Nhạc sĩ Phú Quang
2012.03.18

Em Ơi Hà Nội Phố
Nhắc đến nhạc sĩ Phú Quang, người nghe nhạc hẳn sẽ nghĩ ngay đến những bản tình ca Hà Nội. Trước ông, cũng đã rất nhiều nhạc sĩ viết về Hà Nội thế nhưng đến Phú Quang, Hà Nội hiện lên với đầy ắp những kỷ niệm, yêu thương, chỉ có những người yêu Hà Nội như máu thịt của mình mới viết được những ca từ đẹp như vậy. Phải chăng vì thế, ông được mệnh danh là “ông hoàng” của những bản tình ca Hà Nội.
Em Ơi Hà Nội Phố, Lãng Đãng Chiều Đông Hà Nội, Hà Nội Ngày Trở Về, cho đến Im Lặng Đêm Hà Nội, Chiều Phủ Tây Hồ… người nghe thấy thấm đẫm một tình yêu da diết, cồn cào của đứa con xa nhà lâu ngày được về mái nhà xưa. Bao nhiêu dồn nén, bao nhiêu nhớ nhung được kết thành những lời ca, để thốt lên cho thỏa nỗi lòng.
Mặc dù không sinh ra tại Hà Nội, nhưng Hà Nội là nơi ông lớn lên với đầy ắp những kỷ niệm tuổi ấu thơ, là con phố Khâm Thiên hoang tàn sau khi bị B52 tàn phá. Hà Nội đối với Phú Quang vẫn là một vùng trời thiêng liêng, để dù có đi xa thì ông vẫn “vội vã trở về, vội vã ra đi, chẳng thế nào qua hết từng con phố…”
Hà Nội Ngày Trở Về
Tâm sự với chúng tôi, nhạc sĩ Phú Quang cho rằng mỗi bài hát ông viết đều là viết cho chính bản thân ông, bằng cảm xúc thật, vì thế bài hát mới có thể sống mãi với năm tháng:
Với sáng tác, bao giờ tôi cũng viết bằng cảm xúc thật, tất cả những tác phẩm của tôi đều viết bằng những rung động thật của mình, khi mình đến tận cùng mình, mình mới chợt phát hiện ra rằng lúc đó mình mới đến được với mọi người.
Nhạc sĩ Phú Quang
“Với sáng tác, bao giờ tôi cũng viết bằng cảm xúc thật, tất cả những tác phẩm của tôi đều viết bằng những rung động thật của mình, khi mình đến tận cùng mình, mình mới chợt phát hiện ra rằng lúc đó mình mới đến được với mọi người.
Tôi nhớ ngày xưa có một bà phê bình văn học người Pháp, khi tôi sang Paris, bà ấy nói như thế này: Tôi biết ông ta chỉ viết cho riêng mình mà thôi, nhưng nhìn vào mắt người nghe thì tôi biết được một điều là mỗi người nghĩ rằng ông ta viết cho riêng họ. Khi mình đến tận cùng, thì mình sẽ đến được với mọi người, mình chiêm nghiệm ra điều ấy. Nếu mình cứ thật với mình đến tận cùng đi, thì mình đến được với mọi người, còn nói thật, những giả trá, thì cũng sẽ đi vào quên lãng thôi.”
Điều Giản Dị
Tình yêu dành cho Hà Nội nhiều là thế, nhưng trên bước đường sáng tác, Phú Quang không bao giờ bằng lòng với những gì mình có, ông đã Nam tiến và gắn bó suốt 25 năm. Thành phố mà ông trìu mến gọi “Thành phố đêm của tôi, hai mấy mùa mưa nắng, thành phố đêm của tôi, mãi vẫn còn khao khát, để hôm nay, bài ca tôi hát nồng nàn, nồng nàn tình yêu.”
Thành Phố Đêm
“Bài Thành Phố Đêm, những người vận động sáng tác họ có nói là ông viết về Hà Nội rất hay rồi, bây giờ ông có nghĩ là ông viết tình ca cho Sài Gòn không?
Không phải là bây giờ, tôi viết nhiều rồi như là Sài Gòn Thu, Khúc Mưa… nhưng lần đó thì họ trao giải nhất về tình ca. Cái này thì thật ra tôi là người có rất nhiều giải hay huy chương vàng lắm rồi, nhưng lần này họ trao giải nhất có cảm động là, tôi thấy người miền Nam họ hào sảng hơn và không để ý chuyện vùng miền, nghĩa là người nào đến họ cũng công nhận. Có nhiều người hỏi tôi, họ có kỳ thị không, tôi cũng nói đùa mà cũng là thật, nghe nói người miền Nam hay kỳ thị lắm nhưng suốt 10 năm rồi, tôi chẳng thấy kỳ thị gì cả.”
Với nhạc sĩ Phú Quang, triết lý sống của ông rất giản dị, hãy sống thật thanh thản, đón nhận mọi điều đến với mình thật tự nhiên. Năm ngoái, ông mới thoát khỏi bệnh tật, trở về với cuộc sống. Ông thấy mình thật may mắn vì vẫn còn cơ hội để tiếp tục cống hiến đến cuộc đời:
“Có một cái không may, nhưng cũng gọi là may mắn, từ trẻ đến giờ cũng có 6, 7 lần người ta báo là tôi sắp die (chết) rồi, nhưng mà lại trở về, chắc bởi vì ơn trời, ơn Chúa thôi, chứ còn nếu không cũng không thoát qua những hiểm nguy như thế.
Giống như nhà văn nước ngoài họ nói, mỗi người nên có một lần ốm nặng trong cuộc đời, thì lúc đó người ta sẽ hiểu thêm ý nghĩa cuộc đời sâu sắc hơn rất nhiều. Như tôi chẳng hạn, mỗi lần sau như thế, tôi thấy cái sống, cái chết không ghê gớm lắm, mình ngộ ra một điều là trong cuộc sống, nên nhìn vào mọi cái thanh thản hơn. Nếu giả sử có một ngày nào đó, Chúa mà kêu, kêu ai người ấy dạ thôi, chẳng có gì phải sợ hãi, vật vã đau đớn.”
Cho Em và Cũng Là Cho Anh