Hy vọng mới cho người khuyết tật Việt Nam
2010.08.31
Trong tạp chí câu chuyện hàng tuần kỳ này, Việt Hà xin được cùng quý vị tìm hiểu về những thay đổi trong nhận thức về vai trò của người khuyết tật trong xã hội Việt nam và những cơ hội phát triển của người khuyết tật Việt nam.
Thay đổi nhận thức
Ở Sài gòn, có một hội quán nhỏ, ấm cúng, với những đêm nhạc của các nhạc sĩ nổi tiếng như Trịnh Cộng Sơn, Phạm Duy, Ngô Thụy Miên. Khách đến quán không phải chỉ để thưởng thức tách café hay ly nước quả, mà còn để nghe những tình khúc bất hủ được các ca sĩ ở quán này hát bằng tất cả tấm lòng. Họ không phải là những ca sĩ nổi tiếng. Trong số họ có những ca sĩ là người khuyết tật.
Quán có tên hội quán ‘Đời Rất Đẹp’thuộc Trung Tâm Khuyết Tật và Phát Triển (gọi tắt là DRD).
Hội quán được thành lập vào tháng 3 năm nay do chính những thanh niên khiếm thính phục vụ. Chị Võ Hoàng Yến, giám đốc DRD cho biết, hội quán không những cung cấp cơ hội để cho người khiếm thính có việc làm, mà còn để chứng minh với xã hội rằng họ vẫn có thể lao động bình thường như bao nhiêu người khỏe mạnh lành lặn khác. Hội quán là nơi để tác động lên nhận thức của người dân về cộng đồng người khuyết tật và cũng là nơi để người khuyết tật khẳng định giá trị của mình trong xã hội. Đó cũng chính là mục tiêu của Trung Tâm Khuyết Tật và Phát Triển.
Chị nói: Mình muốn
thay đổi nhận thức và cách nhìn của mọi người về người khuyết tật và vấn đề
khuyết tật. Người không khuyết tật họ phải thay đổi và nhìn thấy được giá trị của
người khuyết tật, mình hiểu là khi họ hiểu đúng về khả năng và giá trị thì họ mới
có chương trình hỗ trợ đúng, chính sách đúng. Còn bản thân người khuyết tật
cũng phải thay đổi cách nhìn về chính bản thân mình. Cũng nhìn ra giá trị bản
thân mình để không chấp nhận vai trò như là đối tượng của lòng từ thiện nữa.
Người không khuyết tật họ phải thay đổi và nhìn thấy được giá trị của người khuyết tật. Còn bản thân người khuyết tật cũng phải thay đổi cách nhìn về chính bản thân mình, nhìn ra giá trị bản thân mình để không chấp nhận vai trò như là đối tượng của lòng từ thiện nữa.
ThS. Võ Hoàng Yến, giám đốc DRD
Theo chị Võ Hoàng Yến, việc thay đổi nhận thức này là rất khó vì sự kỳ thị người khuyết tật đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân trong một thời gian dài:
Thay đổi nhận thức rất là khó. Cái này từ xưa đến nay, những người làm về phát triển cộng đồng đều thấy. Nó đã ăn sâu vào rất lâu rồi nên ở đây mình cố gắng xây dựng DRD như một mô hình trong đó cho thấy những người đang làm cho DRD nhưng họ được tạo điều kiện để thể hiện khả năng và năng lực của mình thì họ có thể trở thành người đóng góp cho sự thay đổi của cộng đồng và đóng góp cho sự phát triển của xã hội chứ không phải chỉ là nhận lãnh sự thương hại của người khác. Mình muốn dùng mô hình này như sự khởi đầu để mọi người nhìn thấy nó và mọi người dần thay đổi cách nhìn của mình.
Chị Yến là người rất hiểu sự kỳ thị này vì chính bản thân chị cũng bị tật ở chân. Những năm 1990, khi số người khuyết tật tốt nghiệp đại học còn rất hiếm hoi, chị là người đã tốt nghiệp đại học kinh tế thành phố Hồ Chí Minh, nhưng lại không được bất cứ nơi đâu nhận vào làm. Nguyên nhân không phải chị không có khả năng mà chỉ bởi đôi chân tật nguyền.
Đó là khoảng hơn chục năm về trước, giờ đây sự kỳ thị đối với người khuyết tật trong xã hội đã có chiều hướng giảm bớt. Anh Nguyễn Công Hùng, giám đốc trung tâm Nghị Lực Sống, một nhóm tự lực của người khuyết tật tại Hà Nội và Nghệ An cho biết:
Đối với người khuyết tật thì bây giờ nhìn chung ít kỳ thị hơn, vì các phương tiện truyền thông và giáo dục đối với người khuyết tật phổ biến, xã hội đã nhìn nhận một cách rõ ràng hơn. Sự kỳ thị ít hơn rất nhiều so với vài năm trước.
Hòa nhập cộng đồng
Còn chị Yến thì nói chỉ mới qua mấy tháng hoạt động mà khách đến hội quán của trung tâm DRD ngày một đông. Họ đến không phải vì thương hại hay lòng từ thiện. Chị cho biết:
Ở hội quán mình có một sân khấu nhỏ, có những đêm nhạc mà trong đó ca sĩ là các bạn khuyết tật hát cùng với các ca sĩ không khuyết tật. Mình muốn cho thấy là trên một sân chơi ngang bằng về cơ hội thì tài năng được thể hiện như nhau. Mọi người đến và mọi người sẽ thưởng thức giọng hát của người khuyết tật hay không khuyết tật như nhau chứ không phải đến đây là do thương hại người khuyết tật.
Họ thừa nhận đây là những tài năng riêng của người khuyết tật. và nó đã cho thấy điều đó là đúng. Mọi người đến rất trân trọng, và rất thích thú. Thậm chí họ còn bảo chưa đi quán café nào mà cảm thấy ấm cúng gần gũi và hạnh phúc như quán café Hội quán Đời Rất Đẹp này.
Hòa nhập cộng đồng, có công ăn việc làm để tự nuôi sống
bản thân và góp phần nào cho xã hội chính là mong muốn của phần đông người khuyết
tật Việt nam. Chính sự xuất hiện liên tiếp của những hội, và trung tâm người
khuyết tật trên khắp Việt nam trong khoảng gần 10 năm trở lại đây đã tạo điều
kiện thuận lợi cho người khuyết tật thực hiện được mơ ước của mình.
DRD được thành lập từ năm 2005, hoạt động dưới sự tài trợ của quỹ Ford Việt Nam và trực thuộc khoa Xã hội học trường ĐH Mở TP.HCM.
Ngoài những hội người khuyết tật ở các địa phương được nhà nước hỗ trợ, bản thân người khuyết tật Việt nam cũng đang cùng nhau thành lập các nhóm tự lực để giúp đỡ lẫn nhau.
‘Nghị Lực Sống’ là một trong những trung tâm tự lực như vậy của người khuyết tật. Đây là một trung tâm khá nổi tiếng của người khuyết tật ở khu vực miền Bắc và Nghệ An. Anh Nguyễn Công Hùng, giám đốc trung tâm cho biết về các hoạt động của trung tâm như sau:
Mục đích của trung tâm Nghị Lực Sống là
mong muốn người khuyết tật hòa nhập cộng đồng. Qua trung tâm họ có cơ hội học
nghề có việc làm, tự nuôi sống bản thân và giảm bớt gánh nặng cho cuộc sống và
gia đình, để cộng đồng có cách nhìn tốt hơn đối với họ, có sự chia sẻ lẫn nhau
giữa người khỏe mạnh và người khuyết tật.
Chỗ chúng tôi cũng thường xuyên tham gia các hoạt động đào tạo, đặc biệt là công nghệ thông tin vì công nghệ thông tin đối với những người khuyết tật là một cái rất tốt. Ngoài ra chúng tôi cũng đào tạo các kỹ năng xã hội, trong thời gian vừa qua cũng đã đào tạo ra khá nhiều học viên và có khá nhiều người có việc làm.
Mục đích của trung tâm Nghị Lực Sống là mong muốn người khuyết tật hòa nhập cộng đồng, để cộng đồng có cách nhìn tốt hơn đối với họ, có sự chia sẻ lẫn nhau giữa người khỏe mạnh và người khuyết tật.
Anh Nguyễn Công Hùng, giám đốc NLS
Trước khi thành lập trung tâm Nghị Lực Sống năm 2008, anh Nguyễn Công Hùng đã thành lập Trung tâm Tin học Công Hùng ở tỉnh Nghệ An, quê anh, với mục đích đào tạo vi tính và tìm việc làm cho người khuyết tật và các em học sinh nghèo. Anh cho biết trong 6 năm hoạt động, trung tâm của anh đã đào tạo được hơn 600 người, trong đó hơn 30% học viên giờ đã có công ăn việc làm ổn định.
Ngay tại trung tâm khuyết tật và phát triển DRD, thạc sĩ Võ Hoàng Yến và các đồng nghiệp cũng đã và đang thực hiện nhiều dự án khác hỗ trợ người khuyết tật khác bên cạnh mô hình hội quán Đời Rất Đẹp. Theo thạc sĩ Võ Hoàng Yến, có một thực tế là nhiều người khuyết tật dù đã có việc làm nhưng sau một thời gian lại bỏ việc. Nguyên nhân là do môi trường làm việc tại nhiều cơ sở ở Việt nam chưa thuận lợi cho người khuyết tật, bên cạnh đó là vấn đề tâm lý. Chính vì thế trung tâm DRD vừa thực hiện một chương trình mới có tên là job coach, để trợ giúp về mặt tâm lý cho người khuyết tật đã có việc làm.
Chị Yến nói thêm, "gần đây có làm thêm chương trình job coach có nghĩa là đi theo sát các bạn này trong vòng 3 đến 6 tháng đầu khi các bạn mới đi làm. Vì thường người khuyết tật chưa bao giờ đi làm nên họ thường dễ bỏ việc bởi vì áp lực công việc, hoặc tâm lý họ không cảm thấy hòa đồng trong môi trường làm việc, với đồng nghiệp, môi trường làm việc thì không có thay đổi để hòa đồng với thể trạng làm việc của họ, thì gần như 3 đến 6 tháng họ bỏ việc rất nhiều. Nên DRD làm chương trình job coach này để theo sát họ giúp họ về vấn đề tâm lý, cũng như nếu cần thì làm việc với những người chủ để có thể thay đổi môi trường làm việc để thích hợp với họ.
Cơ hội phát triển
DRD cũng có một chương trình học bổng dành riêng cho sinh viên khuyết tật có tên gọi Người Bạn Đồng Hành. Thạc sĩ Võ Hoàng Yến nói chương trình học bổng này rất đặc biệt vì nó không chỉ giúp các sinh viên khuyết tật hoàn thành chương trình học đại học, mà còn khiến các em sống có trách nhiệm hơn với cộng đồng:
Chương trình này không giống như các học bổng khác ở Việt nam. Các học bổng thường là lâu lâu người ta tới cấp cho các em phần nào đó thôi, học bổng này thì cung cấp cho các em tạm đủ để các em có thể sống ở thành phố Hồ Chí Minh. Khoản học bổng này mình nghiên cứu ở làng SOS và mình lựa chọn các em đáp ứng được các tiêu chí, các em được khoảng 1 triệu một tháng cho đến khi ra trường.
Mình không chọn các em xuất sắc mà mình chọn các em chỉ cần khá trở lên thôi, nhưng các em này có thêm một tiêu chuẩn quan trọng khác là các em này phải biết quan tâm đến người khác và có lòng hướng đến người khác thì mới được chọn vào chương trình học bổng này.
Các học sinh được nhận học bổng sẽ được bắt cặp với
một trẻ khuyết tật khác vì một lý do gì đó mà không thể đến trường. Các em sẽ
giúp các em nhỏ này được học và qua đó cho các em thấy tấm gương nỗ lực của
chính mình để khuyến khích các em phấn đấu. Chương trình đã bắt đầu được một
năm, và năm nay là năm thứ hai. Thạc sĩ Võ Hoàng Yến cho biết đến giờ chương
trình đã tặng học bổng cho 25 em và bắt cặp cho các em với khoảng 20 trẻ khác.
Mình không chọn các em xuất sắc mà mình chọn các em chỉ cần khá trở lên thôi, nhưng các em này có thêm một tiêu chuẩn quan trọng khác là các em này phải biết quan tâm đến người khác và có lòng hướng đến người khác.
ThS. Võ Hoàng Yến, giám đốc DRD
Mới đây, cùng với sự ra đời của luật người khuyết tật Việt nam, trung tâm DRD, với sự giúp đỡ của một số luật sư có tâm huyết đã lập một website luật và chính sách dành cho người khuyết tật. Dựa vào các thông tin này, người khuyết tật có thể biết được các chính sách gì mà họ là người thụ hưởng, và với sự giúp đỡ của các luật sư tình nguyện, họ có thể biết tự bảo vệ mình tốt hơn trong các trường hợp bị chèn ép và đối xử bất công.
Việt nam cũng là nước nhận được rất nhiều sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế cho người khuyết tật. Chỉ riêng năm 2008, Hoa kỳ đã tài trợ hơn 2 triệu 600 ngàn đô la mở rộng hai dự án trợ giúp người khuyết tật tại Việt nam. Các tổ chức nước ngòai đã cung cấp cho người khuyết tật Việt nam hàng trăm ngàn bộ chân tay giả, chưa kể xe lăn. Giờ đây các tổ chức này cũng đang tích cực họat động để thúc đẩy việc thành lập các nhóm tự lực của người khuyết tật, đào tạo nâng cao năng lực hoạt động của chính các nhóm này.
Bị lãng quên trong một thời gian dài do chiến tranh và hậu quả của nền kinh tế kém phát triển, người khuyết tật Việt nam giờ đây đã có thêm hy vọng. Luật mới về người khuyết tật dự kiến sẽ có hiệu lực vào năm tới cùng với sự hình thành và họat động của những nhóm tự lực, các trung tâm của người khuyết tật rõ ràng đã và đang đóng góp một phần đáng kể giúp nhanh chóng hòa nhập người khuyết tật Việt Nam vào xã hội.