Nguyễn Duy xuất hiện và thành danh từ khi còn rất trẻ. Ông may mắn được nhà phê bình văn học Hoài Thanh chú ý và giới thiêu bài thơ đầu tiên để từ đó ông lặng lẽ theo đuổi con đường thơ ca của mình với không ít gian truân qua nhiều bài thơ nổi tiếng.
Làm thơ để tự bày tỏ mình
Nguyễn Duy nổi tiếng với những tập thơ tiêu biểu đã được người đọc đón nhận qua nhiều thế hệ và trong đó có những bài như: Nhìn từ xa..Tổ quốc, Đá Ơi, Hơi ấm ổ rơm, Bầu trời vuông, Tre Việt Nam....
Thơ ông đánh thức lương tri con người, chế độ trước những sai lầm do ác tính dẫn đường, hay ngay cả chiến thắng của cuộc chiến tranh mà người ta hả hê ca tụng thì với nhà thơ đó cũng không hơn một bản bi ca cho người dân khốn khổ.
Hôm nay nhà thơ tuy rất mệt mỏi do căn bệnh kéo dài đã nhiều năm nhưng vẫn cho phép chúng tôi có buổi nói chuyện với ông để chia sẻ những kỷ niệm, những gian truân mà những bài thơ của ông từng bị trù dập. Mời quý vị theo dõi sau đây:
Mặc Lâm : Thưa nhà thơ Nguyễn Duy, theo chúng tôi được biết thì ông đã nhận được hai giải thưởng quan trọng là Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007, và giải thứ hai do Viện Hàn Lâm Mihai Eminsecu của Rumania chọn để trao Giải thưởng Lớn về thơ năm 2010. Thưa, giữa hai giải thương đó thì ông cho giải nào là quan trọng hơn đối với ông và tại sao, thưa ông?
...Đồng thời đối với tôi thì giải thưởng cũng chả có gì quan trọng cả. Mình làm thơ không phải là để giật giải, mà làm thơ để tự bày tỏ mình thôi. Quan trọng nhất là thơ của mình có được nhiều người nhớ tới không, có được người ta truyền tụng hay không, đó mới là điều quan trọng
Nhà thơ Nguyễn Duy
Nhà thơ Nguyễn Duy : Thực tế tôi không dự thi mà người ta chọn và trao giải. Thơ của tôi tự thân nó tạo được sự rung cảm và giải thưởng nhà nước ở Việt Nam thì tôi được đề cử đợt đầu 2001, nhưng sau đó qua tất cả các cửa ải để đến khâu chung kết thì tôi bị loại vì tôi là “nhà thơ có nhiều vấn đề” quá, và đặc biệt là “Nhìn từ xa… Tổ Quốc”, lúc đó người ta chịu không nổi bài này. Cho đến 2007 họ đề cử lại. Việc này tự động người ta làm thôi chứ tôi không tham dự vào việc làm các thủ tục.
Còn giải thưởng ở Rumania thì Viện Hàn Lâm Mihai Eminescu - Viện mang tên nhà thơ lớn của Romania là ông Mihai Eminescu, giống như ông Nguyễn Du của Việt Nam vậy – tôi không biết họ đọc ở đâu nhưng tôi đoán là họ căn cứ vào tập tuyển dịch của tôi ở Mỹ. Tôi đoán như vậy thôi chứ không biết thực tế có phải như vậy không. Tôi hoàn toàn không biết về họ cũng như không có một giao dịch nào với Viện Hàn lâm đó cả. Họ gửi cho tôi một thông báo và mời tôi sang Romania để nhận giải, nhưng do đau ốm không thể đi được.
Nó (giải thưởng) quan trọng ở chỗ là tự người ta trao giải cho tôi chứ tôi không dự thi, không tham gia việc tranh giải nào cả. Đồng thời đối với tôi thì giải thưởng cũng chả có gì quan trọng cả. Mình làm thơ không phải là để giật giải, mà làm thơ để tự bày tỏ mình thôi. Quan trọng nhất là thơ của mình có được nhiều người nhớ tới không, có được người ta truyền tụng hay không, đó mới là điều quan trọng.
Bài “Nhìn từ xa. . . Tổ Quốc”
Mặc Lâm : Bài thơ "Nhìn Từ Xa... Tổ Quốc" được viết vào năm 1988 và nhiều người lo ngại do sự dữ dội của nó nên không dám đăng, trong đó có nhà văn Nguyên Ngọc - người được xem là gan góc nhất của tờ Văn Nghệ… Xin ông cho biết một chút về câu chuyện này ạ.
Nhà thơ Nguyễn Duy : Thực ra "Nhìn từ xa. . . Tổ Quốc" khi viết xong thì chính bản thân tôi cũng bất ngờ bởi vì không nghĩ là mình viết được những câu thơ như vậy. Bản thảo hoàn thành ở Mạc Tư Khoa vào tháng 5-1988, cho đến tháng 8 năm đó thì tôi về Việt Nam. Người mà tôi đưa (bài thơ) đầu tiên là anh Nguyên Ngọc – tổng biên tập của tôi, vì tôi làm ở báo Văn Nghệ hồi đó, và anh em ngày xưa rất quý nhau, chơi với nhau thân, nhưng anh Ngọc cho biết là chưa in được.
Mặc Lâm : Còn nhà báo Kim Hạnh thì sao, thưa ông? Ông có đưa bài thơ cho nhà báo Kim Hạnh để bà này vận động cho việc in ấn hay không ạ?

Nhà thơ Nguyễn Duy : Anh Nguyên Ngọc đã nói như vậy thì tôi không đưa cho chị Kim Hạnh, mà chắc là nếu có đưa cho chị Kim Hạnh thì cũng không thể in được vì đấy là tờ báo thuộc TP.HCM, mà lúc đó TP.HCM rất là căng. Có một ông Trưởng ban Nội chính Thành ủy đã phê vào cái bản thảo bài báo in ở Sông Hương là “cái bài này phản tổ quốc, phản nhân dân, phản chủ nghĩa xã hội”. Về sau tôi gặp ông ấy tôi có cự ông ấy rằng anh nói tôi phản chủ nghĩa xã hội thì tôi thấy là
chấp nhận được vì tôi không biết cái chủ nghĩa xã hội là cái gì để mà tôi phản, chứ còn phản tổ quốc, phản nhân dân là không được. Anh nói như thế là bậy. Ngồi trên thành ủy là người ta quyền sinh quyền sát, không ai dám cãi lại như bây giờ đâu. Với tình hình như vậy ở TP.HCM thì chị Kim Hạnh dù có ba đầu sáu tay cũng không thể in được cái này.
Bài thơ này lúc đó Tô Nhuận Vỹ là Tổng biên tập Tạp chí Sông Hương, anh gặp tôi và tôi đưa cho anh bản thảo này và anh cầm về. Tôi đinh ninh là anh không in đâu, thế mà đùng một cái anh cho in ở tạp chí Sông Hương. Nó cũng như một giọt nước đầy ly, tạp chí Sông Hương đang có một số vấn đề mà gặp bài “Nhìn từ xa. . . Tổ Quốc” này thành ra họ phải đình bản để kiểm điểm. Bây giờ đọc lại mình cũng không hình dung được là hồi đó mình viết được những câu thơ như vậy. Bây giờ thì không viết nổi.
Mặc Lâm : Thưa, ông vừa nhắc những câu thơ trong bài "Nhìn Từ Xa... Tổ Quốc" khiến tôi bật lên ý định muốn hỏi ông ngay rằng cho tới nay sau 24 năm những gì ông viết trong bài thơ này hình như là nó vẫn đang ứng với xã hội con người Việt Nam hiện tại, ông có thất vọng lắm hay không ạ?
Nhà thơ Nguyễn Duy : Tôi thấy nó diễn biến ra đúng như là mình viết từ hồi đó, mà càng ngày thì lại thấy nó càng đúng với những chuyện thời sự ngày hôm nay. Bài thơ đó cũng đã dự báo hết cả rồi, từ chuyện cơ cực của dân, chuyện xuống cấp của cả xã hội, cho đến những lộn xộn của pháp luật. "Nhìn từ xa . . . Tổ Quốc" có thể nói là một cột mốc mà tôi đã dựng lên và nó chận tôi lại, tôi không đi tiếp được nữa, không vượt qua nó được nữa.
Cho đến bây giờ có nhiều câu mà khi đọc lên cũng còn rợn người. Hồi đó không phải như bây giờ đâu. Bây giờ có cả một lớp người người ta nói trùng trùng điệp điệp những điều như thế, chứ lúc đó nhìn đi nhìn lại thấy mình đơn thương độc mã mà lại ở vào cái thời điểm nguy hiểm. Người ta rình mò, người ta theo dõi ở cửa nhà tôi. Người ta theo dõi mình nên rất là khó trong cuộc sống chứ không phải chỉ là khó trong suy nghĩ nữa đâu. Thế mà, tôi đã viết :
...Cho đến bây giờ có nhiều câu mà khi đọc lên cũng còn rợn người. Hồi đó không phải như bây giờ đâu. Bây giờ có cả một lớp người người ta nói trùng trùng điệp điệp những điều như thế, chứ lúc đó nhìn đi nhìn lại thấy mình đơn thương độc mã mà lại ở vào cái thời điểm nguy hiểm. Người ta rình mò, người ta theo dõi ở cửa nhà tôi
Nhà thơ Nguyễn Duy
.
Chích một giọt máu thường xét nghiệm
tí trí thức – tí thợ cày – tí điếm
tí con buôn – tí cán bộ – tí thằng hề
phật và ma mỗi thứ tí ti…
Khốn nạn thân nhau
nặng kiếp phân thân mặt nạ
Thì lột mặt đi lần nữa mãi mà chi
dù dối nữa cũng không lừa được nữa
khôn và ngu đều có tính mức độ
Hay là những cái đoạn về quyền lực mà bây giờ đọc tôi cũng buồn cười một mình :
Xứ sở kỷ cương
sao thật lắm thứ vua
vua mánh – vua lừa – vua chôm – vua chỉa
vua không ngai – vua choai choai – vua nhỏ…
Lãnh chúa xứ quân san sát vùng cát cứ
lúc nhúc cường hào đầu trâu mặt ngựa
Luật pháp như đùa như có như không có
một người đi chật cả con đường
Vân.. vân.., nhiều lắm. Có thể nói nhiều câu tôi tâm đắc mà bây giờ tôi không viết nổi.

Bài “Đá ơi”
Mặc Lâm : Còn riêng bài thơ "Đá ơi" đã nổi tiếng với những câu:
Nghĩ cho cùng
Mọi cuộc chiến tranh
Phe nào thắng thì nhân dân đều bại...
Mấy câu này có gây khó dễ cho ông sau khi bài thơ ra đời hay không, thưa ông?
Nhà thơ Nguyễn Duy : Thực ra cũng có, nhưng mà lúc đó nó cũng đỡ rồi chứ không như thời gian bài "Nhìn Từ Xa... Tổ Quốc"xuất hiện. Ý nghĩ này viết bài này từ trong lúc đang còn là người lính, khi tôi nằm ở mặt trận Quảng Trị tôi đã thấy điều này rồi. Lính bên này, lính bên kia, cả hai đều là nạn nhân của chiến tranh, và người thất bại, phải gánh chịu thất bại, cuối cùng là người dân.
Nhưng lúc đó tôi chưa viết được. Chưa viết được mà cứ nghĩ ở trong lòng mình, nung nấu điều đó. Tôi nhớ hồi đó tôi giữ một khẩu AK-47 báng gập, có thể nói là một khẩu súng có uy lực vào thời gian đó. Một hôm tôi đang ngồi lau súng thì ông Chủ nhiệm Chính trị của Bộ tư lệnh Thông tin, là bộ tư lệnh mà tôi làm lính ở đấy, ông ấy đi qua và ông ấy hỏi tôi : “Cậu thấy khẩu súng này có đẹp không?”. Tôi nói với ông : “Không đẹp! Nó chỉ là một vật bất đắc dĩ thôi, chứ khẩu súng thì không bao giờ đẹp cả.” Ông ấy dừng lại, ông ấy chỉ một ngón tay và ông nói là : “Cái câu này cậu chỉ được nói một mình tôi thôi nhé. Cậu không được nói với những người khác.”
Ông ấy dặn tôi như vậy, và là một ông tướng, chính ông này cũng đã giúp tôi rất nhiều trong những lúc người ta làm khó đối với tôi.
Ý nghĩ về bài thơ đó đã hình thành từ hồi đó, nhưng mà để viết thành bài “Đá ơi!” thì phải đến năm 1989, lúc đó tôi sang mặt trận 479 của Việt Nam với Campuchia, đóng đại bản doanh ở Siem Reap, gần Đền Angkor. Tôi đến đó vào đúng ngày cuối cùng rút quân Việt Nam ra khỏi Campuchia, ngày 20-8-1989. Tôi nhìn thấy cuộc chiến tranh ở Campuchia rõ hơn, lúc đó tôi mới cầm một viên đá gọi là đá phấn và viết lên một tảng đá ở chỗ Đền Angkor mấy câu này:
....Nghĩ cho cùng<br/> Mọi cuộc chiến tranh<br/> Phe nào thắng thì nhân dân đều
Nhà thơ Nguyễn Duy
....Nghĩ cho cùng
Mọi cuộc chiến tranh
Phe nào thắng thì nhân dân đều bại...
Ta mặc niệm trước Angkor đổ nát
đá cũng tàn hoang huống chi là kiếp người
Đá ơi
xin tạc lại đây lời cầu chúc hòa bình
nghĩ cho cùng
mọi cuộc chiến tranh
phe nào thắng thì nhân dân đều bại
Bài thơ nó có tên là "Đá ơi!". Về sau bài thơ này được dịch trước khi được in ở trong nước. Bản dịch đầu tiên của nó là bản dịch tiếng Nga. Năm 1990 tôi có dự Hội Thơ Puskin ở chính cái làng của ông nhà thơ Puskin. Tôi là vị khách đầu tiên mà cũng là vị khách cuối cùng của Hội Nhà Văn Việt Nam dự hội thơ này, bởi vì sau đó Hội Nhà Văn Liên Xô không còn nữa. Sau đó Thụy Điển dịch bài thơ này và in ở Thụy Điển năm 1992.
In ở Việt Nam thì bài thơ có in ở trong tập Quà Tặng năm 1990, lúc có nhiều sự tố cáo về bài thơ này lắm, nói là tôi phủ nhận cái nọ, tôi phủ nhận cái kia. Thực ra với tôi thì không phải là chuyện phủ nhận mà tôi muốn nói bản chất của cuộc chiến tranh : chiến tranh chính nghĩa hay phi nghĩa. Dù là chính nghĩa, hay là phi nghĩa thì hậu quả của chiến tranh, gánh nặng của điêu tàn đều rơi vào nhân dân hết. Bài này được dịch sang tiếng Anh và rất được hoan nghênh ở Mỹ. Những cuộc đọc thơ tôi ở Mỹ thì gần như bao giờ cũng kết thúc với bài này, nó thay cho một lời chúc hòa bình
Mặc Lâm : Thưa nhà thơ, ông vừa nói là bài thơ được dịch ra tiếng Anh, điều này nhắc cho tôi nhớ rằng ông đã nhiều lần ra nước ngoài để đọc thơ của mình. Thưa, ông đánh giá thế nào về những buổi đọc thơ tại Mỹ ? Nó có được tổ chức để nhắm vào giới thiệu một nhà thơ Việt Nam hay là nó còn có một mục tiêu nào khác mà ông không nhận ra?
Nhà thơ Nguyễn Duy : Việc người ta giới thiệu nhà văn, nhà thơ, nhiều nơi nhiều lúc có nhiều chuyện và nhiều mục đích lắm, thậm chí có những việc xã giao rất khôi hài. Nhưng riêng trường hợp của tôi thì nó không rơi vào tình trạng như vậy. Tôi chỉ đọc thơ của chính tôi thôi và nó có lý do cụ thể của nó. Thơ của tôi được dịch bên Mỹ trước khi tôi qua bên Mỹ. Khi người ta mời tôi là mời đích danh, mời tác giả, chứ không phải là mời một đại biểu hay là một thành viên của một tổ chức nào đó. Các trường hợp mà tôi được mời đi đọc thơ được tổ chức nhiều buổi đọc và đọc ở nhiều nơi, ở nhiều thành phố khác nhau, chủ yếu là trong giới sinh viên đại học và học sinh ở một số trường trung học.
Năm mà tôi được đọc nhiều buổi nhất là năm 2000 do một nhà xuất bản ở Connecticut, họ in tuyển tập thơ của tôi – tập "Đường Xa" (Distance Road). Họ mời tôi qua để đi giới thiệu tuyển tập thơ ấy. Có những nhà thơ Mỹ họ rất nhiệt tình. Họ đi cũng với tôi, họ đọc bản dịch tiếng Anh, còn tôi đọc bằng tiếng Việt. Có những trường học người ta chuẩn bị rất chu đáo, người ta cho học sinh đọc và bình những bài thơ của tôi, như bài thơ "Đò Lèn" chẳng hạn, tôi viết về bà ngoại – một người bà đã mất. Tôi thấy họ làm việc rất là đứng đắn và nghiêm túc. Các buổi đọc thơ được tổ chức khá chu đáo, có thể nói rất là văn minh.
Mặc Lâm : Xin cám ơn nhà thơ Nguyễn Duy về những chia sẻ mà ông dành cho thính giả của đài Á Châu Tự Do ngày hôm nay. Chúng tôi rất tiếc là thời gian không còn nhiều, và chúng tôi vẫn còn nhiều câu hỏi với ông. Xin dành lại một dịp khác. Xin cảm ơn nhà thơ.
Nhà thơ Nguyễn Duy : Xin cảm ơn Mặc Lâm và cảm ơn các bạn.