Tổ chức từ thiện “Hy vọng cho trẻ em Việtnam”

Vào hôm Chủ Nhật, ngày 16 tháng 11 vừa qua, tại một nhà hàng ở vùng Falls Church, bang Virginia, đã có buổi kỷ niệm và gây quỹ 5 năm thành lập hội từ thiện “ Hope For The Children in Vietnam” xin tạm dịch “Hội Hy Vọng Cho Trẻ Em Việt Nam”.
Phương Anh, phóng viên RFA
2008.11.18

Ở nước Mỹ xa xôi, vẫn có những người nghĩ đến các em

 Vào năm 2002, bà Dianna Mỹ Trần, một Việt kiều, đang sinh sống ở bang Virginia, trong dịp trở về quê hương sau nhiều năm xa cách, chứng kiến nhiều trẻ em phải bỏ học, lang thang trên đường phố kiếm sống. Khi trở về Mỹ, bà đã thổ lộ mơ ước với một người bạn Mỹ rằng làm thế nào để có thể giúp cho các trẻ em mồ côi, trẻ em nghèo tại quê nhà.  Thế là không bao lâu, với sự giúp đỡ của một số người bạn Hoa Kỳ, Hội Hy Vọng Cho Trẻ Em Việt Nam được thành lập.  Mục Câu Chuyện Hàng Tuần kỳ này xin được gửi tới quý vị một số thông tin về hội từ thiện này.

Trong dịp trở về quê hương sau nhiều năm xa cách, chứng kiến nhiều trẻ em phải bỏ học, lang thang trên đường phố kiếm sống. Khi trở về Mỹ, bà đã thổ lộ mơ ước với một người bạn Mỹ rằng làm thế nào để có thể giúp cho các trẻ em mồ côi, trẻ em nghèo tại quê nhà.

Hội chỉ trợ giúp bằng vật chất và học bổng

Thưa quý thính giả, bà Sandra Willet Jackson, hiện đang là chuyên viên tư vấn cho Viện Cấu Trúc Chiến Lược Quốc Tế, chuyên giúp cho các tổ chức phi chính phủ của phụ nữ kinh doanh, kể về sự hình thành của hội từ thiện Hy Vọng Cho Trẻ Em Việt Nam, bà nói:   

Bà Diana có kể cho tôi nghe về ý định giúp đỡ cho những người nghèo ở Việt Nam, những người tàn tật,  trẻ em khuyết tật, mổ côi, trẻ em trên đường phố. Bản thân tôi là một người kinh doanh, cũng từng làm cho Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, làm cho các tổ chức vô vị lợi của chính phủ, và  có nhiều kinh nghiệm về cách tổ chức, cách hoạt động của tổ chức từ thiện. Chính vì thế tôi đã nhận lời giúp bà. Chúng tôi vạch ra  mục đích, đường hướng hoạt động  của tổ chức…

Tôi có kinh nghiệm, sự hiểu biết, bà ấy có  mơ ước, thế là chúng tôi bắt tay làm việc để biến mơ ước thành hiện thực. Chúng tôi mời thêm một số bạn bè, và tất cả đều tình nguyện làm việc không công, chẳng một ai trong chúng tôi được trả lương cả.

Thế là hội Hope For Children Việt Nam ra đời. Chúng tôi nhắm vào  trẻ em mồ côi, trẻ em nghèo, trẻ em khuyết tật. Chúng tôi không giúp đỡ bằng tiền mà trợ giúp bằng vật chất cụ thể như quần áo, thuốc men, sách vở học tập, lương thực và phân phối tận nơi. Đồng thời, cũng cho một số học bổng nhỏ để các em có thể cắp sách đến trường.

Bà Sandra Jackson cũng cho biết rằng, thời còn là nhân viên cao cấp trong Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, bà đã có dịp đến Việt Nam làm việc. Trong chuyến đi ấy, đã để lại nhiều thiện cảm và ấn tượng tốt về con người và đất nước Việt Nam.  Chính vì thế, khi tham gia vào công việc từ thiện này và trở thành chủ tịch của Hội, bà đã có dịp trở lại Việt Nam lần thứ hai. Bà kể lại:

Chúng tôi nhắm vào  trẻ em mồ côi, trẻ em nghèo, trẻ em khuyết tật. Chúng tôi không giúp đỡ bằng tiền mà trợ giúp bằng vật chất cụ thể như quần áo, thuốc men, sách vở học tập, lương thực và phân phối tận nơi. Đồng thời, cũng cho một số học bổng nhỏ

Tôi đã đến Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1998 khi đang làm việc trong Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ. Lần thứ nhì là vào năm 2007 vừa qua, tôi đi cùng với bà Dianna Mỹ Trần  và vài người trong tổ chức Hope For Children in Việt Nam.

Đó là chuyến thăm Việt Nam rất đặc biệt của tôi. Tôi rất xúc động khi đến những nơi mà chúng tôi đã trợ giúp cho họ như các nữ tu Công giáo, các sư cô, đang nuôi các trẻ em mồ côi, tật nguyền, những người dân có tấm lòng đang chăm sóc cho các em ở các mái ấm tình thương….

Chúng tôi chỉ có khả năng trợ  giúp một phần rất nhỏ, nhưng sự đón tiếp của  họ với tôi đã để lại những kỷ niệm thật đẹp, không bao giờ phai mờ.

Bắt đầu từ một chuyến về thăm…

Bà Diana Mỹ Trần cũng cho biết thêm chi tiết về sự ra đời của Hội Hy Vọng Cho Trẻ Em Việt Nam, bà cho hay:

Hội được thành lập vào tháng 6 năm 2002, sau chuyến đi về thăm..  Tôi thấy có rất nhiều trẻ em nghèo. Tôi về Mỹ và bàn với với người bạn Mỹ  cùng chung chí hướng.  Trong Hội Đồng Quản Trị gồm có 5 người, tất cả đều làm thiện nguyện và không có ai được lãnh lương, hoặc là nhận tiền thù lao gì của Hội, thậm chí ngay cả những lúc về Việt Nam, các chuyến đi đều là tự túc, về để giúp cho các em.

Bà cũng cho biết về các hoạt động của Hội trong 5 năm qua: 

Từ năm 2002 đến giờ chúng tôi đã giúp được khoảng 3000 em trong các mái ấm tình thương, cô nhi viện, các lớp học tình thương. Chúng tôi về đến tận nơi thăm. Ngoài những vật dụng cần thiết hàng ngày của các em, chúng tôi giúp thêm những cái khác,mỗi một chỗ có nhu cầu khác nhau. Năm vừa qua  được khoảng gần 15,000. Với số tiền khiêm nhường đó, chúng tôi giúp được 1000 em và xây được một phòng ốc cho các em và một nhà bếp.

Trong Hội Đồng Quản Trị gồm có 5 người, tất cả đều làm thiện nguyện và không có ai được lãnh lương, hoặc là nhận tiền thù lao gì của Hội, thậm chí ngay cả những lúc về Việt Nam

Được biết, hiện tại, Hội Hy Vọng Cho Trẻ Em Việt Nam vẫn đang tiếp tục giúp đỡ cho một số nhà mồ côi, các trường tình thương tại vùng ven thành phố, Thủ Đức, Bà Riạ, Bình Dương. Đặc biệt, năm nay, có thêm các em người dân tộc ở vùng Di Linh.  Khi hỏi về ngân khoản tài trợ, bà Diana cho biết rằng:        

Hội tự lo không có trợ cấp của chính phủ

Chúng tôi chưa xin được một khoản trợ cấp nào của chính phủ Mỹ cả, chỉ có tư nhân và bạn bè quen biết…đã tin tưởng chúng tôi và ủng hộ. Có năm, chúng tôi tổ chức bữa ăn, có năm thì làm văn nghệ. Nhưng thường là dạ tiệc để gây qũy.

Thưa quý vị thính giả, một trong những nơi đang được Hội Hy Vọng Cho Trẻ Em Việt Nam giúp đỡ là một trường tình thương ở quận 7, trước kia là huyện Nhà Bè, ở Sàigòn.  Cô hiệu trưởng xin không nêu tên, đã biến chính nhà mình thành ngôi trường tình thương này cho biết: 

Năm nào thì cũng được Hội cho sách vở, quần áo, đồ dùng học sinh cho các em, một số thuốc men. Mỗi năm, trường có từ 120 đến 150 em, có 5 cấp lớp, và mỗi cấp chỉ có một lớp thôi…Khi đi mua sách vở, giáo khoa cho các em, mua hết đầy đủ cho 120 em, ở nhà sách rồi gọi điện thoại, các chị đến trả tiền.

Cô cũng cho biết thêm về hoàn cảnh của các em học sinh của trường tình thương tại đây:   

95% cha mẹ học sinh của các em là thợ hồ, các em là dân nhập cư vì người ta ở dưới quê không còn ruộng, phải lên thành phố bán sức lao động, phụ hồ vì khu Mỹ Hưng là đang xây dựng. 3 năm tới đây, chính quyền thay đổi chính sách thì tạm trú cũng được đi học. nhưng tiền trường rất cao. Đầu năm, phải chuẩn bị cho 400.000 đồng một em. Nếu con nhà nghèo hai đứa đi học thì một đứa phải nghỉ, may ra có trường Tình Thương thì gửi vào.

Nhân đây, cô cũng bày tỏ nỗi băn khoăn của cô hiện giờ vào khi trường vẫn không được trợ cấp của các cơ quan hữu trách cho dù đã thành lập 9 năm qua, cô nói:

Tôi mong sao cho tất cả trẻ em nghèo  đều được đi học và hiểu rằng, ở một nước Mỹ xa xôi, vẫn có những người đang nghĩ đến các em.
                                                   Bà Sandra Willet Jackson

Lo nhất là chi phí cho giáo viên, sinh hoạt phí cho các em thì xin được của Hội như sách vở, bút viết, nhưng kinh phí cho giáo viên thì khó vì giáo viên bây giờ họ chạy “sô”. Tiền lương của giáo viên tiểu học, cộng tất cả chi phí thì chỉ lãnh được 1 triệu 500 ngàn, nhưng mỗi một lớp thì có 40 học sinh, và học sinh phải đi học thêm, phụ đạo. Giáo viên dậy ở nhà hay ở trường, vùng ven, một trăm ngàn một tháng, dậy riêng thì từ 500 đến 700 ngàn…Nên muốn giữ được giáo viên thì mình cũng phải đáp ứng được cuộc sống bên ngoài của người ta.                 

Một phụ nữ Mỹ với trái tim Việt Nam

Trở lại với bà Dianna Mỹ Trần, người đã có ý định thành lập hội từ thiện giúp cho trẻ em nghèo ở Việt Nam, khi được hỏi điều bà mong mỏi nhất là gì, bà trả lời ngay:

Tôi chỉ mong cho các em có một tiểu thơ vui hơn, một tương lai tốt hơn…

Và với bà Sandra Willet Jackson, chủ tịch của Hội Hy Vọng Cho Trẻ Em Việt Nam,  người phụ nữ mang dòng máu Hoa Kỳ, nhưng có trái tim Việt Nam, thì phát biểu rằng:

Tôi hy vọng rằng tất cả những người tôi đã gặp trên đường phố một cách tình cờ như người đạp xe xích lô, người bán hàng rong, người bán gánh dạo, sẽ có được những nhu cầu căn bản  đời sống. Tôi mong sao cho tất cả trẻ em nghèo  đều được đi học và hiểu rằng, ở một nước Mỹ xa xôi, vẫn có những người đang nghĩ đến các em

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Anonymous
05/08/2018 19:05

tôi có 3 cháu nhỏ đang đi học gia đình khó khăn mong hội Từ thiện giúp đở đt 0914425076 Gmailphandinhnhan123@gmail.com cháu thứ nhất phan đình trường học lớp 12 trường phan đăng lưu huế cháu thứ 2 học lớp 5 trường tiểu học phú mậu huế cháu 3 học mẩu giáo địa chỉ phan đình nhân đội 7 xă phú mậu huyện phú vang huế xin cám ơn