Nhà Thơ Trúc Ty
2012.08.24
Trúc Ty có ba tác phẩm thơ được in chung với các tác giả là: “47 tác giả Có jì dùng jì có nấy dùng nấy”, “Bướm sáu cánh” và “7749”. Tác phẩm của anh được tập trung trên các trang mạng: tienve.org, damau.org, thotanhinhthuc.org
“Trước khi là giấy vụn”
Nói về tác phẩm mới nhất có tựa “Trước khi là giấy vụn” Trúc Ty cho biết:
-Đây là tác phẩm in riêng đầu tiên của tôi. Từ thời học sinh thì tôi đã sáng tác rồi nhưng đó chỉ là những bản thảo vậy thôi chứ chưa bao giờ công bố trên báo chí. Tập thơ này trong giai đọan mình có những tương tác với những tác giả mà mình gần gũi và có quan điểm có thể chia sẻ với nhau được. Thường thường những gì mình đọc và tiêu hóa vào dòng thơ của mình. Qua những gì mình đọc được, những tác giả mình yêu thích. Tuy nhiên mình phải quan sát và tìm hìểu những tác động đến cảm xúc lúc ấy tự nhiên nó vào thơ mình thôi. Khi sáng tác lúc ấy là phần việc của mình rồi, còn việc xuất bản lại là việc khác. Nhu cầu in ấn là một nhu cầu có thực vì người sáng tác thì ai cũng muốn cho ra đời một tác phẩm đã hoàn thành chứ hy vọng vào độc giả thì mình không kiểm soát được.
“Trước khi thành giấy vụn” là tựa đề chung của những bài thơ bị xé nát, bị biến thành giấy vụn theo nguyên nghĩa. Những bài thơ ấy dài ngắn, đậm nhạt khác nhau nhưng ý tưởng và lời lẽ gần như đồng nhất quy về tâm trạng: vụn nát, rối bời, ảm đạm và cô độc.
Tất cả những cảm giác đó bàng bạc khắp các trang viết của Trúc Ty cho người đọc ấn tượng về sự phản kháng trước những ập tới hàng ngày của vô số câu hỏi về hiện thực đối với nhà thơ. Hiện thực chủ nghĩa trong văn chương, hiện thực sống còn trong cuộc chạy đua tìm thức ăn cho trí tưởng. Hiện thực nổ tung thông tin trên mạng đối kháng với sự im lặng do kềm chế. Hiện thực của các giá trị bị đảo lộn song hành với các cơn ác mộng hiện diện từng ngày khắp nơi.
Trúc Ty, ở lứa tuổi 35 thời kỳ qua sự nhào nặn và định hình bước đi của một người làm thơ đã tự nhận xét về mình qua đôi mắt của những kẻ ghét thơ, dù là thơ kiểu nào, lục bát hay tân hình thức, nếu thơ được dùng như một cách phát ngôn mà nội dung của nó có thể làm lung lay những bệ đỡ cho thần tượng giả hay những bất công khoác áo chính trị khiến xã hội có nguy cơ quay trở về thời nguyên thủy. Qua bài “Thi sĩ - bọt” Trúc Ty gọi tên những kẻ cuồng tín này chỉ qua vài câu chừng như phác thảo:
“Thi sĩ - bọt”
Mi chẳng có lấy một thập tự giá
Chẳng có lấy những cái đinh để
Bọn chúng những kẻ ghét cái trò này
Đóng mi lên nóc của một giáo đường không
tín đồ
Mi kẻ tự chôn mình vào những khái niệm trắng
Lảm nhảm bùa chú
mọc ra từ những ảnh tượng xám.
Trong “Cười khổ dưới Thập giá” Trúc Ty đem Thánh giá ra như một biểu tượng của thuần khiết và hy sinh. Chính Thánh giá hôm xưa đã nhận những vết đinh cuồng tín và kéo dài đến tận hôm nay với những tín điều khác mang tên lý tưởng:
Cười khổ dưới thập tự giá
Ui chao
Những cái mặt trắng đá
Lấy gì vá lại đêm vỡ tan
Ngày trong suốt
Kẻ xin cơm dò đường…
Lời trích dẫn là:
Dưới ánh sáng này
Làm gì còn bọn khố rách…
Hun hút sâu. Ngõ hẻm
Lời kinh cầu đã dứt
Dưới ảnh tượng hí hoạ của Chúa
Bó gối
Cười buồn
Trong mỗi lúc bó gối, Trúc Ty như chìm mình vào bóng tối, kể cả bóng tối của ban ngày rực rỡ. Tối tăm hình như đã trở thành thuộc tính trong thơ của Trúc Ty vì người đọc không thể vượt ra cái khoảng tối không biên giới của tác giả. Bóng tối không những giúp ý tuởng cô đọng và sáng lóa nó còn là nơi tĩnh lặng để cô đơn. Trúc Ty va vấp trong bóng tối để nhận thức tiếng vang vọng lại từ quá khứ lẫn hiện tại. Quá khứ đóng khung hiện tại và không có câu trả lời cho tương lai. Thi sĩ suy tưởng tới các vì sao như một cố gắng tuyệt vọng để thoát ra khỏi vòng tròn bao vây anh dưới đất. Những con người vẫy vùng tuyệt vọng trong vũng tối vô biên ấy phải chăng là nỗi ám ảnh không nguôi của thi sĩ? Thi sĩ của những góc tối không có cơ may nhận sự bùng vỡ của ánh sáng như sự thay đổi tận gốc rễ để con người thật sự sống và thở hơi thở thời đại.
Góc tối này
đêm đẩy ý nghĩ lên những chòm sao
rắc
chạm những hơi thở ngang...
ấy là tất cả những bí mật của đêm
mà em
hé lộ dưới ngọn nến tắt
tất cả những gì va vào sâu thẳm
đều dội lại bằng nước mắt
ấy-lời-của-Kẻ-Khuất-Mặt
các ngươi, quả thật các ngươi
mãi vẫy vùng trong vũng cô độc.
Trúc Ty có vẻ gắn bó với hình ảnh Thập giá. Trong thơ anh, Thập giá ẩn hiện khắp nơi, từ vũ trụ đến một vết mờ trên tường sau khi chiếc Thập giá bị gỡ xuống. Cái vết mờ ấy đè nặng nhà thơ như từng đè nặng nhiều vị chân tu một mình đối diện với tường trắng trong tu viện để suy nghĩ về sự tái sinh.
Trúc Ty không hy vọng gì vào sự tái sinh, điều chỉ xảy ra trong tương lai. Anh viết về sự nhàm chán, đang trong thì hiện tại. Nhàm chán là một trong những nguyên nhân hủy diệt. Nhàm chán hủy diệt nghệ thuật. Nhàm chán cũng không bao dung cho sự hủy diệt trong tình yêu, niềm tin, kể cả tín ngưỡng và chính trị.
Nhàm chán tạo cơ hội cho quyền lực nảy sinh sự vô cảm. Trúc Ty thể hiện chúng qua “Một bài từ phương Tây”:
Một bài, từ phương Tây
dấu phẩy, là một rạn nứt vũ trụ
kẻ bịa đặt, đang tiên đoán
về điểm đến của loài ốc sên
đang nối nhau đi bên đường chân trời
vụ nổ, chỉ là một sự kiện
chỗ treo bức tranh, còn trơ chiếc đinh
và vết mờ thập giá
những vệt màu nước, đã
xong điệu vũ, còn trơ cánh đồng
trong bảo tàng nghệ thuật, vài vụ đánh cắp
được tìm thấy, nhưng để làm gì
chỗ chiếc ghế chỉ còn trơ chiếc ghế
và trang sách, màu đỏ đã chuyển sang đen
tên đồ tể, chuẩn bị tái bản, trước tác bằng máu.
nhà thơ nhại, lại đi, và kể chuyện,
lại đi, và kể chuyện, là chuyện gì, chẳng rõ.
Thỉnh thoảng Trúc Ty cảm nhận cái chết có khả năng cứu rỗi khi sự nhàm chán đã lên đến đỉnh điểm. Cái chết không thực sự dễ như một lần nằm xuống nhưng nó là câu trả lời cuối cùng cho những câu hỏi trong đời sống này. Thi sĩ chạy trốn sự cùng quẫn nội tâm bằng một tư duy cùng quẫn khác. Trong bài “Thụ cảm – tháng Tư” Trúc Ty viết:
Thụ cảm — tháng Tư
cũng mong một lần
cái chết, nhẹ như hơi thở
trong cơn sốt dài, trước sân bệnh xá
tôi cúi đầu
tẩm liệm những bông hồng
bây giờ, làm điều này thật dễ
nằm xuống, xuôi tay, thở hơi cuối cùng
quên từng vẻ mặt tuyệt vọng
và những ngày ảm đạm.
bây giờ, làm điều này thì đơn giản hơn
đứng dậy, cầm đèn, và đi vào bão
Không phải lúc nào Trúc ty cũng trầm ngâm với các con chữ huyền ảo. Nhiều lúc anh quay phắt lại cuộc sống và nhận ra những đìều kỳ quặc xảy ra hàng ngày chung quanh. Khái niệm “công dân” trở nên khôi hài khi người ta bị ám ảnh bởi hai chữ “công an”. Sự ám ảnh tâm lý này nặng nề và dai dẳng cho cả một kiếp người khi “công an” dẫm mạnh chân vào đời sống, sinh mạng, hay tài sản trí tuệ của công dân.
Bài thơ hằn lên những nếp nhăn khó phai bởi hình ảnh nặng nề của bạo tàn và man dại. Công an và công dân có thể hoán chuyển cho nhau không? Tác giả đặt câu hỏi và ước ao như thế. Nỗi ước ao mà anh tự nhận là dã man trong câu kết của bài thơ:
Công dân & công an
để tặng bác Điếu cày & Duy Anh, bác Điếu ơi, con ghét nhất là công an và bác sỹ…
Công an có quyền bắt công dân. Công dân thì
không bao giờ có quyền bắt công an. Mặc dù
công an là công bộc của công dân.
Và mặc dù, chính công an cũng là công dân. Nhưng khi công an là công an thì hắn không còn là công dân nữa vì hắn là công an. Công dân chỉ có quyền bắt công an khi công an không còn là công an mà cũng không còn là công dân.
Nếu công an không còn là công an nhưng vẫn còn là công dân thì công dân không có quyền bắt. Chỉ có công an mới có quyền bắt công an không còn là công an nhưng còn là công dân.
Nhưng công an bắt công an không còn là công an nhưng vẫn còn là công dân rất hiếm khi xảy ra nhưng vẫn xảy ra. Nhưng công an bắt công dân vẫn còn là công dân thì không hiếm khi xảy ra.
Chính tôi đã từng chứng kiến [trên mạng] cảnh công an bắt công dân vẫn còn là công dân. Không những vậy, chính tôi chứng kiến công an còn đánh công dân thê thảm và dí súng vào mồm công dân.
Công dân chỉ có thể bắt và đánh thê thảm và dí súng vào mồm công an khi công dân trở thành công an và đổi lại công an trở lại làm công dân.
Tôi, một công dân, ước chi tôi và tất cả công dân như tôi trở thành công an, và ước chi tất cả công an trở thành công dân như tôi. Để tôi và những công dân như tôi (đã trở thành công an) có thể thoải mái bắt và đánh thê thảm và dí súng vào mồm công an (đã trở thành công dân).
Mong tất cả công dân và công an hết sức thông cảm cho ước muốn dã man của tôi.
Đôi khi sự phát ngôn cũng có khả năng làm thơ Trúc Ty giật mình. Những con số ảo, những thành quả lung linh và khó xác định trong từng tiếng vọng thoát ra từ bộ máy chuyên chế. Những giải pháp mơ hồ đắp vá được phủ kín bởi những phát ngôn như gào thét chỉ có thể làm cho sinh vật không có trí khôn mới tin và bám víu niềm tin như chiếc phao cuối cùng trong hành trình mà giáo điều là kim chỉ nam vào bờ bên kia.
Phát ngôn
nói: chúng tôi đang đếm số
đầu người để giết thịt
nói: chúng tôi đang xoá sổ
những người nghèo trên toàn lãnh thổ
(nghĩa là trên 80% dân số)
nói: hoà bình và thịnh vượng cho phần còn lại
nói: cứ mỗi một cây số trên phạm vi toàn
thế giới
sẽ có một vệ binh đỏ
nói: chiến tranh là một phương thức để lấy lại
cân bằng lưới thức ăn
nói: cái nồi đã vỡ, nhưng mẻ nồi thì đừng có
rớ tới
Trúc Ty là nhà thơ không tôn sùng chữ. Đối với anh, chữ nghĩa rối rắm và phức tạp như vật dụng lỉnh kỉnh trong một tiệm tạp hóa. Qua cách nhìn của nhiều người về chữ, Trúc Ty rút ra ý nghĩa thật của chúng: Chữ nghĩa thường tự quấn hào quang chung quanh tùy thuộc vào chỗ nằm của nó.
Luận chữ
nhìn đến chữ là tôi chóng mặt
người đàn bà ngồi trên salon nói và
liệng cuốn tiểu thuyết ra ngoài cửa sổ
nhìn đến chữ là tôi biết giấy vụn
bà dì ve chai lẩm bẩm
lượm cuốn sách bỏ vào gánh
nhìn đến chữ là tôi lên cơn nghiện
con mọt sách đeo kiếng vào, lục lọi đống giấy
vụn và
xếp chồng lên cân.
nhìn đến chữ là tao phát thèm, nhưng số tao
thật kém may mắn
bà ngoại mày không cho tao đi học vì phải giữ
lũ em
người mẹ mù chữ nói, lật lật cuốn sách
nhìn đến chữ là tao đâm mệt, ông anh cán bộ
sở thuế
chỉ vào đống sách, nói, chữ nghĩa làm chi
cho lắm?
chẳng phải một danh nhân đã nói: trường đại
học lớn nhất là trường đời?
Tập thơ mang tên “Trước khi thành giấy vụn” của Trúc Ty là một trong vài tác phẩm được nhà xuất bản Giấy Vụn phổ biến mới nhất. Tưởng cũng xin được nhắc lại nhà xuất bản Giấy Vụn, tuy không công khai trong nước nhưng lại được Hiệp hội các Nhà xuất bản Quốc tế (The International Publishers Association, viết tắt là IPA) chọn để trao giải “Tự Do Xuất bản” năm 2011.
Nhà xuất bản Giấy vụn là nơi tập trung nhiều cây bút trẻ và tác phẩm của họ được đánh giá cao trong hoàn cảnh khó khăn cho người sáng tác hiện nay. Giấy vụn không được biết rộng rãi trong nước nhưng bên ngoài thì nó không còn xa lạ với giới yêu thích văn chương, đặc biệt loại văn chương từ khuớc mặc đồng phục và xếp hàng chờ được tôn vinh.
Trúc Ty là một trong những nhà thơ như thế.