Người ca sĩ đa tài

Do học chương trình Pháp nên vốn liếng ngoại ngữ vững vàng, Thanh Lan hát rất chuẩn tiếng Pháp, tiếng Anh. Cô cũng viết lời Việt cho nhiều nhạc khúc Pháp, Anh. Ngoài ra, Thanh Lan còn diễn kịch, đóng phim sang cả lãnh vực Anh ngữ.
“Je suis à toi” (Tình buồn) ...
Hai nhạc bản quý vị và các bạn vừa nghe, đều do Thanh Lan sáng tác và thuộc trong cuốn CD “Tình khúc Thanh Lan” mới phát hành hồi đầu tháng Tám. Đó là điều mà Thy Nga chú ý chứ Thanh Lan hát tiếng Pháp thì giới yêu nhạc đã biết từ lâu rồi.
Xưa nay, từ Đông sang Tây, thường thì nam giới sáng tác nhạc, chứ ít có người nữ sáng tác. Do đó, mỗi khi thấy có trường hợp như thế, Thy Nga thích lắm và tìm cách hỏi chuyện. Kể cũng hơi lạ, tâm hồn người nữ vốn chan chứa tình cảm hơn là người nam, lẽ ra phải có nhiều cô nhiều bà sáng tác nhạc mới đúng chứ!
Nghe có cuốn CD gồm các sáng tác của Thanh Lan, Thy Nga hỏi thăm nhưng khi ấy, Thanh Lan quá bận sửa soạn cho chuyến sang Lausanne (Thụy Sĩ) hát cho một chương trình giúp trẻ nhà nghèo miền Cao nguyên Việt Nam; kế tiếp là qua Paris trình diễn trong chương trình giúp chùa tại đó; thành ra sau khi trở lại Mỹ, mới có thời giờ cho cuộc phỏng vấn. Trả lời câu hỏi của Thy Nga, Thanh Lan kể về chuyện học nhạc:
Thanh Lan:
Thưa Chị, Thanh Lan đã được cái may mắn là bố mẹ cho đi học nhạc từ 9 tuổi cho đến những năm lên Trung học. Những người thày của Thanh Lan đầu tiên là các soeur trường St. Paul, sau đó là bà Thẩm Oánh và nhạc sĩ Nghiêm Phú Phi (từ cái năm 12 tuổi). Sau đó thì tự học ở nhà.
Thanh Lan đã tự phát hành được 6 cuốn CD. Trước CD này, Thanh Lan đã có một số sáng tác như “Ru đêm”, “Ước mơ”, “Đời thật dễ thương”, “Tiếng hát”, “Mùa hè trên quê hương”, “Về cùng em”, ... Bốn bài trong số vừa nói, cùng với 5 sáng tác mới, và một bài phổ thơ, hợp lại thành CD “Tình khúc Thanh Lan”.
“Ru đêm” ...
Thanh Lan:
“Ru đêm” là bài hát mà Thanh Lan sáng tác đầu tiên hồi còn ở Việt Nam. Lúc đó, mẹ Thanh Lan còn sống, và Thanh Lan đã hát bài này cho Mẹ nghe đầu tiên. Đó là một bài tả cảnh tại một làng chài lưới, và lời ru của người mẹ đưa võng ru con trong khi người cha đi đánh cá xa ...
Thanh Lan, như giới yêu nhạc đều biết, là nữ ca sĩ nổi tiếng từ thời trước 1975.
Khởi đi từ năm 12 tuổi, hát trong ban Việt Nhi. Kế đến, Saigon bắt đầu có các chương trình truyền hình thì với dáng dấp xinh tươi, giọng hát trẻ trung, Thanh Lan nổi lên và chiếm ngay được sự ái mộ của khán thính giả.
“Tiếng hát học trò” sáng tác của Minh Kỳ và Nguyễn Hiền (âm thanh nghe xa xăm vì thâu từ trước 1975) ...
Thanh Lan hát và đóng trong cuốn phim cùng tên, khán thính giả đã yêu mến tặng luôn cho Thanh Lan danh hiệu “Tiếng hát học trò”.
Cô cũng tham gia phong trào Nhạc Trẻ, và năm 1973 với ca khúc “Tuổi biết buồn” Thanh Lan vào đến chung kết tại Đại hội quốc tế về nhạc Pop tổ chức tại Tokyo.
“Tuổi biết buồn” của Phạm Duy - Ngọc Chánh (âm thanh thâu trước 1975) ...
Thanh Lan hát nhiều thể loại, từ nhạc trẻ, đến dân ca, tình ca, nhạc lính chiến (đặc biệt là với Nhật Trường), và thánh ca nữa, ...
Biến cố tháng Tư 1975 xảy tới, Thanh Lan kẹt lại, thành ra cũng có quãng thời gian phải thích ứng để sống còn.
“Trong nắng, trong gió” nhạc ngoại quốc, Thanh Lan hát lời Việt ...
Thanh Lan vượt biển rất nhiều lần nhưng không trót lọt.
Đến cuối năm 1993 thì cơ hội tới. Được phép sang Mỹ tham dự buổi ra mắt cuốn phim “Tình người” do đạo diễn gốc Việt quay cảnh tại Việt Nam và cô thủ vai chính, Thanh Lan xin tỵ nạn ở Mỹ. Thoạt đầu, mấy câu cô phát ngôn bộc toạch không đắn đo khiến Thanh Lan bị cộng đồng người Việt hải ngoại phản đối. Nhưng rồi với thời gian ... dư luận nguôi ngoai, Thanh Lan chiếm dần lại cảm tình của khán thính giả để tiếp tục sự nghiệp ca hát. Thanh Lan cũng có cơ hội phát triển ngành đóng phim và diễn kịch.
Tháng Hai và tháng Ba năm nay, Thanh Lan tham gia Kịch đoàn Hải Ngoại trong bi trường kịch cổ điển “Intrigue and love” của soạn giả Friedrich Schiller người Đức, diễn qua tiếng Việt là vở thoại kịch “Âm mưu và tình yêu”. Thanh Lan cho biết về việc này:
Thanh Lan:
Kịch cổ điển người ta viết lời đối thoại rất dài, có những câu nói dài cả trang nên học bài rất là khổ. Vở kịch đó cũng là cả một cái challenge (sự thách thức) đối với kịch đoàn.
Sau đó thì Lan có diễn trong vở “Ngôi nhà không có đàn ông” diễn vai Xuân, người chị lớn trong gia đình.
Cũng là một sự thách thức (challenge) vì gia đình này là người Nam, thành ra Thanh Lan cũng phải nói hoàn toàn tiếng Nam.
Qua hai sắc thái, khán giả rất khen Thanh Lan qua hai vai đó cho nên mình cũng cảm thấy hăng hái hơn (cười).
Từ khi ra hải ngoại, Thanh Lan đóng kịch nhiều hơn đóng phim. Có một lần, Lan đóng phim tài liệu, trong vai một cô y tá để giúp cho các bà mẹ trẻ, mới có con lần đầu, biết cách nuôi nấng và dạy dỗ con trong 5 năm đầu tiên.
Cách nay 2 năm thì Lan có qua bên Pháp để quay một cuốn phim ma.
Ngoài những sinh hoạt ca hát, văn nghệ, Thanh Lan cũng đang hoàn tất phần tiếng Việt cho cuốn hồi ký viết bằng Anh ngữ (vì dự liệu phát hành trước, trong dòng chính của Hoa Kỳ).
Nhìn lại thì phải nói là các năm cuối thập niên 1960 đến biến cố 1975 là khoảng thời gian huy hoàng của Thanh Lan, thời kỳ vàng son hiếm có của một nghệ sĩ.
Dòng đời qua những khúc quanh gập ghềnh nhưng nay, cuộc sống của người nữ ca sĩ này đã khá tốt đẹp.
Thanh Lan:
Thì ... được quý vị khán giả nhớ đến mình như là một hình ảnh của Saigon là Thanh Lan vui lắm rồi.
“Ước mơ” ...
Với ca khúc “Ước mơ”, Thy Nga hẹn tái ngộ quý thính giả trong kỳ tới.