Ân nhân của loài voọc Việt Nam

Một tiến sĩ sinh học người Đức, đã gắn bó với Việt Nam từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước để giúp bảo tồn loài voọc quý hiếm, ông là Tilo Nadler.

0:00 / 0:00

Việt Nam là một nước có hệ sinh thái rất phong phú và đa dạng, với nhiều loài động thực vật quý hiếm. Đồng thời Việt Nam cũng có không ít loài động vật đang nằm trong sách đỏ của thế giới tức là các loài có nguy cơ tuyệt chủng cao. Trong hơn chục năm qua, đã có nhiều nỗ lực từ cả trong và ngoài nước được thực hiện để bảo tồn các loài này. Đặc biệt, có không ít các chuyên gia nước ngoài đã cống hiến phần lớn đời mình cho các cánh rừng và động vật ở Việt Nam vì mục đích bảo tồn. Câu chuyện hàng tuần kỳ này xin được gửi tới quý thính giả những phác họa về một người nước ngoài như thế.

Linh trưởng ở Việt Nam đang bị đe doạ. Đây là nhóm động vật có nguy cơ cao và trong một thời gian dài bị săn bắn. Số lượng của nó đang giảm đi nhanh chóng trong tự nhiên.

TS Tilo Nadler

Ông là Tilo Nadler, tiến sĩ sinh học người Đức, giám đốc Trung tâm cứu hộ linh trưởng quý hiếm ở vườn thú Cúc Phương. Người dân địa phương gọi ông với những cái tên yêu thương như ‘linh trưởng chúa’, ‘hiệp sĩ voọc’ bởi những việc mà ông đã làm để bảo tồn loài thú quý hiếm này của Việt Nam.

Những chú voọc quần đùi

Câu chuyện của ông với những chú voọc Việt Nam được bắt đầu từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Ông nhớ lại:

Tilo Nadler: Câu chuyện của tôi bắt đầu với những chú voọc quần đùi, một loài linh trưởng rất quý hiếm ở Việt Nam. Loài này được các nhà khoa học miêu tả lần cuối vào năm 1932 và hơn 50 năm sau đó không ai biết gì về nó nữa. Không ai biết nó còn hay nó đã tuyệt chủng. Rồi sau đó người ta tìm thấy một vài con ở vườn quốc gia Cúc Phương. Và đó là lý do mà hội động vật học Frankfurt ở Đức cần các thông tin về loài này. Và thế là tôi đến Việt Nam để lấy thông tin. Lúc đó tôi còn làm nhà báo cho một hãng truyền hình của Đức đến đây để tìm hiểu. Nhưng rồi tôi tìm thấy nơi đây là một nơi thú vị và sau đó tôi được hội động vật học Frankfurt mời làm tại đây. Tôi chấp nhận lời mời. Năm 1993 tôi chính thức đến Việt Nam và trung tâm này được thành lập.

Voọc con được sinh ra ở Vườn Quốc gia Cúc Phương. Photo courtesy of nea.gov.vn
Voọc con được sinh ra ở Vườn Quốc gia Cúc Phương. Photo courtesy of nea.gov.vn

Trước khi đến với động vật và thiên nhiên Việt Nam, Tilo từng có bằng thạc sĩ điện lạnh tại đông Đức cũ. Nhưng ông nói tình yêu của ông đối với thiên nhiên vẫn lớn hơn cả. Ông kể:

Tilo Nadler: Tôi vẫn thích học ngành sinh học nhưng hồi đó ở Đông Đức, rất khó để thực hiện ước mơ đó, vì thế tôi làm ở viện kỹ thuật. Lúc rảnh rỗi tôi tham gia các đoàn khảo sát, nghiên cứu hoặc làm việc cho các tổ chức nghiên cứu sinh vật nước ngoài. Rồi tôi học ngành sinh học. Sau đó tôi được mời theo đoàn nghiên cứu của Nga đi Nam cực 2 năm và đó là lý do để tôi hoàn tất chương trình học của mình. Sau chuyến đi đó, tôi tiếp tục tham gia nhiều dự án về sinh học khác tại châu Phi, Trung quốc, và giờ đây là Việt Nam.

Trước khi trở thành giám đốc trung tâm cứu hộ linh trưởng, Tilo đã từng đến Việt Nam vào năm 1982 theo một đoàn nghiên cứu. Sau gần 20 năm sống ở Việt Nam, ông chứng kiến nhiều thay đổi, cả điều mừng lẫn điều lo. Ông mừng khi thấy kinh tế và đời sống người Việt Nam đã phát triển, nhưng ông lo vì những tác động của sự phát triển kinh tế xã hội đến môi trường, đặc biệt là các loài thú quý hiếm.

Tilo Nadler: Chuyến đi nghiên cứu sinh học đầu tiên của tôi đến Việt Nam là vào khoảng năm 1982. Tôi thấy đây là một đất nước tuyệt vời với các loài động vật hoang dã tuyệt vời. Năm 1991, 1992 tôi quay lại Việt Nam để thu thập thông tin và tôi nhìn thấy những vấn đề ở đây. Thật thú vị là chỉ từ năm 1982 đến năm 1991 và đến giờ, tôi cảm tưởng như thấy 3 đất nước khác nhau. Từ trước khi Mỹ bỏ cấm vận, đây là một nước rất nghèo. Đến năm 1991 thì đã hoàn toàn khác với sự phát triển kinh tế và đi cùng với nó là sức ép lên thiên nhiên, và sức ép đó giờ đây là rất rõ ràng.

Trung tâm cứu hộ linh trưởng

Tilo chứng kiến những động vật bị săn bắt trộm, rừng bị tàn phá. Nếu như trước đây người dân phải dựa vào rừng để lấy lương thực, củi đốt, thì bây giờ người ta phá huỷ rừng để lấy gỗ làm xây dựng, đồ nội thất, lấy thịt thú rừng làm đặc sản, nấu cao, làm thuốc. Ông quan tâm hơn cả là đến loài voọc bởi vì theo ông.

Ngoài ra còn có vấn đề về tham nhũng. Đó là điều mà chúng ta gặp thường xuyên khi mà người ta có thể đút tiền để mua bán động vật hoang dã bất hợp pháp hay đốn gỗ bất hợp pháp.

TS Tilo Nadler

Tilo Nadler: Linh trưởng ở Việt Nam đang bị đe doạ. Đây là nhóm động vật có nguy cơ cao và trong một thời gian dài bị săn bắn. Số lượng của nó đang giảm đi nhanh chóng trong tự nhiên, và nếu chúng ta không làm gì bây giờ thì chúng ta không chỉ mất đi loài thú quý hiếm của Việt Nam mà còn mất đi loài thú này cho cả thế giới. Và bây giờ là cơ hội cuối cùng để chúng ta làm gì đó để bảo tồn các loài linh trưởng này cho tương lai.

Suy nghĩ như vậy đã thúc đẩy ông gây dựng và gắn bó với trung tâm cứu hộ linh trưởng quý hiếm này đến gần 20 năm. Ông thậm chí đã bán cả gia sản của mình ở Đức để góp tiền cho trung tâm.

Trung tâm cứu hộ linh trưởng quý hiếm được thành lập năm 1994 tại vườn quốc gia Cúc Phương, vườn quốc gia đầu tiên ở Việt Nam có diện tích rộng 22,000 ha, nằm ở khu vực giáp ranh ba tỉnh Ninh Bình, Thanh Hoá và Hoà Bình. Trung tâm cứu hộ có diện tích rộng gần 10 ha, có hai quả núi chiếm khoảng 8 ha, còn lại 2 ha là khu vực chuông trại.

Đây là trung tâm cứu hộ linh trưởng đầu tiên ở Việt Nam và thuộc dự án cứu hộ linh trưởng do hội động vật học Frankfur ở Đức tài trợ. Trung tâm hiện là ngôi nhà của gần 150 cá thể linh trưởng thuộc các loài được xếp vào danh sách quý hiếm, trong đó có 5 loài đặc hữu của Việt Nam và nằm trong danh sách 25 loài bị đe doạ nhất trên thế giới. Đó là các loài voọc Cát Bà phân bổ ở vùng đảo Cát Bà, voọc mông trắng hay còn gọi là voọc quần đùi trắng ở vườn quốc gia Cúc Phương, vọoc mũi hếch ở các tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, Hà Giang, voọc chà vá chân xám ở miền Trung, và vượn đen tuyền ở phía đông Hà Giang, giáp với Trung Quốc.

TS Tilo Nadler. Photo courtesy of mdr.de
TS Tilo Nadler. Photo courtesy of mdr.de

Trung tâm cứu hộ cũng là trung tâm duy nhất trên thế giới cứu hộ 28 cá thể thuộc các loài voọc chà vá chân đỏ, chà vá chân đen và chà vá chân xám.

Đây cũng là nơi mà nhiều sinh viên, nghiên cứu sinh trong và ngoài nước tìm đến để học và nghiên cứu về đặc tính của các loài linh trưởng, thức ăn, sinh sản…. Hồi mới đầu, những cá thể được đưa về trung tâm cứu hộ đều là do bị săn bắt ngoài tự nhiên. Giờ đây bên cạnh những cá thể được cứu hộ ngoài tự nhiên, trung tâm cũng đã đón thêm những thành viên mới được sinh sản ngay tại đây. Mỗi năm trung tâm đón từ 10 đến 15 cá thể sinh sản.

Tuy nhiên, Tilo rất lo lắng về sự an toàn của các loài linh trưởng trong tự nhiên. Ông cho biết số cá thể của trung tâm tăng lên vì được chăm sóc tốt, và do sinh sản, trong khi đó các cá thể trong tự nhiên lại giảm đi do săn bắn và không được bảo vệ. Ông cũng lo lắng là trung tâm không còn đủ chỗ cho linh trưởng nếu số lượng cá thể tại trung tâm tiếp tục gia tăng mà lại không có cách nào thả chúng về lại tự nhiên do vấn đề an toàn.

Tilo Nadler: Từ trước đến nay chúng tôi có tổng cộng khoảng 200 cá thể nhưng không phải tất cả đều sống. đã có những con được đưa về trung tâm trong tình trạng nguy kịch vì bị săn bắn, bị bẫy, và bị bệnh đường tiêu hoá. Hiện chúng tôi có khoảng hơn 100 cá thể ở trung tâm. Số cá thể ở trung tâm hiện đang tăng lên vì chúng được chăm sóc tốt và do sinh sản. Nhưng số lượng cá thể bị thu giữ giảm rất nhiều trong 2 năm gần đây bởi vì số lượng trong tự nhiên giảm rất nhiều và việc săn bắn được các loại voọc không còn dễ như trước nữa. Đây cũng là vấn đề lớn của chúng tôi vì chúng tôi không còn nhiều chỗ để tiếp nhận thêm nữa. Chúng tôi muốn đưa chúng trở lại với thiên nhiên theo đúng nghĩa của bảo tồn nhưng quá trình này chỉ có ý nghĩa khi chúng ta có những khu rừng an toàn.

Chính quyền chưa quan tâm

Dự án này cần tôi. Đội ngũ cán bộ Việt Nam giờ vẫn chưa đủ sức để quán xuyến mọi việc, họ vẫn cần các chuyên gia nước ngoài để điều hành trung tâm này. Tôi phải ở lại.

TS Tilo Nadler

Theo Tilo, mục đích cuối cùng của dự án cứu hộ là đưa động vật hoà nhập vào thiên nhiên. Và đó cũng là kế họach của trung tâm trong vòng 5 đến 10 năm tới. Nhưng ông cho rằng hiện tại Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng cho việc này. Nguyên nhân mà ông đưa ra thì có nhiều, trong đó có các vấn đề về nhân lực, chính sách, hiệu quả của việc thực thi chính sách, và đặc biệt là sự hiểu biết của người dân và thậm chí cả chính quyền địa phương về tầm quan trọng của rừng và thú hoang dã. Ông nói:

Tilo Nadler: Việt Nam giờ đây phân quyền cho các địa phương để quản lý. Điều này có nghĩa là sẽ có trường hợp người lãnh đạo tỉnh trở thành các ông vua con. Tất nhiên chính quyền trung ương thì họ biết và họ đưa ra luật, nhưng thông tin ở địa phương thì không nhiều và hiểu biết về tự nhiên, về môi trường còn thấp. Ngoài ra còn có vấn đề về tham nhũng. Đó là điều mà chúng ta gặp thường xuyên khi mà người ta có thể đút tiền để mua bán động vật hoang dã bất hợp pháp hay đốn gỗ bất hợp pháp.

Một điều đáng chú ý nữa là mặc dù được thành lập ngay tại vườn quốc gia Cúc Phương, cứu hộ những loài linh trưởng đặc hữu của Việt Nam, nhưng trung tâm cứu hộ linh trưởng quý hiểm không được nhận bất cứ sự giúp đỡ tài chính nào từ nhà nước. Toàn bộ chi phí của trung tâm là do tổ chức động vật học Frankfur tài trợ và do Tilo tự đi quyên góp.

Gần 70 tuổi, nhưng vẫn còn rất mạnh khoẻ và nhanh nhẹn. Tilo Nadler vẫn ngày ngày tận tuỵ với công việc ở trung tâm, đi cứu hộ các cá thể bị săn bắt trong tự nhiên ở các tỉnh.

Gần 20 năm ở Việt Nam, Tilo đã kết hôn với một người phụ nữ Việt Nam, chị Nguyễn Thị Thu Hiền, người cũng là trợ lý của dự án. Hai người là những người đầu tiên lăn lộn gây dựng trung tâm. Họ đã có với nhau hai bé trai kháu khỉnh, 7 tuổi và 4 tuổi. Khi được hỏi liệu ông có bao giờ sẽ trở lại Đức, ông cười mà nói:

Tilo Nadler: Tôi nghĩ tôi sẽ ở lại đây vì tôi có gia đình ở đây, có hai con trai. Và giờ đây tôi có các loài linh trưởng cần đến tôi. Dự án này cần tôi. Đội ngũ cán bộ Việt Nam giờ vẫn chưa đủ sức để quán xuyến mọi việc, họ vẫn cần các chuyên gia nước ngoài để điều hành trung tâm này. Tôi phải ở lại.

Ngần ngừ một chút ông nói tiếp "với lại, vợ tôi, cô ấy muốn ở gần gia đình".

Tạp chí câu chuyện kỳ này xin được tạm dừng tại đây. Việt Hà thân ái tạm biệt quý vị và xin hẹn gặp lại vào sáng thứ ba tuần tới.

Theo dòng thời sự: