Nhìn lại 10 năm qua … những ca nhạc sĩ đã ra đi vĩnh viễn (Phần 1)

10 năm qua, khu vườn ca nhạc Việt Nam có nhiều mất mát. Chúng ta hãy cùng nhìn lại để tưởng nhớ những giòng nhạc, những tiếng ca đã không còn nữa.
Thy Nga, phóng viên đài RFA
2010.01.24
asia-54-305.jpg Hình bìa DVD ASIA 54: Trúc Hồ - Trầm Tử Thiêng/Bước chân Việt Nam - A Triumphant Story
Photo courtesy of Wikipedia

10 năm là quãng thời gian đáng kể trong đời người. Như lá rụng rơi, nhiều nhạc sĩ đã rời xa …

Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng

* Khi mọi người trên thế giới mới bước vào tân thiên niên kỷ

thì nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng lặng lẽ ra đi vào ngày 25 tháng Giêng dương lịch 2000 để lại cho đời trên 200 nhạc khúc gồm các đề tài về thiếu nhi, tình yêu, quê hương, chiến tranh và thân phận của dân tộc Việt Nam.

Trầm Tử Thiêng bắt đầu viết nhạc từ năm 1958 và nổi tiếng ngay với bản “Bài Hương ca vô tận”.

“Bài Hương ca vô tận” qua giọng hát Thái Thanh ...

Năm 66, nhập ngũ thuộc Cục Tâm Lý Chiến. Thời gian này, ông viết một số nhạc khúc về đời lính.

Biến cố Tết Mậu Thân 1968, để chia sẻ nỗi đau thương với người dân xứ Huế, Trầm Tử Thiêng viết “Chuyện một chiếc cầu đã gãy”.

Năm 1970, ông viết bài “Tôn Nữ còn buồn” về trận bão vừa đổ xuống miền Nam.

Các nhạc bản nổi tiếng của Trầm Tử Thiêng trước 1975,

ta có thể kể là “Kinh khổ”, “Chợt nghĩ về hai nơi”, “Mười năm yêu em”, “Mây hạ”, “Tình ca mùa Đông”, …

Trầm Tử Thiêng cũng tham gia phong trào Du Ca Việt Nam.

Năm 1985, ông tới Hoa Kỳ, định cư tại Quận Cam, Nam California. Năm 87, viết bài “Đêm nhớ về Saigon”.

Cùng với nhạc sĩ Trúc Hồ, Trầm Tử Thiêng sáng tác nhiều trong thể loại nhạc đồng ca như các bài “Bước chân Việt Nam”, “Việt Nam niềm nhớ”, “Một ngày Việt Nam”, “Cảm ơn anh”, …

Bài “Bên em đang có ta” Trầm Tử Thiêng viết cho những trẻ em sống trong các trại tỵ nạn.

“Bên em đang có ta” hợp ca Asia ...

Và bài “Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng” viết vào tháng 8, 1996 khi nghe tin một làng Việt Nam được xây dựng ở Philippines cho người Việt lưu vong.

Nhạc sĩ Thu Hồ

* Thu Hồ, người nghệ sĩ rất sùng đạo được Thiên Chúa gọi về vào chiều 19 tháng 5, 2000.

Thu Hồ tài năng đa dạng, thoạt tiên là ca sĩ, kế đến là nhạc sĩ với sáng tác đầu tay là bài “Quê mẹ”.

“Quê mẹ” Hoàng Oanh ca ...

Hai đề tài mà ông chú trọng là quê hương và tôn giáo. Ngoài ra, Thu Hồ còn làm thơ, hoạt động trong lãnh vực kịch nghệ và điện ảnh.

Ca sĩ Sĩ Phú

* Giọng hát ấm áp tình cảm của chàng pilot Sĩ Phú không còn cất lên nữa từ ngày 19 tháng 7, 2000 để lại nhiều tiếc nhớ cho những người ái mộ.

“Khi người yêu tôi khóc” Sĩ Phú trình bày ...

Nữ ca sĩ Mỹ Thể

* Nữ ca sĩ Mỹ Thể, giọng hát ngọt ngào một thời. Mỹ Thể đi hát từ năm 1963, khởi đầu là cộng tác với những chương trình văn nghệ quân đội và được ưa chuộng qua các ca khúc “Tình anh lính chiến”, “Chiều hành quân”, “Ngày em về thăm quê tôi”, … Kế đến, cộng tác với những chương trình ca nhạc phát thanh, truyền hình, các phòng trà, vũ trường, đại nhạc hội, ... nổi tiếng với các bài “Ai lên xứ hoa đào”, “Bài thơ hoa đào” của Hoàng Nguyên.

“Bài thơ hoa đào” Mỹ Thể hát …

Tháng Ba 1980 Mỹ Thể một mình vượt biển trót lọt đến Thái Lan. Chỉ ít lâu sau, là sang Cali để tiếp tục sự nghiệp ca hát.

Đến năm 89, lập gia đình lần thứ hai với một viên chức ở Pháp. Qua Pháp, Mỹ Thể tiếp tục đi hát và lưu diễn. Tới năm 96 thì trở lại Mỹ và nghỉ hát luôn.

Mỹ Thể từ trần ngày 8 tháng 10, 2000.

Qua năm 2001 thì ngay mấy tháng đầu, giới yêu nhạc trong và ngoài nước đã mất đi 2 nữ ca sĩ ở độ tuổi tương đối còn trẻ, đó là Lê Dung 47 tuổi, và Ngọc Lan 44 tuổi.

Nữ ca sĩ Lê Dung

* Lê Dung, nghệ sĩ solo của Dàn nhạc Giao Hưởng Việt Nam, và là ca sĩ Việt Nam đầu tiên tự tổ chức một đêm tại Nhà Hát Lớn Hà Nội với 21 bài hát từ Aria trong nhạc kịch “Cô Sao” của Đỗ Nhuận, tới “Thiên thai” của Văn Cao.

Lê Dung mất vào ngày 29 tháng 1, 2001.

Nữ ca sĩ Ngọc Lan

* Ngọc Lan, người nữ ca sĩ mà có thể gọi là hiện tượng trong làng ca nhạc hải ngoại. Thời đó (khoảng giữa thập niên 1980) mới bắt đầu có Vidéo, Ngọc Lan hát và trình diễn đã làm biết bao khán thính giả từ hải ngoại về tới trong nước say mê.

“Mưa trên biển vắng” Ngọc Lan hát ...

Với giọng hát dịu êm tình cảm, và nhất là dáng vóc thanh cao, Ngọc Lan chiếm ngay được sự ái mộ của khán thính giả. Nhiều

Hình bìa dĩa DVD “Ngọc Lan như là kỷ niệm”
Hình bìa dĩa DVD “Ngọc Lan như là kỷ niệm”
người cũng mến cô vì tính tình khả ái. Tuy nhiên, có lẽ

         “Mỹ nhân tự cổ như danh tướng

         Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu”

Ngọc Lan ra đi ngày 6 tháng 3, 2001 để lại bao luyến tiếc. Một số nhạc sĩ đã viết ca khúc tưởng nhớ cô.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

* Chưa hết bàng hoàng vì sự ra đi của Ngọc Lan thì giới yêu nhạc lại nghe tin Trịnh Công Sơn từ trần vào ngày 1 tháng Tư. Thoạt đầu, có người đã không tin, nhưng thật vậy, nhạc sĩ họ Trịnh đã rời bỏ cõi tạm này, ra đi (hay trở về?)

“Một cõi đi về” qua giọng hát Thanh Lam …

Nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc

* Nguyễn Đình Phúc nhạc sĩ, họa sĩ và là nhà thơ. Về nhạc, sáng tác đầu tay của ông là bài “Cô lái đò” phổ thơ Nguyễn Bính.

“Cô lái đò” Đình Nguyên hát ...

Ông cũng sáng tác khí nhạc, và là một trong các nhạc sĩ viết nhạc phim đầu tiên của Việt Nam.

Nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc qua đời ngày 28 tháng 5, 2001.

Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ

* Hoàng Thi Thơ tài năng đa dạng cùng với óc sáng tạo phong phú:

- sáng tác trên 300 nhạc bản với đủ mọi tiết điệu, thể loại, đề tài.

- sáng tác trường ca, xây dựng nhạc cảnh, nhạc kịch.

- tổ chức, dàn dựng các chương trình vũ.

- đạo diễn phim ảnh, vidéo.

Đoàn Văn Nghệ Việt Nam do ông dẫn dắt, từng đi lưu diễn các nước Á châu. Ông cũng là trưởng đoàn Ca Vũ Nhạc Kịch Maxim’s ở Saigon.

Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ qua đời vào ngày 23 tháng 9, 2001 tại Nam California.

“Đường xưa lối cũ” Họa Mi hát ...

Nhạc sĩ Anh Hoàng

* Hai ngày sau thì từ Toronto, Canada, tiếng kèn Anh Hoàng cũng lịm tắt.

Anh sử dụng được nhiều nhạc cụ nhưng nổi tiếng nhất là kèn nên được bạn bè gọi là “Hoàng kèn”. Tiếng kèn Saxo của Anh Hoàng từng làm say mê không khí các vũ trường ở Saigon; sau này, tiếp tục cất lên ở Montréal và Toronto bên Canada.

Nhạc sĩ Ngọc Bích

* Một tuần sau khi dự đám tang nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ thì nhạc sĩ Ngọc Bích bị nhồi máu cơ tim và qua đời.

Thoạt tiên, với nghệ danh Kim Ngọc ông đi hát, qua cả Côn Minh bên Trung Quốc trình diễn. Năm 1942, ông đàn trong tiệm khiêu vũ đầu tiên chơi nhạc sống tại Hà Nội.

Ngọc Bích bắt đầu sáng tác từ năm 1947, là nhạc sĩ Việt Nam đầu tiên sử dụng nhịp điệu Swing và Blues.

Các nhạc bản lần lượt ra đời: “Hương tình”, “Trở về bến mơ”, “Mộng chiều xuân”, “Dưới trăng thề”, …

Năm 54, vào Nam, Ngọc Bích tiếp tục sáng tác, và sinh hoạt âm nhạc tại các đài phát thanh và đại nhạc hội.

Do có cảm tình với ông Ngô Đình Diệm, Ngọc Bích soạn bài

“Vè Bảo Đại”. Sau khi Ngô Đình Diệm trở nên tổng thống thì Ngọc Bích cùng với nhà văn Thanh Nam sửa lại lời bài vè ấy thành bài “Suy tôn Ngô Tổng Thống”.

Năm 75, sang định cư ở Hoa Kỳ, nơi đây Ngọc Bích tham gia nhóm AVT. Đến năm 88 thì cùng với nhạc sĩ Nguyễn Hiền lập ra ban nhạc chơi giúp vui cho đồng hương.

Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn

* Vào cuối Thu 2001, “Nhạc sĩ của mùa Thu” Đoàn Chuẩn bỏ lại những nhạc phẩm bất hủ để tìm đến mùa Thu vĩnh cửu.

"Thu quyến rũ" Ngọc Bảo hát ...

Mời quý thính giả đón nghe tiếp chương trình này vào kỳ tới.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.