Website chống tham nhũng ở Ấn Độ

Trong chương trình “Câu chuyện hàng tuần” kỳ này, Quỳnh Chi mời quý vị nghe câu chuyện về một website được ví như một thứ vũ khí chống tham nhũng thầm lặng.

0:00 / 0:00

Website IPaB

Thời gian gần đây, truyền thông và người dân nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là Ấn Độ truyền tai nhau về một website được sử dụng như một vũ khí chống tham nhũng một cách bí mật và thầm lặng. Website đó là “I paid a bribe” (IPaB) tạm dịch “Tôi đã hối lộ”.

“IPaB” là một sáng kiến của Janaagraha – một tổ chức phi chính phủ được thành lập cách đây 10 năm, có trụ sở tại Bangalore, Ấn Độ. Mục đích của Janaagraha làm việc với cả người dân và chính phủ để giúp người dân vừa tham gia các công việc nhà nước, vừa nâng cao chất lượng cuộc sống của họ. Và một trong những việc đó là chống tham nhũng. Với ý tưởng đó, đó Trang web Ipaidabribe.com được thành lập năm ngoái.

Ông Ramesh Ramanathan, đồng sáng lập Janaagraha và IPaB cho biết:

“Năm 19 tuổi, tôi đã phải trả tiền hối lộ để được lên một chuyến xe điện tại Ấn Độ. Và đó là một trong những lý do khiến tôi lập ra website IPaB sau này”.

Ra đời cách đây khoảng 11 tháng, IPaB đã thu hút nhiều sự quan tâm có dư luận. Bất cứ người nào cũng có thể vào website này, kể về câu chuyện của họ khi gặp trường hợp hối lộ:

“Điểm khác biệt chính của trang web này là thay vì kêu gọi mọi người không đưa hối lộ, chúng tôi thu thập những thông tin về việc họ phải đưa hối lộ. Đó là một vấn nạn tại Ấn Độ, nhiều người phải đưa hối lộ, mặc dù họ không muốn làm điều đó. Những thông tin được thu thập sẽ được phân tích và dùng làm số liệu dẫn chứng để yêu cầu các cơ quan chức năng cải thiện luật lệ nhà nước”.

Tình trạng tham nhũng và hối lộ tại Ấn Độ là một vấn nạn tại đây. Năm ngoái, trong tổng số 178 quốc gia, Ấn Độ đứng thứ 87 trong bảng xếp hạng về chỉ số minh bạch. Theo ông Ramesh, tại Ấn Độ, hối lộ không những chỉ xảy ra trong chốn công quyền, mà còn cả trong các lĩnh vực tư nhân:

Năm 19 tuổi, tôi đã phải trả tiền hối lộ để được lên một chuyến xe điện tại Ấn Độ. Và đó là một trong những lý do khiến tôi lập ra website IPaB sau này.

Ramesh Ramanathan

"Mỗi một người tại những khu vực nông thôn ít nhất là phải đưa hối lộ 1 lần như khi đi thi bằng lái, khi đi đóng thuế, khi nhận lại tiền thu lại từ thuế, khi làm giấy khai sinh, khi lấy giấy chứng tử cho thân nhân...Tại Ấn Độ, tham nhũng, hối lộ không những xảy ra tại chốn công quyền, mà còn xảy ra tại những doanh nghiệp tư nhân ví dụ như bệnh nhân hối lộ cho bác sĩ để kê hóa đơn khống. Và hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu thương vụ trao đổi mua bán lớn nhỏ như thế diễn ra hằng ngày. Mà tất cả những việc đó đều phải có “bôi trơn” cả”.

Chia sẻ thông tin

026_050712_0030_0105_jshs-200.jpg
Ảnh minh họa. AFP photo (Ảnh minh họa. AFP photo)

Không chỉ là một trang web đưa các thông tin về tham nhũng hay hối lộ, IPaB còn là nơi để mọi người chia sẻ những câu chuyện về hối lộ của chính họ. Và những thông tin này sẽ được dùng để kiến nghị chính phủ cải thiện quản lý, cũng như thắt chặt những luật lệ chống tham nhũng. Điều đặc biệt nữa của trang web này là thay vì tập trung chống tham nhũng trên phượng diện vĩ mô đang diễn ra ở Ấn Độ, IPaB chỉ tập trung vào các vụ tham nhũng, hối lộ nhỏ mà người dân phải chứng kiến hằng ngày.

“Xã hội nào cũng đối mặt với những thách thức về tham nhũng ở quy mô lớn, chúng tôi tạm gọi đây là “wholesales corruption” (“tham nhũng sĩ”). Ngay cả ở những nước phát triển cũng phải đối mặt với tình trạng này. Nhưng tham nhũng có ảnh hưởng dễ thấy nhất đối với người dân chính là những tham nhũng mà chúng tôi gọi là “retail corruption (“tham nhũng lẻ”). Những tham nhũng nhỏ như thế dễ dàng được nhận biết và dễ giải quyết hơn. Ví dụ, nếu có người phải hối lộ để được lấy bằng lái xe, thì chúng tôi chỉ đến nơi cho thi bằng lái xe yêu cầu họ thay đổi cách làm việc”.

Tiêu chí của IPaB là loại bỏ tham nhũng từ những vấn đề thật nhỏ vì theo những người sáng lập, nếu họ có thể loại bỏ những tham nhũng lẻ tẻ như thế, thì rất có thể người dân sẽ không chịu đựng được nhưng tham nhũng lớn. Theo IPaB, khi một quốc gia mà tham nhũng hoành hành trong xã hội mà tất cả mọi người đều chịu được điều đó thì mức độ mà người dân chịu đựng được tham nhũng sẽ rất cao. Ngược lại, nếu đã quen với sự sạch trong những môi trường nhỏ, thì người dân cũng sẽ muốn thấy sự trong sạch trong một môi trường lớn hơn.

Một điều đáng nói nữa về trang web IPaB, là chẳng những website này nhận được sự ủng hộ của dân chúng, mà còn gây được một ấn tượng tốt với chính quyền vì có cách chống tham nhũng khá thông minh. IPaB không cho rằng người dân luôn tốt và chính phủ xấu mà nhiệm vụ của IPaB là tìm đến những người tốt trong chính phủ để bắt tay hợp tác:

“Dĩ nhiên là có nhiều bộ phận khác nhau trong hệ thống chính phủ, và cũng có những phản ứng khác nhau. Nhưng chúng tôi hy vọng những thông tin mà chúng tôi thu thập được sẽ tạo ra đủ sức mạnh để các nhà lãnh đạo cân nhắc. Thực ra mỗi khi người dân lên website nói về các vụ đưa hối lộ của họ, thì chúng tôi xóa đi tên của người nhận hối lộ mà chỉ đưa thông tin về cơ quan, hay bộ phận ấy. Chúng tôi không công kích cá nhân, mà chống tham nhũng là chính”.

Dĩ nhiên là có nhiều bộ phận khác nhau trong hệ thống chính phủ, và cũng có những phản ứng khác nhau. Nhưng chúng tôi hy vọng những thông tin mà chúng tôi thu thập được sẽ tạo ra đủ sức mạnh để các nhà lãnh đạo cân nhắc.

Ramesh Ramanathan

Từ 4-5 tháng gần đây IPaB đã nhận được nhiều phản hồi từ chính phủ. Đáng kể nhất là người đứng đầu của bang Karnataka, nơi mà IPaB đặt trụ sở, đã mời các thành viên của IPaB đến thảo luận với 4 bộ có mức quan trọng chống trong chính phủ về chống tham nhũng. Và những người chịu trách nhiệm chính của các bộ này đã cam kết là sẽ có những thay đổi để làm trong sạch hệ thống nhà nước.

Sau khi hoạt động được khoảng 11 tháng, IPaB đã nhận được 12 ngàn phản hồi về tham nhũng, và tổng số tiền hối lộ đã lên đến 300 triệu rupee (tương đương 70 triệu đô la Mỹ). Và những số tiền hối lộ đó là từ “hối lộ lẻ”, tức là 10 đô la hối lộ ở chỗ này, hay 5 đô la hối lộ ở chỗ kia… không phải là những vụ hối lộ lớn trong chính phủ và các doanh nghiệp lớn. Chính vì thế, sự thành công của trang web này đã làm nhiều nước trên thế giới coi đây là một mô hình để áp dụng cho cuộc chiến chống tham nhũng.

Thành công vượt bậc

Cho đến bây giờ đã có khoảng 20 quốc gia tìm đến IPaB để nhờ tư vấn để họ có thể có một website tương tự như thế, đặc biệt là các nước ở Châu Phi. Gần đây, một nhóm người tại Trung Quốc cũng nhờ IPaB làm một website như vậy. Tuy nhiên, website này tại Trung Quốc lại thường xuyên bị đánh phá.

“IPaB thích hợp cho những quốc gia non trẻ hay những quốc gia không có một hệ thống chính phủ vững chắc. Bởi một quốc gia có hệ thống chính quyền vững chắc và lâu đời thì việc kiểm tra, đối trọng quyền lực hay độ tin cậy của người dân đối với chính phủ sẽ tốt hơn. Ở những quốc gia như thế, dân chúng có một sự yêu cầu và kỳ vọng rất cao về chính phủ nên chính phủ phải đảm bảo được những chuyện đó và không cần đến những công cụ như IPaB.

Ấn Độ chỉ mới được 60 tuổi thôi, và nhiều quốc gia ở Châu Phi và Châu Á còn trẻ hơn cả Ấn Độ nữa. Những quốc gia đó đều cần những công cụ tương tự như IPaB để giúp công tác kiểm tra, đối trọng quyền lực cũng như nâng cao sự tín nhiệm của chính phủ”.

“I paid a bribe” hay “Tôi đã hối lộ” đã thành công vượt xa sự mong đợi của những người tạo ra nó. Theo ông Ramesh, lúc đầu, IPaB ra đời chỉ để cho một ai đó nói rằng “Tôi đã hối lộ”. Tuy nhiên, bây giờ nhiều người lại sử dụng IPaB như một nơi để họ thú nhận - để họ không những nói rằng “Tôi đã hối lộ”, mà còn là “Tôi đã hối lộ. Tôi nhận ra việc này không đúng. Và tôi phải nói lên điều này”.

Thời gian qua cộng đồng mạng Việt Nam xôn xao về việc liệu trang web này có đến Việt Nam không khi theo kết quả khảo sát của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, năm ngoái Việt Nam xếp hạng 116 trên 178 nước và vùng lãnh thổ về mặt minh bạch, đồng hạng là một loạt nước châu Phi khác như Ethiopia, Mali, và Mozambique, Tazania và quốc gia Nam Mỹ Guyana. Và liệu khi trang web này đến Việt Nam, nó có bị đánh sập như tại Trung Quốc không? Đó vẫn đang là những câu hỏi.

Mời quý vị chia sẻ những câu chuyện có ý nghĩa với Quỳnh Chi qua email: QUYNHCHI@RFA.ORG; hoặc kết nối với Quỳnh Chi trên Facebook và Twitter.