Nhìn lại 10 năm qua… những ca nhạc sĩ đã ra đi (Phần 3)

Những ca nhạc sĩ đã ra đi vĩnh viễn, nhưng kho tàng âm nhạc mà họ để lại sẽ tồn tại vĩnh cửu.

0:00 / 0:00

Trần Thiện Thanh

“Tưởng chừng trong mơ” Nhật Trường hát …

Ca sĩ Nhật Trường đồng thời là nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, tác giả bài “Tưởng chừng trong mơ”. Là người viết nhiều bài hát ca ngợi sự hy sinh của những chiến sĩ, làm cho tên tuổi của họ trở nên bất tử qua các ca khúc như “Người ở lại Charlie”, “Anh không chết đâu anh”, .. Nhật Trường Trần Thiện Thanh từ giã bạn bè, ra đi vĩnh viễn ngày 13 tháng 5, 2005.

“Tôi đi tìm tôi” phổ thơ Miên Du, giọng ca Hương Giang …

Do nếp sống trầm lặng, nhạc sĩ Hiếu Anh không được nhiều người biết đến, dù rằng ông có trên 200 nhạc bản.

Tối Chúa Nhật 27 tháng 11, 2005, đang trả lời một cuộc phỏng vấn thì bỗng dưng ông gục xuống. Cái chết xảy đến quá đột ngột khiến mọi người khó lòng tin nổi. Và trong nỗi bàng hoàng, ai nấy mới cảm nhận sâu xa hơn về sự phù du của đời người, có đó mất đó, chỉ trong phút giây.

Tiếng sáo trúc của Nguyễn Đình Nghĩa …

Tiếng sáo Nguyễn Đình Nghĩa mà nhạc sĩ Phạm Duy từng gọi là “Tiếng sáo thần”. Tiếng sáo trầm bổng trong những chương trình thi ca hồi trước 1975. Sau biến cố, ông quay sang nghiên cứu về nhạc cụ. Tháng Bảy 1984, ông cùng vợ con sang Hoa Kỳ định cư.

Ban nhạc gia đình Nguyễn Đình Nghĩa sử dụng nhạc cụ dân tộc Việt Nam trình tấu tại các viện âm nhạc cổ điển, nhạc đồng quê, các trường đại học, trung tâm giáo dục, các cộng đồng, hội chợ quốc tế, tại hàng trăm hí viện ở Mỹ và Canada được khán thính giả tán thưởng nhiệt liệt. Nhạc sĩ Nguyễn Đình Nghĩa qua đời ngày 22 tháng 12, 2005 tại Maryland, Hoa Kỳ.

“Mái tóc dạ hương” Vũ Khanh hát …

Nhạc sĩ Nguyễn Hiền đã “từ giã hoàng hôn” ngày 23 tháng 12. Nguyễn Hiền sử dụng được nhiều nhạc cụ, năm 1950 ông đã là nhạc trưởng ban nhạc “Hotel de Paris” tại Hà Nội. Sau khi đất nước bị chia đôi, Nguyễn Hiền vào Nam và từng giữ chức vụ Chủ sự phòng Chương trình Đài Phát Thanh Sài Gòn, Phụ tá Giám đốc Đài Truyền Hình Việt Nam đặc trách về chương trình. Năm 1988, ông cùng gia đình sang Hoa Kỳ định cư. Nơi đây, ông hăng hái tham gia sinh hoạt cộng đồng, tổ chức các lễ giỗ truyền thống dân tộc, cố vấn Hội “Cổ Nhạc miền Nam Việt Nam hải ngoại” nên được giới chức thành phố Westminster, nơi ông cư ngụ, mời làm Ủy viên Văn Hóa.

“Phố đêm” của Tâm Anh qua giọng ca Hương Lan và Mạnh Quỳnh …

Qua năm 2006, các nhạc sĩ qua đời gồm có Tâm Anh, Xuân Lôi, Mạnh Bích, Từ Huy, danh ca Ngọc Bảo, ...

Nhạc sĩ Từ Huy

Khi biến cố tháng Tư 1975 xảy tới thì Từ Huy đang là Trưởng Ban Văn Nghệ trường Đại học Văn Khoa Sài Gòn.

Nhạc sĩ Từ Huy. Photo courtesy of tuvanonline.com
Nhạc sĩ Từ Huy. Photo courtesy of tuvanonline.com

Sau đó là quãng thời gian hụt hẫng mọi thứ. Nhằm thúc đẩy dòng nhạc trẻ vươn lên, năm 1991, Từ Huy cùng với các nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Thanh Tùng, Nguyễn Ngọc Thiện và Nguyễn Văn Hiên lập ra nhóm “Những người bạn”.Có mặt trong Ban Chấp Hành Hội Âm Nhạc thành phố Hồ Chí Minh, Từ Huy đứng lên tranh đấu cho quyền lợi của giới nhạc sĩ chống nạn sử dụng và trả tác quyền một cách tùy tiện của nhiều đơn vị kinh doanh âm nhạc. Từ Huy lìa trần ngày 10 tháng 9, 2006.

Tiếng hát La Sương Sương như lời ngậm ngùi chia tay với gia đình, bạn hữu và người yêu, khi cô phải chịu thua số mệnh, ra đi lúc tuổi đời còn xanh màu ước vọng. Kiệt sức sau 2 lần thay gan, hậu quả cuộc ghép thận, La Sương Sương từ trần vào sáng sớm ngày 24 tháng Giêng 2007.

“Biệt ly” qua giọng hát Ý Lan …

Nhạc bản này, Doãn Mẫn viết khi mới 20 tuổi. Ông thuật lại là nhà ở cạnh Ga Hàng Cỏ, sân ga thời đó liên tục những chuyến tàu chở thanh niên Việt đi làm thợ hoặc lính cho Pháp tại các nơi xa xôi, không hẹn ngày về. Những cảnh chia ly đau xót đã tác động mạnh đến tâm cảm của Doãn Mẫn. Ông dạy thêm về đàn Guitar. Một trong các nhạc sinh của ông có mối tình bị cha mẹ ngăn cấm, chàng trai này buồn bã, đi kháng chiến và hy sinh, không hề biết rằng mối tình của mình đã gây xúc cảm cho Doãn Mẫn viết nên nhạc bản bất hủ ấy.

Từ năm 1945, bài hát lãng mạn này không được phép trình diễn ở miền Bắc. Mãi tới năm 1988 tức là 43 năm sau, nhờ chính sách đổi mới, “Biệt ly” mới được hát trở lại … Nhạc phẩm này đã vượt thời gian nhưng đối với tác giả của nó cũng như mọi người ở cõi trần, đời sống chỉ hữu hạn. Vào trung tuần tháng Tư 2007, dưới làn mưa nhẹ, người hâm mộ dòng nhạc Doãn Mẫn đã đứng hàng dài trước nhà tang lễ để tiễn ông ra đi vĩnh viễn.

Bên trời Cali thì ca sĩ Quốc Việt bỏ cuộc chơi khi mới 39 tuổi. Đến tháng 10, 2007 thì nhạc sĩ Lê Mộng Bảo lìa đời.

“Trở về” Hồng Nhung ca …

Qua năm 2008 mới 6 ngày thì có tin nhạc sĩ Châu Kỳ từ biệt mọi người, trở về với người mẹ đã khuất. “Trở về” là sáng tác đầu tay, viết trong tình cảnh là sau trận bão năm ấy, Châu Kỳ đang theo học ở Hà Nội, vội vã trở về quê tại Thừa Thiên - Huế thăm mẹ nhưng mẹ đã bị lũ cuốn trôi mất.

Sáng sớm ngày 16 tháng Giêng dương lịch 2008, trong khi sửa soạn đi đám tang người bạn thân là tài tử Lê Quỳnh thì nhạc sư Nghiêm Phú Phi ngã trong buồng tắm. Ông ra đi, để lại sự tiếc nuối cho gia đình, bạn bè nghệ sĩ, và nhạc sinh nhiều thế hệ. Công trình nhạc sư để lại cho đời là sáng tác hoặc hoà âm 5 trường ca và hơn một ngàn nhạc khúc các loại.

Nhạc sĩ Anh Việt

“Bến cũ” qua giọng hát “vượt thời gian” Thái Thanh, là một trong các nhạc bản của Anh Việt viết vào thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Nhạc sĩ Anh Việt. Photo courtesy of art2all.net
Nhạc sĩ Anh Việt. Photo courtesy of art2all.net

Nhà báo Sao Biển nhận định về dòng nhạc Anh Việt như sau: “làm dịu cơn đau, khỏa lấp sự kinh hoàng của chiến cuộc. Giống như “Một thời để yêu và một thời để chết” của nhà văn Erich Remarque khi nhìn thấy một cặp tình nhân gửi hồn nhau trong đáy mắt trên đường hành quân ngược xuôi”. Anh Việt cũng là tác giả các nhạc bản “Bến Kiên Giang”, “Chiều trong rừng thẳm”, “Lỡ chuyến đò” và đặc biệt là bài “Thơ ngây” với lời ca được mọi người mến yêu. Nhạc sĩ Anh Việt qua đời ngày 15 tháng Ba 2008 tại San Jose, Hoa Kỳ.

Tin từ Sài Gòn ngày 8 tháng Tư 2008 cho biết nghệ sĩ Kim Chung “Tiếng chuông vàng thủ đô” không còn vang lên nữa.

Bên Pháp thì Trịnh Hưng, tác giả những nhạc bản đượm tình quê hương, từ trần ngày 10 tháng Năm tại vùng ngoại ô Paris.

“Lối về xóm nhỏ” …

Năm 2009, tác giả bài “Bông hồng cài áo” nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ qua đời ngày 16 tháng Giêng tại Sài Gòn.

Nhạc khúc này phổ ý thơ Nhất Hạnh, gây xúc động cho bất cứ người nào nghe, và trở nên bài ca không thể thiếu trong mỗi dịp Vu Lan. Phạm Thế Mỹ còn nổi tiếng về bài “Tóc mây” và các nhạc bản nói về người lính chiến Việt Nam Cộng Hòa như “Những ngày xưa thân ái”, “Trăng tàn trên hè phố”, ...

Nghệ sĩ Trường Kỳ, người được xưng tụng là “Ông Vua Nhạc Trẻ”, “Chúa Hippy” qua đời một cách đột ngột ngày 22 tháng Ba tại Toronto trong chuyến anh đến làm phóng sự về buổi ra mắt Album đầu tiên của bé Tường Vi.

Sau đó chỉ hơn 2 tháng thì người bạn trong Phong Trào Nhạc Trẻ ngày nào, nhạc sĩ Tùng Giang cũng theo chân Trường Kỳ tới cõi trẻ mãi không già.

Từ trong nước thì tin cho biết nhạc sĩ Bảo Phúc lìa trần ngày 31 tháng 5; nghệ sĩ lừng danh Phùng Há qua đời ngày 5 tháng Bảy; nhạc sĩ Ưng Lang ra đi ngày 17 tháng 8.

Trở sang Hoa Kỳ … chúng ta giã biệt nhạc si lão thành Nguyễn Túc ra đi sáng 3 tháng Bảy 2009 tại vùng ngoại vi

Hoa Thịnh Đốn.

Đến cuối năm ngoái thì làng thơ mất giọng ngâm tuyệt vời của Thanh Hùng vào ngày 25 tháng 11. Ra Giêng, Thy Nga sẽ gởi đến quý thính giả chương trình thi ca về Thanh Hùng.

Bây giờ thì chỉ còn mấy ngày nữa là Tết, hãy khép lại mọi chuyện buồn … Thy Nga hẹn tái ngộ quý vị trong chương trình ca nhạc mùng 1 Tết Canh Dần.