Trung Thu 2009

Thưa quý thính giả, trong một cố gắng cho trẻ nhỏ biết được những trò chơi dân gian nước ta, Trung tâm Nghiên cứu Hỗ Trợ Trẻ em vừa tổ chức một cuộc triển lãm kéo dài 3 ngày (từ hôm thứ Sáu đến Chủ Nhật hôm nay), nghệ nhân từ các làng nghề truyền thống đến chỉ dẫn cho các em cách nặn tò he, làm đèn kéo quân, lồng đèn tàu thủy, ông sao, ...

0:00 / 0:00
mooncake-220.jpg
Bánh Trung Thu bày bán tại Mỹ (Photo by Thy Nga/RFA).

Thứ Bảy tới đây là Tết Trung Thu đấy, Thy Nga thân mến gởi đến các em nhi đồng cùng với các bậc phụ huynh chương trình sau đây.

“Tết suối hồng” …

Trong khi trẻ em rước đèn quanh lối ngõ thì các bậc phụ huynh ra ngoài hiên, ngắm vầng trăng sáng. Tiết trời vào giữa thu, gió hây hây mát mẻ, họ vừa ăn bánh nướng, bánh dẻo vừa nhâm nhi trà thưởng trăng.

“Chờ trăng lên” …

Có nhiều truyện tích về lễ hội này, nào là “Ông Tơ Bà Nguyệt” trên Cung Trăng se chỉ hồng, thắt mối lương duyên cho người trần thế. Thảo nào mà vào đêm Trung Thu, thanh niên thanh nữ rủ nhau đi hát Trống Quân, rất đông và vui.

“Thùng thình” …

Có người lại cho rằng Tết Trung Thu là để mừng sự lập thành của hành tinh Mặt Trăng!

Nhiều người khác thì thích nghe các truyện tích như: Đường Minh Hoàng du Nguyệt điện, về mà lòng còn nhớ mãi chuyến đi kỳ diệu ấy, nhà vua chỉ thị cho dân chúng đón mừng đêm rằm này hằng năm; như chuyện Hậu Nghệ bắn 9 con quạ lửa, để lại một Mặt Trời thôi, cho người dân khỏi bị nóng thiêu, rồi chiều ý vợ là Hằng Nga muốn uống thuốc trường sinh, Hậu Nghệ vào rừng sâu, tìm Linh Chi thảo, Hằng Nga uống vào thì bay lên Mặt Trăng …

Những vệt đen trên hành tinh ấy thì giải thích sao đây? Người ta thấy chúng giống như là hình cái cây to, dưới gốc thì có nhiều vết hơn, nên nghĩ ra câu chuyện Chú Cuội:

“Thằng Cuội”…

Quý vị đang nghe bài “Thằng Cuội” của Lê Thương, bài hát không thể thiếu trong mỗi dịp Trung Thu. Sang thế kỷ thứ 21 rồi, chúng ta khó thể tin các truyện tích ấy nhưng đôi lúc có lẽ, mình cũng nên thoát ra thực tại một tí để trí tưởng tượng bay bổng, các bạn nhỉ?

“Thằng Cuội” …

Thời đại ngày nay thì các em không mong cưỡi cá chép như ông Táo nữa mà thích phóng phi thuyền lên Mặt Trăng cơ!

“Lên thăm chú Cuội”...

Hay là … tối nay, các em cùng với Thy Nga lên cánh chim trời bay một vòng qua vùng châu Á xem các dân tộc mừng Tết Trung Thu như thế nào nhé.

“Có một đàn chim” …

Quý vị đang nghe giọng hát Tường Vi qua ca khúc “Có một đàn chim”. Em chào đời tại Canada nhưng nói tiếng Việt khá là nhờ học Việt ngữ hàng tuần, và được nhạc sĩ Nguyễn Đức đào tạo hát cho chuẩn.

“Có một đàn chim” …

Tại Trung Quốc, Trung Thu là một trong các lễ hội lớn. Chiếc bánh nướng không chỉ để nhâm nhi với trà khi thưởng trăng mà còn nhắc nhở cả một chiến tích. Vào thế kỷ thứ 14, Trung Thu năm ấy, lời kêu gọi khởi nghĩa và kế hoạch lật đổ ách cai trị của Mông Cổ, được dấu trong các bánh nướng do quân nổi dậy truyền đến tay nhau. Kết quả là chiến thắng, và nhà Minh được lập ra.

Người Hoa cho rằng nhìn lên cung trăng vào đêm Trung Thu, trẻ con sẽ nhìn thấy được chị Hằng. Lúc đó, nếu em nào có điều ước với chị Hằng thì sẽ được toại nguyện. Đêm rằm tháng Tám, họ bày tiệc rồi sau đó, trẻ em và người lớn dự những cuộc vui như múa lân, rước đèn cá chép, hay đèn kéo quân. Tương truyền, đèn cá chép do ông Bao Công nghĩ ra để trừ yêu quái thường hiện ra vào các đêm trǎng.

Hàn quốc có lễ “Chusok” (có nghĩa là “Ngày vui giữa tháng Tám”) để lễ tạ Trời Đất và tổ tiên đã mang lại cho họ lúa gạo và trái ngọt. Lễ hội bắt đầu vào đêm 14 và chấm dứt trong ngày 16 âm lịch. Ba ngày nghỉ này, dân chúng quây quần bên gia đình và bạn hữu. Mọi người cùng nhau thưởng thức bánh "Songphyun" là món bánh đặc biệt làm từ bột gạo, đậu xanh, vừng và hạt dẻ. Tối đến, trẻ em mặc trang phục cổ truyền, nắm tay nhau thành vòng tròn hát và nhảy múa dưới ánh trǎng.

“Bài ca dưới trăng” … “Tốp ca học trò” Melbourne đang hát.

Nhạc bản này do kỹ sư Lê Văn Phú ở Melbourne viết, chuyển tới các em nhỏ khắp nơi nhân dịp Trung Thu.

Theo tài liệu thì tục lệ của người Nhật hơi khác. Tại xứ hoa Anh Đào, mỗi nǎm có hai hội thưởng trǎng (theo âm lịch): Hội đầu là “Zyuyoga” gắn với phong tục cổ truyền “Otsuki-mi” (có nghĩa là ngắm trǎng vào rằm giữa mùa thu), kế đến là hội “Zyusanya” nhằm ngày 13 tháng 10. Theo lệ, ai đã dự hội đầu thì cũng phải dự hội sau, nếu không thì người Nhật tin rằng sẽ gặp xui. Trẻ em Nhật rước đèn cá chép trong các hội này. Theo truyền thuyết của Nhật Bản, cá chép là hiện thân của võ sĩ Samourai vì nó dám lội ngược dòng thác. Người Nhật cho rằng cá chép tượng trưng lòng can đảm nên trẻ con Nhật, nhất là các em trai, đứa nào cũng có đèn cá chép.

Và theo truyền thống, để sửa soạn cho đêm Zyuyoga, mọi gia đình đều dùng cỏ bông bạc để cắm thay hoa trong nhà. Mâm cỗ trông trǎng gồm bánh nhân táo, dưa hấu, hạt dẻ và các loại hoa quả khác, bày trên cái bệ hoặc bàn, đặt gần cửa sổ, hay ngoài hiên.

“Con tàu vũ trụ” …

Thy Nga chào tạm biệt các em nhi đồng và quý thính giả …