Đón năm mới với các nước láng giềng
2011.12.31
Mời quí vị cùng thưởng thức sau đây.
Lào - Sawasdee Pi Maai
Quý vị và các bạn đang nghe giai điệu của bản nhạc Sawasdee Pi Maai là bài hát đón chào năm mới của nước bạn láng giềng bên Lào.
Với nhịp điệu tươi vui, nội dung bài hát mong muốn mang đến cho mọi người sự may mắn, hạnh phúc trong năm mới. Người dân Lào thường hát bài này trước khi bữa tiệc Tân Niên bắt đầu. Vào ngày đầu tiên năm mới, món ăn không thể thiếu của người Lào là món lạp, theo tiếng Lào, lạp nghĩa là may mắn. Lạp được làm từ thịt băm có thể là bò, gà hoặc heo trộn với một ít ớt, thính gạo và nước cốt chanh.
Món lạp đối với người Lào rất quan trọng bởi họ quan niệm món lạp không ngon có nguy cơ năm mới làm ăn gặp nhiều xui xẻo.
Cũng giống Việt Nam, người Lào tổ chức năm mới 3 ngày, vào sáng ngày mùng một, người Lào cũng đi lễ chùa cầu may và dành thời gian bữa tối cho gia đình và bè bạn. Ngày Năm mới truyền thống của người Lào thường rơi vào tháng 4 hàng năm.
Campuchia - Chôl Chhuôn
Giờ thì quí vị đang cùng Vũ Hoàng cùng đến với giai điệu trong bản Chôl Chhuôn, bài hát năm mới của người Campuchia.
Người Khmer mừng Chôl Chnăm Thmây vào tháng 4 dương lịch hàng năm và kéo dài chính thức 3 ngày. Đây là thời điểm mùa khô kết thúc và mùa mưa sắp đến.
Cũng như mọi nước ở Đông Nam Á, trong một năm, người Khmer sống ở Việt Nam và Campuchia có khá nhiều lễ hội nhưng quan trọng nhất của họ vẫn là lễ hội, Chol Chnăm Thmây, Dolta (Đôn Ta) và Ok Om Bok. Chol Chnăm Thmây có nghĩa là “Lễ chịu tuổi” hay “Vào năm mới”.
Đêm giao thừa, nhà nào cũng làm cỗ, thắp hương, đốt đèn, cúng tiễn đưa vị Chư Thiên cũ (Têvôđa), đón rước Têvôđa mới. Trên bàn thờ có bày sẵn 5 nhánh hoa, 5 cây đèn cầy, 5 cây nhang, 5 hạt cốm và nhiều loại cây quả. Cả gia đình ngồi xếp chân trước bàn thờ tổ tiên, khấn vái, mong và tin rằng sẽ được thần ban phước lành.
Tết này có ý nghĩa rất quan trọng đối với người Khmer vì nó vừa là ngày mở đầu năm mới và thời vụ mới, đồng thời cũng là ngày hạnh phúc tươi vui nhất trong năm mới. Đây còn là dịp nam nữ thanh niên quen biết, tìm hiểu nhau qua các trò chơi dân gian 3 ngày, có thể tiến tới cuộc hôn nhân tốt đẹp trong tương lai...
Trong ba ngày này, nam nữ thanh niên tham gia các cuộc hát đối đáp aday, hát dù kê, múa Răm vông, múa Saravan, múa trống xàdăm và chơi chôl (ném) chhuôn… Trò chơi phổ biến nhất là trò chơi chôl chhuôn giữa hai đội nam và nữ, vật dùng để ném là cái khăn cuộn tròn lại. Bên nọ ném cho bên kia, vừa ném vừa hát rất hay….
Thái Lan - Pond Pi Maai
Rời nước bạn Campuchia, mời quí vị cùng đến với giai điệu của bài hát Pond Pi Maai là bài hát đón chào năm mới của người dân Thái Lan. Bài hát này do vị vua King Bhu-mi-pol –a-dul-ya-dej sáng tác.
Ông sáng tác bài hát này cho người dân Thái nhân dịp năm mới vào năm 1951. Ông mong ước người dân Thái được hạnh phúc, tấn tài tấn lộc.
Người Thái Lan gọi ngày Tết cổ truyền mừng năm mới là Songkran. Ngày Tết được tổ chức từ ngày 13-15/4 để đón năm mới. Đây là thời điểm người Thái tỏ lòng kính trọng với Đức Phật, dọn dẹp nhà cửa, té nước vào người cao tuổi nhằm tỏ lòng tôn kính. Đặc biệt, trong tết Songkran, người dân sẽ té nước lên nhau bằng xô, súng phun nước... những người càng được té nhiều nước càng may mắn vì họ cho rằng nước sẽ gột rửa đi những phiền muộn của năm cũ.
Ở Thái Lan, Phật giáo là quốc giáo vì vậy nước này ăn tết theo Phật lịch. Theo Phật lịch, năm mới bắt đầu bằng ngày Đản sinh của Đức Phật 15/4 và ngày lễ chính thức được mở đầu bằng lễ tắm Phật trên chùa. Sau lễ tắm Phật, mọi người bắt đầu chào mừng năm mới bằng Hội té nước. Từ năm 1941, Hoàng gia Thái đã quy định rằng ngày Tết Songkran bắt đầu vào ngày 13-4 mỗi năm.
Nhật Bản
Rời xứ sở Chùa Vàng, quí vị và các bạn đang nghe khúc nhạc đồng dao của người Nhật Bản. Người Nhật thường hát ca khúc này vào năm mới. Tác giả là Higashi Kume và bài hát này ra đời năm 1901.
Không giống như các nước láng giềng khác ở châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam…, Nhật Bản tổ chức đón năm mới theo dương lịch. Người Nhật gọi dịp này là “Oshogatsu”, và đây là sự kiện để nghênh đón vị thần Toshigamisama…
Người Nhật bắt đầu chuyển sang ăn Tết dương lịch theo phương Tây từ năm Minh Trị thứ 6, tức năm 1873. Phong tục đón năm mới của người Nhật hiện vẫn giữ được những truyền thống Á Đông điển hình.
Người Nhật có tập quán trang trí cây thông (kadomatsu) trước cửa nhà, trước cửa hàng hay trước cổng công ty. Họ quan niệm cây thông này là nơi đón Toshigamisama – vị thần linh đem lại sự thịnh vượng, may mắn và trường thọ. Ngoài vật tiêu biểu là cây thông thì người Nhật còn dùng các loại thừng bện bằng cỏ, dải giấy trắng… tượng trưng nhiều mong ước, nhiều ý niệm khác nhau cho một năm mới tốt lành.
Đêm 30 tết là thời gian gia đình sum họp, cùng nhau ăn tất niên và chờ đón khoảnh khắc giao thừa. Trái với người châu Âu và người Mỹ thường đón Giáng Sinh cùng gia đình còn khi giao thừa thì ra những địa điểm công cộng để chào mừng năm mới, người Nhật lại thường đi chơi Giáng Sinh với người yêu, bạn bè và quây quần đón năm mới bên gia đình.
Vào đúng 0g đêm giao thừa, khắp các chùa trên đất nước Mặt Trời Mọc sẽ đánh 108 hồi chuông với ý nghĩa xua đuổi 108 con quỷ sứ. Tiếng chuông cũng là âm thanh được coi là bậc nhất trong năm âm thanh của Phật pháp.
Thời khắc giao thừa, trong tiếng chuông ngân vang, sau khi nói lời chúc mừng năm mới tới mọi người xung quanh, tất cả sẽ quây quần bên nhau cùng thưởng thức rượu sake và các món ăn truyền thống vào dịp Oshogatsu.
Trên bàn ăn ở các gia đình Nhật Bản những ngày này thường không thể thiếu các loại bánh làm từ gạo (tiếng Nhật gọi là omochi), các món ăn chế biến từ cá và hải sản… Các đồ ăn được làm từ gạo sẽ là nguồn gốc giúp con người thành đạt.
Hàn Quốc
Chia tay với xứ sở Mặt Trời Mọc, mời quí vị đến với bài hát năm mới của những người bạn Hàn Quốc. Bài hát này không chỉ được nghe trong dịp năm mới mà còn vào những ngày lễ hội khác. Bài hát này có thể được chơi với rất nhiều nhạc cụ khác nhau và những giai điệu quí vị đang nghe là từ bài nhạc gốc. Tên bài hát được hiểu là Biểu Tượng Của Tình Yêu.
Vào năm mới, người Hàn Quốc mặc đồ Han- Boks truyền thống. Sáng mùng một, người Hàn Quốc trở về sum họp với gia đình, cha mẹ, ông bà. Họ có lễ Sepae (Xây pây), Ông bà ngồi trên, con cháu cúi lạy chúc ông bà khỏe mạnh, sống thọ và được ông bà mừng tuổi.
Sau đó, người dân Hàn Quốc ăn món duk - gook (món nước súp ăn với bánh làm từ gạo) và dĩ nhiên là món kim chi không thể thiếu với người dân nước này.
Năm mới, nhiều người sẽ ra biển để xem mặt trời mọc. Các bãi biển ở phía đông Hàn Quốc thường nghẹt cứng người. Khi mặt trời mọc, người ta sẽ ước nguyện một năm mới phát đạt và may mắn cho bản thân và gia đình.
Thưa quí vị, quí vị vừa cùng Vũ Hoàng đến với một số bài hát năm mới của các nước bè bạn láng giềng. Trước khi chia tay, mời quí vị nghe lại ca khúc bất hủ Happy New Year của nhóm nhạc ABBA.
Vũ Hoàng thay mặt toàn ban Việt Ngữ, chúc quí vị sang năm mới 2012 gặp nhiều may mắn, sức khỏe và an lành. Xin kính chào và hẹn gặp lại quí vị trong chương trình âm nhạc cuối tuần kỳ sau.