Nhìn lại 10 năm qua … những ca nhạc sĩ đã ra đi vĩnh viễn (Phần 2)

Qua năm 2002, làng ca nhạc trong nước từ biệt Nguyễn Hữu Thiết, người nhạc sĩ rất được quần chúng mến chuộng. Còn nhớ những năm 1950, 60 với hình ảnh hiền hòa của đôi song ca Ngọc Cẩm-Nguyễn Hữu Thiết trên các sân khấu miền Nam: Nguyễn Hữu Thiết đàn guitar và hát cùng với vợ những bài ca về đời sống dân lành.

0:00 / 0:00

“Gạo trắng trăng thanh” …

Trong một cuộc phỏng vấn, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết kể:

“Khó thể quên được khi đĩa hát của chúng tôi phát hành bán chạy như tôm tươi. Đại lý các tỉnh hàng ngày đến chen nhau mua, chỉ gọi tắt tên của ca khúc như "Bán cho 200 đĩa “Trăng rụng”, 200 đĩa “Gạo trắng". Đó là thời điểm vàng son trong sự nghiệp của tôi và bà xã. Một hãng ghi âm tặng chiếc xe hơi Consul để chúng tôi là ca sĩ độc quyền cho họ.”

Đôi vợ chồng này sát cánh bên nhau trong ca nhạc, và tạo dựng một gia đình êm ấm.

Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết mất vào ngày 31 tháng 10, 2002.

winter-12252009-250.jpg

“Đêm đông” qua giọng hát Elvis Phương …

* Tác giả nhạc phẩm này, Nguyễn Văn Thương là một nhạc sĩ thuộc thế hệ tiên phong của tân nhạc Việt Nam.

Sáng tác đầu tay là vào năm 1936, Nguyễn Văn Thương 17 tuổi, viết nhạc bản “Trên sông Hương” là một trong các tác phẩm tân nhạc đầu tiên tại Huế, nơi ông sinh trưởng.

Năm 1939, ra Hà Nội học. Đêm Giao Thừa năm đó, không có tiền để về Huế, Nguyễn Văn Thương đi lang thang qua những con phố ở Hà Nội, và đó là hoàn cảnh viết nên nhạc bản “Đêm đông” …

Nguyễn Văn Thương là một trong các nhạc sĩ đầu tiên soạn nhạc cho các điệu múa chuyên nghiệp. Ông từng giữ chức Giám đốc Nhạc Viện Hà Nội, và đưa hệ Trung cấp Âm nhạc cổ truyền lên hệ Đại học.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương qua đời vào ngày 5 tháng 12 tại thành phố Hồ Chí Minh.

* 2002 cũng là năm từ giã ca sĩ Hoài Trung của ban Thăng Long, ban hợp ca do Hoài Trung cùng các em là Thái Hằng, Hoài Bắc và Thái Thanh thành lập sau khi vào Nam năm 1951. Trên sân khấu, Hoài Trung rất vui nhộn, và đặc biệt là khi trình diễn bài "Ngựa phi đường xa" ông làm các động tác như phi ngựa. Hồi đó, làm gì có xảo thuật âm thanh mà dẫu có sound effects như thời nay thì cũng không hay bằng tiếng Hoài Trung làm ngựa hí, quý vị nghe nhé.

“Ngựa phi đường xa” nhạc bản của Lê Yên, ban hợp ca Thăng Long trình bày …

2003 là một năm u ám đối với làng âm nhạc Việt Nam, nhiều ca nhạc sĩ qua đời vào năm đó.

* Duy Khánh, giọng ca đặc biệt qua những bản chứa chất

tình tự dân tộc, hay ca ngợi tình bằng hữu, tình đồng đội.

Người ca nhạc sĩ được nhiều mến mộ này, từ trần ngày 12 tháng 2 tại Quận Cam.

* Cũng từ thủ phủ người Việt tỵ nạn tại Nam California, Hoa Kỳ, tiếng đàn guitar tay trái của nhạc sĩ Vô Thường không còn gảy lên nữa. Anh đã chọn 30 tháng Tư, cái ngày nghiệt ngã của lịch sử dân tộc, để trở về với cát bụi.

* Từ thành phố Saigon thời xưa thì vào ngày 11 tháng 5, 2003 tin tức cho biết là nhạc sĩ Lê Hựu Hà đột ngột qua đời, hình như là từ 2 ngày trước đó, anh lịm chết trong căn phòng đơn độc, không ai hay biết.

“Tôi muốn” quý vị và các bạn đang nghe qua giọng hát Elvis Phương, là một trong các nhạc bản của Lê Hựu Hà. Tiết điệu và lời ca trong bài này mang nét đặc trưng của Phong trào Nhạc Trẻ Việt Nam mà Lê Hựu Hà là một thành viên cột trụ.

* Trong năm 2003, Phong trào Du Ca cũng mất một thành viên sinh hoạt tích cực, đó là nhạc sĩ Trần Đình Quân, tác giả nhiều bài hát cộng đồng.

* Tin trong nước cho biết nhạc sĩ Trần Hoàn đã ra đi vĩnh viễn. Từng giữ chức Bộ Trưởng Văn hóa Thông Tin trong chính quyền Hà Nội, Trần Hoàn là tác giả một số nhạc bản mà phổ biến là các bài "Lời người ra đi", "Sơn nữ ca" viết trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

* Lại trở qua Nam Cali ... Sau một thời gian mang bệnh, ca sĩ Anh Tú lìa đời vào ngày 3 tháng 12, 2003.

Anh Tú thuộc gia đình thuần túy nghệ sĩ: bố là Lữ Liên, mẹ là nghệ sĩ Thúy Liễu. Chị Bích Chiêu, rồi đến Tuấn Ngọc, Khánh Hà, Lưu Bích, Lan Anh đều theo nghề hát.

le-trong-nguyen-180.jpg
Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn. Photo courtesy of Wikipedia.

* Sang năm 2004 mới 9 ngày thì nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn ra đi vĩnh viễn.

Lê Trọng Nguyễn ở trong số vài trường hợp có nhạc bản thành công tột độ, tới nỗi người ta chẳng cần biết tác giả là ai nữa, và nó làm lu mờ tất cả những nhạc bản khác của tác giả. Đó là bài “Nắng chiều” phổ biến không những ở trong nước mà được cả các quốc gia khác đặt lời bằng tiếng nước họ để đàn hát.

“Nắng chiều” Ngọc Lan hát …

* Tiếp sau sự ra đi của Lê Trọng Nguyễn, là nhạc sĩ Nhật Bằng lìa trần vào đêm 7 tháng Năm.

“Thuyền trăng” Nhật Bằng soạn nhạc, lời của nhà văn Thanh Nam ...

* Kế đến, là nhạc sĩ Ngô Mạnh Thu. Sang Mỹ định cư năm 1994, ông tiếp tục sinh hoạt mạnh mẽ, dựng lại Phong trào Du Ca, phong trào hát cộng đồng; dựng nhóm hát Hùng Sử Ca; thúc đẩy ca nhạc Phật giáo; góp sức viết ca khúc cho các trung tâm Việt ngữ; và giữ phần mục rất được thương mến "Chúng ta đi mang theo quê hương" trên đài phát thanh VNCR tại Quận Cam.

Nhạc sĩ Ngô Mạnh Thu qua đời ngày 17 tháng 8.

* Cuối tháng 11, 2004 thì nhạc sĩ Hoàng Lang từ trần tại Thụy Sĩ, nơi ông đến vào năm 1972 rồi định cư luôn. Hồi còn ở trong nước, Hoàng Lang hợp tác với các ban Vô Tuyến Quốc Gia, Hoàng Trọng, Văn Phụng, và "Cổ kim hòa điệu Dương Thiệu Tước" tại đài phát thanh Saigon; phụ trách chương trình nhạc "Hương Xưa", chương trình "Thi nhạc giao duyên Vương đức Lệ" trên đài Tiếng Nói Quân Đội. Hoàng Lang cũng cộng tác với các hãng đĩa và đài truyền hình Việt Nam. Ngoài ra, ông còn mở các lớp dạy nhạc, đào tạo nhiều nhạc sinh mà người nổi tiếng nhất sau này, là nhạc sĩ Lam Phương.

* Vừa mới bước vào năm Ất Dậu 2005, làng âm nhạc Việt Nam đã nhận tin buồn về nhạc sĩ Khánh Băng lìa đời vào mùng 1 Tết tại Saigon. "Sầu đông" kéo tới, lấp cả tia nắng buổi tân niên.

“Sầu đông” Nguyễn Hưng đang trình bày, là một trong các ca khúc nổi tiếng của Khánh Băng ...

Mời quý thính giả đón nghe tiếp chương trình này vào kỳ tới.