Dân tình tán thành luật cấm lái xe say rượu

Thi hành qui định lượng cồn trong cơ thể người lái xe máy nhằm giảm thiểu tai nạn trên đường không dễ thông suốt khi thú vui rượu bia phổ cập trong nhiều thành phần xã hội.

0:00 / 0:00

Quốc Hội Việt Nam mới đây bàn về Dự án Luật Giao thông Đường bộ sửa đổi, theo đó qui định nồng độ cồn trong máu hay hơi thở của người điều khiển xe ô tô và gắn máy phải ở duới mức 50 mg /100 ml máu hay 0, 25 mg/1 lít khí thở . Nhiều đại biểu Quốc Hội không tán thành vì cho rằng qui định thiếu tính khả thi . Có vị còn nêu ý kiến là nên hoàn toàn cấm người điều khiển mô tô và xe gắn máy sử dụng rượu bia trong tham gia giao thông.

Không phải do người ta uống rượu đâu. Vấn đề là đường quá nhỏ, không đủ tải số lượng giao thông, chứ không phải tại người đi xe máy, xe ô tô uống rượu. Con đường chật quá, người ta cứ chen lên, lấn sang đường người khác mới bị tai nạn nhiều như thế.<br/> <i> anh Lê Huy Hùng, Hà Nội</i>

Về phía người dân, chuyện cấm uống bia rượu khi lái xe nên được qui định thế nào? Phương Anh ghi nhận trong Câu Chuyện Hàng Tuần.

Khi được hỏi rằng tai nạn giao thông ở Hà Nội, phần nhiều phải chăng do người điều khiển xe uống bia rượu, anh Lê Huy Hùng, một cư dân ở phố Nhà Chung cho biết rằng hiện nay, dẫu cho nhà nước có tìm đủ mọi biện pháp khắc phục thì tình hình giao thông ở Việt Nam vẫn không có gì khá hơn:

Bất ổn trong lòng đường và trong men say

“Giao thông ở Việt Nam vẫn tệ vậy thôi, không phải do người ta uống rượu đâu. Vấn đề là đường quá nhỏ, không đủ tải số lượng giao thông, chứ không phải tại người đi xe máy, xe ô tô uống rượu. Con đường chật quá, người ta cứ chen lên, lấn sang đường người khác mới bị tai nạn nhiều như thế. Còn con đường mà rộng thì người ta không cần phải len sang đường ô tô hay lái ngược chiều nữa.”

Anh Hùng không hẳn đồng tình nếu luật mới cấm người điều khiển xe ô tô và xe máy uống bia rượu:

“Rất tốt thôi, nhưng đấy không phải là vấn đề chủ yếu. Vấn đề chủ yếu là con đường quá nhỏ, không đủ đáp ứng giao thông trên đường. It có ai uống rượu, uống bia mà đi xe máy lắm.”

Cỡ bia Sàigòn thì 5 chai là vừa, nhưng cũng tùy theo sức khoẻ, thường thì 3 chai, còn ai mạnh thì 5 chai. Chừng nào mình vi phạm thì giao thông nó hỏi, có mùi rượu thì khỏi cần nói. Bị giam bằng lái, cứ chạy bình thường thì không sao đâu, đừng vượt đèn đỏ. Vi phạm một cái là khỏi năn nỉ.<br/> <i> anh An, Sài Gòn</i>

Anh An, tài xế taxi ở Sàigòn thì lại cho rằng, chuyện cấm người lái xe uống bia rượu dù cho có mức độ nào chăng nữa cũng không cần thiết:

“Lúc xảy ra tai nạn mới giải quyết, chừng nào chưa xảy ra tai nạn, thì cũng nhậu, rồi cũng chạy, có gì khác đâu. Cấm nhưng mà không kiểm tra, không bắt, xảy ra tai nạn rồi mới bắt lỗi. Luật có ra không cho uống ruợu chạy xe gắn máy, mà dân Việt Nam mình thì có gì xảy ra mới tính sau. Đúng ra ở nước người ta, ở nhà hàng, quán ăn, chạy ra là có người xét mình liền, còn dân mình thì có đâu? Đợi tai nạn xảy ra rồi mới bắt lỗi uống rượu say!”

Anh An đồng ý việc sửa đổi luật giao thông, cấm người điều khiển xe máy uống rượu bia:

“Có chứ, nhưng chừng nào xảy ra thì tính sau, xảy ra thì chỉ bắt thêm một tội thôi. Mình đúng thì nó cũng bắt mình sai, vì mình uống rượu. Đúng luật, nó cũng cho là sai, không nói năng gì hết! Nhiều người nhậu xong vẫn lái, nhậu ít thì được cỡ bia Sàigòn thì 5 chai là vừa, nhưng cũng tùy theo sức khoẻ, thường thì 3 chai, còn ai mạnh thì 5 chai. Chừng nào mình vi phạm thì giao thông nó hỏi, có mùi rượu thì khỏi cần nói. Bị giam bằng lái, cứ chạy bình thường thì không sao đâu, đừng vượt đèn đỏ. Vi phạm một cái là khỏi năn nỉ.”

Cảnh sát thực thi luật cấm say rượu lái xe ra sao?

Về phương thức bắt phạt người lái xe say rượu, một cảnh sát giao thông ở TPHCM cho biết:

“Người điều khiển xe mô tô, xe máy, mà có mùi rượu bia thì vẫn lập biên bản phạt, nhưng mà chỉ chiều tối thôi, ban ngày thì không có bao nhiêu đâu. Mình phát hiện nhưng mình muốn phạt người ta, mình cũng phải có đồ thử, người ta uống nồng độ bao nhiêu, làm sao mình biết được.”

Khi phạt thì phải biết nồng độ chứ! Thí dụ uống chút xíu thì sao đâu! Mấy ông bà đại biểu muốn hạn chế tối đa luôn nhưng phải còn có luật chứ. Ở Việt Nam này tai nạn thì nhiều rồi, nên mấy ổng mới định làm như vậy, nhưng mà không biết có được hay không.<br/> <i> cảnh sát giao thông,TPHCM</i>

Anh cũng cho hay rằng, tuy có luật cấm người điều khiển xe máy uống rượu bia nhưng khi bắt phạt thì cũng khó:

“Luật giao thông đưa ra lâu rồi, không phải là mới đây đâu, ai mà điều khiển xe, uống rượu là phạt. Thí dụ người ta uống chừng một chút xíu, có mùi, nhưng mà nồng độ người ta chưa thấm tới, thì cũng đâu phạt được, dĩ nhiên quá 50 là bị phạt rồi.”

Ngoài ra, theo anh, việc các đại biểu quốc hội đề nghị cấm tất cả người điều khiển phương tiện giao thông uống rượu bia là không hợp lý:

“Mình phải chứng minh nồng độ (cồn trong máu) là bao nhiêu. Khi phạt thì phải biết nồng độ chứ! Thí dụ uống chút xíu thì sao đâu! Mấy ông bà đại biểu muốn hạn chế tối đa luôn nhưng phải còn có luật chứ. Ở Việt Nam này tai nạn thì nhiều rồi, nên mấy ổng mới định làm như vậy, nhưng mà không biết có được hay không. Nhưng tôi nghĩ, đôi lúc đến bạn bè, mời nhấm môi, cũng có mùi rượu rồi, nhưng so với tửu lượng người ta uống cả lít, nhấm môi chút xíu thì có gì đâu ! Không thấm tháp !”

Dân tình muốn thắt chặt qui định

Chị Lan, một cư dân ở Ba Đình, Hà Nội thì rất tán đồng trong việc cấm người điều khiển xe máy xử dụng bia rượu. Theo chị, thói quen nhậu nhẹt sau giờ làm việc của một số đông thành phần đã khiến tập quán uống rượu rồi tỉnh bơ lái xe, coi thường mạng sống con người và gây tai nạn ngày càng trở nên tệ hại. Chị nói chính vì thế, nhà nước cần phải quyết tâm chấn chỉnh hơn.:

“Cái đấy cũng là để bảo đảm an toàn tính mạng vừa cho người lái xe, vừa cho người đi đường. Cũng có phải có biện pháp để chấn chỉnh lại chứ!”

Kể cả những người trong cơ quan hành chính cũng nhậu nhẹt! Nếu xử lý đến nơi đến chốn một nghị quyết thì rõ ràng người dân hoan nghênh. Nhưng chủ yếu việc thực hiện, phương pháp thực hiện có kiên quyết hay không, cái đó là về mặt nhà nước.<br/> <i> anh Thành, TPHCM</i>

Anh Thành, một người dân đang sinh sống ở đường Cách Mạng Tháng 8, quận 3, cũng đồng quan điểm, anh mong dự luật sửa đổi, thắt chặt qui định về việc cấm người điểu khiển xe máy uống rượu bia, thông qua càng sớm càng tốt:

“Em cũng đồng ý như vậy, đụng xe rồi cứ đổ thừa cho say…bây giờ thì chưa thành quyết định chính thức, nhưng nếu thành chính thức rồi thì tôi hoan nghênh “hai tay hai chân” vì rất nhiều trường hợp do say xỉn mà ra. Chuyện nồng độ trong người làm sao mà chính xác được, tốt nhất là cứ cấm!”

Tuy nhiên, về mặt thực thi luật anh cũng không tin tưởng lắm. Anh cho rằng, nhà nước ban hành luật, nhưng việc chấp hành của người dân và đặc biệt là những người có quyền hành xử có thi hành luật tốt hay không lại là chuyện khác:

“Thực hiện thì phải hỏi nhà nước, người dân thì rất đồng tình, hành pháp là do nhà nước. Thực tế nói chung, không phải người dân thôi, mà kể cả những người trong cơ quan hành chính cũng nhậu nhẹt! Nếu xử lý đến nơi đến chốn một nghị quyết thì rõ ràng người dân hoan nghênh. Nhưng chủ yếu việc thực hiện, phương pháp thực hiện có kiên quyết hay không, cái đó là về mặt nhà nước!"

Thời nay, thói quen uống bia rượu của người dân, rồi thoải mái lái xe rất phổ biến. Tình trạng này dườngg như mặc nhiên được chấp nhận và tồn tại, mặc dù nó đã gây nên khá nhiều tai nạn đáng tiếc. Tuy vậy, việc sửa đổi luật giao thông, qui định về nồng độ rượu trong máu của người điều khiển xe lại có vẻ không được hoan nghênh cho lắm. Đó cũng là một điều lạ, cần tìm hiểu thêm. Có lẽ còn phải chờ một thời gian nữa mới có câu trả lời chính xác.