Hà Nội đã sẵn sàng cho Đại lễ 1.000 năm Thăng Long?
Chỉ còn khoảng 7 tháng nữa là đến Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long Hà Nội dự kiến sẽ diễn ra trong 10 ngày đầu tháng 10. Vậy mọi sự chuẩn bị hiện nay như thế nào?
Việt Hà, phóng viên RFA 2010.03.02
Công trình bức phù điêu dài 6km dọc sông Hồng chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1.000 Thăng Long.
AFP PHOTO
vha03022010
1.000 năm lịch sử
Để chuẩn bị
cho đại lễ kỷ niệm này, chính quyền đã gấp gáp thực hiện xây dựng, sửa sang nhiều
công trình cơ sở hạ tầng và văn hóa từ vài năm trước. Tổng kinh phí dự tính chi
cho các dự án từ 20.000 đến 25.000 tỷ đồng. Liệu những sự chuẩn bị này đã xứng
với tầm vóc của một thành phố 1.000 năm chưa? Và người dân Hà Nội có sẵn sàng
chờ đón đại lễ hay không? Tạp chí câu chuyện hàng tuần kỳ này xin gửi đến quý vị
những tìm hiểu về các vấn đề này.
Nhiều người
vẫn nghĩ và thường hay nói với nhau là nếu chúng ta muốn có một dịp như thế này
nữa thì phải chờ 1.000 năm hoặc là phải sống 1.000 năm nữa.
GS Lê Văn Lan.
Có lẽ trên thế giới này không có nhiều
thành phố có một bề dày lịch sử lâu đời như Hà Nội. Vì thế cũng không có gì
đáng ngạc nhiên khi chính phủ đặt trọng tâm vào đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng
Long Hà Nội trong năm nay, năm của đại lễ.
Tại hội nghị triển khai việc thực hiện
quyết định của thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt đề cương các hoạt động tiến
tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long Hà Nội hồi tháng 10 năm ngoái, Phó Thủ tướng
Nguyễn Sinh Hùng đã nhấn mạnh: “Đây không những là niềm tự hào của nhân dân Hà
Nội mà là niềm tự hào của nhân dân cả nước trong việc mở mang bờ cõi, phát triển
kinh tế xã hội, giữ vững độc lập của đất nước trong suốt 1.000 năm lịch sử.”
Để chuẩn bị cho đại lễ, cách đây từ
khoảng 10 năm, Hà Nội đã phê duyệt các chương trình dự án lớn cho Hà Nội. Vào đầu
tháng 2 năm 2009, ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt kế hoạch, danh mục tiến độ
triển khai các công trình chào mững lễ kỷ niệm với 66 dự án công trình. Trong
đó có 35 dự án phải hoàn thành trước đại lễ 1.000 năm, tức là vào đầu tháng 10
tới.
Đánh giá về những gì thành phố đã làm
để chuẩn bị cho đại lễ, nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc cho biết:
Một trong những hoạt động văn hóa cổ động cho sự kiện 1.000 năm Thăng Long. AFP PHOTO.
“Nguyễn Vinh Phúc: thực ra về phía 1.000
năm thì thành phố đã làm nhiều lắm rồi. Về văn hóa thì bao nhiêu công trình được
tạo dựng lại rất đáng quý. Ví dụ như di tích thờ ông Lý Thường Kiệt tại ngay
làng ông sinh ra, hay là đền Đồng Cổ có từ năm 1028, sử ghi như vậy là cái nơi
thờ trung hiếu cũng được làm hoàn chỉnh. Tôi thấy về phương diện văn hóa vật thể
làm được nhiều, cầu đường, khu chung cư mọc lên như nấm. Còn về văn hóa phi vật
thể thì khai thác được nguồn tài nguyên phi vật thể của đất nước nói chung, Hà
Nội nói riêng. Ví dụ như Hội Gióng đang được xây dựng lại, bia Văn Miếu được phục
hồi lại, Hoàng thành Hà Nội cũng thế. Giá trị vật thể và phi vật thể của nó đã
được quan tâm và được trình UNESCO để duyệt là di sản thế giới.”
Chậm tiến độ
Tuy nhiên theo đánh giá vào cuối năm
ngoái của Ủy ban nhân dân thành phố thì việc thực hiện các công trình kỷ niệm
hiện đang bị chậm tiến độ. Một số những công trình bị chậm tiến độ được nêu tên
là bảo tàng Hà Nội, công viên Hòa Bình, con đường gốm sứ ven sông Hồng, khu
dich tích Cổ Loa và Thành cổ. Hà Nội thậm chí đã phải gạt bỏ ra một số công
trình dự kiến ban đầu để cho kịp tiến độ. Tuy thế, nhiều chuyên gia vẫn lo lắng
đến sát ngày kỷ niệm mà thành phố vẫn như một công trình ngổn ngang. Giáo sư sử
học Lê Văn Lan, một người Hà Nội, đã từng lên tiếng lo lắng về tình trạng này
và khẩn khoản cáo lỗi với mai sau, bởi vì ông nói.
Lê Văn Lan: Đây là cái câu mà nhiều người vẫn
nghĩ và thường hay nói với nhau là nếu chúng ta muốn có một dịp như thế này nữa
thì phải chờ 1.000 năm hoặc là phải sống 1.000 năm nữa. Thì đó là cái ý nghĩa
và cái thấm nhuần mong muốn của người Hà Nội bây giờ. Tóm lại đây là cơ hội, thời
cơ mà chỉ có lúc này thì những người đang sống mới có được.
Chẳng hạn người dân khu phố cổ mà 50 người
chung một cái toilet lộ thiên thì cũng đừng nên tổ chức 1.000 năm Hà Nội, mà
nên cắt kinh phí đấy để cải tạo lại khu phố cổ.
Anh Lê Tuấn
Anh.
Để thực hiện các dự án công trình kỷ
niệm 1000 năm Thăng Long, chính quyền thành phố dự tính phải chi từ 20 đến 25.000
tỷ đồng. Một khoản chi mà theo rất nhiều chuyên gia đánh giá là rất lớn, thế
nhưng vấn đề hiệu quả và chất lượng công trình, hay như một số người gọi là phần
hồn của nó thì lại khiến không ít người lo lắng. Nhà sử học Bùi Thiết, người đã
nhiều năm nghiên cứu Hà Nội nhận xét:
Bùi Thiết: Tinh thần thì họ tuyên truyền cho Hà
Nội về văn hóa, chính trị, kinh tế vân vân, họ làm rất nhiều việc. Nhưng họ làm
được hay không thì là một điều khác. Chẳng hạn cách đây 10 năm họ chuẩn bị cho
khoảng chừng 45 tỷ đồng để in sách Hà Nội nhưng sách đó in được hay không và có
giá trị lớn hay không thì ứng với cái đó là chuyện khác. Có những cái chúng ta
đoán được, ngăn được nhưng cái này nó tùy thuộc vào trí tuệ của giới lãnh đạo.
Nhiều khi họ chuẩn bị như thế nhưng không phải là với thực chất mà là để lấy tiền
chẳng hạn. Chẳng hạn xây dựng một công trình mà không ra gì, công trình tiêu tốn
quá mức nó đạt được.
Việc tổ chức lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng
Long Hà Nội theo nhiều chuyên gia cũng là dịp để kích thích lòng tự hào của người
Hà Nội, để tạo dựng lại một Hà Nội thanh lịch, văn minh như điều mà nhà Hà Nội
học Nguyễn Vinh Phúc mong muốn:
Nguyễn Vinh Phúc: Theo tôi đại lễ 1.000 năm là nhằm mục
đích uống nước nhớ nguồn, là để tri ân, nhớ ơn tổ tiên đã tạo ra Thăng Long.
Cho nên tôi nghĩ rằng đại lễ này làm thức tỉnh ở những người chưa mang được
tinh thần Hà Nội một cách hoàn chỉnh, thì hãy nghĩ lại sống và làm việc làm sao
để thể hiện được tinh hoa Hà Nội, là những con người biết yêu thương đồng bào,
biết tôn trọng cộng đồng, nhất là biết sống để tạo dựng một xã hội ngày càng đẹp.
Một trong những công trình tu sửa chuẩn bị cho Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long. AFP PHOTO.
Chú trọng hình thức?
Thế nhưng ông Phúc cũng thừa nhận Hà
Nội còn quá nhiều những ngổn ngang trong các vấn đề về văn hóa, xã hội, từ giao
thông, đến ô nhiễm môi trường, trong cách ứng xử mà không thể thay đổi trong một
sớm một chiều.
Nhiều người dân Hà Nội thì cho rằng,
chính quyền nên chú trọng nhiều hơn đến việc cải thiện dân sinh hơn là tập
trung vào lễ hội chỉ mang tính hình thức và nhiều tốn kém. Anh Lê Tuấn Anh, một
người dân Hà Nội nói:
Lê Tuấn Anh: Nếu mà tổ chức 1.000 năm mà nó thể
hiện tính thành ý nhiều hơn hình thức thì hay hơn. Chẳng hạn 1.000 năm thì bây
giờ đường xá, vỉa hè nó cũng phải sạch sẽ, đường cũng phải nhẵn nhụi đi không bị
vấp váp. Về mặt hình thức cũng quan trọng, nhưng hình thức phải tương ứng với nội
dung. Nội dung ở đây là gì, là đường xá Hà Nội có ổn không, cấp thoát nước có ổn
không. Chẳng hạn người dân khu phố cổ mà 50 người chung một cái toilet lộ thiên
thì cũng đừng nên tổ chức 1.000 năm Hà Nội, mà nên cắt kinh phí đấy để cải tạo
lại khu phố cổ. Chứ còn bây giờ tổ chức đại lễ 1.000 năm mà dân vẫn sống khổ
hơn 100 năm trước. Hà Nội 900 năm và Hà Nội 1.000 năm nó như nhau thì tổ chức
làm gì.
Theo tôi
thì chính quyền nên làm gì đấy thiết thực hơn cho đời sống người dân hàng ngày,
và coi đấy như là một cái chương trình để kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long.
Blogger Người Buôn Gió.
Có người cho rằng chính quyền nên
quan tâm đến người nghèo Hà Nội nhiều hơn nữa để giảm mức chênh lệnh giàu nghèo
ở thủ đô. Theo một kết quả điều tra của Sở lao động thương binh xã hội thành phố
Hà Nội năm ngoái, Hà Nội hiện có hơn 100.000 hộ nghèo với hơn 400.000 nhân khẩu
với mức thu nhập khoảng 500.000 đồng một người một tháng. Đây là con số do
chính quyền cung cấp. Trên thực tế Hà Nội còn có những người nhập cư từ ngoại tỉnh,
trẻ lang thang cơ nhỡ khó thống kê chính xác. Đây là những người có bữa nay lo
bữa mai, không biết liệu họ có thời gian và tâm trí gì để thưởng thức không khí
lễ hội 1.000 năm Thăng Long hay không?
Cũng có ý kiến giống như anh Tuấn
Anh, blogger Người Buôn Gió, một cư dân Hà Nội khác góp ý thế này:
Người Buôn Gió: Theo tôi thì chính quyền nên làm gì
đấy thiết thực hơn cho đời sống người dân hàng ngày, và coi đấy như là một cái
chương trình để kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long thì tốt hơn là bây giờ đầu tư rất
nhiều những thứ như cờ hoa, băng rôn, nhiều tốn kém mà cuối cùng cũng chỉ trống
hoác cũng thoáng qua đi, mà lúc này đất nước đang khó khăn thế này thì cũng
không cần phải làm lễ kỷ niệm long trọng quá.
Chỉ còn chưa đến 300 ngày nữa Hà Nội
sẽ long trọng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long Hà Nội, niềm tự hào của cả nước như
Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã nói. Trong khi chính quyền đang gấp rút hoàn
thành các công trình lớn nhỏ để chuẩn bị đại lễ, còn rất nhiều những bức xúc của
người Hà Nội về các vấn đề của chính Hà Nội mà họ mong muốn sẽ sớm được giải
quyết. Và còn một dấu hỏi lớn hơn nữa là liệu chính quyền có duy trì được những
gì mà họ đã và đang làm cho đến sau khi lễ hội diễn ra hay không?
Tạp chí
câu chuyện hàng tuần kỳ này xin được tạm dừng tại đây. Việt Hà thân ái tạm biệt
quý vị và xin hẹn gặp lại vào sáng thứ ba tuần tới.