Ông chủ công ty xe ôm và tấm bằng thạc sĩ Harvard
2012.02.21
Đó cũng là những gì người ta hay nói về Nadiem Makarim, một chàng trai trẻ sống tại Jakarta, Indonesia khi anh thành lập một dịch vụ xe ôm gọi là Go-Jek để giúp giải quyết nạn kẹt xe trong thành phố sau khi tốt nghiệp thạc sĩ quản trị kinh doanh tại trường đại học danh tiếng Harvard. Dù là dịch vụ xe ôm nhưng những công nghệ như Facebook và Twitter cũng được sử dụng để làm cho dịch vụ được hoàn hảo hơn. Quỳnh Chi có cuộc trò chuyện với Nadiem Makarim.
Hình thức kinh doanh
Nadiem Makarim: "Tôi làm điều này vì sự đam mê. Tôi thích đi xe ôm trong khu vực Jakarta. Tôi thắc mắc là không ai làm xe ôm trở thành một hệ thống có hiệu quả và tạo được lòng tin cho khách hàng cả. Chính vì thế mà chúng tôi bắt đầu có ý tưởng tạo ra hệ thống xe ôm để đáp ứng nhu cầu. Tôi bắt đầu bằng việc tìm hiểu lý do vì sao mà không ai làm việc này cả. Sau đó thử chương trình này với một số tài xế xe ôm là người quen của gia đình. Sau đó thì tôi bắt đầu nghĩ là mình có thể phát triển nó thành một ngành kinh doanh, vừa giúp tài xế xe ôm và vừa giúp giải quyết nạn kẹt xe trong thành phố."
Quỳnh Chi: Vậy thì cách thức hoạt động của hệ thống xe ôm Go-Jek như thế nào?
Nadiem Makarim: "Đây là một hình thức kinh doanh xã hội. Chúng tôi cộng tác với những tài xế xe ôm. Chúng tôi gặp gỡ, tìm hiểu xem họ lái xe có cẩn thận không. Rồi hướng dẫn cho họ làm thế nào để đáp ứng được lòng mong đợi của khách. Mỗi tháng, chúng tôi cũng có những giải thưởng nhỏ cho những tài xế được khách bầu chọn là “Tài xế của tháng”. Ngoài nhận chở khách, các tài xế xe ôm Go-Jek còn nhận chở hàng vì ở Indonesia, rất nhiều người buôn bán lẻ cần xe ôm."
Quỳnh Chi: Tôi đã xem qua website của Go-Jek và thấy mục “Tài xế của tháng” luôn được quan tâm nhiều nhất. Đây có phải là cách làm hiệu quả để khích lệ tài xế đối với Go-Jek?
Nadiem Makarim: "Đúng là như vậy. Chúng tôi tin rằng động lực tốt đôi lúc lại không phải là tiền thưởng mà chính là việc được người khác tôn trọng. Khi một tài xế xe ôm được đăng hình trên trang web Go-Jek kèm theo những nhận xét tốt thì đó là một động lực rất lớn vì họ biết rằng họ sẽ được những tài xế khác “ngưỡng mộ”. Thật sự thì tất cả tài xế xe ôm của tôi đều xài mạng xã hội Facebook cả."
Quỳnh Chi: Ý tưởng của anh về việc khuyến khích người dân Jakarta sử dụng xe ôm có được giới công chức đánh giá cao?
Đây là một hình thức kinh doanh xã hội. Chúng tôi cộng tác với những tài xế xe ôm. Chúng tôi gặp gỡ, tìm hiểu xem họ lái xe có cẩn thận không. Rồi hướng dẫn cho họ làm thế nào để đáp ứng được lòng mong đợi của khách.
Nadiem Makarim
Nadiem Makarim: "Tôi rất thích đi xe ôm khi làm việc ở Jakarta. Đến 60 – 70% thời gian di chuyển là tôi dùng xe ôm cả. Tôi phải nói rằng tôi không quan tâm tôi đến một nơi bằng cách nào nhưng tôi chỉ quan tâm là tôi có đến được đó đúng giờ và nhanh chóng không. Và thực sự thì ở Jakarta thì xe ôm là lựa chọn hoàn hảo nhất.
Đối với những ai quý trọng thời gian thì đây là lựa chọn duy nhất của họ. Lấy một ví dụ đơn giản thôi. Nếu một ông giám đốc vì phải ngồi xe hơi sang trọng mà không đến được chỗ hẹn đúng giờ thì một ông giám đốc mặc đồ vest ngồi xe ôm vẫn là một giám đốc tốt hơn. Tôi thì sẵn sàng ngồi xe ôm hơn là vì giữ thể diện mà làm hỏng việc."
Quỳnh Chi: Nếu quả đúng như vậy thì xem ra ngoài giúp cải thiện nạn kẹt xe, xe ôm còn xóa đi định kiến về phân biệt giai cấp qua phương tiện đi lại?
Nadiem Makarim: "Thật sự thì ở Jakarta có rất nhiều vị mặc vest sang trọng với các chức vụ cao cấp nhất trong công ty đi xe ôm. Tôi nghĩ là tại Jakarta, xe ôm đã làm biến mất những định kiến về việc phân chia giai cấp trong đi lại. Không phải người giàu thì đi xe hơi còn người nghèo thì đi xe ôm. Tại đây, bạn sẽ tất cả mọi người đều ưa chuộng Go-Jek. Bạn sẽ thấy Go-Jek phục vụ tất cả mọi người ở mọi tầng lớp. Đó là cái làm tôi thích về hệ thống xe ôm này."
Quỳnh Chi: Đâu là những khó khăn của dịch vụ xe ôm có hệ thống này?
Nadiem Makarim: "Dĩ nhiên là làm gì cũng có khó khăn nhưng may mắn là chúng tôi có cả một tập thể quản lý rất giỏi. Chúng tôi đang cố gắng phát triển hơn nữa để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao tại Jakarta. Đôi lúc chúng tôi cũng gặp những khách hàng khó tính, đôi lúc chúng tôi đưa đón chậm trễ, rồi những phàn nàn, phê bình… nói chung là cũng nhiều thử thách. Nhưng chính những thử thách này làm chúng tôi ngày càng hoàn thiện dịch vụ hơn. Cách làm của Go-ojek là ghi nhận phản hồi, ý kiến đóng góp dù là nhỏ nhất từ khách."
Chất lượng phục vụ
Quỳnh Chi: Theo Go-Jek thì kinh nghiệm và an toàn là hai tiêu chí quan trọng. Làm thế nào để anh bảo đảm rằng những tài xế hợp tác với Go-Jek thoả điều kiện đó?
Nadiem Makarim: "Hiện tại chúng tôi có hơn 300 tài xế trực tại các ngã đường Jakarta. Khi nhận một tài xế nào vào công ty, việc đầu tiên chúng tôi làm là kiểm tra bằng lái của họ. Chúng tôi cũng có chương trình giúp đỡ những tài xế lấy bằng lái. Chúng tôi muốn những tài xế xe ôm phải trở thành những tài xế mang đến sự an toàn và tự tin cho hành khách, dù là họ đang ngồi trên một chiếc xe hai bánh."
Quỳnh Chi: Anh quản lý chất lượng phục vụ như thế nào?
Nadiem Makarim: "Chúng tôi luôn kiểm tra những ý kiến đóng góp của hành khách trên website của mình, trên Facebook, cả Twitter và qua điện thoại. Chúng tôi có một nhóm nhân viên chỉ chuyên tiếp chuyện với khách qua điện thoại và kiểm tra những ý kiến đóng góp trên các trang mạng xã hội. Một trong những bí quyết giúp Go-Jek đến được với nhiều người mức độ chuyên nghiệp của nhóm nhân viên này. Tất cả những người được thuê vào làm nhiệm vụ liên hệ với khách hàng đều có một tác phong làm việc thật chuyên nghiệp và trách nhiệm. Người dân Indonesia cũng cho biết ý kiến của họ thường xuyên. Họ quan tâm đến việc cho ý kiến vì họ biết rằng xe ôm là một trong những lựa chọn hàng đầu của họ. Đó là cách chúng tôi quản lý các tài xế. Tài xế nào đi trễ, vượt đèn đỏ hay chạy ẩu... là chúng tôi biết ngay."
Quỳnh Chi: Tôi nghĩ việc đưa xe ôm vào hoạt động một cách có hệ thống và chuyên nghiệp là một ý tưởng thú vị mà các nước đang phải đối mặt với tình trạng kẹt xe, bao gồm cả Việt Nam, có lẽ cũng thích thú. Vậy những yếu tố nào cần thiết đề hình thức này hoạt động hiệu quả?
Nadiem Makarim: "Điều thứ nhất những ai làm công tác tuyển tài xế phải là những người giỏi. Họ phải là người sử dụng xe ôm thường xuyên để họ hiểu được tài xế xe ôm. Những người làm công tác tuyển dụng phải có cách nói thuyết phục để các tài xế xe ôm tự do hợp tác với công ty. Thứ hai là bạn phải có một hệ thống làm việc chuyên nghiệp, phân công công việc để nó trở thành một hệ thống mà có thể vận hành trong thực tế. Nó bao gồm cả việc quản lý tài xế, khuyến khích tài xế, trân trọng hành khách... Nói chung bạn cũng cần phải chấp nhận và dám thử những cái mới khi thấy hợp lý. Đó là cách bạn thử xem những ý tưởng mới có giúp bạn làm giàu không."
Đây không chỉ là một loại hình kinh doanh mang tính sáng tạo mà còn có thể giúp giải quyết nạn kẹt xe tại Jakarta. Tôi yêu thành phố này và thấy tự hào vì mình đã làm được một cái gì đó cho nơi mình sinh ra.
Nadiem Makarim
Quỳnh Chi: Câu hỏi cuối, anh có bao giờ cảm thấy hối hận khi bỏ công sức vào việc phát triển dịch vụ này? Bởi với việc đi học tại nước ngoài từ nhỏ và với tấm bằng thạc sĩ tại một trường nổi tiếng như Harvard, anh có thể tìm cho mình một vị trí tốt ở một công ty lớn.
Nadiem Makarim: "Tôi chưa bao giờ hối hận khi làm một công việc như thế này mà không phải là tại một công ty lớn nào khác. Đây không chỉ là một loại hình kinh doanh mang tính sáng tạo mà còn có thể giúp giải quyết nạn kẹt xe tại Jakarta. Tôi yêu thành phố này và thấy tự hào vì mình đã làm được một cái gì đó cho nơi mình sinh ra."
Tại Indonesia, xe ôm được gọi là “ojek”. Hệ thống xe ôm Go-Jek ra đời năm ngoái, sau khi Nadiem Makarim tốt nghiệp thạc sĩ. Khi Go-Jek vừa ra đời, nhiều người cảm thấy tiếc vì tấm bằng thạc sĩ tại Harvard của Nadiem Makarim đã không được sử dụng tại một công ty lớn hơn. Tuy nhiên, giúp giảm nạn kẹt xe và thu hút khách du lịch quốc tế là những việc có ích cho xã hội mà chính bản thân Nadiem Makarim luôn tự hào. Và có lẽ khi người ta muốn cống hiến, thì họ luôn biết cách làm mình trở nên hữu dụng trong xã hội, bất kể là trong một môi trường nào.
Liên lạc với tác giả tại: QUYNHCHI@RFA.ORG