Thả hồn vào bài hát Việt
Gặp chàng trai người Anh Lee Kirby, người ta thường ấn tượng với nụ cười hóm hĩnh, với cách ứng xử rất Việt Nam và đặc biệt với một giọng hát ngọt ngào khi thả hồn vào các bài hát Việt.
“Khi nghe Đêm thấy ta là thác đổ của Trịnh Công Sơn, bỗng dâng lên trong tôi một cảm xúc rất lạ lẫm, mãnh liệt và kỳ bí…và nó chiếm lấy linh hồn tôi. Và tôi bắt đầu tìm hiểu về Trịnh Công Sơn và những bài hát của ông như Diễm Xưa. Diễm Xưa là bài hát Việt đầu tiên mà tôi rất thích và bắt đầu học hát những bài hát Việt.”
Khi nghe Đêm thấy ta là thác đổ của Trịnh Công Sơn, bỗng dâng lên trong tôi một cảm xúc rất lạ lẫm, mãnh liệt và kỳ bí…và nó chiếm lấy linh hồn tôi.
Lee Kirby
Lee Kirby đến với âm nhạc Việt Nam một cách tình cờ như thế, tình cờ như lần đầu tiên anh bắt đầu biết đến Việt Nam. Vừa pha trò, Lee vừa nói cách đây 8 năm, ấn tượng về con người Việt Nam là “những người khá ồn ào”
“Tại Anh quốc tôi làm việc tại 1 trường học và có khoảng hơn 20 sinh viên Việt Nam. Họ khá là ồn ào làm tôi để ý đến họ. Tôi thắc mắc là mấy người này ở đâu ra mà ồn quá? Và bắt đầu tìm hiểu.”
Thế nhưng, dần dần ấn tượng về “người Việt Nam ồn ào” đã thay đổi trong Lee Kirby bởi ngoài sự ồn ào, họ là những người nhiệt tình và hiếu khách:
“Họ đã mời tôi đến Việt Nam và tôi đã có dịp đi vòng vòng Việt Nam và tôi rất thích Việt Nam. Lúc đó tôi được 23 tuổi, tức là cách đây khoảng 8 năm.”
Những ngày đầu đến Việt Nam, Lee không biết cầm đôi đũa thế nào cho khỏi tuột khỏi tay, không biết ngồi xe máy thế nào cho khỏi rớt xuống đường, không biết băng qua đường thế nào cho khỏi mất cả tiếng đồng hồ. Một trong những “chiến tích” của Lee là có thể băng qua đường trên đường phố Việt Nam, nơi mà theo anh, “không có luật băng qua đường đâu”.
Đó là lời chia sẻ của Lee Kirby với bạn bè quốc tế về cách băng qua đường ở Việt Nam. Trong đoạn băng tự quay trên, Lee Kirby cho rằng, muốn băng qua đường thì cứ “nhắm mắt băng đại thì người ta sẽ tránh mình thôi”.
Ôm đàn đi khắp Việt Nam

Vậy mà không biết từ bao giờ, Việt Nam trở thành một đất nước đầy mến yêu của chàng trai này mà mỗi khi có dịp, anh lại “ghé” về thăm. Từ 8 năm nay, mỗi năm, Lee lại đến Việt Nam 3- 4 lần chỉ để thăm lại những cánh đồng quê, những con đường mòn và những nụ cười trên gương mặt nhăn nheo của các cụ già. Ngần ấy thời gian vẫn chưa đủ để làm Lee Kirby thỏa chí khám phá Việt Nam, nên mỗi khi có dịp, là Lee lại cầm đàn mang tiếng hát của mình đến mọi ngõ ngách của Việt Nam, từ những sân khấu lớn, những phòng trà, những buổi giao lưu hay tại một ngôi làng quê hẻo lánh. Lee Kirby chia sẻ, lúc còn nhỏ, anh mơ ước trở thành cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp để đôi chân anh có thể tung tăng trên sân bóng. Thế nhưng bây giờ anh dành sức lực của đôi chân ấy cho một việc khác đầy thú vị:
“Tôi cầm ghi ta đi khắp nước Việt Nam. Tôi hát trên đường phố, hát trong những show ca nhạc. Tôi may mắn được đi hầu hết các nơi tại Việt Nam, tôi được gặp nhiều người, chia sẻ những niềm vui nỗi buồn, và thưởng thức các món ăn Việt. Tôi đi từ biển đến rừng rậm, đồng bằng... đã từng ngồi ôm đàn ngồi hát bên đống lửa và nghe sóng vỗ rì rào, đã từng trèo lên rừng sâu hòa giọng hát cùng những con chim rừng… đó là những trải nghiệm thật tuyệt vời”.
Mẹ là một nhạc sĩ, nhưng Lee chưa bao giờ lớn lên trong ý nghĩ mình trở thành nghệ sĩ cho đến khi anh đặt chân đến Việt Nam. Những bờ tre, những con đò, những nốt nhạc trầm bỗng tưởng như khi lắng tận đáy sông Hương, khi cao như tiếng chuông ngân trên những đỉnh đồi. Lúc đó cũng là lúc Lee bắt đầu học ghi-ta và bắt đầu tìm hiểu tiếng Việt để có thể trải lòng theo những bài hát.
“Tôi bắt đầu học qua những người bạn Việt Nam du học tại ngôi trường tôi làm việc. Bắt đầu từ những âm như a, u, ao, sắc, huyền, ngã, hỏi, ngữ điệu vân vân…rồi dần dà tôi học nhiều hơn. Nếu bạn hát mà không hiểu lời bài hát thì không có ý nghĩa gì cả”
Tôi cầm ghi ta đi khắp nước Việt Nam. Tôi hát trên đường phố, hát trong những show ca nhạc. Tôi may mắn được đi hầu hết các nơi tại Việt Nam.
Lee Kirby
Cứ như thế, dần dà hình ảnh, văn hóa Việt Nam ngấm vào Lee lúc nào không hay, anh vẫn hát, vẫn ôm đàn đi khắp Việt Nam, chỉ có điều, tiếng hát của Lee ngày càng có hồn hơn trước. Nghe Lee hát “Diễm xưa” mà ngỡ như Lee đang kể về chuyện tình của mình, nghe Lee hát “Ôi quê tôi” mà cứ ngỡ như nghe một cậu bé Việt Nam nói về tuổi thơ của mình:
“Một trong những điểm quan trọng của âm nhạc là cảm xúc. Khi chạm tay vào những phiếm đàn, tôi không phải đánh theo những gì mà các ca sĩ khác đã làm mà đánh theo cảm xúc của tôi. Cho nên khi bạn nghe tôi hát, bạn thấy rằng những tiếng đàn ấy rất thô, không pha trộn và dạt dào cảm xúc.”
Không phải là một người được học tiếng Việt bài bản, Lee Kirby cũng không nói được tiếng Việt nhiều và có sự cách biệt về văn hóa nên Lee không thể có cảm xúc như một ca sĩ Việt:
“Bài hát Ôi quê tôi của Lê Minh Sơn, nói về nỗi nhớ quê hương với nhiều kỷ niệm. Trong bài hát có đoạn “bắt chim sâu”. Tại Anh quốc thì trẻ con không đi ra đồng chơi và bắt chim sâu như vậy. Cho nên khi hát bài Ôi quê tôi, tôi không thể nào giả vờ như mình trải qua thời thơ ấu bắt chim sâu như vậy mà tôi liên tưởng tới thời thơ ấu của tôi, nó không có bắt chim sâu, không có khói lam chiều nhưng tôi vẫn có những kỷ niệm của thời thơ ấu. Điều quan trọng là bạn liên hệ bài hát với cuộc sống thực của mình. Đó là cách tôi thổi hồn vào bài hát.

Hát có cảm xúc những bài hát Việt, nhưng nói đến Lee, người ta không nói về anh như một ca sĩ mà khi nói về anh là nói đến chàng trai Anh quốc yêu văn hóa, con người và phong cảnh Việt Nam khi anh tìm thấy sự thân thuộc nơi đây:
“Cha tôi là người Canada, nên tôi rất thích cây cối, sông hồ, đồi núi…nên khi nhìn thấy Đà Lạt và Sapa, tôi lập tức cảm thấy như mình có sợi dây kết nối với nơi đây”.
Có lẽ chính vì thế mà mặc dù sau vài năm gắn bó với Việt Nam, những bài hát yêu thích của Lee có thể thay đổi theo thời gian nhưng tất cả đều là những bài hát nhẹ nhàng, có tính nhân văn và mang dáng dấp đất nước hình chữ S như: “Đêm thấy ta là thác đổ”, “Diễm xưa”, “Cát bụi”, “Chị tôi”, “Em ơi Hà Nội phố”…và đặc biệt là “Quê nhà”:
Mỗi khi cất lên bài hát “Quê nhà”, là mỗi lần một cảm xúc mới lại tràn về bởi mỗi một lần hát “Quê nhà” là mỗi góc nhỏ khác nhau của Việt Nam lại hiện lên trong Lee Kirby.
Đem nụ cười đến mọi người
Chân thật, nhiệt tình và dí dỏm là bản chất của chàng trai người Anh quốc này. Có lẽ chính vì thế mà đối diện với Lee Kirby, người ta không thấy có nhiều khoảng cách. Vừa nói, vừa cười thật to, chàng trai dễ mến này cho biết:
“Tôi nghĩ là mẹ tôi đang lo là tôi sẽ cưới một cô Việt Nam và sẽ không trở về Anh Quốc nữa. Còn cha tôi cũng lo là nếu tôi ở lại Việt Nam luôn thì công việc ở trường không ai trông coi. Lo lắng thì lo lắng nhưng mà họ rất tự hào về những gì tôi làm.”
Bất kể là hát ở đâu, trên đường phố hay biểu diễn trên sân khấu, nếu tôi có thể mang đến một nụ cười cho ai đó, thì tôi sẽ làm.
Lee Kirby
Được nhiều người biết đến qua các buổi biểu diễn ca nhạc, có thể nói Lee Kirby là một người của công chúng nhưng anh chưa bao giờ cho rằng niềm vui của anh là được nổi tiếng. Lee hát đơn giản là vì anh muốn hát, là vì anh muốn hòa mình vào nền văn hóa Việt và gởi gắm tình cảm của mình qua những phiếm đàn. Lý do để Lee hát chỉ đơn giản như thế, đơn giản như chính cái niềm vui mà anh có được:
“Một cụ già đã nhiều năm không hát, khi thấy tôi hát những bài hát Việt, bà cũng cất tiếng hát cùng tôi. Bất kể là hát ở đâu, trên đường phố hay biểu diễn trên sân khấu, nếu tôi có thể mang đến một nụ cười cho ai đó, thì tôi sẽ làm. Nếu giọng hát của tôi làm tôi gần gũi với người Việt Nam, hay làm họ cảm xúc, hay làm họ cười là tôi cảm thấy đủ rồi.”
Là một người ngoại quốc, lại không bịt mũi nhăn mặt trước chén nước mắm và có thể xắn quần đi trèo cầu khỉ, Lee Kirby đã làm nhiều người từ ngạc nhiên đến thắc mắc. Mỗi lần như thế, câu trả lời của Lee cũng rất đơn giản: “Những liền anh liền chị luyến láy, nghe những câu quan họ đậm chất văn hóa, bạn có yêu Việt Nam hay không?”
Quý vị vừa theo dõi Tạp chí “Câu chuyện hàng tuần”. Thưa quý vị chắc chắn có rất nhiều người trả lời “Có” cho câu hỏi của Lee Kirby bởi là con Hồng cháu Lạc, khi nhắc đến hai từ Việt Nam thì làm sao mà không nhớ, không thương cho được. Chỉ có một điều, không phải người Việt Nam nào cũng cảm thấy được những nét đẹp trên mãnh đất hình chữ S này bởi trong những người nêu thắc mắc cho Lee Kirby có người Việt Nam.
Chương trình “Câu chuyện hàng tuần” được dừng tại đây và rất mong quý vị chia sẻ những câu chuyện có ý nghĩa với Quỳnh Chi qua email quynhchi@rfa.org hoặc qua Facebook và Twitter. Xin kính chào và hẹn gặp lại quý vị vào tuần tới.