Mừng 20 năm thành lập chùa Bảo Quang
2009.12.01
Cùng với văn hóa, sinh hoạt tôn giáo là phương tiện giúp cho người Việt hải ngoại sống rải rác khắp nơi liên kết được với nhau tạo thành những cộng đồng vững mạnh, để chia xẻ kinh nghiệm, an ủi, nâng đỡ nhau và cùng giúp nhau hướng về quê cha đất tổ.
Ngày 29 tháng 11 vừa qua, chùa Bảo Quang toạ lạc tại thủ đô tị nạn Little Saigon, tiểu bang California vừa tròn 20 tuổi. Buổi dạ tiệc mừng ngày thành lập chùa đã được tổ chức nhằm đánh dấu sự phong phú của sinh hoạt tôn giáo nói riêng và sinh hoạt tinh thần của cộng đồng Việt Nam tại Nam California nói chung. Hà Giang tham dự dạ tiệc và gửi về bài tường trình trong chương trình Câu Chuyện Hàng Tuần kỳ này.
Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập chùa Bảo Quang còn là dịp kỷ niệm Tạp chí Trúc Lâm, do chùa phát hành mỗi tam cá nguyệt tròn mười sáu tuổi, và cũng là kỷ niệm mười sáu năm chùa Bảo Quang đã cung cấp những bữa ăn miễn phí cho những người không nhà.
20 năm phát triển
Dạ tiệc
kỷ niệm 20 năm thành lập chùa Bảo Quang đã thu hút được hơn 500 đồng hương, phật
tử, nhiều Thượng Tọa và Hòa Thượng từ khắp nơi đổ về, đông đủ giới truyền thông
và nhiều thân hào nhân sĩ cũng như các vị dân cử trong vùng, biểu hiện sức
sống mạnh mẽ của sinh hoạt tôn giáo cũng như đời sống tinh thần của cộng đồng
người Việt hải ngoại ở đây.
Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập chùa Bảo Quang còn là dịp kỷ niệm Tạp chí Trúc Lâm,
do chùa phát hành mỗi tam cá nguyệt tròn mười sáu tuổi, và cũng là kỷ niệm mười
sáu năm chùa Bảo Quang đã cung cấp những bữa ăn miễn phí cho những người không
nhà.
Trong phần diễn văn khai mạc, Hòa Thượng Thích Quảng Thanh, trưởng ban tổ chức
và là viện chủ chùa Bảo Quang, nói về vai trò bảo vệ văn hóa Việt Nam của
chùa:
“Suốt
hai mươi năm, chùa Bảo Quang đã trải qua nhiều thăng trầm thử thách, để hoàn
thành một trung tâm văn hóa, nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu phát triển tôn giáo,
và duy trì truyền thống văn hóa Việt Nam tại hải ngoại. Sách có câu’lý tưởng là
thuyền đời, nở hoa cuộc sống’. Để nối tiếp truyền thống của thầy tổ đã dầy công
giáo dưỡng, do vậy, chùa Bảo Quang có nhiều sinh hoạt.”
Hòa Thượng Thích Quảng Thanh cũng nói
sơ về những sinh hoạt của chùa:
“Chương trình tu học Phật Pháp tịnh dưỡng tinh thần cho phật tử mọi giới tối thứ
Năm mỗi tuần, và thứ Bẩy đầu tháng. Mười sáu năm duy trì tạp chí Trúc Lâm là thức
ăn tinh thần của đại chúng. Sinh hoạt thanh thiếu nhi gia đình Phật tử, mỗi Chủ
Nhật hàng tuần, trường Việt Ngữ Hùng Vương sinh hoạt mỗi thứ Bẩy hàng tuần. Mười
sáu năm mang cơm cho những người không nhà thứ Ba mỗi tuần.”
Suốt hai mươi năm, chùa Bảo Quang đã trải qua nhiều thăng trầm thử thách, để hoàn thành một trung tâm văn hóa, nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu phát triển tôn giáo, và duy trì truyền thống văn hóa Việt Nam tại hải ngoại
Hoà thượng Thích Quảng Thanh
Một người ngồi gần chúng tôi cho biết
ông thường hay có mặt tại bữa ăn trưa miễn phí do chùa tổ chức để giúp một tay,
và chưa lần nào ông thấy vắng mặt Hòa Thượng Thích Quảng Thanh trong những bữa
ăn này.
Mười sáu năm liên tục, tám trăm ba mươi hai tuần, bữa ăn trưa miễn phí mỗi thứ
ba của chùa đã giúp cả hàng chục ngàn người thiếu may mắn, kể cả đồng hương Việt
Nam lẫn người bản xứ được no lòng, ít ra là được một ngày trong tuần.
Cử tọa vỗ tay hoan hô những câu thơ quen thuộc được một vị chư tăng đọc lên
trong phần phát biểu của mình:
“Ra đi ai chẳng nhớ chùa chung…
Mái chùa che chở hồn dân tộc,
Nếp sống muôn đời của tổ tông.”
Chùa Bảo Quang là một trung tâm văn hóa đến với khu vực tị nạn của chúng ta; một
kỷ niệm, một nét đẹp của Á Đông xuất hiện ở đất Hoa Kỳ.”
Một trong những sinh hoạt văn hóa của chùa Bảo Quang là trung tâm dậy tiếng Việt
Hùng Vương, giảng dậy tiếng Việt cho con em người Việt trong vùng vào mỗi ngày
thứ Bẩy, và tạp chí Trúc Lâm đã được phát hành đều đặn mỗi ba tháng, liên tục
trong suốt mười sáu năm.
Giới thiệu thêm về tạp chí Trúc Lâm, Hòa Thượng Thích Quảng Thanh nói:
"Tạp chí Trúc Lâm là
một tạp chí Phật Giáo, nhưng mà nó nhằm phục vụ văn hóa. Tạp chí Trúc Lâm đáp ứng
nhu cầu tìm hiểu giáo lý phật giáo hoặc phổ biến hay duy trì văn hóa Việt Nam. Chúng
tôi nhận thấy độc giả của tạp chí Trúc Lâm tìm hiểu thêm những bài khảo cứu,
thường cũng đọc những bài nói về tình mẹ tình cha, nói về sinh hoạt cộng đồng.
Và một cách bao quát, chúng tôi muốn gìn giữ văn hóa Phật Giáo, văn hóa Việt
Nam. Qua tạp chí Trúc Lâm chúng tôi cũng có nhiều bài vở của các cây viết hoặc
những tác giả từ thơ văn đến nghệ thuật nói lên một cái gì đó rất hay của người
Việt tị nạn chúng ta.”
Duy trì văn hoá
Với hoàn cảnh sống của
người Việt hải ngoại, sinh hoạt của chùa Bảo Quang nói riêng, và của những tổ
chức tôn giáo khác nói chung, thật ra là một sinh hoạt của một xã hội thu nhỏ.
Phải nhìn cảnh các trẻ em ê a tiếng Việt trong các lớp học của trường Việt Ngữ
Hùng Vương, nhìn các cụ lớn tuổi hơn theo học các lớp thiền, các lớp tu học,
nhìn các thanh thiếu niên trong gia đình Phật tử phát triển tinh thần xã hội,
và khả năng làm việc chung với nhau, cũng như khả năng lãnh đạo, nhìn mọi người
bận rộn trong các bữa ăn trưa miễn phí giúp cho người nghèo, người ta mới hiểu
được là chùa Bảo Quang đã đóng góp cho đời sống tinh thần của cộng đồng người
Việt ở Little Sài Gòn như thế nào.
Xây một ngôi chùa biểu hiện được những đặc trưng văn hóa và nghệ thuật của một dân tộc có chiều dài lịch sử, thì không phải chỉ có một kiến trúc sư hay một kỹ sư là đủ, mà người xây chùa phải có đạo tâm, và biết lắng nghe ý kiến của mọi người trong việc thiết kế
Hoà thượng Thích Quảng Thanh
Sinh hoạt của
chùa càng thu hút nhiều phật tử và đồng hương bao nhiêu thì chùa lại cần có
thêm phòng ốc bấy nhiêu. Để thỏa đáng nhu cầu này, chùa Bảo Quang có đã lập
chương trình xây thêm chánh điện, dự tính là sẽ hoàn tất vào cuối tháng mười
hai năm nay.
Người ta có thể dễ dàng nhìn thấy được sự ủng hộ nồng nhiệt của các đồng hương,
phật tử và các vị dân cử dành cho chùa. Một vị dân cử thành phố Santa Ana
hân hoan báo tin là giấy phép để chùa Bảo Quang tiến hành xây dựng chánh điện
đã được chấp cấp, và cho biết ông hãnh diện có một ngôi chùa Việt Nam tầm cỡ
trong thành phố Santa Ana.
Trong phần quyên góp để xây chánh điện, nhiều đồng hương đã đóng góp không do dự,
dù trong tình trạng kinh tế vẫn còn bấp bênh của tiểu bang California.
Công việc xây một ngôi chùa Việt Nam ở nước ngoài không phải là một điều đơn giản.
Theo Hòa Thượng Thích Quảng Thanh, thì muốn xây một ngôi chùa biểu hiện được những
đặc trưng văn hóa và nghệ thuật của một dân tộc có chiều dài lịch sử, thì không
phải chỉ có một kiến trúc sư hay một kỹ sư là đủ, mà người xây chùa phải có đạo
tâm, và biết lắng nghe ý kiến của mọi người trong việc thiết kế.
Trong phần phát biểu của mình, dân biểu tiểu bang California Trần Thái Văn cho
biết chính Hòa Thượng Thích Quảng Thanh đã leo lên mái chùa trong để tự tay sơn
phết ngôi chùa thân yêu của gia đình phật tử ở đây. Ông nói:
“Chúng tôi biết rằng trong hai mươi năm qua, Hòa
Thượng Thích Quảng Thanh đã đóng góp rất nhiều, cùng với các chư tôn, các liệt
vị, trong sinh hoạt cho cộng đồng Việt Nam tại Nam California. Mới vào thứ Ba vừa
qua, khi chúng tôi ghé qua thăm chùa, ghé qua thăm thầy Quảng Thanh thì người
nhà nói là thầy đang ở trên nóc chùa, đang sơn mài gì đó. Bởi vậy chúng tôi rất
là cảm phục.”
Người ta tự hỏi cái gì đã làm cho người Việt tha hương gắn bó với các
nơi thờ phượng, với các tổ chức tôn giáo, nhất là với các chùa chiền. Có phải
vì lòng sùng đạo, vì nhu cầu kết đoàn, hay vì nhắc đến chùa chiền là nhắc đến
làng mạc, đến quê hương, dân tộc?
Chương trình Câu Chuyện Hàng Tuần đến đây xin tạm kết thúc, Hà Giang hẹn gặp lại
quý vị trong chương trình kỳ tới, mong quý vị đón theo dõi.