Nhạc sĩ Thanh Sơn - Giai điệu miền tây

Chương trình Âm Nhạc Cuối Tuần kỳ này, chúng tôi gửi đến quý vị tác giả của những ca khúc nổi tiếng, ca ngợi vẻ đẹp của đồng ruộng miền Tây Nam Bộ, nhạc sĩ Thanh Sơn.
Vũ Hoàng, phóng viên RFA
2011.05.18
rfa-305-nn.jpg Cánh đồng lúa miền tây VN
RFA photo

Nhạc sĩ của miền Tây

Sinh ra tại Sóc Trăng, nhạc sĩ Thanh Sơn được biết đến với rất nhiều ca khúc ngợi ca vẻ đẹp của đồng lúa miền Tây mang âm hưởng dân ca Nam Bộ. Vì thế, ông được mệnh danh là “nhạc sĩ của Miền Tây”. Những bài hát như Hình Bóng Quê Nhà, Bạc Liêu Hoài Cổ, Gợi Nhớ Quê Hương hay Hương Tóc Mạ Non đã trở thành những nhạc phẩm được đông đảo người nghe nhạc Việt Nam đón nhận. Năm nay đã ngoài 70, ông mới bị tai biến mạch máu não, hiện còn khá mệt, nhưng ông vẫn cố dành vài phút trò chuyện với đài chúng tôi. Nói về con đường đến với âm nhạc, ông chia sẻ:

"Đây cũng là một sự tình cờ thôi, năm 1957, tôi lên Sài Gòn đi làm thuê làm mướn để sống. Năm 1959, đài phát thành Sài Gòn có thông báo tuyển lựa ca sỹ, tôi đến đó ghi danh để thi, cuối năm đó biết kết quả là hạng nhất. Rồi từ đó, tôi bắt đầu theo con đường âm nhạc luôn."

Ca khúc Gợi Nhớ Quê Hương qua tiếng hát Phi Nhung.

Lấy chất liệu âm nhạc mang hơi hướng dân ca Nam Bộ, nhạc sĩ Thanh Sơn đã sáng tác hơn 200 ca khúc về đề tài quê hương, ông ngợi ca vẻ đẹp của xứ sở, nơi ông đã sinh ra nơi miền Tây sông nước. Nói về một trong những tác phẩm điển hình này, bài Hình Bóng Quê Nhà, ông cho biết:

"Tôi có hứa với vợ tôi là sau chiến tranh, tôi dẫn vợ tôi đi khắp nước Việt Nam, đi từ Bắc đến Nam nhưng sau năm 1975, thì hoàn cảnh kinh tế không cho phép tôi làm chuyện đó, thành thử tôi thất hứa với vợ, nhưng tôi dẫn vợ tôi đi khắp miền Tây, 13 tỉnh miền Tây. Tôi chỉ cho bà xã tôi, chỗ nào cũng đẹp hết trơn, vì thế tôi về làm một bài để nhớ lại hình ảnh quê nhà của mình. Quê nhà đó, là quê nhà miền Tây từ Long An đến Cà Mau."

Hình ảnh người vợ

Bài Hình Bóng Quê Nhà qua tiếng hát Hương Lan.

giadinh.net-250.jpg
giadinh.net-250.jpg
Cũng lấy cảm hứng từ hình bóng người vợ của mình, bài Hương Tóc Mạ Non, được ông sáng tác trong một lần về quê chơi, ngồi ngắm cánh đồng làng chiều, trong làn gió hây hây, ông kể:

"Hương tóc mạ non, bài này tôi làm cho bà xã tôi, bà xã tôi tên Hương, mỗi lần tôi về quê tôi ở Sóc Trăng, miền Tây, mỗi lần tôi về, tôi dẫn bà xã tôi đi, ra ngoài đồng lúa ngồi, chiều chiều đó mà, gió chiều nó bay tóc phất qua phất lại, thơm thơm mùi tóc. Tôi thấy vậy, hứng lên, tôi sáng bài tặng bà xã tôi Hương Tóc Mạ Non, tôi ví tóc bà xã tôi như mạ non vậy."

Bài Hương Tóc Mạ Non, qua tiếng hát Quang Lê – Hương Thuỷ

Ngoài những tác phẩm ngợi ca vẻ đẹp của quê hương, thì nhạc sĩ Thanh Sơn còn được biết đến như một trong những nhạc sĩ hàng đầu Việt Nam viết về tuổi học trò. Có lẽ không ai là không biết bài Nỗi Buồn Hoa Phượng, với giai điệu da diết, bâng khuâng, bài hát đã làm thổn thức biết bao thế hệ áo trắng. Nói về sự ra đời bài hát này, ông kể:

"Năm 1953, khi tôi học Trung học, có học chung với một cô bạn gái tên là Nguyễn Thị Hoa Phượng, gia đình cô này là công chức thời Pháp, đi về tỉnh 3 năm rồi mới về Sài Gòn làm được. Cô ấy học chung với tôi, đến một ngày đó, thì cô đến từ giã, tôi nói là mình xa nhau thật rồi, cô ấy bảo không có xa đâu. Mỗi năm nhìn thấy hoa phượng nở, thì nhớ đến cô. Câu nói đó là năm 1953, đến năm 1963, 10 năm sau, tôi nhớ lại câu nói đó, thành thử ra, tôi cố gắng sáng tác một bài để kỷ niệm đời học sinh của mình mà. Sáng tác rất nhanh, trong vòng 2 tiếng đồng hồ là xong bài đó."

Liên khúc Nỗi Buồn Hoa Phượng và Lưu Bút Ngày Xanh qua tiếng hát của Hương Lan, Như Quỳnh và Hoàng Oanh. Vũ Hoàng xin cám ơn và hẹn gặp lại quý vị ở chương trình kỳ sau.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.