Nhạc sĩ Bảo Phúc và “Dòng sông không trở lại”
2009.07.19
Như “Dòng sông không trở lại”, Bảo Phúc đột ngột ra đi, để lại biết bao tiếc nuối nơi gia đình, bạn bè và những người hâm mộ. Nhiều dự án âm nhạc, anh cũng đang làm dở dang Hôm nay là đúng 49 ngày nhạc sĩ Bảo Phúc lìa trần ... Cái tuổi 51 vào thời buổi này, vẫn còn trẻ, nhất là với một người năng động như anh. Nghe những danh hiệu sau đây mà giới nghệ sĩ đặt cho Bảo Phúc, thì chúng ta đủ biết tài năng đa dạng của anh: từ “Thần đồng Nhạc - Họa” (từng đoạt giải nhất Hội Họa toàn quốc năm 10 tuổi; giải ba Hội Họa Thiếu Nhi Quốc Tế do Đài Loan tổ chức); đến “Vua nhạc cụ” (Bảo Phúc sử dụng được 25 nhạc cụ khác nhau); tới “Nhạc sĩ của phim trường”, “Nhạc sĩ hòa âm vô chiêu”, ...
Bảo Phúc chào đời tại Thừa Thiên - Huế trong một gia đình dòng dõi hoàng tộc, ông nội mang tước vị Tuyên Hóa Vương, em thứ ba của Vua Thành Thái. Cha mẹ đều là nghệ nhân nổi tiếng của ca Huế. Có 6 anh em trai, nhưng chỉ Bảo Phúc và người anh cả (Bảo Chấn) là theo nghiệp âm nhạc.
Trong bài tự sự viết vào cuối năm 2003, nhạc sĩ Bảo Phúc ghi là từ khi lên 6, học lần lượt các loại nhạc cụ dân tộc. Năm 8 tuổi, học tại Trường Quốc Gia Âm Nhạc Huế nhưng bị đuổi vì tội “chẳng đâu ra đâu” là phanh áo ra ngồi học vì trời nóng bức quá. Sau đó, anh thi đậu vào Trường Quốc Gia Âm Nhạc Sàigòn và 2 năm sau, đoạt giải nhất cuộc thi âm nhạc toàn quốc.
Thời bao cấp, để phụ giúp gia đình, anh xoay sở, sáng sớm đạp xe đi bán báo; buổi chiều bán chè, bán bánh, hay đi dạy nhạc, dạy văn; buổi tối thì đi đánh đàn các nơi, hoặc chơi nhạc trong đám cưới.
Tốt nghiệp trường Quốc Gia Âm Nhạc năm 1983, Bảo Phúc công tác tại Viện Nghiên cứu Âm Nhạc và Múa.
Sau đó, anh được mời về Đoàn Ca Múa Bông Sen, kế tiếp qua Đoàn Ca Nhạc Nhẹ thành phố, Bảo Phúc bước vào con đường âm nhạc chuyên nghiệp từ đó.
Cũng từ năm 1986, anh nhảy vào lãnh vực thu âm, lúc ấy còn rất mới mẻ. Sau một thời gian cộng tác với các hãng băng đĩa, Bảo Phúc đã khẳng định được tên tuổi của mình trong làng phối khí. Năm 1990, Bảo Phúc đột phá vào lãnh vực nhạc phim. Bộ phim đầu tay, anh làm với đạo diễn Cảnh Đôn là “Ngôi sao cô đơn”. Bảo Phúc nhanh chóng trở thành chuyên biệt trong việc làm nhạc phim (gần 300 bộ phim).
Bảo Phúc cũng hòa âm phối khí (hơn 400 bài), dàn dựng show ca nhạc từ nghiệp dư đến chuyên nghiệp, soạn nhạc lễ hội, nhạc múa, làm phim truyện Vidéo (đoạt giải “Nhạc sĩ xuất sắc” tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 15), thành lập công ty dịch vụ tổ chức biểu diễn, biên tập viên cho công ty Vật phẩm Văn Hóa. Thêm nữa, anh còn hướng dẫn du lịch sinh thái về miền sông nước Cửu Long, ... quá nhiều việc!
“Ngẫu hứng ru con” (lời của Anh Thoa), Thu Hiền ca, là một trong các nhạc khúc mang âm điệu quê hương mà Bảo Phúc viết, ngoài những nhạc khúc trẻ quý vị đã nghe ...
Ngoài ra, anh lại có giọng hát truyền cảm để có thể trình bày lấy ca khúc của mình.
“Ấm áp mùa Đông” do chính Bảo Phúc hát ...
Về tình yêu thì người vợ hiền hậu đã cùng anh đồng hành từ khi còn nghèo khó, qua những thăng trầm cuộc sống, cho nên tuy mang tánh nghệ sĩ, nhưng đi đâu rồi anh cũng về với bến đỗ gia đình.
“Tình mãi xanh” Mỹ Tâm ca ...
Theo bài tự sự của Bảo Phúc, những bóng hồng chỉ đến sau khi anh đã thành danh. Tình yêu đem đến những hứng khởi sáng tạo, Bảo Phúc ghi lại là nhiều lúc, biết có lỗi mà vẫn tái phạm, và bóng dáng những người tình vẫn ẩn hiện trong các ca khúc của anh.
“Dáng hồng” Việt Quang hát ...
Tuy nhiên, Bảo Phúc ghi tiếp, điều thú vị và cũng có thể gọi là may mắn cho anh, là những người tình ấy sau này đều trở thành bạn, có lẽ đó là sự sắp xếp của số phận.
Năm 2005, sau cơn xuất huyết não, Bảo Phúc tìm đến với Phật pháp, thực hành thiền, và viết nhạc về đạo, về thiền.
“Điệu buồn ngàn năm” qua giọng hát Thanh Lam kết thúc chương trình về nhạc sĩ Bảo Phúc … Thy Nga xin tạm biệt quý thính giả.