Chuyện kể Hành trình Biển Đông

Chương trình kỳ này đánh dấu 34 năm biến cố khiến hàng triệu người Việt đành đoạn rời xa quê hương, hàng trăm ngàn đồng bào bỏ mạng trên đường vượt khỏi chế độ mà họ không chấp nhận sống cùng, Thy Nga xin dành để gửi đến quý thính giả các ca khúc về hành trình Biển Đông, chuyến ra khơi vô cùng dũng cảm của những người mưu tìm tự do.
Thy Nga, phóng viên đài RFA
2009.04.26

Thuyên nhân Việt Nam đã bắt đầu rời trốn khòi cộng sản từ những năm 1975
Thuyên nhân Việt Nam đã bắt đầu rời trốn khòi cộng sản từ những năm 1975
Photo courtesy Boat People
Về vấn đề thuyền nhân thì không thể không nói đến Ngụy Vũ, một người hoạt động trong ngành truyền thông tuy nhiên đã đem hết tâm huyết và rất nhiều công sức để ghi lại trang sử bi tráng đó của dân tộc. Anh nói:

Thông thường thì quốc gia nào cũng vậy, qua một quá trình thay đổi, thì cái giai đoạn mà người Việt chúng ta đi tìm tự do qua hành trình Biển Đông là cái giai đoạn mà chúngta cần phải nhìn lại. Cái nhìn lại không phải để chúng ta nhớ lại những đau thương nhưng mà cái nhìn lại, chúng ta giúp cho thế hệ mai sau biết được những gì mà cha mẹ của họ, những nguyên nhân tại sao ra đi, và những gì mất mát qua hành trình Biển Đông.

… chúng ta giúp cho thế hệ mai sau biết được những gì mà cha mẹ của họ, những nguyên nhân tại sao ra đi, và những gì mất mát qua hành trình Biển Đông.

Ngụy Vũ

Thy Nga:

Vào năm 2002, Ngụy Vũ khởi xướng cuộc thi truyện ngắn, để người Việt tỵ nạn ở các nơi có cơ hội kể lại hành trình vượt biển mà chính họ đã trải qua năm nào và chưa thể xóa nhòa trong tâm trí.

Ngụy Vũ:

Thưa chị Thy Nga và quý vị, Ngụy Vũ đến Pilau Bidong vào năm 1989, sau 14 tháng Ba 1989 tức là Vũ phải ở trại mấy năm trời qua thanh lọc. Ngụy Vũ là một thuyền nhân, nạn nhân của cướp biển. Trước mắt Ngụy Vũ, hải tặc Thái Lan giết mấy chục mạng người và bắt đi mấy chục cô gái. Sau 5 ngày hãm hiếp, họ vứt tất cả những cô này xuống biển. Tuy nhiên, có một cô sống sót do một chiếc tàu đánh cá Thái Lan vớt đưa đến Songkla (ở Thái).

“Biển cạn” nhạc bản của Kim Tuấn, Khánh Hà trình bày …

Sau đó, Cao Ủy Tỵ Nạn đã giúp Vũ tìm ra được cô gái ấy. Vũ mới bay qua Thái Lan để trình bày lại cái sự kiện cho cảnh sát Thái Lan, và cùng với cảnh sát Thái ra ngoài biển Đông tìm những tàu mà đã từng giết hại con tàu của Ngụy Vũ. Và trở lại cái làng ở Songkla bắt được mấy tên cướp.

Thy Nga:

Phải chăng vì chính anh chứng kiến cái cảnh hãi hùng trên biển, nó thôi thúc anh dấn thân vào công việc này?

Ngụy Vũ:

Những điều đó nó nằm trong ký ức, trong tâm hồn của Ngụy Vũ cho nên Vũ mới thực hiện được cái chuyện mà Vũ đã theo đuổi suốt trong mấy năm qua.

Về cuộc thi truyện ngắn, trên một ngàn người thuyền nhân kể lại những chuyện thương đau của họ trên Biển Đông cũng như là qua các trại tỵ nạn ở Đông Nam Á.

Từ trên một ngàn câu chuyện đó, hội đồng giám khảo các nhà văn lựa ra khoảng một trăm truyện tiêu biểu để làm sử liệu về Thuyền nhân Việt Nam.

Từ một trăm câu chuyện đó, chúng tôi chia ra làm 2 bộ sách, gọi là tập 1 và tập 2 của “Chuyện kể hành trình Biển Đông” và Ngụy Vũ có diễn đọc trong bộ 10 CD.

Sound from audio book …

Thưa quý vị cũng biết, con tàu Cap Anamur của Đức, vào năm 1979, Tiến sĩ Rupert Neudeck vận động tàu Cap Anamur đã cứu được gần 12 ngàn thuyền nhân.

Ngụy Vũ nhớ công ơn của ổng, công ơn người Đức đã cưu mang thuyền nhân Việt Nam cho nên Vũ đã bay qua Đức hai chuyến, nhờ bạn bè và một số hội đoàn tại đó để mà làm cái bản Đức ngữ cho người Đức hiểu được tại sao người Việt chúng ta có mặt trên nước Đức.

Sau đó, Vũ tiếp tục vay mượn được một số tiền, chuyển dịch ra bản Anh ngữ tên là “Risking death to find freedom” (Liều chết để tìm tự do). Năm 2006, Hành trình Biển Đông Foundation hoàn tất tập bằng Anh ngữ - có lẽ, cái tuyển tập bằng Anh ngữ đó mới chính thức nói lên toàn bộ những cái gì mà người Việt Nam chúng ta đã đi tìm hai chữ Tự Do, và cụ thể nhất là cho nước Mỹ cũng như lương tâm nhân loại hiểu một cách rõ ràng hơn.

… qua sự gặp gỡ, chúng ta biết rằng mình là những người may mắn thì chúng ta cùng nhau tưởng niệm, nhớ lại những người đã cùng với chúng ta đi tìm tự do qua hành trình Biển Đông mà họ mãi mãi không đến được bến bờ.

Ngụy Vũ

Ngụy Vũ hoàn tất, in ra được khoảng một ngàn cuốn đầu tiên để gởi vào Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ, các thư viện, các trường đại học Hoa Kỳ, và bạn bè trên các quốc gia nói tiếng Anh. Nhờ như vậy mà rất nhiều trường đại học đã biết về thảm trạng thuyền nhân Việt Nam. Đó là một trong những mục đích cao nhất mà Ngụy Vũ muốn theo đuổi.

Kế hoạch kế tiếp là phát hành tầm vóc hơn cho người Việt trên toàn thế giới thì Ngụy Vũ đã ngưng lại, là vì … đến đó thì hết tiền.

Ngụy Vũ nghĩ rằng qua cái việc đã hình thành 2 tuyển tập nói lên thảm trạng thuyền nhân Việt Nam thì hy vọng có được một sử liệu để cho đời sau hiểu được những cái giá mà thuyền nhân Việt Nam đã trả.

“Xác em nay ở phương nao” Hằng Nga hát …

Vào Chủ Nhật đầu tháng Tư, Ngụy Vũ tổ chức Ngày Thuyền Nhân, và hầu như ngày này đã trở thành một ngày truyền thống. Hằng năm, chỉ cần có các thông báo đơn giản là thuyền nhân khắp mọi nơi tụ họp tham dự. Mỗi năm như vậy, có trên một ngàn người quy tụ tại Nam California. Mục đích Ngụy Vũ muốn là qua sự gặp gỡ, chúng ta biết rằng mình là những người may mắn thì chúng ta cùng nhau tưởng niệm, nhớ lại những người đã cùng với chúng ta đi tìm tự do qua hành trình Biển Đông mà họ mãi mãi không đến được bến bờ.

“Lời kinh đêm” Việt Dzũng trình bày …

Những người mà ngày xưa đã cùng thuyền, cùng trại, cùng đảo, có dịp gặp lại nhau. Đây là một sinh hoạt mà hầu như năm nào cũng tạo sự xúc động.

Trong cuốn tiếng Anh mà giáo sư Richard Sindt là người hiệu đính lại phần Anh ngữ, ông nói đây là một chương trình và một cái ngày mang tính nhân bản rất cao.

Thy Nga:

Như tựa đề cuốn sách, biết bao con người dân Việt đã vượt cái chết để tìm sự sống và từ những nát tan trong đời, họ đã nỗ lực vươn lên để không những tồn tại, mà còn gầy dựng cho con cái thành đạt, và ổn định cuộc sống ở hải ngoại.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.