Tác hại của dầu loang trong vịnh Mexico

Những ngày này, người dân nước Mỹ đang nóng lòng theo dõi những diễn tiến của vết dầu loang trên vịnh mexico. Tiểu bang đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong vụ tràn dầu lần này là Louisiana.
Việt Hà, phóng viên RFA
2010.05.11
Một tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam tại Cảng Venice, ảnh chụp hôm 07/05/2010. RFA PHOTO/Việt Hà. Một tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam tại Cảng Venice, ảnh chụp hôm 07/05/2010.
RFA PHOTO/Việt Hà

Tác hại như bão Katrina

Đã có những so sánh về tác hại của vụ tràn dầu chẳng khác gì cơn bão Katrina hồi năm 2005, thậm chí còn nặng hơn do ảnh hưởng về môi trường sinh thái lâu dài. Việt Hà đến thăm Venice, nói chuyện với các ngư dân người Việt tại đây để tìm hiểu về cuộc sống của họ trước thảm họa tràn dầu.

Con đường cao tốc LA 23 từ New Orleans về Venice tưởng chừng như dài bất tận. Hai bên đường là những đồng cỏ chạy dài bát ngát với những chú bò đang đủng đỉnh gặm cỏ. Xen kẽ đó đây là những cánh đồng cam, lác đác vài căn nhà nhỏ của dân. Ngư dân Benjamin Trương lái xe đưa tôi về Venice nơi ông neo tàu đánh cá. Vừa lái xe ông vừa kể về những gì đã xảy ra sau cơn bão Katrina tại đây. Thật khó tưởng tượng, chỉ cách đây khoảng 5 năm, chỗ này chỉ là một biển nước mênh mông.

Sau khoảng 2 tiếng lái xe, chúng tôi đến Venice. Bụi đất cuộn lên đằng sau những chiếc xe giữa cái nắng nóng gần 90 độ F. Trên bến tàu, những con tàu to nhỏ đủ cỡ đang xếp hàng im ắng trên bến giữa trưa một ngày đầu tháng 5. Không ai có thể ra khơi vào lúc này vì dầu tràn, hồ đóng cửa. Những vựa tôm im ắng vì không có tôm để mua.

Ngư dân Sony Thương đang vá lưới chờ lệnh được ra biển, ảnh chụp hôm 07/05/2010 tại cảng Venice. RFA PHOTO/Việt Hà.
Ngư dân Sony Thương đang vá lưới chờ lệnh được ra biển, ảnh chụp hôm 07/05/2010 tại cảng Venice. RFA PHOTO/Việt Hà.
Ngư dân Sony Thương, 45 tuổi, nói: “Nó đang đóng không cho mình làm. Mình tính đi nhưng năm nay thông tin nhiều lúc thất thường lắm. Nhiều lúc nó mở hồ, nhiều người đi không kịp, nó mở khẩn cấp, có 24 tiếng nó báo mở hồ. Ai đi kịp thì đi, không kịp thì thôi. Nhiều khi đi ra mới làm được 3 ngày thì nó đóng. Nó đóng được mấy ngày rồi. Tuần rồi nó mở thứ 6, bà con ai ra kịp thì ra. Tàu thì có mấy ngàn chiếc mà có mấy chục chiếc ra thôi.”

Sau khi giàn khoan ngoài khơi của BP nổ hôm 20 tháng 4, người ta ước tính mỗi ngày có đến 5,000 thùng dầu rò rỉ vào vùng vịnh. Gió và sóng biển đã khiến dầu tiếp tục tiến dần vào bờ, đe dọa công việc làm ăn của những ngư dân tại đây.

Đúng mùa tôm

Ngư phủ chỉ sống nhờ vào tháng 4, 5, 6, tháng 8, 9, 10, 11 là những tháng tôm lớn. Còn mấy tháng kia đi thì chỉ kiếm tiền này nọ thôi.

Benjamin Trương

Tai nạn xảy ra vào đúng đầu mùa tôm, mùa làm ăn chính của các ngư dân trong cả một năm. Ngư dân Benjamin Trương nói: “Ngư phủ chỉ sống nhờ vào tháng 4, 5, 6, tháng 8, 9, 10, 11 là những tháng tôm lớn. Còn mấy tháng kia đi thì chỉ kiếm tiền này nọ thôi. Nhưng để kiếm tiền 6 tháng sống 1 năm là nhờ tháng 4, 5, 6,8, tháng 7 thì ít tôm, tháng 9, 10, 11. Tháng 12 có khi có có khi không. Mùa đông mình làm để khỏi thiếu nợ thôi”.

Venice thuộc quận Plaquemines, nằm về phía nam của New Orleans, trên bờ tây dòng sông Mississippi. Trong tổng số dân 2.000 người ở Plaquemines, những người đến từ Đông nam Á chỉ chiếm khoảng 2%, chủ yếu là người Việt và Campuchia. Tuy thế, số ngư dân Việt và Cam Bốt lại chiếm phần đa số ở đây.

Ngư dân Chín Võ, 55 tuổi, đến Venice vào năm 1986. Ông nói hồi đó ngư dân Việt nam đến đây đã nhiều, nhưng không có nhiều tàu to như bây giờ. Người Việt phải đi làm thuê cho các chủ tàu khác, cả chủ tàu Mỹ nữa. Sau một thời gian làm ăn vất vả, họ bắt đầu tích cóp và mua tàu để tự làm chủ. Các ngư dân Việt thường nói rằng người Việt mình chăm chỉ, mỗi lần ra khơi phải đi cả tuần lễ, 10 ngày, đánh đêm đánh ngày tích cóp tiền. Còn ngư phủ bản địa người Mỹ chỉ đi ngắn ngày, kiếm vừa đủ rồi về. Thế cho nên số chủ tàu Mỹ ngày một ít đi mà số chủ tàu Việt và Cam Bốt lại ngày một nhiều hơn.

Cảng Venice, các tàu đánh cá đều được lệnh cấm ra khơi, ảnh chụp hôm 07/05/2010. RFA PHOTO/Việt Hà.
Cảng Venice, các tàu đánh cá đều được lệnh cấm ra khơi, ảnh chụp hôm 07/05/2010. RFA PHOTO/Việt Hà.
Bản thân ông Chín là một trường hợp điển hình của những người Việt di cư về đây. Năm 1979, ông vượt biên rồi được nhập cư vào Florida. Vì đã có nghề làm biển từ Việt nam, lại  nghe bạn bè nói vùng New Orlean có nghề đánh tôm kiếm cũng khá, ông quyết định dọn về đây và tiếp tục nghề ngư phủ. Ông kể: “Tôi lên trên này, lúc đầu tôi làm, mình ước mình có cái tàu nhỏ để đi làm cho nó giống như là mình làm chủ. Mình làm khoảng 5 năm, sau đó hùn mua một chiếc, rồi tách ra. Năm 95 tôi mượn nhà băng 100 ngàn, tôi mua một chiếc tàu 140 ngàn, thì bạn bè cũng giúp. Tôi cố gắng trả tàu đó vừa đúng 10 năm. Tôi trả nhà băng 6 năm.”

Ông Chín tính toán sau khi trả hết tiền tàu, ông có thể tích cóp tiền để về Việt nam chơi. Trung bình các chủ tàu Việt Nam ở đây một năm cũng kiếm được từ 100.000 đến 200.000 đôla. Sau khi trừ các khoản chi phí, họ cũng còn lại được từ 70 ngàn đến hơn 100 ngàn mỗi năm.

Trời tính

Nhưng người tính không bằng trời tính, năm 2005, cơn bão Katrina ập vào Louisina, nhiều ngư dân Việt ở đây phải chịu mất nhà mất thuyền. Người có tiền tiết kiệm thì mua lại tàu tiếp tục ra khơi. Nhưng có người hoàn toàn trắng tay như ông Chín Võ. Ông Chín thậm chí phải bỏ ra ngoài làm thợ hàn hơn một năm trời với mức lương 10 đô la một giờ, trong khi chờ vốn vay ưu đãi để mua thuyền mới.

Năm 2007 ông mua thuyền mới. Ông phải vay vốn ưu đãi doanh  nghiệp nhỏ 60 ngàn đô la. Đến giờ ông vẫn còn nợ 50.000 đô la.

Ngư dân Việt nam ở Venice hiện rất lo lắng không biết tương lai công việc của mình ra sao. Họ lo sợ dầu sau khi lắng xuống đáy biển sẽ giết hết tôm cá.

Benjamin Trương

Không những thế, kinh tế suy thoái, tôm nhập cảng ồ ạt từ các nước khác, trong đó có Việt Nam cũng khiến các ngư dân gặp nhiều khó khăn trong vài năm gần đây. Theo hiệp hội tôm miền nam, họat động đánh bắt trong vùng vịnh năm ngoái đã giảm khoảng 64% so với thời kỳ năm 2001 và 2003.

Số liệu của cơ quan nghề cá trên biển cho thấy giá tôm năm ngoái đã giảm từ khoảng 42% đến 45% so với năm 2001. Ngư dân Benjamin Trương cho biết: “Tôm thường là 6 đến 7 đô la một pound giờ nó còn lại 3,3 đô la, tức là còn lại 50%, mà 50% là hoàn toàn tiền lời.”

Hôm nay, ngư dân Chín Võ, và Benjamin Trương đều ra thuyền để sơn sửa tàu trong lúc chờ để được ra khơi.  Ông Chín rất lo lắng vì đã nhiều tháng không ra khơi: “Thực sự cái nghề biển có nhiều lúc ra biển 1 tuần cũng có được 5, 10 ngàn đô. Nếu gặp may thì được mười mấy ngàn, nhưng năm nay không biết thế nào hết. Đậu ở nhà lâu quá rồi, 4 tháng mấy nay, gần 5 tháng, bây giờ vụ này nữa thì không biết làm sao hết. Hóa đơn nhiều quá, nên phải lo chứ. Tháng này tôi tiền nhà, tiền xe trễ, bất cứ tiền gì cũng trễ. Nhưng giờ thôi cho nó bad credit thôi chứ giờ không còn cách nào hết. Tiền đâu nữa mà đi ra nữa. Mình nợ dài quá rồi, giờ không biết làm sao đây.”

Vợ ông Chín hiện đang làm cho nhà máy chế biến tôm gần Venice cũng đã không có việc làm từ hơn 2 tuần nay.

Còn ngư dân Benjamin Trương cho biết, ông đã ra khơi từ đầu tháng tư nhưng sau khi dầu tràn, tôm ít hẳn. Ông nói: “Chiếc tàu là cách thu nhập duy nhất mà gia đình tôi có. Tôi trở lại làm từ đầu tháng 4, tôi đi được một chuyến. Nhưng chuyến sau trở lại tôi ra thì tôm nó mất. Chiếc tàu tôi đi một ngày thì kiếm được 2 ngàn mấy, có ngày 3 ngàn. Nhưng sau khi dầu nổ được vài ngày thì tôm nó không còn.”

Những ngư dân Việt nam ở Venice hiện rất lo lắng không biết tương lai công việc của mình ra sao. Họ lo sợ dầu sau khi lắng xuống đáy biển sẽ giết hết tôm cá, tác hại còn nặng hơn gấp nhiều lần so với con bão Katrina. Ngư dân Benjamin Trương nói: “Còn hơn bão, bão nó tới nó đi, còn dầu loang này nó tới thì nó có thể ảnh hưởng, dầu chìm xuống lòng biển có thể giết rong giêu, tôm tép, nếu giết cá nhỏ thì cá lớn không sống thì ngành seafood có thể là kiệt quệ hòan toàn.”

Công việc vớt dầu

Hiện có một ngân khoản 1 tỷ đô la mà chúng ta có thể xin tham gia để được giúp đỡ, tôi có hai nhân viên ở đây để giúp quý vị.

DB Cao Quang Ánh

Trong lúc không thể ra khơi kéo tôm, phần lớn các ngư dân Việt nam ở đây đều đã đăng ký để làm công việc vớt dầu cho BP ngoài khơi. Hãng BP hứa sẽ trả cho mỗi tàu kích cỡ từ 45 feet trở lên là 2.000 đô la một ngày, cho 12 tiếng mỗi ngày.

Thế nhưng chính đại diện của hãng BP, ông Hugh Depland phải thừa nhận là công việc thì ít mà người muốn làm thì nhiều: “Cho đến giờ này có 900 thuyền đăng ký làm việc, có nhiều người muốn làm việc hơn khả năng mà chúng tôi có thể đáp ứng lúc này dựa vào khối lượng công việc hiện có, đến lúc này chúng tôi mới sử dụng khoảng 100 thuyền.”

Hãng BP cũng hứa trả đền bù mất mát thu nhập cho các ngư dân tối đa mỗi người 5,000 đô la một tháng dựa vào thuế thu nhập các năm trước. Các ngư dân cho rằng nếu có công việc hớt dầu đều đều và được nhận 5,000 đô la một tháng thì cũng tạm ổn dù không bằng thu nhập nếu được ra khơi kéo tôm.

Nhưng vấn đề là không phải ai cũng được nhận tối đa 5.000 đô la một tháng và việc hớt dầu cho BP cũng không đều đặn. Rất nhiều ngư dân đã đăng ký đi học lớp học an toàn do BP tổ chức từ cuối tháng 4 và ký hợp đồng làm việc nhưng đến giờ này vẫn chưa có việc.

Dân biểu Cao Quang Ánh đang nói chuyện với ngư dân tại buổi họp cộng đồng ở New Orleans hôm 07/05/2010. RFA PHOTO/Việt Hà.
Dân biểu Cao Quang Ánh đang nói chuyện với ngư dân tại buổi họp cộng đồng ở New Orleans hôm 07/05/2010. RFA PHOTO/Việt Hà.
Ngư dân Sony Thương nói dù ông đã đăng ký làm công việc hớt dầu cho BP nhưng ông ước gì không phải làm việc này: “Nếu đừng có đổ dầu thì tôi thích đánh tôm hơn. Nhưng giờ mình cần chuyện này vì đánh tôm nó không cho đánh để lo cho gia đình. Nhưng mà đổi lại cho tôi muốn thì tôi thích đánh tôm hơn. Vì đổ dầu tai hại lâu dài.”

Trong khi đó, tại buổi họp cộng đồng ở New Orleans hôm 7 tháng 5, dân biểu Cao Quang Ánh đã thúc giục các ngư dân xem xét việc kiện BP ra tòa, vì ông cho rằng ngân quỹ 1 tỷ đô la của chính phủ để khắc phục hậu quả cho người dân là không nhiều. Ông Ánh nói với các ngư dân gốc Việt: “Hiện có một ngân khoản 1 tỷ đô la mà chúng ta có thể xin tham gia để được giúp đỡ, tôi có hai nhân viên ở đây để giúp quý vị. Tôi biết có những luật sư ở đây. Tôi nghĩ là chúng ta phải tính đến 2 cách, thứ nhất là qua những chương trình chính phủ, thứ 2 là qua luật pháp, vì nó ảnh hưởng đến công ăn việc làm của chúng ta, bởi vì tôi nghĩ là chương trình chính phủ không thể giúp quý vị hồi phục 100% nên cần phải qua còn đường luật pháp, thưa kiện BP.”

Tôi rời Venice vào buổi chiều muộn. Nắng chiều đã nhạt. Trên con đường cao tốc LA 23 về New Orleans, ngư dân Chín Võ, người đưa tôi về lại nói với tôi về những gì đã xảy ra ở đây sau bão Katrina. Nhưng những gì mà tôi nhìn thấy chỉ là quang cảnh thanh bình của những đồng cỏ bát ngát với những chú bò đang đủng đỉnh gặm cỏ. Tôi nhớ đã đọc ở đâu đó nói rằng thị trấn này còn được gọi là ‘phần cuối của thế giới’.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.