Họ là những người bất đồng chính kiến, đã từng tham gia vào hoạt động cổ võ cho dân chủ và bị nhà nước Việt Nam bắt bớ, giam cầm. Ngoài ra, còn có những người vượt biên đến Cambodia từ năm 1989. Tất cả đều đã được văn phòng Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc tại đây công nhận quyền tị nạn. Thế nhưng, cho đến bây giờ, họ vẫn chưa được định cư ở nước thứ ba.
Cuộc sống của những người Việt tị nạn này ngày càng bấp bênh vì chính sách cắt giảm trợ cấp cũng như không được bảo vệ bởi Cao Ủy Tị Nạn LHQ. Kỳ này, Phương Anh xin gửi đến qúi vị một số thông tin về tình cảnh của người Việt tị nạn tại Cambodia.
Nguyên nhân đào thoát
Theo lời của mục sư Ngô Hoài Nở, một trong những người may mắn đào thoát sang Cambodia năm 2007 và mới được tái định cư tại miền Nam California, Hoa Kỳ, thì hiện nay có khoảng 70 người Việt tị nạn, đang sinh sống rải rác tại PhnomPenh. Ông nói:
Phần đông là những người phải chạy trốn khỏi chế độ Cộng Sản vì họ bất đồng chính kiến hay họ đã hoạt động về nhân quyền, tự do…Họ bị bách hại và phải ra đi. Phần đông, họ phải sống nhờ vào sự giúp đỡ của Văn Phòng Cao Ủy Tị Nạn, nhưng, hiện giờ chính sách cắt giảm tiền gây khó khăn cho họ.
<i>Phần đông là những người phải chạy trốn khỏi chế độ Cộng Sản vì họ bất đồng chính kiến hay họ đã hoạt động về nhân quyền, tự do…Họ bị bách hại và phải ra đi. Phần đông, họ phải sống nhờ vào sự giúp đỡ của Văn Phòng Cao Ủy Tị Nạn, nhưng, hiện giờ chính sách cắt giảm tiền gây khó khăn cho họ. <br/> </i>
Mục sư Ngô Hoài Nở
Cao Ủy Tị Nạn chỉ giúp cho họ 6 tháng, có người được một năm, sau đó thì Cao Ủy luôn tìm cách nói họ phải hoà nhập vào cộng đồng hoặc tự kiếm sống cho gia đình của họ. Tôi nghĩ rằng đây là vấn đề rất nguy hiểm vì họ phải đối đầu với mật vụ ở Việt Nam, trà trộn rất nhiều ở Cambodia.
Phần đông, Cao Uỷ Tị Nạn cho rằng, họ không bị nguy hiểm, hay không đủ điểm của Cao Ủy để đưa đi định cư nước thứ ba. Có rất nhiều vụ bắt cóc xảy ra ở Cambodia nên những người Việt tị nạn đang sống rất bấp bênh. Họ có thể tự kiếm sống được, nhưng sự kiếm sống đó phải hoà nhập vào xã hội, mà như vậy thì họ phải lộ mặt ra.
Bản thân tôi đã từng sống ở đó, nên tôi biết rõ. 6 tháng đầu, gia đình tôi chỉ ở trong một căn phòng khoảng 12 mét vuông và chúng tôi không dám đi ra đường. Mỗi lần có công việc phải đi ra ngoài thì phải hết sức cẩn trọng, không bao giờ dám đi một mình, phải nhìn trước, ngó sau, gặp ai nói tiếng Việt thì cũng rất sợ…
Tôi nghĩ rằng Cambodia giống như cái nhà tù vậy. Cho nên, những người Việt sống rất khốn khổ, mỗi ngày đều trông chờ ai đó giúp cho họ thoát khỏi, để được an toàn, để sống một đời sống khác.
Không được giúp đỡ và bảo vệ
Để tìm hiểu thêm, Phương Anh đã liên lạc với anh Nguyễn Văn Hoàng, một trường hợp đào thoát cùng vợ và con sang Cambodia ngày 16 tháng 2 năm 2007. Khi còn ở Việt Nam, anh đã từng tham gia vào phong trào cổ võ cho tự do nhân quyền, rồi bị bắt, bị quản chế tại địa phương. Biết khó lòng sống tại Việt Nam, anh liều mình đưa vợ và con vượt biên đến Campbodia. Khi đến PhnomPenh thì:
Cao Ủy đã cấp qui chế tị nạn và cấp tiền cho chúng tôi, hai vợ chồng và một đưá con là 180 đô. Nhưng không cho vào trại để được bảo vệ. Mật vụ VN bên này rất nhiều, nếu hở ra thì sẽ bị bắt hay thủ tiêu như trường hợp anh Lê Trí Tuệ, không biết là sống hay chết.
Cao Ủy bên này không có qui chế bảo vệ cho chúng tôi, bảo chúng tôi ra ngoài kiếm sống, nhưng với sự nguy hiểm ở Cambodia thì chúng tôi không dám ra sinh sống. Cho nên, chúng tôi tự nhốt trong nhà, không dám ra ngoài đường. Có những trường hợp ở đây đã 17 năm, như mục sư Ngô Đắc Luỹ…
Chúng tôi không có một quyền gì hết! Và cũng không được Cao Uỷ bảo vệ gì hết! Học có cho chúng tôi số phone và nói rằng cần gì thì liên lạc nhưng trường hợp như Lê Trí Tuệ, A Đung, gọi nhưng cũng không can thiệp được gì hết, nên chúng tôi phải sống chui sống nhủi.
Một trường hợp khác, bà Vương Thị Viếng, cùng 4 con trai đến Campbodia ngày 24 tháng 7 năm 2006. Hiện nay, cả gia đình 5 người sống trong một căn phòng 3 mét vuông và hàng tháng được Cao Ủy chu cấp 85 Mỹ kim. Bà cho hay:
<i>Mình gặp khó khăn họ không giúp đỡ và họ không muốn giao tiếp với mình. Ở đây, giống như cái nhà tù. Ở Việt Nam, tôi đã ở nhà tù nhỏ, rồi khi ra khỏi nhà tù nhỏ thì ở nhà tù thứ hai là đất nước Việt Nam, rồi bây giờ qua tới đây thì cũng còn ở tù nữa, mặc dù không ai quản chế.<br/> </i>
Bà Vương Thị Viếng
Năm 1996, tôi bị án 10 năm tù và sau khi thi hành án xong, bị quản thúc tại địa phương trong vòng 4 năm. Mỗi tuần cứ sáng, chiều phải đến trình diện Ùy Ban xã, huyện, tỉnh…nên tôi không thể nào kiếm sống được. Hiện nay, theo qui chế tị nạn, chỉ còn một mình tôi được 85 đồng. Cuộc sống rất khó khăn, không thể làm ăn gì được hết, an ninh thì rất nguy hiểm.
Thỉnh thoảng laị bị bắt cóc một người nên bắt buộc chúng tôi phải ở trong nhà…Mình ra đường đâu có biết người nào là dân, người nào là mật vụ…tiếng nói thì không biết. Người bản xứ thì kỳ thị với mình, vì mình bất đồng ngôn ngữ, rồi bộ đội Việt Nam ngày xưa, có nhiều cái đối xử không tốt, nên họ có mối thù từ đời nào tới bây giờ, thành ra họ cũng đối xử với mình không tốt.
Mình gặp khó khăn họ không giúp đỡ và họ không muốn giao tiếp với mình. Ở đây, giống như cái nhà tù. Ở Việt Nam, tôi đã ở nhà tù nhỏ, rồi khi ra khỏi nhà tù nhỏ thì ở nhà tù thứ hai là đất nước Việt Nam, rồi bây giờ qua tới đây thì cũng còn ở tù nữa, mặc dù không ai quản chế.
Điều mong mỏi nhất
Dĩ nhiên, điều mong mỏi nhất của những người Việt tị nạn hiện nay là được định cư ở nước thứ ba. Thế nhưng, dường như điều đó vẫn đang xa vời, vì theo mục sư Ngô Hoài Nở, thì:
Điều mong ước của họ là đi nước nào cũng được, để xa Cambodia, xa Việt Nam hơn, để họ được an toàn. Những người này đã được cấp qui chế tị nạn, nhưng Cao Ủy không cho họ đi định cư nước thứ ba, vì chủ trương của Cao Uỷ Tị Nạn LHQ là muốn những người tị nạn này phải hoà nhập với đất nước Cambodia, sống ở đó.
Thưa qúi vị thính giả, điều này thực hư ra sao? Phương Anh đã liên lạc với ông Tossi Kawauchi, Cao Uỷ Trưởng, Văn Phòng Cao Uỷ Tị Nạn Liên Hiệp Quốc tại PhnomPenh. Trước hết, hỏi thăm vì sao những người Việt tị nạn lại không được vào các nhà tạm dung để được Cao Ủy Liên Hiệp Quốc bảo vệ, ông cho hay:
<i>Vì họ không phải là người Thượng Montagnard. Người Thượng Montagnard có một chương trình hoàn toàn khác, dành cho họ và có một thoả hiệp đặc biệt giữa Cao Uỷ Tị Nạn LHQ, chính phủ Cambodia và chính phủ Việt Nam. Ở Cambodia, không có trại tị nạn, do đó chúng tôi không thể nào làm gì thêm được cho những người Việt tị nạn. <br/> </i>
Ông Tossi Kawauchi
Vì họ không phải là người Thượng Montagnard. Người Thượng Montagnard có một chương trình hoàn toàn khác, dành cho họ và có một thoả hiệp đặc biệt giữa Cao Uỷ Tị Nạn LHQ, chính phủ Cambodia và chính phủ Việt Nam. Ở Cambodia, không có trại tị nạn, do đó chúng tôi không thể nào làm gì thêm được cho những người Việt tị nạn.
Cambodia không giống như Iran, Iraq, nơi có hàng ngàn người tị nạn. Hiện nay, vì những người này không thể vào nơi tạm dung dành cho người Montana, nên chúng tôi chỉ có thể trợ cấp cho họ một ít tiền, tùy theo từng trường hợp, từng hoàn cảnh…
Về chuyện định cư ở nước thứ ba, ông giải thích:
Chuyện này cũng tuỳ thuộc vào từng cá nhân một bởi vì Cambodia là một nước đã ký vào Công Ước Quốc Tế về Tị Nạn vào năm 1992. Chính vì thế, chính phủ Cambodia phải chịu trách nhiệm bảo vệ người tị nạn. Sự có mặt của Cao Ủy Tị Nạn LHQ chỉ là hỗ trợ thêm cho chính phủ mà thôi.
Mọi sự an toàn, bảo vệ cho người Việt tị nạn là việc của chính phủ Cambodia phải làm. Chúng tôi công nhận họ là người tị nạn. Đúng ra, đó là chuyện của chính phủ Cambodia, nhưng từ trước đến nay nhà nước Cambodia không làm, không xác minh. Chính vì thế, chúng tôi đã thay mặt cho chính phủ Cambodia công nhận quyền tị nạn cho họ.
Nhưng tôi nghĩ rằng trong tương lai sẽ thay đổi vì hiện nay, nhà nước đang cố gắng thực hiện vấn đề này. Chúng tôi đã tiếp xúc và thảo luận với nhà nước Cambodia và sau này, chắc chắn sẽ thay đổi trong việc công nhận quyền tị nạn.
Như tôi đã nói, chính phủ Cambodia đã ký vào Công Ước Quốc Tế về Tị Nạn, nên họ phải có trách nhiệm bảo vệ những người tị nạn trên đất nước của họ. Đây là một điểm rất khác biệt với những nước trong vùng Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, không ký vào Công Ước Quốc Tế. Sau khi công nhận quyền tị nạn, chính phủ Cambodia phải tìm một giải pháp nào đó cho những người tị nạn này. Trách nhiệm chính là của nhà nước Cambodia, còn Cao Ủy chỉ là hỗ trợ mà thôi!
Cũng theo lời ông cho hay, tuy người Việt tị nạn không được vào trại tạm dung, nhưng khi cần thiết, thì họ có thể đến văn phòng Cao Ủy để nhờ can thiệp và hỗ trợ. Mặt khác, ông cũng hy vọng rằng, trong thời gian sắp đến, chính phủ Cambodia sẽ nỗ lực hơn trong việc giải quyết những người Việt tị nạn tại đây, ông nói:
Họ có thể đến văn phòng Cao Uỷ bất cứ lúc nào khi họ cần…Họ cũng có thể nhờ đến chính phủ Cambodia. Tôi nghĩ rằng, trong năm tới, sẽ có sự thay đổi lớn về chính sách cho những người Việt đang tị nạn tại Cambodia. Cao Ủy Tị Nạn LHQ đã công nhận họ là người tị nạn, chính phủ Cambodia phải có trách nhiệm nhiều hơn với họ. Tôi hy vọng rằng người Việt tị nạn sẽ được bảo vệ hơn, và Cao Ủy thì vẫn tiếp tục hỗ trợ cho nhà nước Cambodia.
Qúi vị và các bạn vừa nghe một số thông tin về người Việt tị nạn tại Cambodia. Phương Anh xin ngừng nơi đây. Hẹn gặp lại quí vị và các bạn trong kỳ sau.