
Tác phẩm hiện đang được giới thiệu bởi Diễn Đàn Thế Kỷ rộng rãi trên nhiều châu lục và nội dung cũng như phong cách viết của nó đã gây chú ý cho rất nhiều nhà phê bình văn học trong cũng như ngoài nước.
Nguyễn Bình Phương, sinh năm 1965. Anh được biết nhiều qua những tác phẩm xuất hiện đều đặn trên các trang báo trong và ngoài nước. Hiện cư trú và làm việc tại Hà Nội, Nguyễn Bình Phương tuy không nổi tiếng như nhiều tác giả khác nhưng anh là cây bút được giới phê bình văn học đánh giá cao, vượt cả những nhà văn trước đây đã từng nổi tiếng trong thời gian vừa qua.
Kết hợp của nhiều câu chuyện ly kỳ
“Xe Lên Xe Xuống,” vừa được Diễn Đàn Thế Kỷ xuất bản tại California sau khi cuốn sách gặp trở ngại và bị các nhà xuất bản trong nước từ chối phát hành. Cuốn tiểu thuyết kể chuyện về hai chuyến xe, một chuyến đi lên và một chuyến đi xuống. Lên là lên vùng biên giới Việt Nam và Trung Quốc, và xuống là từ vùng ấy đi ngược xuống đồng bằng.
Trong hai chuyến xe mà Nguyễn Bình Phương miêu tả đã mang trên mình nó hầu như những vấn đề nóng bỏng của Việt Nam hiện nay theo một giọng văn mà nhiều nhà phê bình đánh giá là ngôi sao tuy vừa mới sáng lên nhưng đã tỏa biết bao ánh sáng huyền hoặc trên bầu trời tiểu thuyết huyền ảo của Việt Nam. Từ quá khứ tới hiện tại. Từ cõi chết tới sự sống. Nguyễn Bình Phương mang hình ảnh của những tha hoá bao trùm nhiều thế hệ tương phản hình ảnh mà cách đây hơn ba mươi năm khi cuộc chiến tranh biên giới xảy ra.
Xe Lên Xe Xuống được Diễn Ðàn Thế Kỷ xuất bản vào tháng 12 năm 2011, theo nhiều người thì có thể coi đây là đỉnh cao nhất trong tất cả các tác phẩm đã xuất bản của ông Nguyễn Bình Phương.
Nhà báo Phạm Phú Minh, nguyên chủ bút tuần san Thế Kỷ 21, hiện chăm sóc cho báo online Diễn Đàn Thế Kỷ, kể lại cơ duyên mà ông nhận lời xuất bản tác phẩm này như sau:
Tôi có yêu cầu anh cho xem bản thảo, thì ngay sau đó anh gởi toàn cuốn truyện qua email tới cho tôi. Sau khi đọc xong thì tôi quyết định ngay là phải in cuốn này. Đó là một tình cảm rất văn nghệ vậy thôi chứ tôi cũng không có phân tích về lời lỗ.
Nhà báo Phạm Phú Minh
Nhà báo Phạm Phú Minh :
Lâu nay tôi làm Diễn Đàn Thế Kỷ, một tờ báo online. Tôi không có ý định xuất bản sách nữa mặc dầu trước kia, khi làm tờ Thế Kỷ 21 tôi cũng có xuất bản một ít sách.
Tôi với anh Nguyễn Bình Phương không quen biết với nhau. Một người chuyển cho tôi bản thảo điện tử, sau khi đọc xong thì tôi quyết định ngay là phải in cuốn này. Đó là một tình cảm rất văn nghệ vậy thôi chứ tôi cũng không có tính toán gì về chuyện lời lỗ. Chuyện xuất bản sách bây giờ tôi không định làm nữa vì tuổi cũng đã cao rồi.
Sau đây mời quý vị theo dõi cuộc mạn đàm giữa chúng tôi và nhà báo Ngô Nhân Dụng cũng là nhà thơ Đỗ Quý Toàn về những gì ông cảm nhận từ tác phẩm “Xe Lên Xe Xuống” của Nguyễn Bình Phương.
Mặc Lâm :
Trước tiên xin cám ơn nhà báo Ngô Nhân Dụng đã cùng với chúng tôi chia sẻ tác phẩm này. Được biết ông đã đọc rất kỹ tác phẩm “Xe lên xe xuống” của Nguyễn Bình Phuơng, tôi xin được nói ngay là nếu cố diễn tả nội dung của nó như các tiểu thuyết bình thường khác thì chúng ta sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nếu không muốn nói là không thể, vì cách viết khá mới mẻ của tác phẩm. Tuy nhiên nếu được thì xin ông phác thảo một hình ảnh dễ nhớ nhất cho những người chưa đọc “Xe lên xe xuống” để họ có thể có khái niệm về nội dung của nó thì tôi nghĩ rằng câu chuyện của chúng ta sẽ dễ theo dõi hơn phải không ạ?
Nhà báo Ngô Nhân Dụng :
Cuốn truyện Xe Lên Xe Xuống của Nguyễn Bình Phương rất khó mà tóm tắt câu chuyện như thế nào. Nếu một người đọc rồi tóm tắt lại thì có thể quý vị nghe câu chuyện xong đến lúc quý vị đọc cuốn sách đó thì có thể quý vị bị lạc đi theo cái cách của người đã tóm tắt. Thành ra nếu đọc cuốn sách này thì nên đọc như thể là mình không biết gì về câu chuyện trong đó cả, đến lúc đọc thì cái cảm xúc của mình nó tới một cách tự nhiên hơn.
Trong cả hai chuyến xe đó, nhân vật chính nhớ lại những câu chuyện đã xảy ra trong đời mình, thành ra cứ mỗi một đoạn chúng ta lại được đọc một câu chuyện về quá khứ của nhân vật này đã sống qua.
Nhà báo Ngô Nhân Dụng
Mặc Lâm :
Hay là chúng ta có thể dựa vào cái nhan đề của cuốn sách để dẫn câu chuyện ra cho dễ hiểu một chút hay không, thưa ông?
Ngô Nhân Dụng :
Nhan đề của tác phẩm Xe Lên Xe Xuống là lời kể của nhân vật trong hai chuyến xe, cùng nhân vật đó với những đoạn in nghiêng là chuyện mà nhân vật đó quan sát trong lúc xe đi xuống; thế rồi một chuyến xe khác là chuyến xe đi lên thì cũng lời nhân vật đó kể những gì đã thấy. Trong cả hai chuyến xe đó, nhân vật chính nhớ lại những câu chuyện đã xảy ra trong đời mình, thành ra cứ mỗi một đoạn chúng ta lại được đọc một câu chuyện về quá khứ của nhân vật này đã sống qua.

Có thể nói rằng hai nhân vật đó là một nhưng cũng là hai, một người đi xe xuống và một người đi xe lên. Xe lên là chuyến xe đi từ miền đồng bằng Bắc Việt đi lên miền núi biên giới Việt Nam – Trung Quốc; và chuyến xe xuống thì cũng là một xe khác nhưng mà đi từ miền biên giới Hoa – Việt ở đỉnh Tà Vần đi xuống đồng bằng. Những gì mà nhân vật kể lại trong hai chuyến xe đó và những ký ức của anh ta, đó là tất cả câu chuyện. Nếu tóm tắt thì tóm tắt như vậy để cho quý vị độc giả lúc đọc có thể hình dung được các chuyến xe như thế nào, nhưng nếu kể hết cả các tình tiết ra thì có thể làm cho quý vị mất hứng thú khi chính quý vị đọc quyển sách đó.
Ngoài nhân vật chính mà có lúc đi xe lên, có lúc đi xe xuống đó thì có lúc tác giả cũng trình bày một nhân vật thứ hai nữa là người anh ruột của nhân vật chính này. Lời của nhân vật thứ hai qua những cái như là nhật ký của anh ta. Và nhân vật chính tên là Hiếu lâu lâu lại trích một đoạn trong nhật ký của người anh mình khi nào liên quan đến điều mà anh ta đang kể qua và làm nhớ đến người anh. Đó là một nhân vật nữa mà lâu lâu tác giả đặt những câu trong nhật ký đó ở trong dấu ngoặc kép, nếu người đọc tinh ý thì biết đó là lời của người khác.
Một loại tiểu thuyết mới
Mặc Lâm :
Như ông vừa phác họa tuy là khái quát thôi nhưng cũng đủ cho thấy tác giả Nguyễn Bình Phương đã xây dựng cốt truyện trên một cái sườn rất hậu hiện đại. Có lẽ vì vậy mà nhiều người đọc cho rằng quyển sách này khó thưởng thức trong khi đó một số khác lại thấy trên cả tuyệt vời…hai thái độ mâu thuẩn này của người đọc phải giải thích như thế nào?
Ngô Nhân Dụng :
Có thể, có thể người đọc tiếp cận hơi khó khăn, nhưng chúng ta biết là Nguyễn Bình Phương không chỉ là một tiểu thuyết gia mà anh còn là một nhà thơ, thành ra một người làm thơ thì điều thứ nhất là họ rất quý chữ nghĩa, họ chọn những tiếng, những cách xếp đặt lời, những cách xếp đặt các tình tiết, những câu chuyện được xếp trước sau ở bên cạnh nhau, thì tất cả những cái đó là cái dụng ý của tác giả.
...anh còn là một nhà thơ, thành ra một người làm thơ thì điều thứ nhất là họ rất quý chữ nghĩa, họ chọn những tiếng, những cách xếp đặt lời, những cách xếp đặt các tình tiết, những câu chuyện được xếp trước sau ở bên cạnh nhau, thì tất cả những cái đó là cái dụng ý của tác giả.
Nhà báo Ngô Nhân Dụng
Giống như mình đọc một bài thơ, nhiều khi mình không đặt câu hỏi là câu trước với câu sau nó liên hệ gì đến nhau, nhưng mình đọc câu trước và đọc câu sau thì cả hai câu đó hay cả bài thơ đó với những câu xếp đặt như vậy nó tạo cho mình một cảm giác như thế nào, đó là cách tốt nhất để đọc thơ, thay vì muốn tìm hiểu như là đọc một bài tường thuật trên báo một câu chuyện xảy ra như thế nào - có đầu có đuôi, thì một bài thơ lại không có đầu có đuôi như vậy.
Nguyễn Bình Phương viết cuốn Xe Lên Xe Xuống này với thói quen của một nhà thơ. Anh để cho chúng ta tiếp cận với những chi tiết, chi tiết trước rồi chi tiết sau. Nhiều khi chúng ta phải đọc đi đọc lại và để trí óc của mình hết sức là tự do thì chúng ta mới có được cái cảm giác chung khi đọc những đoạn đó ngay bên cạnh nhau, cũng như là khi đọc cả tác phẩm.
Chúng ta không nên đi tìm một thứ gọi là “logic”, một thứ “chuyện kể” có đầu có đuôi, có liên hệ đến nhau. Tôi nghĩ rằng nếu người đọc có cảm giác là “cái này khó hiểu quá” thì tốt nhất là đừng tìm cách hiểu nó; hãy đọc và để lòng mình cởi mở, đón nhận những cảm giác mà các đoạn văn của Nguyễn Bình Phương đã tạo cho mình. Đó, tôi nghĩ là cách đọc tốt hơn là mình đi tìm một câu chuyện và xem chuyện đó có đầu thế nào có đuôi ra sao, cái nào đưa tới biến cố nào. Đại khái đó là lối đọc gọi là đọc báo chí chứ không phải là đọc văn tiểu thuyết. Tức là Nguyễn Bình Phương đã sử dụng một kỹ thuật táo bạo, hơi khác thường, thì người đọc càng nên để lòng mình rộng hơn, mở ra, thì tiếp nhận được tác phẩm một cách dễ dàng hơn và thích thú hơn nữa.
Mặc Lâm :
Bây giờ chúng ta thử xếp quyển sách lại thì người đọc sẽ thấy còn đọng lại gì qua một cuốn sách tuy mỏng nhưng chứa rất nhiều chi tiết miêu tả những vần đề lớn của đời sống từ văn hoá đến lịch sử đến cả những thắc thỏm mà tác giả luôn làm cho người đọc cảm nhận một cách vô thức ?
Nguyễn Bình Phương đã sử dụng một kỹ thuật táo bạo, hơi khác thường, thì người đọc càng nên để lòng mình rộng hơn, mở ra, thì tiếp nhận được tác phẩm một cách dễ dàng hơn và thích thú hơn nữa.
Nhà báo Ngô Nhân Dụng
Ngô Nhân Dụng :
Có rất nhiều cảm giác phức tạp sau khi mình đọc cuốn sách này. Nhiều người đọc cuốn sách này thì chú ý đến một khía cạnh rằng đây là cuốn sách có nhắc đến rất nhiều về cuộc chiến tranh giữa Việt Nam với Trung Quốc hồi năm 1979. Và nếu người đọc muốn chú ý đến khía cạnh đó thì có thể đọc ở trong này sẽ thấy rõ hơn những chi tiết sống ở trong thời chiến tranh đó. Tác giả rõ ràng là không biện luận gì cả về cuộc chiến tranh, cũng không có nói đến những khung cảnh lớn lao ở chung quanh cuộc chiến tranh đó và cái ý nghĩa của nó. Qua những đoạn văn mô tả ở trong này về những thổ phỉ, rồi những người như hai vợ chồng chẳng hạn đã chiến đấu với cả một đội quân rất đông của Trung Quốc ở trong một khu núi.
Thế rồi câu chuyện người anh ruột của nhân vật chính tham dự vào cuộc chiến rồi bị bắt sang bên Tàu và đã chứng kiến những cảnh rất là ghê rợn, trốn được về, rồi cuối cùng lại bị bắt và bị giết. Những chi tiết như vậy nó làm cho người ta thấy đây là những hình ảnh thật trong một cuộc chiến tranh.
Tác giả không hề có ý nói cái nào tốt cái nào xấu, mà cũng không có đề cao những người nào là anh hùng, và cũng không nói người nào là tàn ác, xấu xa. Tất cả ông ta đã trình bày là những hình ảnh giống như mình đi coi một cuộc triển lãm với nhiều bức hình mà không có lời ghi chú nào hết và không có một phán đoán hay là khen chê. Đó là một kỹ thuật rất đặc biệt. Cái cảm tưởng của người đọc sau khi đọc xong là thấy chiến tranh rất ghê tởm, thấy con người bị biến thành những bộ máy khi nó tham dự vào cuộc chém giết như vậy. Có lẽ nếu người đọc chú ý đến khía cạnh cuộc chiến giữa Trung Quốc và Việt Nam năm 1979 thì có thể thấy cái đó. Thế nhưng nếu chúng ta chỉ chú trọng đến mỗi khía cạnh đó thì cũng là một sự phí phạm.
Mặc Lâm :
Xin cám ơn nhà báo Ngô Nhân Dụng.
Thưa quý thính giả do thời lượng có hạn nên chúng tôi tạm gác lại cuộc nói chuyện với nhà báo Ngô Nhân Dụng về tác phẩm “Xe lên xe xuống” của nhà văn Nguyễn Bình Phương. Tiếp tục trong lần tới chúng tôi sẽ cùng với ông đào sâu thêm, phần cốt lõi tinh túy của tác phẩm này qua những gì mà Nguyễn Bình Phương gửi gấm trong “Xe lên xe xuống”. Mong quý vị đón nghe cũng trong chương trình Tạp Chí Văn Hóa Nghệ Thuật vào Thứ Bảy hàng tuần.