
Xuất phát từ động cơ tích cực, nhưng tiếc thay, một số người cho lẫn người nhận, vì thiếu hiểu biết nên vô tình, đã làm hại thêm người bịnh. Phương Anh mời qúy vị nghe ý kiến của một số bác sĩ, dược sĩ trong và ngoài nước về vấn đề này.
Mang về tử nước ngoài
Theo lời chị Thanh Hằng ở TPHCM cho hay, theo tâm lý người dân, thuốc tây ở ngoại quốc xách tay đem về bao giờ cũng là hàng “xịn” nhất. Cho nên, đa số người nào có thân nhân hay bạn bè ở nước ngoài, thì đều nhắn nhủ đem thuốc về chữa trị. Chị nói:
"Có khi là bản thân họ về nước, đem về, có khi là gửi cho người thân quen đem về…gửi thuốc bổ, thuốc đau nhức, thấp khớp, thuốc bổ khớp, thuốc giảm đau. Thuốc đó ở đây bán cũng nhiều, nhưng vẫn chuộng thuốc ngoại, thí dụ, cầm hộp thuốc bổ của Mỹ, uống vẫn có cảm giác an tâm hơn là thuốc bổ của Việt Nam."
Dược sĩ Kha, hiện làm cho một hiệu thuốc ở quận 5, TPHCM thì cho biết rằng, những người nhận được thuốc nhiều khi không xử dụng hết nên đem ra các pharmacy, và các pharmacy này cũng thu mua nhanh chóng vì chính một số bác sĩ ở trong nước cũng kê toa thuốc ngoại. Anh cho hay:
Cái tâm lý của người Việt Nam quen ưa chuộng hàng ngoại, chất lượng không chắc là nó tốt nhiều hay không, nhưng người ta vẫn chuộng, mặc dù đắt hơn gấp năm, gấp 10 lần… cũng hàm lượng đó, cũng công dụng đó.
Thanh Hằng, Sai Gòn
Họ đem ra pharmacy bán rồi những thuốc cảm hay thuốc bổ, họ đều theo sự hướng dẫn ở bên đó…Đa số đều thích dùng lắm. Cũng có một số bác sĩ cũng kê toa thuốc mà người ta xách tay đem về.
Cái tâm lý của người Việt Nam là quen ưa chuộng hàng ngoại, thí dụ thuốc của Ấn Độ, chất lượng không chắc là nó tốt nhiều hay không, nhưng người ta vẫn chuộng, mặc dù đắt hơn gấp năm, gấp 10 lần… cũng hàm lượng đó, cũng công dụng đó, nhưng người ta vẫn chuộng."
Hành nghề dược sĩ nhiều năm qua, anh có một nhận xét khá đặc biệt là dân chúng ở hai miền Nam- Bắc cũng dùng thuốc khác hẳn nhau, anh nói tiếp:
"Miền Bắc ưa dùng thuốc nội hơn miền Nam, và cơ chế bán thuốc ngoài đó cũng khác. Thí dụ, thuốc kháng sinh, bắt buộc phải bán đúng theo liều lượng, 5 ngày, chứ không phải như miền Nam, bán chỉ một hai ngày…Người ta làm hay hơn ở miền Nam."
Nhắc đến việc xử dụng thuốc kháng sinh, bác sĩ Minh, hành nghề 15 năm qua, hiện đang làm việc tại một bệnh viện công lớn ở TPHCM nói rằng:
"Nói về thuốc kháng sinh, đặc trị thì không dám dùng thuốc của Việt Nam, khi ghi toa, thì ghi thẳng những tên của các công ty lớn, nó mắc, một số bệnh mãn tính mà cần thứ thuốc lâu dài, và nhiều khi có thân nhân ở nước ngoài, thì xài được."
Không nên sử dụng bừa bãi
Có lẽ vì tâm lý ưa chuộng hàng ngoại, lại thêm thiếu tin tưởng vào thuốc tây của Việt Nam, từ đó, chuyện gửi thuốc về trong nước cho bà con, bạn bè đã có từ lâu, nhất là ở miền Nam California, quận Cam, nơi có đông người Việt cư ngụ.
Bác sĩ Trần Thiện Triệu, đang hành nghề nơi đây cho hay rằng, đa số các bệnh nhân của ông đến phòng mạch đều nói rằng:
"Họ tâm sự với mình, nói rằng muốn có một ố thuốc để cho người ở Việt Nam mà chính họ cũng mù mờ, không biết người ở Việt Nam bịnh ra sao nữa...Nhưng những chuyện đó không thể nào được!"
Theo bác sĩ Triệu, chuyện gửi thuốc cho thân nhân ở trong nước là điều không nên làm vì:
"Mình không biết rõ người bịnh ở nhà bị bịnh gì, nặng hay nhẹ và dùng thuốc nào cho thích hợp. Theo đúng nguyên tắc, một bệnh nhân phải thử nghiệm, nếu cần thiết và sau đó, xác định bịnh và cho thuốc. Sau khi bịnh nhân uống, họ vẫn cần được theo dõi của bác sĩ một cách thường xuyên của việc chữa trị. Nếu người gửi thuốc cho uống, và người nhận được không chắc đã chữa được căn bệnh.
Thuốc còn có phản ứng phụ có thể gây nguy hại. Một điều nữa là những người cho thuốc không biết người ở Việt Nam có bị dị ứng với một loại thuốc nào hay không
.
BS Trần Thiện Triệu, California
Ngoài ra, thuốc còn có phản ứng phụ có thể gây nguy hại. Một điều nữa là những người cho thuốc không biết người ở Việt Nam có bị dị ứng với một loại thuốc nào hay không.
Tóm lại, việc gửi thuốc cho người thân ở Việt Nam uống là một điều cẩn trọng, ngoại trừ một vài loại thuốc ít gây nguy hại cho cơ thể. Ngoài ra, các thuốc mà bác sĩ cho toa thì cần phải có sự định bệnh và sự theo dõi của bác sĩ. Bệnh nhân không nên tự chữa trị."
Từ thành phố Hồ Chí Minh, bác sĩ Minh cũng đồng quan điểm và cho hay là:
"Không có lợi, khi gửi về, việc bảo quản, nhiều loại thuốc rất quí nhưng không biết xài để hết "đát"…Nhiều loại để lâu như thuốc trị đau nhức, trị sốt, trị ho…mà xài thì cực kỳ nguy hiểm. Mặt lợi là giúp cho bệnh nhân tiếp cận được những loại thuốc mà có chất lượng cao. Nhưng hại ở đây là do dân mình thích tự mình chữa bịnh, không đi khám, chính vì không hỏi ý kiến của giới chuyên môn thì xài rất là nguy hiểm".

Nguy hiểm khi dùng chung
Với dược sĩ Trần Thu Hằng, chủ tiệm thuốc tây Trần ở quận Cam, Nam California, thì cần phải suy nghĩ trước khi gửi thuốc về Việt Nam cho người thân hay bạn bè. Chị nói:
"Người thân và bạn bè thì ai cũng muốn giúp đỡ nhưng mà cần phải suy nghĩ xem nên giúp như thế nào… Gửi thuốc để giúp người thân quen trong lúc bệnh tật chưa chắc là đem lại lợi ích cho người nhận mà có khi còn đem lại hậu quả không lường trước được, nếu mình không hiểu rõ tình trạng sức khoẻ cũng như tiểu sử bệnh lý của người đó như thế nào.
Thí dụ, có người gửi thuốc bao tử cho người thân của mình uống, bởi vì thuốc này chữa bịnh của mình thì rất hiệu quả nhưng khi gửi cho người thân, thì không biết là người đó đang bị bịnh suyễn, cho nên khi người này uống thì lại bị phản ứng với thuốc suyễn đang uống, đã đưa đến phản ứng phụ không tốt cho sức khoẻ.
Một thí dụ khác, có người thuốc cao huyết áp và trợ bao tử cho người thân, nhưng lại không biết rằng loại thuốc cao huyết áp, thuốc trợ bao tử thì không nên dùng cho phụ nữ đang trong thời kỳ mang thai nên vô tình đã gây nguy hại cho bào thai trong bụng mẹ… Cũng có một số người có khuynh hướng gửi thuốc trụ sinh cho người thân, nhưng lại không để ý người thân của mình có bị phản ứng phụ vì thuốc trụ sinh đó hay không…
Khi bác sĩ cho toa thuốc kháng sinh như amoxiciline hay là ampiciline, cần uống trong vòng 7 ngày, nhưng sau khi uống được hai , ba ngày thấy bịnh bớt, ngưng và để dành số thuốc gửi cho người thân mình. Vấn đề này không nên làm, vì mình không biết người thân của mình có uống được loại khánh sinh đó hay không, có bị dị ứng hay không…và nếu dùng thuốc không đúng liều, không đủ liều, thì đều không tốt cho người gửi lẫn người nhận.
Mỗi người có bịnh trạng khác nhau, không có người nào bịnh giống người nào, do đó, tuyệt đối, không nên đem thuốc của mình đưa cho người khác dùng.
DS Trần Thu Hằng, Quận Cam
Thêm vào đó, không phải thuốc trụ sinh nào cũng dùng để chữa tất cả các loại nhiễm trùng nếu không dùng đúng loaị thuốc trụ sinh cần dùng.
Ngay cả loại thuốc mua tự do ngoài quầy, cũng có thể có ảnh hưởng không tốt cho những người bị bịnh cao huyết áp, tiểu đường, bướu cổ nên khi gửi các thuốc này cho người thân cũng có thể gây phản ứng không tốt cho người dùng mà mình hoàn toàn không biết về đó.
Nói chung, mỗi người có bịnh trạng khác nhau, không có người nào bịnh giống người nào, do đó, tuyệt đối, không nên đem thuốc của mình đưa cho người khác dùng để tránh những phản ứng từ các thuốc với nhau, những tác hại xảy ra, có thể đưa đến hậu quả tai hại.
Cần tham khảo bác sĩ
Ngoài ra, chị cũng cho rằng, cần phải thay đổi quan niệm về thuốc tây của nước ngoài, hay nói đúng hơn là của Mỹ. Nhiều người, vì muốn tự chữa cho mình nên đã để lại hậu quả khó lường, có khi còn nguy hiểm đến tính mạng. Chị phát biểu:
"Thuốc uống phải đúng mới chữa được bịnh. Có những người cho rằng, thuốc ở Mỹ gửi về như một thần dược, thuốc tiên, uống là hết bịnh, nhưng người ta không biết rằng, thuốc đó có chữa đúng bịnh cho người ta hay không. Nếu hên, thì có thể chữa bớt bệnh… Nhưng lỡ mà không đúng thì cái bịnh nó có thể nặng hơn, trầm trọng hơn và có khi nguy hiểm đến tính mạng.
Không phải thuốc nào cũng chữa được bịnh của mình. Làm sao biết được thuốc đó chữa đúng bịnh của mình? Cái đó chỉ có thể có người bác sĩ, dược sĩ giúp. Mình có thể hỏi xem cái thuốc đó có thể chữa được bịnh của mình hay không, trước khi mình dùng, hơn là có được thuốc trong tay rồi tự mình, mình chữa lấy.
Điều này, nói chung, khi mình bịnh, cần phải có một người chuẩn đoán, theo dõi bịnh của mình thì mình mới có thể xài thuốc một cách đúng để giúp cho việc chữa trị có hiệu quả. Do đó, cần lưu ý là không nên dùng thuốc bừa bãi, và tự ý dùng thuốc để tự chữa trị bịnh của mình."
Quý vị và các bạn vừa nghe một số ý kiến của giới chuyên môn về y tế, liên quan đến chuyện người Việt ở hải ngoại gửi thuốc về cho người trong nước xử dụng.
Mong rằng thông tin này sẽ hữu ích cho quí vị và các bạn. Phương Anh xin ngừng nơi đây. Hẹn gặp qúi vị vào kỳ sau.