Trường Tình Thương Thiên Ân

Hiện nay, tại Việt Nam, người dân ở nông thôn di cư đến thành phố ngày càng nhiều. Hiện tượng này đã kéo theo nhiều tình trạng bất cập. Các nhà xã hội và giới quan tâm đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo nhưng dường như tình trạng này vẫn không ngừng gia tăng.
Phương Anh, phóng viên đài RFA
2008.07.30
Share on WhatsApp
Share on WhatsApp
TruongTinhThuongThienAn305.jpg Buổi khai giảng năm học tại trường Tình Thương Thiên Ân.
Hình: VietnamNet

Một trong vấn đề khá quan trọng là việc các trẻ theo cha mẹ đến thành phố kiếm sống.  Vì phải phụ giúp gia đình, hầu hết các em đi bán vé số, đánh giầy, lượm ve chai, lang thang trên các nẻo đường…thay vì được ngồi trên ghế nhà trường như khi còn ở thôn quê.  Cách nay gần 6 năm, ở khu vực Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh, một ngôi trường dành cho các em trong hoàn cảnh như thế đã được ra đời với tên gọi: trường Tình Thương Thiên Ân. 

Hôm nay, Phương Anh mời quí vị và các bạn nghe một số thông tin về ngôi trường đặc biệt này cùng với hoàn cảnh của các em đang là học sinh trong đó. 

Trước kia, khu vực Bình Tân là một nơi toàn đồng ruộng.  Vào khi kinh tế phát triển, các doanh nhân bắt đầu kéo đến lập các xưởng sản xuất, các nhà máy…Và cũng từ đó, người dân ở các tỉnh kéo về đây tạm trú, mưu sinh. Người thì đi làm cho các tổ hợp gia công, người thì đi lượm ve chai, bán vé số, bán hàng rong…v..v..dân số mỗi ngày một tăng. 

Mục đích xóa nạn mù chữ

Nhận thấy tình trạng một số đông các em lang thang, không được đến trường, vị linh mục chính xứ Thiên Ân cùng với một nhóm người trong giáo xứ đã thành lập lớp học tình thương, với mục đích xóa nạn mù chữ cho các em và phần nào giúp cho các em có điều kiện được theo các lớp phổ cập trung học ban đêm của nhà nước.  Bà Nguyệt, một trong những người tình nguyện từ ban đầu kể lại như sau:          

Lớp học này bắt đầu bởi một linh mục ở giáo xứ Thiên Ân. Có khoảng chừng 400 em không đi học, chỉ đi theo bố mẹ để tìm việc làm trên thành phố. Họ từ quê lên, từ tất cả các tỉnh ở Việt Nam, ở Đồng Bằng Sông Cửu Long…

Lớp học này bắt đầu bởi một linh mục ở giáo xứ Thiên Ân. Có khoảng chừng 400 em không đi học, chỉ đi theo bố mẹ để tìm việc làm trên thành phố. Họ từ quê lên, từ tất cả các tỉnh ở Việt Nam, ở Đồng Bằng Sông Cửu Long…

Bà Nguyệt

Cha mẹ vào thành phố kiếm việc làm là các em đi theo cha mẹ, nhưng không có cơ hội để vào các trường ở thành phố vì không có giấy tờ. Khi cha mẹ làm việc thì chúng nó không có việc gì để làm. Chúng nó tìm những công việc như lượm ve chai, đi bán vé số. Có những đưá cha mẹ ly thân, ly dị, ở với ông bà ngoại…

Cùng với thời gian, cha mẹ của các em đến ghi danh ngày càng nhiều. Vì thế, để cho các em được có cơ hội học tập, các lớp học phải chia làm hai buổi: sáng, chiều. Mỗi buổi học 3 tiếng.  Các thầy cô giáo là những người trong xứ đạo. Vì điều kiện còn nhiều khó khăn nên trường chỉ nhận các em từ 8 đến 18 tuổi.  Bà Nguyệt nói tiếp: 

Các em bắt đầu từ lớp 1 đến lớp 5. Sau lớp 5, các em sẽ có kỳ thi chính thức. Nếu đậu, các em sẽ tiếp tục các lớp đêm dậy cho người lớn. Khi các em kha khá, có một chút kiến thức thì sẽ được vô trường phổ cập ban đêm của nhà nước.  Có một số các Sơ và những người thiện nguyện ở giáo xứ đến giúp.

Chương trình chỉ học tiếng Việt và toán mà thôi, vì đây là lớp xoá mù chữ chứ không phải là lớp chính thức. Các em chỉ học trong vòng 3 tiếng đồng hồ, buổi sáng hay buổi chiều mỗi ngày. Nhưng đại đa số các em lại không học hết được chương trình vì chừng vài năm thì bố mẹ lại dọn đi chỗ khác. Ít nhất các em cũng có sổ học bạ là học hai môn Toán và tiếng Việt để nó có thể chuyển sang một trường nào khác để nó tiếp tục. Mỗi năm có khoảng 50 đến 60 em thi để chuyển ra ngoài học lớp 6.

Nguồn kinh phí để hoạt động

Được biết, hiện nay, chính quyền địa phương đã đồng ý cấp giấy phép cho trường hoạt động chính thức, nhất là khi Bình Tân trở thành một quận mới, thuộc TPHCM.  Nhưng, về kinh phí thì trường không được nơi nào hỗ trợ. Bà Nguyệt cho hay: 

Trường được nhà nước chính thức cho phép vì quận này thuộc TPHCM mới lập ra, nên chưa có trường lớp gì hết. Trước đây nơi này là đồng ruộng, nên bây giờ chưa có đường sá, mà chỉ có xưởng, nhà máy…nên môi trường rất ô nhiễm. Hiện nay, nhà nước cũng đang đặt câu hỏi là nguồn nước có đem lại bệnh ung thư hay không? Nước cũng chưa có, họ dùng nước giếng, bơm lên và xài thôi.

Khi được hỏi, nguồn kinh phí lấy từ đâu để hoạt động, bà Nguyệt cho biết rằng: 

Thì toàn là donation thôi, người này giúp một chút, người kia giúp một chút. Giáo  xứ có một nhà kế bên trường, cho mướn, họ lập xửơng, thì lấy tiền đó để trang trải điện nước…Thực sự thì chi phí không bao nhiêu vì thầy cô dùng sách cũ, có chương trình sách cũ đổi sách mới. Tức là các em học lớp Một, lên lớp Hai, thì các em đem sách lớp Một trở lại và đổi sách lớp Hai.  Tập vở thì đôi khi cũng có người cho.

hì toàn là donation thôi, người này giúp một chút, người kia giúp một chút. Giáo  xứ có một nhà kế bên trường, cho mướn, họ lập xửơng, thì lấy tiền đó để trang trải điện nước…

Bà Nguyệt

Với các em học sinh, hầu hết đều phải phụ giúp cha mẹ.  Ngoài giờ học, các em làm đủ thứ nghề khác nhau, chỉ có một số rất ít được ở nhà, nhưng cũng lang thang vì cha mẹ cũng phải bương chải suốt ngày.  Bà Nguyệt nói: 

Ngoài giờ học, mỗi một hoàn cảnh khác nhau. Có một số thì bố mẹ không cho đi làm gì hết, sợ hư, thì ở nhà, nhưng lang thang. Một số thì phải giúp cha mẹ bán đồ ăn sáng, ăn tối. Một số thì đi bán vé số, một số đi lượm ve chai.

Có thể nói, hầu như các em ra đời rất sớm và làm đủ mọi chuyện mà các em không bao giờ nghĩ đến.  Có những em, hỏi lớn lên làm gì, thì nó nói lớn lên đi bán vé số, tại vì nó chỉ thấy những người làm như thế chung quanh nó mà thôi.  

Những mơ ước đơn giản

Thực vậy, sống trong môi trường chung quanh là những thành phần rất nghèo trong xã hội, toàn làm nghề đi moi rác, lượm ve chai, bán vé số, gánh hàng rong, hoạ hoằn lắm mới có người đi làm trong hãng xưởng, nên khi Phương Anh hỏi thăm các em học sinh thì đều được nghe những điều hết sức bất ngờ:

Con tên là Lê Văn Tí, 12 tuổi, đang học lớp 3, mẹ làm hãng mì, không có ba, đi lượm ve chai.

Em cũng cho biết rằng, hàng ngày đi lượm ve chai, chứng kiến các chú cảnh sát giao thông bắt phạt, hay dẹp những người bán gánh hàng rong trái phép, hình ảnh “oai vệ” ấy đã khiến em ước mơ rằng:  Em ước mơ lớn lên, em được làm cảnh sát.

Một em khác, gia đình thuê nhà ở gần xưởng làm dép xuất khẩu, hàng ngày thấy các ông bảo vệ làm nhiệm vụ, sao mà “hách” quá, em nói:    

Em tên là Trần Thanh Lâm, 14 tuổi, học lớp 3, mẹ em làm dép, hổng có ba. Ngoài giờ học em đi bán giấy dò số, được mười mấy ngàn, đưa cho ngoại, bà ngoại ở nhà giữ em.  Em đi học em thích lắm, lớn lên, em thích làm bảo vệ.

Một bé gái, thì chỉ mơ ước rằng, lớn lên, sẽ đi học may, để có thể tự may những bộ quần áo mới mà em hằng ao ước trong nhiều năm qua. Em nói:

Em tên là Trần Thanh Lâm, 14 tuổi, học lớp 3, mẹ em làm dép, hổng có ba. Ngoài giờ học em đi bán giấy dò số, được mười mấy ngàn, đưa cho ngoại, bà ngoại ở nhà giữ em.  Em đi học em thích lắm, lớn lên, em thích làm bảo vệ.

Em tên là Tôn Thị Lắm, em học lớp Hai, 9 tuổi, ba mẹ em đi “lụm”ve chai..ngoài giờ học em đi về, em cũng đi “lụm” ve chai luôn. Một ngày em “lụm” được mấy chục ngàn để mua đồ ăn, đồ ăn sáng, mua cơm…dư tiền thì đưa cho mẹ. Gia đình em có 7 người, cả nhà em đi lượm ve chai. Quê em ở Cà Mau, em lên Sàigòn khoảng chừng hai ba năm rồi.  Em lớn lên, em thích học may.

Các thiện nguyện viên

Nơi ngôi trường Thiên Ân này, còn có một số bạn trẻ, là những sinh viên thầm lặng đến giúp cho các em này. Bạn Bùi Yến Ngọc, sinh viên năm thứ tư trường đại học Mở, TPHCM, khoa Xã Hội cho biết:   

Chúng em là một nhóm sinh viên thiện nguyện, cũng vừa học vừa làm, chúng em vô trường để giúp cho các em. Em không phải là chuyên ngành về dậy học. Nhưng khi có cơ hội dậy cho các em, em cảm thấy mình có kinh nghiệm, hiểu biết thêm về đời sống của những người chung quanh. Mình cảm thấy mình qúi trọng hơn những gì mình đang có.

Trở lại với bà Nguyệt, một trong những người đã gắn bó với trường suốt 6 năm qua cho biết:

Chương trình này rất cần vì tương lai tùy thuộc vào các em này, mà một số rất đông các em lại không được vào trường thì thực sự, nó sẽ không đem lại điều tốt cho xã hội sau này. Thành thử, tôi hy vọng là càng ngày, chương trình này sẽ được phát triển chính thức giống như trường bên ngoài hơn.

Qúi vị và các bạn vừa nghe một số thông tin về ngôi trường tình thương Thiên Ân, ở quận Bình Tân, TPHCM. Phương Anh xin dừng nơi đây. Hẹn gặp lại qúi vị và các bạn vào kỳ sau.    

 

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Anonymous
09/01/2020 01:32

Cho mình Xin số điện thoại và người liên hệ nhes