Trần Khải Ca.
Hồi bấy giờ rất ít người biết phim này dựa theo tiểu thuyết của Mạc Ngôn dù trên “generic” của phim có nói nhưng người ta không để ý. Ngay như khi “Phong nhũ phì đồn” tức là “Báu vật của đời” được dịch ra tiếng Việt rồi, được đọc rồi, thì cũng rất ít người liên hệ Mạc Ngôn này với Mạc Ngôn của “Cao lương đỏ”. Cho đến sau này khi Mạc Ngôn được dịch thêm mấy tác phẩm nữa và bắt đầu trở nên một tên tuổi quen thuộc, nổi tiếng ở Việt Nam thì bản dịch “Cao lương đỏ” do một nhà giáo, một chuyên gia văn học Trung Quốc là Lê Huy Tiêu dịch cũng không được tìm đọc và cũng không gây được tác dụng như là “Báu vật của đời”, như “Đàn hương hình”, như là “Cây tỏi nổi giận”, v.v…
Và mới hôm nay dịch giả Trần Đình Hiến, người có công đầu trong việc đưa Mạc Ngôn vào Việt Nam, là người ở giai đoạn đầu dịch Mạc Ngôn, tôi nói giai đoạn đầu vì sau đó một thời gian có một dịch giả khác là Trần Trung Hỷ học ở Trung Quốc về, dạy ở Khoa Văn – Đại Học Huế dịch tiếp và có thể coi như là chặng thứ hai giới thiệu Mạc Ngôn. Ở Việt Nam dịch tiếp gần chục cuốn nữa của Mạc Ngôn, trong đó có cuốn “Sống đọa thác đày” và có cả cuốn “Ma chiến hữu” từng gây tranh cãi ở Việt Nam.
Tôi xin quay trở lại, khi đã có bản dịch “Cao lương đỏ” rồi mà người ta vẫn chỉ nói về phim, nói đến Trương Nghệ Mưu ngay cả khi đã có kịch bản từ tiểu thuyết đó được dịch ra, nhưng thực ra nó không phải là tiểu thuyết mà là kịch bản phim. Cho nên dịch giả Trần Đình Hiến vừa trả lời báo chí trong nước ngay khi có tin Mạc Ngôn được trao giải Nobel, là ông bắt tay ngay từ ngày mai vào dịch “Cao lương đỏ” là tiểu thuyết của Mạc Ngôn chứ không phải là kịch bản phim của Trương Nghệ Mưu.
Ma Chiến Hữu
Mặc Lâm: Anh vừa nhắc Ma Chiến Hữu của Mạc Ngôn và tác phẩm này nếu tôi không lầm thì đã từng gây tranh cãi tại Việt Nam rất nặng nề. Xin anh cho biết chính nội dung của nó gây tranh cãi hay vì sự xuất hiện của nó vào thời điểm nhạy cảm đối với người Việt Nam trước những hành động của Trung Quốc mà ác cảm truyền sang Ma Chiến Hữu, thưa anh?
Ông Phạm Xuân Nguyên: Theo chỗ tôi biết thì đó không phải tranh cãi về tác phẩm, về nội dung. Tất nhiên là nó có hoàn cảnh, mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc. Lý do gây tranh cãi là do lời của nhà xuất bản đề ngoài bìa sách. In cái bộ đó thì mỗi cuốn có những lời nhà xuất bản khác nhau, vừa để giới thiệu, vừa quảng bá. Cuốn “Ma chiến hữu” như bạn biết thì người ta giới thiệu đây là một bản anh hùng ca, một bản ngợi ca vấn đề chiến tranh biên giới. Khi ấy tranh cãi nổ ra, và bây giờ mình đọc và nhìn lại thì thấy người ta phản ứng là vì cái lời đề tựa ấy của nhà xuất bản.
Bản thân tôi đã đọc, tôi thấy đó cũng là một cách viết của Mạc Ngôn. Ông trung thành với cách viết và đường hướng của ông, tức là ông vẫn viết về những thân phận của những con người bình thường, những con người chân đất. “Ma chiến hữu” viết về một người lính chết trong cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 mà bây giờ thành ma. Cùng với bạn bè xem lai những người đồng ngũ, những thanh niên cũng đi lính với mình bây giờ sống như thế nào. Lúc ấy nó phơi bày một hiện tượng là những người lính trở về cũng vẫn sống vất vả, sống khốn khó trong một xã hội rất nhiều tiêu cực, rất nhiều tệ nạn.
Tất nhiên bối cảnh là một cuộc chiến của nhiều người lính tham gia vào cuộc chiến thì cũng có một đoạn kể lại việc đánh nhau, và khi đánh nhau thì họ gọi bên kia là đối phương. Theo tôi thì đây là một mạch viết bình thường nên không phải vì nội dung mà gây tranh cãi.
Bút pháp hiện thực
Mặc Lâm: Đối với các nhà văn trẻ Việt Nam, sau khi sách của Mạc Ngôn lan rộng có ai là người chịu ảnh hưởng của nhà văn này hay không, ít nhất trong phong cách hay là cách chọn đề tài ạ?
Ông Phạm Xuân Nguyên: Ảnh hưởng của Mạc Ngôn để lại thì gần như là ít thấy, bởi vì, ví dụ như người ta bảo là khi Gabriel Garcia Marquez viết “Trăm năm cô đơn” thì thấy nó có thể có ảnh hưởng, hoặc như Heminway. Còn viết như Mạc Ngôn thì không thấy có ảnh hưởng mấy, không thấy có sự bắt chước. Có thể là do người ta đọc chưa kỹ hoặc có lẽ một vài tác phẩm lúc đầu được chú ý nhưng sau vì dịch nhiều quá nên có khi nó gây ra sự bảo hòa. Đấy là lý do thứ nhất.
Hai nữa, theo tôi có thể là lối viết của Mạc Ngôn mới nhìn qua tưởng như có thể dễ bắt chước vì ông có một bút pháp rất hiện thực. Ông mô tả, ông phản ánh rất hiện thực, nhưng thật ra như Điều Trần Soan thì còn có sự trộn lẫn hiện thực với huyền thoại, với các cuốn văn học dân gian mà trong nhận xét của Ủy Ban Giải Thưởng Nobel có nói, thì không phải dễ, chứng tỏ ông này có một bút pháp cao cường chứ không phải là chỉ một phần mô tả hiện thực.
Ông mô tả, ông phản ánh rất hiện thực, nhưng thật ra như Điều Trần Soan thì còn có sự trộn lẫn hiện thực với huyền thoại, với các cuốn văn học dân gian mà trong nhận xét của Ủy Ban Giải Thưởng Nobel có nói, thì không phải dễ, chứng tỏ ông này có một bút pháp cao cường chứ không phải là chỉ một phần mô tả hiện thực.
Ông Phạm Xuân Nguyên
Thứ ba nữa, cũng do cách đọc của người đọc Việt Nam khi nhiều người đã đọc không kỹ. Có thể nói bây giờ sách Mạc Ngôn tại Việt nam có hơn một chục cuốn đã được dịch ra nhưng mà nói đến ông thì chúng ta chỉ có thể nhắc đến “Báu vật của đời” là cuốn đầu tiên có ảnh hưởng và gần như hay nhất, còn một số cuốn sau này thì rất ít người đọc. Ngay cả một cuốn mà theo tôi cũng cho là hay, hay với cách viết nữa, là cuốn “Sống đọa thác đày”, thì lối viết của ông cho một nhân vật trải qua mấy kiếp, kiếp làm trâu, kiếp làm ngựa, kiếp làm lợn, rồi kể cuộc đời của một con người, thì cũng không được mấy ai chú ý. Cho nên có thể nói như thế này, nếu nói đến Mạc Ngôn bây giờ thì người ta sẽ “À, Mạc Ngôn – Báu vật của đời!” coi như là cuốn sách chính để đánh giá ông ấy.
Mặc Lâm: Xin cám ơn nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên.
Mặc dù không ai nghi ngờ tài năng văn học của Mạc Ngôn nhưng vị trí mà ông đang giữ trong đảng cộng sản Trung Quốc đã khiến không ít người dân đại lục, nhất là những người bất đồng chính kiến công kích. Ngay sau khi tin ông nhận giải, có một số ý kiến cho rằng trao giải cho một người có vị trí cao trong Đảng cộng sản Trung Quốc là không thích hợp khi một người khác, cũng được giải Nobel hòa bình nhưng vẫn còn bị nhốt trong trại giam, đó là ông Lưu Hiểu Ba.
Khác với lần trước, khi Lưu Hiểu Ba được công bố trúng giải Nobel Hòa bình, nhà cầm quyền Trung Quốc đã giam giữ ông mà không cho thân nhân tiếp xúc. Lần này Mạc Ngôn được nhà nước vinh danh tận lực và chính ông cũng đưa ra những nhận xét về Mao Trạch Đông như một nhà chính trị đầy tài năng mặc dù trong Cách mạng Văn hóa họ Mao đã giết hàng chục triệu người Trung Quốc cho ý tưởng điên rồ của mình.
Ngay sau khi bị phản ánh nhà văn Mạc Ngôn đã nhanh chóng đưa ra đề nghị chính quyền Trung Quốc nên thả ông Lưu Hiểu Ba và có lẽ do tuyên bố này dư luận đã lắng xuống những phê phán về ông.
Theo dòng thời sự:
- Nhà văn Mạc Ngôn đoạt giải Nobel Văn Học nói lên điều gì?
- Nobel Văn Chương 2012 được trao tặng cho nhà văn Mạc Ngôn của Trung Quốc
- Ông Ngãi Vị Vị chế nhạo thái độ của Bắc Kinh đối với giải Nobel
- “Ma Chiến Hữu” trong cuộc chiến biên giới 1979
- Giải Nobel văn học 2012 gây ra tranh cãi tại Trung Quốc
- Ông Lưu Hiểu Ba không cô đơn
- Trao giải Nobel Hòa Bình cho người vắng mặt