Một năm nhìn lại hoạt động âm nhạc của cộng đồng người Việt Quận Cam

Cát Linh
2016.01.24
music little SG Chương trình nhạc hội Hùng sử Việt tại Little Saigon
Courtesy of saigonecho.info

Kể từ ngày đầu tiên người Việt Nam đặt chân đến đất nước tự do Hoa Kỳ để bắt đầu cuộc đời lưu vong, đến nay tròn 41 năm. Hành trang lớn nhất của mỗi người có thể mang theo trên bước đường ly hương có lẽ là nỗi niềm xa lìa quê hương đất nước, và những kỷ niệm tinh thần của ngày tháng cũ.

Âm nhạc giúp họ phần nào vơi đi miền nhớ nhung quên cũ. Ngoài ra từng người một, từ khán thính giả cho đến văn nghệ sĩ, người tổ chức cùng góp nhặt, đón nhận làm phong phú thêm vốn nhạc.

Mời quí vị cùng nhìn lại một số hoạt động âm nhạc của cộng đồng người Việt tại vùng được mệnh danh là thủ đô tỵ nạn- Quận Cam, California.

Một năm nhiều màu sắc

Mùa xuân năm 2016 là mùa xuân thứ 41, đánh dấu một chặng đường hoạt động âm nhạc nghệ thuật lâu dài, bền bỉ của người Việt hải ngoại. Nhà báo Đức Tuấn, phụ trách mảng âm nhạc ở Little Sài Gòn, Nam California cho biết năm 2015, tại Quận Cam, cái nôi của người Việt hải ngoại đã chào đón rất nhiều chương trình âm nhạc đặc sắc.

“Phải nói rằng nó rất tưng bừng. Ở Quận Cam, mỗi tuần có ít nhất từ 4 đến 5 show, là cả những chương trình lớn, nhỏ. Lớn là những rạp có sức chứa từ 600 khách trở lên. Nhỏ thì có chỗ từ 100 đến 300 khách. Nói chung rất là đều, mỗi tuần đều có như vậy hết.”

Theo nhà báo Đức Tuấn, nội dung của những show diễn rất đa dạng phong phú. Khán thính giả được thưởng lãm nhiều tiết mục đặc sắc như kịch, cải lương, nhạc thính phòng, các chương trình nhạc thính phòng, và những đêm đại nhạc hội có cả ca nhạc, kịch, cải lương, vọng cổ.

“Tại vì ở đây là thủ phủ của người tỵ nạn, và giới ca nghệ sĩ tập trung ở vùng này. Bầu show cũng tập trung ở vùng này. cho nên, sinh hoạt văn nghệ rất rôm rả trong năm 2015, hầu như tuần nào cũng vậy. Đó là điều thứ nhất. Điều thứ hai nữa, hầu như rất nhiều ca nghệ sĩ nổi tiếng trong những show đại nhạc hội lớn, nhỏ như Tuấn Ngọc, Khánh Hà, Ý Lan, Vũ Khanh, Thiên Tôn, Đình Bảo... Vì ở đây là trung tâm nên khán giả ở đây được xem họ mỗi ngày mỗi tuần mà không phải chạy đi đâu cả.”

“Nói chung thì chương trình văn nghệ ca nhạc hải ngoại, đặc biệt ở Quận Cam mang nhiều màu sắc khác nhau, sôi nổi, làm cho giới bầu show có những hoạt động rất tích cực.”

Và theo nhà báo Đức Tuấn, người được hưởng lợi nhiều nhất từ những hoạt động này, đó chính là khán thính giả.

Cái buổi nhạc vừa rồi gợi nhớ cho tôi thời còn nhỏ. Bây giờ thì nói già thì cũng chưa già nhưng cũng lớn tuổi rồi, nhưng người nào thích văn thích thơ thích nhạc thì lúc nào cũng là vậy. Nên đã gợi trong lòng mình một nỗi nhớ hồi xưa mình đã trải qua. Bây giờ mình qua đây thì không được như vậy. Nhưng mà thỉnh thoảng được coi một cái show như vậy làm cho mình nghĩ lại thời xưa.”

Tại vì ở đây là thủ phủ của người tỵ nạn, và giới ca nghệ sĩ tập trung ở vùng này. Bầu show cũng tập trung ở vùng này. cho nên, sinh hoạt văn nghệ rất rôm rả trong năm 2015, hầu như tuần nào cũng vậy.

Đó là tâm sự của bà Thu Nguyệt sau khi xem “Sài Gòn, café, sân trường, thời 1970”, đêm nhạc diễn ra vào tháng cuối cùng của năm 2015. Đêm nhạc đã lấy trọn vẹn trái tim của gần 300 người có mặt trong khán phòng đêm hôm đó. Ca sĩ Lê Uyên (Phương) cho biết bà đã hát “quên trời quên đất” trong 3 giờ đồng hồ. Khán thính giả thì cũng quên cả thực tại để trọn vẹn nắm tay nhau quay về một miền ký ức, quay về kỷ niệm sau hơn 40 năm của những người xưa, năm cũ.

Sự đón nhận của khán thính giả

Một cách nhìn khác, mang tính chất chuyên môn từ một nhà tổ chức, đó là ông Dzũng Taylor, một bầu show ở Nam California, người đứng ra thực hiện rất nhiều những chương văn nghệ có giá trị nghệ thuật cho biết năm vừa qua có rất nhiều biến đổi trong nền âm nhạc hải ngoại.

“Thay đổi nhất là thay đổi ở lĩnh vực trung tâm và các nhà sản xuất đã thay đổi chiến lược, không còn chú trọng nhiều vô băng đĩa. Mà chúng ta đã thấy truyền hình, youtube, facebook… là những nơi mà khán giả bắt đầu tìm đến để có những giải trí, không còn như xưa là chỉ ngồi xem DVD nữa. Chiếc iPhone, iPad của chúng ta là một trong những điều gắn liền với cuộc sống hiện giờ. Tất cả mọi thứ, luôn cả văn nghệ, giải trí đã đi qua con đường đó.”

Với những sự thay đổi ấy, thì chắc chắn khán thính giả Việt Nam hải ngoại có nhiều cơ hội để không chỉ tìm lại kỷ niệm xưa, mà còn đón nhận những luồng gió mới. Đó chính là những show diễn có sự tham gia của ca sĩ từ trong nước sang. Người đặt viên gạch đầu tiên cho hoạt động này cũng chính là ông Dzũng Taylor. Ông cho biết dù là trên lĩnh vực nào, nghệ thuật hay kinh doanh thì yếu tố cung cầu là yếu tố đầu tiên.

“Chúng ta càng tổ chức nhiều thì chúng ta càng có nhu cầu đưa tới những món ăn tinh thần mới lạ cho khán giả. Khán giả là người quyết định. Luôn luôn nhớ như thế. Chúng ta có đưa tới một món ăn tinh thần mà khán giả không chấp nhận hoặc một món ăn khác khẩu vị thì không thể nào tồn tại lâu dài.”

“Hầu như chương trình nào chúng ta xem, lớn nhỏ, nhìn vào tờ quảng cáo chúng ta đều thấy ca sĩ trong và ngoài nước. Cho thấy rằng đã không còn cái biên giới và phân biệt đó nữa. Tất cả đều là cung cầu. Chúng ta đưa đến một sản phẩm, chúng ta là người kinh doanh thì khán giả là người quyết định sản phẩm nào họ có thể tiếp thu hoặc tiêu thụ.”

Từ sự khơi mào đầu tiên năm 2004 của công ty D&D, cho đến nay, ông Dzũng Taylor cho biết sự tham gia của các ca sĩ trong nước ở hải ngoại không còn là điều mới lạ.

Để minh chứng cho cái “không biên giới và không phân biệt” mà ông Dzũng Taylor vừa đề cập, nhà báo Đức Tuấn nói rằng đặc biệt từ giữa năm qua, có nhiều ca nghệ sĩ trong nước sang Hoa Kỳ biểu diễn. Và lẽ đương nhiên, Quận Cam là nơi không thể thiếu trong các tour lưu diễn đó.

ns anh bang
ns anh bang
Screenshot of Youtube

“Có những show lớn khoảng 9 đến 10 ca nghệ sĩ thì có từ trong nước ra, như Hồng Nhung, Thanh Lam, Trần Thu Hà… Một năm như vậy thì nghệ sĩ trong nước sang đây trình diễn từ 4 đến 5 lần. Bên cạnh đó còn có mảng hài. Từ khoảng giữa mùa hè cho đến cuối năm thì xuất hiện mảng hài. Những nghệ sĩ hài trong nước như Trường Giang, Anh Đức… sang đây lưu diễn, 1 lúc khoảng 8 đến 10 tiểu bang. Khi diễn ở Quận Cam thì rất hút khách.”

Qua những chia sẻ trên, có thể thấy rằng sự đón nhận của khán giả là người Việt hải ngoại đối với nền âm nhạc trong nước không phải là nhỏ. Giữa cuộc sống bộn bề chạy đua với thời gian, họ vẫn mong lắm được thấy và nghe những người nghệ sĩ từ quê nhà. Có lẽ trong những đêm nhạc đó, tình đồng hương, tình cố tri sẽ là mục đích chính. Và mỗi người đều được chọn lựa chương trình âm nhạc nào đúng với nhu cầu của mình.

“Sự đón nhận của khán giả còn tuỳ theo chủ đề của chương trình và khuôn khổ như thế nào. Những nơi như casino, vũ trường, phòng trà thì phần lớn khán giả đến vì lý do giải trí. Khán  giả dễ hơn. Khán giả đến những buổi chiều thính phòng thì sẽ đến với tính cách thưởng thức nghệ thuật và khán giả sẽ khó hơn. Ca sĩ trong những chương trình đó phải chinh phục, có đủ trình độ, có sức để đáp lại nhu cầu cho khán thính giả hải ngoại.”

Thế nhưng, trong niềm vui, bao giờ cũng có một nỗi buồn. Nếu nói về hoạt động ca nhạc nghệ thuật hải ngoại trong năm 2015, không ai có thể quên được sự ra đi của nhạc sĩ Anh Bằng. Ông từ giã mọi người vào những tháng cuối cùng của năm 2015. Rồi nghệ sĩ hài Kiều Linh, người đã đi vào tim khán thính giả với cái tên Luật sư Trần Trừng Trị cũng chia tay cuộc chơi nghệ thuật khi chỉ còn một ngày nữa là đêm Giáng Sinh.

Chỉ còn hai tuần lễ nữa thôi thì người Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới sẽ đón chào Tết Bính Thân 2016, mời quý vị cùng nâng “Ly Rượu mừng”, bắt đầu với những ước mơ và thành công mới.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.