Màu tím Hoa sim

Một cuộc sống bất khuất, xen với những tình tiết lãng mạn làm xúc động lòng người, đã khép lại vào tối ngày 18 vừa qua: Nhà thơ Hữu Loan đã từ trần tại huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoá, hưởng thọ 95 tuổi.

0:00 / 0:00

Nhà thơ bất khuất

Vào tháng Tám năm 2006, Thy Nga có cơ duyên, có cái dịp điện thoại về Nga Sơn hỏi thăm sức khỏe nhà thơ Hữu Loan. Ông bị chứng phong thấp, hậu quả của những năm dài lao động trong điều kiện khắc nghiệt.

Thy Nga: Xin hỏi thăm sinh hoạt của ông hiện ra sao ạ?

Hồi bắt tôi thì cánh phụ nữ ấy mà, họ phản đối và biểu tình. Nói chính ngay là tôi không khuất phục bao giờ hết. Bắt tôi cũng chả nổi.

Cố Thi sĩ Hữu Loan

Hữu Loan: Tôi bây giờ có tuổi rồi thì cũng yếu đi nhiều nhưng mà tương đối vẫn là khoẻ. Tôi sinh hoạt bình thường. Ngày trước thì họ gò ép ghê lắm nhưng mà không gò ép nổi. Tôi làm lấy, bây giờ tôi có vườn, có ao, gia đình canh tác lấy cái ăn.

Thy Nga: Nhà thơ hết bị quản chế là từ hồi nào ạ?

Hữu Loan: Bị suốt thế thôi! Quản chế, kiếm cách để không cho tôi đi đâu nhưng mà có cái là cánh đấy không biết cái gì hết. Nhiều cái, không đứa nào biết, lại phải hỏi tôi, cho nên lại phải nới cái bao vây tôi ra, chứ không dám bao vây hẳn. Cũng chả áp tôi được.

Nhiệt huyết của tuổi trẻ, Hữu Loan đem ra phục vụ đất nước nhưng rồi lại bị trù dập đày ải thành ra sau này, ông không ngừng công kích chế độ. Ông thuật lại:

Cố Thi sĩ Hữu Loan. Photo courtesy of Talawas.
Cố Thi sĩ Hữu Loan. Photo courtesy of Talawas.

Hồi ấy, ai cũng tôn vinh ông Hồ nhưng mà riêng tôi, tôi bới, chửi luôn ngay trước Đại hội. Cái bữa tôi bới như thế, giới phụ nữ hoan nghênh lắm. Họ mang bao nhiêu là hoa đến tặng, để đầy cái bàn của tôi, và nói rằng “Cái người nói thẳng, nói thật như ông là nên sống để cho dân nhờ, còn cái loại ăn điêu nói hớt thì nên chết lãng bay đi”. Thế là họ làm rầm cả Đại hội.

Hồi bắt tôi thì cánh phụ nữ ấy mà, họ phản đối và biểu tình. Nói chính ngay là tôi không khuất phục bao giờ hết. Bắt tôi cũng chả nổi.

Người Việt chúng ta hầu hết đều biết Hữu Loan là tác giả bài thơ “Màu tím hoa sim” khóc thương người vợ trẻ bị nước cuốn trôi mất khi ông đi kháng chiến. Nên khi được dịp nói chuyện với ông, Thy Nga đã yêu cầu nhà thơ Hữu Loan đọc tác phẩm “Màu tím hoa sim”.

Nhà thơ Hữu Loan đọc bài thơ “Màu tím hoa sim” ...

Hồng Vân diễn ngâm “Màu tím hoa sim” ...

Màu tím hoa sim

Với những lời xuất phát tự con tim đớn đau, bài thơ ấy, người nào nghe cũng xúc động. Các nhạc sĩ ở Saigon chọn để phổ là Dzũng Chinh với bài “Những đồi hoa sim”, Phạm Duy soạn thành bài “Áo anh sứt chỉ đường tà”, Duy Khánh với “Màu tím hoa sim”, Anh Bằng với “Chuyện hoa sim”, đều được thâu băng đĩa, và hát đến giờ.

“Chuyện hoa sim” Như Quỳnh hát ...

Ngoài ra, bài thơ ấy còn là nguồn cảm hứng cho các nhạc bản “Tím cả chiều hoang”, “Tím cả rừng chiều”, …

Làm thơ lúc bấy giờ là phải ca tụng trong khi đó, tôi lại đề cao tình yêu, tôi khóc người vợ bị chết thảm, vậy mà họ cho tôi là phản động!

Cố Thi sĩ Hữu Loan

Sau này, sau khi văn nghệ được cởi trói, trong một chuyến vào Nam theo lời mời của giới văn nghệ sĩ trong Nam,

nhà thơ Hữu Loan được nghe họ trình bày các nhạc bản ấy.

Theo ông thì bài “Những đồi hoa sim” do Dzũng Chinh phổ, gần với tâm tình của ông hơn.

Trong các nhạc bản vừa kể, “Những đồi hoa sim” cũng là bài phổ biến nhất.

“Màu tím hoa sim” Hồng Vân ngâm ...

“Màu tím hoa sim” được nhiều người coi là bài thơ tình hay nhất của Việt Nam. “Màu tím hoa sim” còn được dịch sang Anh ngữ, và là bài thơ Việt Nam đầu tiên được mua bản quyền.

Nhưng vào thời đó thì bài thơ “Màu tím hoa sim” bị coi là mang tình cảm “tiểu tư sản” của thành phần trí thức.

Tài làm thơ, học thức cùng với vóc dáng cường tráng đã khiến Hữu Loan bị ghen ghét.

Năm 1956, phong trào Văn nghệ sĩ đòi tự do sáng tác, bị đẩy lên thành một vụ án văn học, rồi thành vụ án chính trị. Nhiều văn nghệ sĩ trong nhóm “Nhân văn - Giai phẩm” bị treo bút, bắt đi lao động, cải tạo, tù đày. Hữu Loan thì tham gia các tạp chí “Nhân văn” và “Đất mới” thành ra bị quản thúc tại quê nhà, và cấm không được liên hệ với ai. Từ một người trí thức (có Tú tài Tây vào năm 1941 nhưng khước từ làm việc với Tây) xuống thành một kẻ đi đánh giậm kiếm vài con tôm con tép; đục đá, thồ về đổi lấy ngô khoai để sống còn mà vẫn bị gây cản trở, và luôn bị theo dõi, bị đầu độc và cả mưu sát nữa!

“Màu tím hoa sim” Duy Khánh phổ nhạc và trình bày …

Chiếc bình hương

"Chiếc bình hoa ngày cưới thành bình hương" vẫn đặt trên bàn thờ. Hình của Nhạc sĩ Trịnh Hưng.
"Chiếc bình hoa ngày cưới thành bình hương" vẫn đặt trên bàn thờ. Hình của Nhạc sĩ Trịnh Hưng.

Thưa nhà thơ Hữu Loan, chúng tôi nghe nhạc sĩ Trịnh Hưng thuật lại là "chiếc bình hoa ngày cưới thành bình hương" tới nay vẫn được đặt trên bàn thờ trong nhà, phải thế không ạ?

Nhà thơ Hữu Loan: Vẫn đang trên bàn thờ.

“Những đồi hoa sim” Phương Dung ca …

Bốn năm sau cái chết của vợ, khi Hữu Loan làm Trưởng phòng Tuyên huấn và Chính trị Sư đoàn thì cùng huyện,

có một gia đình địa chủ rất yêu nước thương người, thường cho tá điền gánh gạo đến chỗ đóng quân để ủng hộ. Nhưng rồi, vợ chồng ông bị đem ra đấu tố, bị chôn để hở cái đầu cho trâu kéo bừa qua lại tới chết. Đứa con gái duy nhất của họ, năm đó 17 tuổi thì bị đuổi ra khỏi nhà, và cấm không ai được liên hệ, hoặc thuê làm công. Hữu Loan nhớ ơn ông bà, tìm xem cô gái ấy sống ra sao, thì thấy cô rất đói khổ, bèn đưa về, lấy làm vợ, bất chấp lệnh cấm lấy con cái địa chủ. Thật là điều mà hiếm ai dám làm. Đó là vào năm 1953, rồi thì vợ chồng cùng nhau trải qua bao cảnh khổ cực nhưng rất hạnh phúc và có 10 con.

Hữu Loan: Tôi bây giờ đông lắm. Có lẽ trên một trăm, cả con cháu ấy!

Thy Nga: Con cháu, ông bà có trên một trăm người! Chúng tôi cũng nghe nói là mặc dù bị nhà cầm quyền cản trở việc học nhưng các cô cậu vẫn cố gắng học lên?

Hữu Loan: Đúng rồi, thành đạt hết rồi. Con út, thằng Đán ấy, là tiến sĩ về xây dựng.

Thy Nga:

Chắc là cậu ấy xây lại nhà cho cha mẹ, và cuộc sống gia đình khá hơn trước?

Hữu Loan: Vâng, khá nhiều. Tôi bây giờ đầy đủ thì cánh kia cấm đoán không được nữa rồi.

Nhà thơ Hữu Loan cũng kể lại là vài năm sau này, có các sinh viên tới Nga Sơn tìm hỏi ông về thơ để làm luận án ra trường. Ông tiếp đón nhưng khuyên các em là không nên làm bài về ông vì sẽ bị đánh hỏng. Quả nhiên là thế!

Hữu Loan: Nếu có thời giờ thì lên chỗ tôi đây, nói chuyện cho vui.

Thy Nga: Dạ vâng ạ, xin cám ơn nhà thơ.

Nhạc sĩ Phạm Duy trong một lần đến thăm Cố Thi Sĩ Hữu Loan. Photo courtesy of phamduy2000.com
Nhạc sĩ Phạm Duy trong một lần đến thăm Cố Thi Sĩ Hữu Loan. Photo courtesy of phamduy2000.com

Thưa quý vị, Thy Nga chưa có điều kiện để về thăm nhà thơ Hữu Loan thì nay, ông đã ra đi vĩnh viễn, để lại trong lòng những người ngưỡng mộ biết bao ngậm ngùi. Ngoài thi ca, Hữu Loan được coi là biểu tượng của sự bất khuất trước cường quyền, một chế độ mà ông lớn tiếng phê phán những tha hoá, sai trái.

Cái tâm, ông giữ được trong sáng cho tới khi qua đời, đó là điều mà Thy Nga ghi nhận qua những tài liệu về nhà thơ Hữu Loan. Trong bài tự thuật, Hữu Loan có viết là

“Làm thơ thì phải có cái tâm thật thiêng liêng thì thơ mới hay. Làm thơ mà không có tình, có tâm thì chả ra gì. Làm thơ lúc bấy giờ là phải ca tụng trong khi đó, tôi lại đề cao tình yêu, tôi khóc người vợ bị chết thảm, vậy mà họ cho tôi là phản động! Cái đau khổ của con người, tại sao lại không được khóc?”

Hai người nữ trong cuộc đời ông cũng rất đặc biệt. Khi sửa soạn cưới cô Lê Đỗ Thị Ninh, ông bàn chuyện may áo cưới thì cô gạt đi, bảo là "Yêu nhau, thương nhau cốt là cái tâm, và cái tình bền chặt là hơn cả."

Chẳng may, cô chết sớm. Người vợ sau cũng có tâm hồn sâu sắc, một lòng chia sẻ với chồng mọi gian nan. Khi Hữu Loan bỏ chức vị, về quê đi cày bừa, đi gánh đá, ông nói với gia đình "Thôi thì bà với các con chịu khổ để tôi được sống lương thiện". Cuộc sống đó trong sáng cho đến khi qua đời.

“Áo anh sứt chỉ đường tà” Anh Dũng hát ...

Theo dòng thời sự: