Trong chương trình ANCT kỳ này, Vũ Hoàng xin được cùng quí vị điểm lại một số nhạc phẩm chuyển ngữ nổi tiếng mà đôi khi nếu nghe thính giả cho rằng bài hát có nguồn gốc là Tiếng Việt.
Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu – Ngọc Lan
Trước hết, xin giới thiệu nhạc phẩm Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu được nhạc sĩ Nam Lộc phổ lời Việt.
Nhạc sĩ Nam Lộc nổi tiếng với 2 ca khúc chuyển ngữ là Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu và Mây Lang Thang. Quả thực, nếu nghe 2 tình ca này, người nghe khó có thể đoán được nguyên gốc là bản tiếng Anh bởi lời Việt đã được Nam Lộc khéo léo sử dụng sao cho thật gần gũi với những hình ảnh quen thuộc của người Việt Nam.
Trong một lần phỏng vấn trước đây với chúng tôi, nhạc sĩ Nam Lộc từng chia sẻ rằng trước năm 1975, ông thấy trong phong trào nhạc trẻ hát nhạc ngoại quốc nhiều và ông thấy mình và các bạn hữu có trách nhiệm kéo họ về với văn hóa người Việt, nên ông cùng với nhạc sĩ Trường Kỳ đã từ từ Việt hóa những ca khúc ngoại quốc hoặc là soạn lời Việt hoặc dịch lời Việt với ý nghĩa và tâm tình dành cho người Việt Nam.
Em Đẹp Như Mơ – Don Hồ

Cùng thời điểm này, tại Sài Gòn cũng xuất hiện một số nhạc sĩ chuyển ngữ Tiếng Việt các ca khúc nước ngoài khác chẳng hạn như Tùng Giang, Phạm Duy, Nguyễn Trung Cang hay Vũ Xuân Hùng… và dưới ngòi bút tài hoa, uyển chuyển của những nhạc sĩ này mà nhiều nhạc phẩm với ca từ giàu hình ảnh, đầy chất thơ và không thiếu sự trong sáng của Tiếng Việt đã ra đời, có thể kể đến: Chuyện Phim Buồn, Em Đẹp Như Mơ, Búp Bê Không Tình Yêu của nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng; Thú Yêu Thương, Tình Yêu Trong Đời, Khi Ta Hai Mươi của nhạc sĩ Trường Kỳ.
Trong một lần tâm sự trên một tờ báo trong nước, nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng từng chia sẻ, chúng tôi xin được trích nguyên văn lời nói của ông:
“Người ta ví một bản giao hưởng như cuốn tiểu thuyết, còn ca khúc như một truyện ngắn. Vì vậy, chuyển ngữ từ một ca khúc nước ngoài sang lời Việt quả là không đơn giản chút nào.
Thứ nhất, phải cảm cũng như thông được nội dung ca khúc đó, muốn vậy phải có vốn ngoại ngữ. Kế đến, làm việc với cái đầu của một nhà văn, đôi tay nhạc sĩ và trái tim người nghệ sĩ, chuyển làm sao nghe như người Việt sáng tác, điều cần nhất phải tuyệt đối tôn trọng nguyên tác, không nên “chế” lời.
Chuyển ngữ là sự sáng tạo bằng ngôn ngữ vừa toát lên chất thơ, vừa mềm, vừa uyển chuyển, phù hợp giai điệu lẫn nội dung.”
Vâng rõ ràng với những gì nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng trình bày chúng ta có thể thấy được cái khó của người nhạc sĩ làm công việc “Việt hóa” cho những tác phẩm nước ngoài là làm sao để nhạc phẩm vừa tôn trọng được ý nghĩa nhạc phẩm gốc, lại vừa gần gũi với người nghe Việt Nam lại vẫn đảm bảo được sự tương đồng về ngữ nghĩa
Nếu nhìn lại hàng trăm ca khúc chuyển ngữ thành công, có một điểm dễ nhận thấy đó là những ca khúc được nhạc sĩ cố gắng chuyển ngữ toàn bộ nội dung của ca từ gốc sang tiếng Việt, đó là những ca khúc không thay đổi ngữ nghĩa, còn một số khác, thì nhạc sĩ chỉ dựa trên nền nhạc và thay đổi toàn bộ ca từ gốc và thay vào đó là nội dung của ca từ bằng Tiếng Việt.
Búp Bê Không Tình Yêu – Ngọc Lan

Bên cạnh những tình khúc bằng tiếng Anh, người yêu nhạc thuở xưa còn yêu những ca khúc gốc Pháp, Nhật, Nga, Italia chẳng hạn: Búp Bê Không Tình Yêu, Trở Về Soriento, Donna… cũng được chuyển ngữ thành công.
Cùng thế hệ những nhạc sĩ chuyển ngữ, trong thập niên 70, 80 của thế kỷ trước, giới thưởng thức nhạc ngoại cũng chứng kiến sự lên ngôi của nhiều giọng ca khi trình bày thành công những ca khúc đã được Việt hóa, trong đó nhiều tên tuổi lớn tới bây giờ vẫn được nhiều người nhắc tới như ca sĩ Ngọc Lan, Thanh Lan, Duy Quang, Kiều Nga, Nguyễn Chánh Tín – Bích Trâm, Lê Uyên và Phương…