Kẻ ăn mày sách

Mời quý vị nghe câu chuyện về anh Nguyễn Quang Thạch, người luôn cho rằng mình là “một kẻ ăn mày để một số người không trở thành ăn mày”.
Quỳnh Chi, phóng viên RFA
2011.09.20
000_SAHK990224481020-305-1.jpg Một em nhỏ ngồi đọc sách trước một hiệu sách ở miền bắc
AFP photo

Đem sách về làng

Trong đề án trình chính phủ về việc thúc đẩy văn hóa đọc từ 2011-2020, và tầm nhìn 2030, Bộ Văn hóa đã nói đến việc xây dựng và khuyến khích mô hình tủ sách dòng họ. Mô hình “Tủ sách dòng họ” có lẽ còn xa lạ với một số người, nhưng từ 4 năm nay, nó đã bắt đầu trở nên quen thuộc với nông dân cũng như người dân vùng quê. Và anh Nguyễn Quang Thạch chính là cha đẻ của ý tưởng mang sách về làng quê ấy.

“Lúc tôi đang học ĐH năm thứ 2, tôi đã nảy ra ý tưởng này. Và năm đó, tôi bị hỏng một mắt cho nên khát vọng đưa sách về nông thôn càng lớn vì lúc ấy tôi nghĩ rằng nếu chẳng may hỏng thêm một mắt nữa thì tôi không thể làm gì trong cuộc đời này cả”, anh Thạch chia sẻ.

Năm 1997, khi còn là chàng sinh viên, anh Thạch bắt đầu suy nghĩ về mối quan hệ giữa dân trí và sức mạnh cho dân tộc. Theo anh, đa số người Việt Nam xuất thân từ nông dân và dựa vào nghề nông để sống, nên quan tâm đến tri thức nông dân cũng chính là quan tâm đến hạt cơm của mình. Và đưa sách về với nông dân, để họ hiểu biết hơn, cũng chính là cách làm hạt cơm trở nên ngon hơn.

Từ ý tưởng ấy, anh Thạch mày mò tìm hiểu cách thức và mô hình để thực hiện được mục tiêu của mình. Anh đã nghĩ đến năm mô hình chính để mang sách đến tay nông dân. Đó là mô hình tủ sách dòng họ, tủ sách phụ huynh, tủ sách nhà thờ Thiên Chúa, tủ sách hội cựu chiến binh, và tủ sách hội phụ nữ. Sau mười năm nghiên cứu, xuất phát từ sự hiểu biết văn hóa dòng họ ở nông thôn, năm 2007 anh Nguyễn Quang Thạch đã chọn mô hình tủ sách dòng họ để bắt đầu ý tưởng của mình. Anh nói:

“Tôi chọn mô hình tủ sách dòng họ để khởi động đầu tiên vì tôi biết rằng nếu dùng mô hình tủ sách phụ huynh để bắt đầu thì không thể thành công được bởi đâu có phụ huynh nào lại nghe lời một người bình thường như tôi. Thành công của tủ sách phụ huynh là nhờ vào mô hình tủ sách dòng họ”.

Tủ sách dòng họ là một mô hình khuyến khích những người trong dòng họ góp tiền đóng tủ sách. Các tủ sách này được đặt tại nhà từ đường hay nhà chung của các dòng họ trong một thôn xóm và mọi người đóng góp sách vào để cùng nhau đọc. Lúc mới bắt đầu anh Thạch dùng tiền túi của mình để mua sách về đặt tại các tủ sách dòng họ. Tuy nhiên, sau khi thấy nhu cầu ngày càng lớn, anh Thạch đã đi gõ cửa từng nhà văn, nhà thơ, nhà sách, cơ quan… để xin sách. Anh Thạch xin tất cả sách bất kể mới- cũ. Và anh trở thành “kẻ ăn mày sách” từ đó.

Từ tủ sách dòng họ đầu tiên năm 2007, sau bốn năm, tủ sách dòng họ thứ 86 vừa ra đời với tủ sách của dòng họ Trần tại xã Yên Phong, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.

Hiệu ứng dây chuyền

000_Hkg1357085-250.jpgSau thành công của mô hình tủ sách dòng họ, từ tháng 5 năm ngoái, anh Nguyễn Quang Thạch đã thành lập mô hình tủ sách phụ huynh đầu tiên tại một trường học tại một huyện của tỉnh Thái Bình. Chỉ sau 4 tháng, phụ huynh học sinh đã xây dựng thêm 8 tủ sách như thế trong các lớp học tại đây. Và quan trọng hơn hết, các đầu sách được mượn cũng tăng lên hơn 50 lần, cho thấy các mô hình này khuyến khích được rất nhiều học sinh đọc sách.

Điều thú vị về các mô hình mang sách về nông thôn này là tạo nền tảng cho sự cạnh tranh và chia sẻ trong văn hóa đọc như một phần của văn hóa làng quê.

“Điểm thú vị là mô hình này kích thích tính cạnh tranh trong cộng đồng vì trong một làng xã chắc hẳn có nhiều dòng họ. Và một khi dòng họ này đọc sách, dòng họ kia cũng đọc theo. Chẳng hạn ở xã An Dục, Thái Bình, đã có đến 11 tủ sách dòng họ. Và họ trao đổi sách với nhau như chia sẻ nông cụ với nhau vậy. Cho nên, mô hình này cũng sẽ kích thích sự trao đổi sách một cách tự nhiên”, anh Thạch cho biết.

Thêm vào đó, các tủ sách dòng họ ngày càng lớn hơn và nhiều sách hơn, khi nó khuyến khích các dòng họ từ các nơi gởi sách về. Anh Thạch nói:

“Chẳng hạn như tủ sách họ Đỗ ở Kinh Đồng, Hưng Yên. Năm ngoái, tôi chỉ cho khoảng 250 đầu sách, đến nay, con cháu họ gởi về thêm 350 đầu sách nữa. Hay tủ sách họ Lê ở Hưng Yên, lúc đầu tôi chỉ cho khoảng 200 đầu sách, nhưng sau 1 năm, con cháu họ đã góp thêm. Cả sách báo bây giờ là gần 2 ngàn đầu sách”.

Điểm thú vị là mô hình này kích thích tính cạnh tranh trong cộng đồng vì trong một làng xã chắc hẳn có nhiều dòng họ. Và một khi dòng họ này đọc sách, dòng họ kia cũng đọc theo.

Anh Nguyễn Quang Thạch

Còn đối với mô hình tủ sách phụ huynh, nhờ biết đến mô hình này, nhiều học sinh cũ cũng gởi sách về trường cũ để các tủ sách ấy ngày càng có nhiều đầu sách. Anh Thạch cho biết, cách đây 3 tháng, một học sinh sau khi biết đến mô hình tủ sách phụ huynh đã tặng 39 triệu đồng tiền sách cho ngôi trường cũ của mình.

Các học sinh đọc nhiều sách kéo theo các giáo viên và cha mẹ đọc sách để trả lời các câu hỏi của học sinh. Việc này giúp nông dân đọc nhiều hơn. Trong các quyển sách tặng cho các tủ sách, quyển “Khuyến học” của ông Phúc Trạch Dụ Cát và các quyển sách về pháp luật là một trong những đầu sách quan trọng và không thể thiếu. Chính vì thế, nông dân biết được quyền và nghĩa vụ của họ và của nhà nước nhiều hơn. Anh Thạch chia sẽ một ví dụ:

“Năm ngoái, tại quê tôi (Hà Tĩnh) đã xảy ra một trận lũ và đã có những bất công trong việc phân phát cứu trợ. Và một người nông dân đã gọi cho chủ tịch huyện để báo cáo. Người nông dân ấy nhờ đọc các quyển sách về luật pháp trong tủ sách dòng họ mà biết rằng mình có quyền làm điều đó”.

Nâng cao dân trí

034_751430-200.jpg
Một tiệm bán sách tại Sài Gòn. Photononstop
Một tiệm bán sách tại Sài Gòn. Photononstop
Đó chỉ là một trong số rất nhiều câu chuyện để thấy ý tưởng và hoạt động của anh Thạch đã có những kết quả nhất định. Mô hình tủ sách dòng họ được đón nhận ở nhiều chiều. Cho đến bây giờ, anh Thạch nhận được rất nhiều cuộc gọi từ khắp nơi trên cả nước nhờ tư vấn cách mang sách về quê.

“Mỗi một vùng thì tôi có các giải pháp khác nhau. Chẳng hạn vùng đồng bằng thiểu số thì tôi đề nghị là đưa sách về trường học bởi nếu đưa về khu vực dân cư thì rất khó thành công vì người mù chữ rất nhiều. Hay nếu ở tỉnh thì tôi đề nghị đưa sách về trường học. Còn đối với khu vực trung du và đồng bằng Bắc Bộ thì nên làm tủ sách dòng họ vì kết cấu dân cư đông hơn”, anh chia sẻ.

Về mặt nhà nước, các mô hình này cũng có nhiều tác động. Chẳng hạn, từ ý tưởng của anh Thạch, tỉnh Hà Nam đang phát động phong trào xây dựng tủ sách dòng họ; tỉnh Phú Yên cũng đang có sự phối hợp giữa thư viện và Đoàn Thanh niên nhằm xây dựng tủ sách dòng họ; tỉnh Nghệ An cũng đang hỗ trợ mô hình này.

“Tôi kỳ vọng là đến một thời điểm nào đó thì nhà nước sẽ xây dựng thư viện cấp thôn. Đến lúc đó thì mô hình tủ sách dòng họ cũng không còn cần thiết nữa. Thực ra, mô hình của tôi cũng sẽ dần mất đi nếu nhà nước đầu tư. Và tôi cũng mong nó sẽ mất dần.
Nếu chúng ta có kỳ vọng là nâng cao dân trí để thoát khỏi sự lấn lướt của các nước lớn thì phải tạo ra một nền tảng dân trí cao hơn họ.”

Nếu chúng ta có kỳ vọng là nâng cao dân trí để thoát khỏi sự lấn lướt của các nước lớn thì phải tạo ra một nền tảng dân trí cao hơn họ.

Anh Nguyễn Quang Thạch

Nguyễn Quang Thạch, người luôn có một ước mơ duy nhất trong đời là mang cái chữ, mang kiến thức đến cho nông dân. Càng ngày, người ta thấy anh càng quyết tâm thực hiện ước mơ ấy hơn. Có người cho rằng, anh phải cố thực hiện ước mơ mang ánh sáng văn hóa đến cho nông dân trước khi vĩnh viễn mất đi ánh sáng từ con mắt còn lại của mình. Điều đó cũng có nghĩ là anh vẫn phải tiếp tục gõ từng cánh cửa để xin từng quyền sách. Có lẽ chưa có người “ăn mày” nào lại vui vẻ như anh Thạch bởi anh hiểu rằng có thể nhiều cuộc đời sẽ được thay đổi nhờ vào những quyển sách “ăn mày” ấy.

Mời quý vị đóng góp ý kiến và kết nối với Quỳnh Chi tại email QUYNHCHI@RFA.ORG

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.