Nhà thơ Trần Đăng Khoa

Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2014.01.04
Nha-tho-Tran-Dang-Khoa-305.jpg Nhà thơ Trần Đăng Khoa
Courtesy vov

 

Trần Đăng Khoa trước nhất là một nhà thơ, ông làm thơ từ năm 8 tuổi và lúc ấy đã được xem là thần đồng của văn học Việt Nam. Hiện nay ông là nhà báo, từng là biên tập viên Tạp chí Văn nghệ Quân đội, hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam. Ông nguyên là Trưởng Ban Văn học Nghệ thuật của Đài tiếng nói Việt Nam. Hiện nay ông giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy Đài Tiếng nói Việt Nam.

Tập thơ đầu tiên của ông là Góc sân và khoảng trời in năm 1968 đã được tái bản tất cả trên 100 lần. Có thể nói đây là tập thơ duy nhất có số tái bản nhiều như vậy tại Việt Nam. Ngoài ra tiểu luận phê bình Chân dung và đối thoại, tập truyện Đảo chìm của ông cũng được tái bản 27 lần.

Thần đồng văn học

Mặc Lâm có cuộc nói chuyện ngắn với ông về một mảng nhỏ của văn học Việt Nam. Mời quý vị theo dõi:

Mặc Lâm: Thưa ông mới đây thần đồng văn học của Nga là Mikhail Samarsky được mời tới Việt Nam giao lưu với người khuyết tật và giới thiệu tài năng của anh này cho các bạn trẻ Việt Nam. Bản thân ông cũng từng được gọi là thần đồng từ năm 8 tuổi với những bài thơ vượt trội. Theo ông thì Việt Nam quan niệm thế nào là một thần đồng?

Trần Đăng Khoa: Theo tôi thì thần đồng văn học là một danh hiệu dành cho những em bé có khả năng bất thường chứ còn những người trưởng thành thì không ai gọi là thần đồng cả. Sau này có những người cứ gọi thần đồng bóng đá hay thần đồng này khác thì không phải. Bởi vì nếu đã thần đồng thì phải ở tuổi vị thành niên, có những tác phẩm khác người, đã thực sự là một nhà văn rồi thực sự là một cây bút có sức chinh phục độc giả rất lớn cái đó người ta gọi là thần đồng văn học.

Nghe nói thì có chuyện này chuyện kia nhưng mà vẫn có thể mua được thậm chí cả cuốn sách như là Bên thắng cuộc ra chỗ Nguyễn Sỹ vẫn mua được, bản thân tôi vừa mua hai bộ.
-Trần Đăng Khoa

Ở Việt Nam quả thật cũng đã có những tác giả như thế. Hầu như có những người không gọi là thần đồng nhưng thật ra họ cũng đúng là thần đồng, ví dụ như Nguyên Hồng chẳng hạn. Ông ấy viết Bỉ vỏ khi mới 16 tuổi hay Chế Lan Viên viết tập thơ Điêu tàn cũng mới 16 tuổi. Đấy toàn là tuổi vị thành niên nên có thề gọi là thần đồng văn học được.

Thế hệ của chúng tôi những năm xưa nảy ra văn chương từ khi còn rất bé. Những năm ấy chiến tranh rất khốc liệt. Những năm ấy không phải chỉ mình tôi làm thơ đâu mà cùng với tôi là hàng loạt những em bé khác, thành cái dàn các nhà thơ nhí mà tác phẩm của họ rất hay. Thí dụ như Hoàng Hiếu Nhân, Cẩm Thơ hay Nguyễn Hồng Kiên chẳng hạn. Họ là những tác giả phải nói là có phong cách, có thể chất văn học.

Hay một người nữa là Khánh Chi. Khánh Chi là em bé làm thơ cũng có thể gọi là thần đồng văn học. Khánh Chi làm thơ năm 8 tuổi y như tôi nhưng cách viết thì hoàn toàn khác tôi. Tôi chỉ là cậu bé ngây thơ của vùng nông thôn thế nhưng Khánh Chi lại có cái của một vùng công nghiệp thành phố. Khánh Chi bàn về những vấn đề lớn hơn rất nhiều. Thí dụ như 5 chiến sĩ Tây Ban Nha bị treo cổ, thì đây là vấn đề của thế giới mà em viết như thế này:

Sớm nay bình minh đưa tin năm chiến sĩ Tây Ban Nha bị treo cổ

Cùng dòng tin cơn gió xoáy ngoài biển cả

Vỏ của trái đất mỏng lại phập phồng

Bọn giết người treo cổ năm chú ban đêm

Chúng muốn treo cổ cả trời sao đang cháy

Bọn giết người treo cổ năm chú buổi sang

Chúng muốn hòng treo cổ cả mặt trời

Nhà thơ Trần Đăng Khoa đọc thơ tại Trung tâm văn hóa Việt Nam tại Pháp, ảnh chụp trước đây. Photo courtesy of vov.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa đọc thơ tại Trung tâm văn hóa Việt Nam tại Pháp, ảnh chụp trước đây. Photo courtesy of vov.

Đấy! Đây là vấn đề lớn, vấn đề của nhân loại. Chính tôi chứ không phải ai khác đã mang đến 10 tập thơ chép tay của Khánh Chi từ thành phố Hồ Chí Minh ra để chuyển cho nhà thơ Xuân Diệu. Ông Xuân Diệu hồi đó đã giới thiệu thơ tôi từ tập thơ đầu tiên Góc sân và khoảng trời, do đó tôi cũng rất muốn Xuân Diệu, là một cây bút bậc thầy văn chương, một người rất là tinh về mặt nghề. Tôi muốn ông giới thiệu Khánh Chi như ông đã từng ưu ái với tôi. Nhưng khi tôi chuyển tập thơ của Khánh Chi cho ông đọc thì ông trợn mắt lên và mằng tôi: Sao thơ thế này mà cậu lại khen? Ôi em tôi giỏi quá. Em tôi mới có 8 tuổi mà đã có chửa đây này!

Đến như Xuân Diệu mà lúc đầu ông còn chưa nhận ra Khánh Chi cơ mà! Tôi nghĩ rằng đó không phải là 8 tuổi có chửa vì Khánh Chi là một ca đặc biệt. Chúng ta có các nhà thơ người lớn viết cho trẻ con. Có các nhà thơ trẻ con viết cho lứa tuổi trẻ con thì cũng có nhà thơ trẻ con viết cho người lớn. Đây là trường hợp của Khánh Chi, nhà thơ trẻ con viết cho người lớn đọc.

Mặc Lâm: Vâng thưa ông, sau bao nhiêu năm vắng bóng thần đồng văn học thế thì tình hình hiện nay có xuất hiện một nhân vật nào mà theo ông có tiềm năng là một thần đồng hay không?

Trần Đăng Khoa: Bây giờ tôi chưa thấy rõ lắm nhưng có cháu Nguyễn Bình cũng là một trường hợp rất đặc biệt. Năm nay cháu mới 8 tuổi thôi mà đã viết một cuốn tiểu thuyết đáng đọc. Hiện nay cháu đã viết tới tập thứ 8 về một trận chiến xảy ra ở Mỹ. Cháu viết với tư duy Tây hoàn toàn. Từ nhân vật, không khí, bối cảnh và tư duy đều rất Tây. Cũng phải thôi, vì đây là cuốn sách không phải viết về Việt Nam. Tôi nghĩ đây là điều rất đặc biệt.

Xiết chặt giới sáng tác?

Mặc Lâm: Vâng thưa ông có lẽ chúng ta đã bàn đủ chuyện của trẻ em viết lách, bây giờ xin quay sang chuyện người lớn viết lách. Hình như trong thời gian gần đây có một chủ trương xiết chặt hơn giới sáng tác qua câu chuyện của các cuốn sách bị cấm hay bị rút lại khi chúng đã phát hành. Chẳng hạn như Thời của thánh thần, rồi Đại gia và mới nhất là tập thơ Những mẩu quặng dọc đường của TS Nguyễn Thanh Giang. Là người làm việc trong hệ thống ông nhận định thế nào về những việc như thế?

Trần Đăng Khoa: Tôi không đọc được tập thơ của ông Nguyễn Thanh Giang chứ còn Thời của thánh thần thì cuốn ấy người ta vẫn bán trên vỉa hè ấy chứ. Nghe nói thì có chuyện này chuyện kia nhưng mà vẫn có thể mua được thậm chí cả cuốn sách như là Bên thắng cuộc ra chỗ Nguyễn Sỹ vẫn mua được. Bản thân tôi vừa mua hai bộ cách đây mấy ngày thôi cái đó người ta vẫn có bán đấy thôi….

Mặc Lâm: Nhưng thưa ông đấy là những cuốn sách vỉa hè, những cuốn sách chui chứ chúng đâu được nằm trên kệ của các hiệu sách?

Trần Đăng Khoa: Tất nhiên cái này phải xem… tôi không theo dõi cái mảng này thành ra tôi cũng không biết nó như thế nào. Đôi khi người ta có thề dừng phát hành là vì có những thủ tục không chuẩn. Thí dụ như chưa nộp lưu chiểu mà đã phát hành thì người ta có thể phạt, chứ còn tập của Nguyễn Thanh Giang thì tôi không hiểu lắm bởi tôi chưa đọc tập đó còn nếu đọc rồi thì có thể sẽ có nhận xét cụ thể hơn.

Còn tập Đại gia thì thực ra theo tôi đó là một cuốn sách hư cấu thôi nhưng vì anh ấy bám vào nhiều tình tiết trong đời sống khiến có cảm giác như một chuyện có thật. Thật ra đấy chỉ là hư cấu của nhà văn Thiên Sơn và tôi nghĩ đấy cũng là chuyện bình thường chứ không có gì ghê gớm cả.

Mặc Lâm: Nhiều nhà phê bình văn học đồng ý rằng nhân vật của văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa đều xây dựng trên người tốt việc tốt và nhất là phải hồng, phải có tinh thần cách mạng còn những mảnh đời khác rất ít đóng góp cho văn học có được một cái nhìn sâu hơn về xã hội thật. Điều này đã cản trở văn học Việt Nam không có tác phẩm lớn. Ông nghĩ sao về nhận định này?

Nếu gọi cái sự mất tự do thế này thế kia thì tôi nghĩ cũng không phải đâu. Trước đây cái thời của cụ Nguyễn Du còn kinh hoàng vì thời phong kiến mà.
-Trần Đăng Khoa

Trần Đăng Khoa: Theo tôi vấn đề là do tài năng của nhà văn thôi chứ không phải là hiện thực xã hội chủ nghĩa hay hiện thực nói chung. Ví dụ như nhân vật Chí Phèo của Nam Cao, đấy đâu phải là khuôn mặt sáng giá gì mà thực sự chỉ lá một tên du hủ du thực đấy chứ nhưng mà nó vẫn sống mãi. Sau này thì cả một loạt tác phẩm khác nữa cũng đề cập đến những nhân vật tiêu cực. Thí dụ như cuốn Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh nó có một góc nhìn rất khác. Trước đây người ta hay bám vào góc nhìn của tác giả cái mà người ta gọi lập trường qua nghị quyết ví dụ như là phía cách mạng nhìn kẻ không phục Lênin là không có tim không có óc chứ không phải con người. Thế rồi phía đối nghịch với cách mạng thì cũng nhìn cách mạng như Việt cộng không ra làm sao cả, ví dụ như 7 anh lính Việt cộng đu không gãy cành đu đủ!

Cả hai phía đều cực đoan nhưng cuốn Nỗi buồn chiến tranh của ông Bảo Ninh ông ấy chả đứng về bên nào cả mà ông đứng về chủ nghĩa nhân đạo ông ấy nhìn thôi. Vì thế cho nên khi cuốn sách này ra thì người ta tranh cãi rất nhiều nhưng cuối cùng quyển sách ấy vẫn đứng vững và tới nay nó vẫn là cuốn sách hay nhất về rất nhiều khía cạnh.

Theo tôi quyển sách mà không đến được với độc giả, nó chưa thu hút được sự chú ý, không mê hoặc được độc giả vẫn là do tài năng của nhà văn thôi chứ còn có tài thì vẫn có thể dựng được nhân vật để nó sống mãi trong tâm trí người đọc.

Mặc Lâm: Mạc Ngôn của Trung Quốc nếu so với nhà văn Việt Nam thì ông thấy sự thiếu hụt nào khiến cho văn học Việt Nam có một khoảng cách quá xa với những giải thưởng quốc tế?

Trần Đăng Khoa: Tôi nghĩ chúng ta thiếu một cái gì đó Mạc Ngôn có mà Việt Nam chúng ta không có và không thể hy vọng có Nobel hay cái gì lớn của quốc tế. Tất cả hoàn toàn phụ thuộc vào tài năng mà tài của mình thì phải nói nó rất mỏng manh. Chúng ta chỉ có những cuốn sách có thể nói là chinh phục được quốc nội thôi chứ chưa ra ngoài được.

Chúng ta cứ nói là bản sắc dân tộc này khác nhưng tôi nghĩ bây giờ không phải là bản sắc dân tộc nữa mà phải có tính nhân loại kia. Thế cho nên nếu như có cuốn sách nào đó nó không hay, nó dở thì lý do không phải là hiện thực hay không hiện thực mà thật ra nhà văn người ta ngồi vào bàn người ta có nghĩ gì đến chủ nghĩa này chủ nghĩa kia đâu, người ta chỉ nghĩ đến tác phẩm, thế thôi.

Mặc Lâm: Vâng thưa ông đúng là nhà văn khi ngồi vào bàn họ không nghĩ đến chủ nghĩa này chủ nghĩa kia nhưng cái mà họ nghĩ tới là làm sao tránh những cán bộ văn hóa nghĩ như thế... làm tự do của họ bị giới hạn trong khi viết...

Trần Đăng Khoa: Nếu gọi cái sự mất tự do thế này thế kia thì tôi nghĩ cũng không phải đâu. Trước đây cái thời của cụ Nguyễn Du còn kinh hoàng vì thời phong kiến mà. Thậm chí một tác phẩm viết như thế nào đó có thề làm tác giả bị tru di đấy chứ. Thế nhưng thời đó vẫn có một Nguyễn Du, có rất nhiều tác giả lớn và theo tôi tôi cho vẫn là tài năng của nhà văn, cái đó quyết định hết tất cả.

Chúng ta không có những tài năng mới, chúng ta không có được ngòi bút lớn không có tài năng chinh phục độc giả thì làm sao ta có thể ra được với thế giới. Tôi nghĩ tất cả nguyên do từ đấy thôi.

Mặc Lâm: Xin cảm ơn ông.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.