Amelia – Vở kịch về chiến tranh Việt Nam trên sân khấu Mỹ

Cuộc chiến Việt nam đã kết thúc 35 năm về trước nhưng những dấu ấn của cuộc chiến, và nỗi đau của nó vẫn còn đó trong lòng nhiều người Mỹ.
Việt Hà, phóng viên RFA
2010.05.25
10-Amelia-rl-009-305 Ashley Emerson (Amelia lúc trẻ) và William Burden (Dodge).
Photo courtesy of seattleopera.org

Đậm chất Việt

Đã có nhiều bộ phim, kịch hát về cuộc chiến được trình chiếu tại Mỹ trong nhiều năm qua. Nhưng dường như, vẫn còn nhiều điều phải nói về cuộc chiến và những trăn trở của người dân Mỹ, những người đã từng sống qua cuộc chiến. Đó cũng là chủ đề của một vở nhạc kịch có tên gọi Amelia vừa được trình diễn tại nhà hát Opera Seattle từ ngày 8 tháng 5 đến 22 tháng 5 vừa qua.

Đây cũng là vở nhạc kịch đầu tiên có phần hát tiếng Việt được trình diễn tại một nhà hát opera danh tiếng ở Hoa Kỳ. Vở diễn đã thu hút được sự chú ý của những báo lớn tại Mỹ như New York Times, Seattle Times, CNN.

Trên sân khấu nhà hát opera Seattle là quang cảnh của một làng quê miền Bắc Việt nam những năm 1980 với những căn nhà đất nện mái ngói đỏ, những đống rơm đang phơi khô, một cái cột cờ trên đó treo lá cờ đỏ sao vàng. Xa xa là hình ảnh của cánh đồng lúa, những con trâu. Người ta cũng nhìn thấy xác của một chiếc máy bay Mỹ A-4 bị bắn rơi. Hai người đàn bà Mỹ cùng một thông dịch đến gặp một cặp vợ chồng nông dân trong làng là Trang và Huy để hỏi về tung tích của người chồng, người cha của họ, phi công Dodge đã bị mất tích trong thời gian chiến tranh Việt nam.

Đây không phải là vở opera đầu tiên về Việt nam trên sân khấu Mỹ nhưng là vở opera đầu tiên có phần hát tiếng Việt về chủ đề này, có tầm cỡ và được làm bởi một nhà hát opera lớn của Mỹ.

Nhạc sĩ Daron Aric Hagen


Đó chính là cảnh đầu của phần hát tiếng Việt trong vở diễn Amelia của đạo diễn Stephen Wadsworth và nhạc sĩ Daron Aric Hagen, điều khiển dàn nhạc Gerald Schwarz. Khán giả của nhà hát opera Seattle lần đầu tiên được xem một vở nhạc kịch có một đoạn được hát chủ yếu bằng tiếng Việt và bởi những diễn viên không phải người Việt.

Nhạc sĩ Daron Aric Hagen cho biết đây không phải là vở opera đầu tiên ở Mỹ nói đến Việt nam, nhưng là vở nhạc kịch đầu tiên tại Mỹ được trình diễn ở quy mô lớn, có phần hát tiếng Việt. Ông nói:“Đây không phải là vở opera đầu tiên về Việt nam trên sân khấu Mỹ nhưng là vở opera đầu tiên có phần hát tiếng Việt về chủ đề này, có tầm cỡ và được làm bởi một nhà hát opera lớn của Mỹ.”

Nhạc sĩ Hagen nói ông đã luôn muốn viết về Việt nam trong suốt 25 năm qua và vở diễn là cơ hội cho ông. Để tôn trọng các nhân vật Việt nam trong vở diễn, ông đã chọn một đoạn của vở hát bằng tiếng Việt: “Tôi chọn chủ đề này bởi vì trong độ tuổi 40 của mình và bạn bè tôi thì đều đã ở đầu 50, chúng tôi có nhu cầu phải thực sự đối mặt và tìm hiểu những gì đã trải qua trong cuộc chiến Việt nam, về sự có mặt của chúng tôi ở Việt nam.

Vở opera cho phép chúng tôi cơ hội này. Có một cảnh trong vở, đoạn cao trào của vở đã diễn ra ở Việt nam trong năm 1968. Tôi nghĩ cách tốt nhất để tôn trọng các nhân vật Việt nam là để họ hát bằng tiếng Việt.”

Khó khăn về ngôn ngữ

Là một nhạc sĩ cho các vở nhạc kịch, nhạc sĩ Hagen đã ghép nhạc cho nhiều ngôn ngữ như Anh, Pháp, Đức, Ý, Hy Lạp. Lần đầu tiên ghép nhạc cho tiếng Việt, lại vốn không phải là người nói tiếng Việt, ông nói đây là thách thức rất lớn và ngôn ngữ tiếng Việt là ngôn ngữ khó khăn nhất mà ông từng gặp từ trước tới giờ.

10-Amelia-rl-144-250
David Won (Huy) và Karen Vuong (Trang). Photo courtesy of seattleopera.org
David Won (Huy) và Karen Vuong (Trang). Photo courtesy of seattleopera.org
“Đưa tiếng Việt vào nhạc khó hơn hẳn so với bất cứ ngôn ngữ nào mà tôi đã từng làm. Cái khó là phải giải quyết một lượng tiếng Việt với khoảng 45 đến 50 lời thoại. Đối với người không nói tiếng Việt thì đó là rất nhiều. Vấn đề ở chỗ, tiếng Việt là một ngôn ngữ có nhiều âm sắc. Việc thay đổi trọng âm hay thay đổi độ lên xuống của âm tiết là rất quan trọng vì nó có thể thay đổi nghĩa.”

Cũng chính bởi vậy, ông đã cùng làm việc với một nghệ sĩ piano người Việt nam trong suốt thời gian ông viết nhạc cho vở là 2 năm rưỡi. Người nghệ sĩ piano giúp ông khớp lời Việt vào nhạc để đảm bảo nghĩa của từ không thay đổi khi hát với nhạc.

Tiếng Việt là một ngôn ngữ có nhiều âm sắc. Việc thay đổi trọng âm hay thay đổi độ lên xuống của âm tiết là rất quan trọng vì nó có thể thay đổi nghĩa.

Nhạc sĩ Daron Aric Hagen


Đối với một vở opera, công việc quan trọng và nặng nhọc nhất đối với người nhạc sĩ là để nhạc khớp với lời mà vẫn đảm bảo truyền tải được nội dung tình cảm của mình muốn nói. Chính bởi vậy nên quá trình học tiếng Việt của nhạc sĩ Hagen chậm hơn so với các ca sĩ. Ông nói:

“Thực tế người nhạc sĩ học tiếng Việt chậm hơn so với ca sĩ. Chúng tôi học thuộc lòng và cố gắng nhắc lại lời. Nếu chúng tôi học tốt thì chúng tôi có thể tạo được cái mà tôi gọi là tưởng tượng về cách nói tiếng Việt. Làm cho lời nói được rõ và khớp với nhạc là công việc của người sáng tác. Nếu người sáng tác đã chọn đúng nốt nhạc rồi thì công việc của người hát sẽ dễ hơn. Công việc của người huấn luyện về ngữ âm cho diễn viên lúc này là đảm bảo để cho người hát phát âm đúng.”

Sau khi phần nhạc và lời hoàn tất và sẵn sàng cho tập dượt, các diễn viên của vở Amelia được tập hát với người huấn luyện về ngữ âm là một người Việt Nam tên là Cay Bach, hiện là thông dịch viên cho sở xã hội ở Seattle.

Trích đoạn vở Emelia

Trang: Ông ấy là một người hiền

Huy: Máy bay của ông ấy bị bắn rơi ở đằng kia

Đó là một đoạn hát của diễn viên Karen Vương, người đóng vai Trang, người vợ và diễn viên David Won trong vai Huy, người chồng, cùng người thông dịch viên. Trong đoạn này, Amelia, con của phi công Dodge và Amanda, vợ của ông hỏi chuyện Trang và Huy về cha và chồng mình. Trang và Huy đã liên lạc với Amelia để nói với cô về những thông tin mà họ có được về Dodge, người đã hy sinh khi cô còn rất nhỏ.

10-Amelia-rl-062-200
Kate Lindsey (Amelia). Photo courtesy of seattleopera.org
Kate Lindsey (Amelia). Photo courtesy of seattleopera.org
Karen Vuong là một diễn viên trẻ 25 tuổi. Đây là vai diễn đầu tiên của cô với nhà hát Opera Seattle. Đây cũng là lần đầu tiên cô hát tiếng Việt. Cô nói học hát tiếng Việt đối với cô “vừa khó mà lại không khó bởi vì tiếng Việt rất giàu âm điệu, ngôn ngữ tiếng Việt vốn đã có nhạc.

Điều thách thức là nó có nhiều phụ âm và phải tìm nguyên âm để có thể nhấn mạnh. Bởi vì chúng tôi đều không phải là người Việt nên chúng tôi phải học cách để miệng vào đúng hình để phát âm chữ cho đúng để người nghe có thể hiểu được.”

Diễn viên Karl Reyes, người Philippines, đóng vai viên chức địa phương miền Bắc trong vở nhạc kịch nói về cách mà các diễn viên nước ngoài của vở Amelia học hát và nói tiếng Việt như sau:

“Điều đầu tiên chúng tôi làm trong lúc tập là chúng tôi phải nói rất chậm, để chúng tôi có được sắc thái và cảm nhận thực sự về ngôn ngữ. Một phần của khó khăn là tiếng Việt rất cụ thể và rõ ràng về vần điệu và ngữ điệu. Có những âm lên xuống có thể thay đổi nghĩa của từ, đồng thời các dấu cũng làm thay đổi nghĩa.

Cho nên đó là khó khăn ban đầu bởi vì chúng tôi không kéo dài nguyên âm trong tiếng Anh thông thường, và kể cả tiếng Ý cũng vậy. Nên ở đây phải có một sự thoả hiệp. Nguyên tắc chung là chúng tôi phải đảm bảo các từ được hát ra phải to rõ bởi hát opera không dùng micro mà giọng của chúng tôi phải đủ nghe cho một nhà hát có 3000 chỗ ngồi. Hơn thế nữa chúng tôi phải hát cùng một giàn nhạc chơi rất lớn, rồi lại có tiếng súng nổ, tiếng máy bay. Chúng tôi phải đảm bảo các từ phải được nghe rõ.”

Các diễn viên của vở Amelia đều cố gắng học hát tiếng Việt cho thật tốt. Họ tận dụng những bạn bè, người thân của mình để giúp họ học cách phát âm tiếng Việt.

Cha mẹ của Karen là người Hoa và đã sống ở Việt nam trong suốt thời gian chiến tranh. Vì thế theo Karen, cô có lợi thế khi nhận vai này bởi bố mẹ cô đã tích cực chỉnh phát âm cho cô ngay từ đầu.

“Cha mẹ tôi sau khi biết tôi sẽ hát tiếng Việt thì ngay lập tức đã nhảy vào cuộc. Mỗi khi tôi đến thăm họ hay gọi điện cho họ, họ đều nói tôi phải đọc cho họ đoạn mà tôi phải nói hay hát. Họ bảo tôi ngồi trong bếp, họ nghe tất cả lời thoại. Mỗi lần gọi điện, họ bảo tôi nói hoặc hát tất cả đoạn trước khi chúng tôi bắt đầu nói chuyện.”

Còn Karl tìm đến những người bạn Việt nam của mình ở Seattle để dạy anh cách phát âm các lời thoại.

Nhưng khó khăn mà cả Karen Vuong và Karl Reyes đều gặp phải là vì những người giúp họ học tiếng Việt ở nhà đều nói tiếng Nam mà vai diễn lại đòi hỏi giọng bắc. Vì thế khi đến nhà hát tập, họ đều phải học lại cách phát âm giọng bắc từ người huấn luyện phát âm do nhà hát thuê.

Sau khoảng 4 tuần tập dượt, vở nhạc kịch sẵn sàng lên sàn diễn chính thức.

Một câu chuyện xúc động

Vở nhạc kịch là một câu chuyện xúc động về một người phụ nữ Mỹ, Amelia, đi tìm người cha đã mất tích của mình trong chiến tranh Việt nam. Máy bay của phi công Dodge, cha cô đã bị bắn rơi vào khoảng thời gian những năm 1960. Ông được một cặp vợ chồng người nông dân là Trang và Huy che dấu trong căn lều của họ. Nhưng ngay sau đó, một viên chức địa phương và dân quân đã tìm đến và lôi Dodge đang bị thương ra ngoài để tra khảo xem phía bên kia định nhắm ném bom vào những địa điểm nào của miền Bắc.

10-Amelia-rl-288-250
Kate Lindsey (Amelia) và William Burden (Dodge). Photo courtesy of seattleopera.org
Kate Lindsey (Amelia) và William Burden (Dodge). Photo courtesy of seattleopera.org
Dodge nhất định không nói. Viên chức địa phương đã dí súng vào đầu một em gái và bắn, sau đó bắn chết Dodge. Trước khi chết viên phi công cũng kịp đưa cho Trang và Huy tấm hình của con gái mình, và bức thư mà ông đã viết từ trước cho cô. Hơn 20 năm sau, khi Amelia đã lập gia đình, cô mới nhận được thư liên lạc từ Trang và Huy. Nhưng khi cô đến làng, cô chỉ nhận lại một bức hình của mình mà cha cô để lại, còn bức thư, thì Trang nói bà đã đốt vì vợ chồng bà rất căm giận, bởi vì em bé gái bị giết chính là con gái họ.

Trích đoạn vở Emelia

Trang: chúng tôi đã đốt nó rồi

Trang: chúng tôi vô cùng căm giận

Đây cũng chính là đoạn hát mà Karen Vuong thích nhất và nó cũng là cao trào của vở nhạc kịch. Theo cô, vở nhạc kịch đã cho cô cơ hội được hiểu hơn về cha mẹ mình, quá khứ mà họ đã trải qua trong thời gian chiến tranh: “Tôi đã có thể hỏi cha mẹ mình về cuộc chiến, họ nói với tôi về những gì họ đã trải qua và tự nhiên những gì tôi đã nghe kể giờ đây tôi nhớ lại. Nó giúp tôi không chỉ gần hơn với nhân vật của mình mà còn giúp tôi gần hơn với gia đình mình, cho nên tôi cảm ơn nhà hát Opera Seattle đã cho tôi cơ hội này.”

Còn đối với nhạc sĩ Daron Hagen, điều mà ông mong ước đạt được 8 năm về trước khi ông bắt đầu vở nhạc kịch, đó là qua một tác phẩm có thể tạo cơ hội cho sự hàn gắn và thông cảm. Ông nói:

“Tôi mong muốn đạt được điều mà bây giờ tôi thực sự đã đạt được đó là tạo ra cơ hội cho những người đã trải qua bất cứ cuộc chiến nào cũng có thể chiêm nghiệm lại những tổn thất của cá nhân và những yếu tố đạo đức có liên quan, chúng tôi muốn tạo cơ hội để họ có thể hàn gắn và để hiểu.

Và đó là điều mà tôi muốn, tức là tạo nên một tác phẩm nghệ thuật cho mọi người được làm tất cả những điều đó. Tôi nghĩ, cùng với đạo diễn Stephen Wadsworth và người viết lời Gardner McFall, chúng tôi đã làm được điều đó.”

Vở nhạc kịch về cuộc chiến gây nhiều tranh cãi 35 năm về trước đã khép lại tại nhà hát Opera Seattle. Vở nhạc kịch đã để lại nhiều cảm nhận tốt đẹp từ phía khán giả về một tác phẩm nghệ thuật hay mang đậm tính nhân văn. Chiến tranh trên thế giới này đâu đó vẫn còn tiếp diễn, và vẫn còn những đau khổ nhưng rõ ràng vở diễn đã một lần nữa cho thấy nghệ thuật sẽ mãi là chiếc cầu nối tuyệt vời giữa con người với con người và các nền văn hoá.

Tạp chí câu chuyện hàng tuần kỳ này xin tạm dừng tại đây. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn nhà hát Opera Seattle và ông Giám đốc phụ trách quan hệ công chúng Jonathan Dean của nhà hát, đã cung cấp cho chúng tôi tư liệu để thực hiện bài viết này.


Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.