Người thắp sáng các ngôi làng

Quỳnh Chi chào đón quý vị đến với chương trình “CCHT”, được phát vào mỗi sáng thứ Ba. Tuần này, mời quý vị nghe câu chuyện về Tri Mumpuni, người mang ánh sáng đến nông thôn Indonesia.

0:00 / 0:00

Thử tưởng tượng chúng ta sống trong một nơi không có điện. Và cứ mỗi lần về đêm, học sinh phải đọc sách bên ánh đèn dầu lập lòe; hay bà mẹ già phải may áo ngoài cửa sổ từ ánh sáng vầng trăng thì quả bất tiện biết bao!

Cái khó ló cái khôn

Dù tin hay không, cho đến bây giờ có ít nhất là 32 ngàn ngôi làng ở Indonesia chưa hề biết đến điện. Điều đó cũng có nghĩa là 100 triệu người Indonesia mỗi ngày phải sử dụng đèn cầy và củi khô để có thể thắp sáng vào ban đêm. Và đối với bà Tri Mumpuni, đó là một thực tế đau lòng:

“Tất cả những người này đều là con người, đều sống cùng một đất nước, đều là anh em dân tộc cả cho nên tôi phải giúp họ”.

Là một kỹ sư ngành Kinh tế Nông nghiệp, 20 năm nay, bà Puni cùng chồng (một kỹ sư địa chất) lặn lội đến từng ngôi làng xa xôi hẻo lánh để thay đổi đời sống người dân như tạo ra nguồn nước và chia sẻ phương thức trồng trọt cho nông dân. Và dĩ nhiên việc đầu tiên là tạo ra năng lượng:

"Tôi cũng rất may mắn được gặp ông nhà tôi, là 1 kỹ sư địa chất. Và chúng tôi đã phối hợp cùng nhau để giúp dân ở khu vực nông thôn như tạo ra một hệ thống năng lượng mà có thể sử dụng được những gì đã có sẵn ở nông thôn. Và chúng tôi đã tạo ra những nhà máy thủy điện cho một số khu vực nông thôn."

Chiến thuật của bà Puni là khảo sát đặc điểm từng ngôi làng, sử dụng những gì có sẵn để tìm ra nguồn nguyên liệu có thể tạo ra năng lượng. Chính vì thế mà bà có thể giúp xây dựng một nhà máy thủy điện cho ngôi làng này nhưng lại có thể hướng dẫn nông dân tạo ra gas cho ngôi làng kia bởi bà tin rằng bà có thể sử dụng những gì có sẵn trong nông thôn để làm chúng có giá trị hơn nữa. Bởi vì theo bà nếu biết cách thì chúng ta có thể tạo ra những giá trị từ những gì có sẵn.

“Tại những ngôi làng không có nước, tôi cũng có thể mang ánh sáng đến bằng cách tạo ra bio-gas (khí đốt lấy từ phân và các khí thải sinh học) bởi bio-gas cũng là một nguồn năng lượng tốt. Những nhà nào mà có trâu bò, chúng tôi cũng hướng dẫn họ tạo ra khí đốt để họ có thể nấu ăn và tạo ra ánh sáng”.

Thật thú vị là khi đến những ngôi làng hẻo lánh, chúng tôi không chỉ mang điện đến mà còn mang công nghệ đến cho họ để họ có thể tự tạo ra điện.

Bà Puni

Cứ như thế khoảng 400 ngàn người dân từ 60 ngôi làng khác nhau đã biết đến ánh sáng đèn điện. Và càng tuyệt vời hơn, cuộc sống của cư dân trong những ngôi làng ấy cũng thay đổi, không phải chỉ vì họ không còn đọc sách dưới ánh đèn mà là vì đời sống kinh tế của họ cũng sung túc nhờ vào ý tưởng thông minh của bà Puni:

“Thật thú vị là khi đến những ngôi làng hẻo lánh, chúng tôi không chỉ mang điện đến mà còn mang công nghệ đến cho họ để họ có thể tự tạo ra điện. Khi họ tạo ra được điện, họ có thể bán điện ra bên ngoài để cải thiện kinh tế cho bà con”.

Và nhờ bán điện cho công ty điện lực quốc gia, nhiều ngôi làng trước đây hoang sơ hẻo lánh mà người dân phải chèo đò để di chuyển; bây giờ lại có thể thu nhập 5 đến 7 ngàn đô la 1 tháng. Nếu chỉ giúp mang điện đến cho người dân, bà Puni đã không trở thành 1 người đặc biệt đến nỗi Tổng thống Hoa Kỳ phải nói về bà trong hội nghị G20 năm ngoái. Bà Puni còn được nói đến vì cách bà mang ánh sáng văn hóa đến cho trẻ em nghèo:

“Chúng tôi tụ họp các thành viên của ngôi làng lại và hỏi ý kiến xem họ muốn dùng số tiền này như thế nào. Rồi họ quyết định dùng số tiền này cho trẻ em trong làng đi học. Không có lý do nào làm trẻ em nghèo không được đến trường”.

“Tôi tin rằng giáo dục là cách duy nhất có thể làm thay đổi cuộc sống con người”

Giàu lòng nhân ái

puni-250.jpg
Phóng viên Quỳnh Chi và bà Puni. RFA photo (Phóng viên Quỳnh Chi và bà Puni. RFA photo)

Thích các hoạt động tại nông thôn và yêu thương con người ở nông thôn nhưng bà Puni không hề lớn lên trên những cánh đồng. Sinh ra tại nơi thành thị, bà Puni chưa bao giờ trải qua cảnh sống trong bóng tối, thế nhưng mà biết yêu thương và chia sẻ với mọi người từ rất nhỏ:

“Khi còn nhỏ tôi theo mẹ đến những khu nhà ổ chuột để giúp những nạn nhân bị cùi hay bị bệnh về da. Lúc đó mẹ tôi là một người hoạt động xã hội. Tôi còn nhớ chính tay mình cầm bông băng thuốc đỏ để tẩy rửa vết thương cho những người nghèo này”.

Và dần dần, hình ảnh của khu nhà ổ chuột, về những con người ghẻ loét, về những trẻ em đen nhẻm đã mang đến cho bà Puni một trái tim thương người.

“Ấn tượng của những ngày giúp đỡ người dân ở khu nhà ổ chuột đã in đậm trong tôi. Tôi cứ nghĩ rằng nếu mình có thể sống có ích cho người khác thì thật tuyệt vời”.

Và cũng từ đó bà Puni mơ ước trở thành bác sĩ để có thể chữa bệnh cho người nghèo nhưng khi lớn lên, bà lại trở thành một kỹ sư kinh tế nông nghiệp. Những tưởng công việc của một kỹ sư không liên quan gì đến ước mơ ngày xưa, nhưng trái tim thương người của bà đã làm bà trở thành 1 bác sĩ gián tiếp:

"Nhưng mà bây giờ khi người ta nói với tôi rằng tôi vẫn là bác sĩ đấy thôi. Thật ra khi mang ánh sáng về các ngôi làng không có điện, chúng tôi cũng có thể mang đến dịch vụ y tế, thuốc men, vắc xin…v.v…Bởi vì khi một ngôi làng có thể tự sản xuất được điện thì họ có thể phát triển nông nghiệp nhiều hơn và có tiền nhiều hơn rồi dùng tiền đó phát triển dịch vụ y tế tại nông thôn”.

Từ năm 1992, bà Puni đã cùng chồng thành lập tổ chức phi lợi nhuận IBEKA để giúp phát triển đời sống và kinh tế vùng nông thôn. IBEKA không chỉ tạo ra điện mà còn tạo ra nguồn nước sạch, cung cấp những kênh truyền hình về trồng trọt để nông dân những vùng khô có thể trồng hoa màu mà không cần nhiều nước. Bà Puni không ngừng nghiên cứu, tìm hiểu về năng lượng tại Thái Lan, châu Phi và châu Mỹ La tinh và bà chưa bao giờ thấy mệt mỏi. Từ năm 2005, IBEKA luôn mời bạn bè quốc tế, trong đó có Việt Nam, Phillipines và các nước châu Phi tham gia những lớp huấn luyện miễn phí để họ có thể làm những việc có ích cho bà con nông dân giống như bà đã làm bởi trên thế giới, có ít nhất là 1 tỷ 600 triệu người chưa biết đến ánh sáng của đèn điện.

Ấn tượng của những ngày giúp đỡ người dân ở khu nhà ổ chuột đã in đậm trong tôi. Tôi cứ nghĩ rằng nếu mình có thể sống có ích cho người khác thì thật tuyệt vời.

Bà Puni

“Nếu có một cách nào đó mà tôi có thể làm để nâng cao đời sống nông dân, nâng cao chất lượng nông sản thì tôi sẽ làm”

Hiện tại, 80% người dân Indonesia sống dựa vào nông nghiệp và một trong những mong muốn của bà Puni và chồng là có thể xây dựng những khu công nghiệp phù hợp với vùng nông thôn:

"Tôi hy vọng nhìn thấy nông thôn Indonesia phát triển như nông thôn châu Âu hay nông thôn Hoa Kỳ vậy đó. Khi nông thôn có cơ sở vật chất tốt, có trường học tốt, bệnh viện tốt thì chẳng những đời sống bà con được nâng cao mà tôi còn chắn rằng họ sẽ thích ở nông thôn hơn. Lúc đó người ta cũng không cần đổ xô ra thành thị làm gì”.

Cổ tích thời nay

Từng là nhân viên của UNDP nghiên cứu về các vấn đề nhà ở, bà Puni cho rằng, bà tập trung giúp đỡ và phát triển nông thôn vì bà biết rằng, tại đây có tất cả mọi thứ, chỉ trừ “cơ hội”:

puni-250-2.jpg
Bà Puni. Photo by Quỳnh Chi (Bà Puni. Photo by Quỳnh Chi)

“Tại sao người ta đổ xô ra thành thị? Vì họ không tìm thấy cơ hội tại vùng sâu vùng xa. Tại sao người ta chịu sống cảnh chen chúc và bất tiện tại thành thị? Tại họ muốn tìm cơ hội. Thế thì tại sao ta không tạo ra cơ hội cho vùng nông thôn? Tôi chắc chắn rằng, với những cảnh đẹp, môi trường trong sạch và những việc làm ổn định, nhiều người sẽ không bỏ làng mạc lên thành thị làm gì”.

Tốt bụng, nhiệt tình, yêu thương con người và mang nhiều hoài bão, bà Puni đã được nông dân thế giới biết đến với nhiều giải thưởng trong đó có giải “Người hùng của môi trường” do Qũy Bảo tồn Thiên nhiên WWF trao tặng. Thế nhưng phần thưởng cao quý nhất đối với vợ chồng bà là được nhìn thấy ánh sáng chạy về mọi ngõ ngách thế giới, được nhìn thấy người dân uống những giọt nước tinh sạch và được nhìn thấy nụ cười trên gương mặt của họ:

“Chúng tôi muốn mang kiến thức, hoài bão và tấm lòng của mình đến tất cả mọi người để tất cả chúng ta có thể chung sức mang ánh sáng, mang nước sạch, mang nông sản và mang sự phát triển đến bà con nông dân. Mục tiêu cuối cùng của tôi là được nhìn thấy nông dân vui vẻ, no ấm, và đời sống sung túc”.

Tôi chắc chắn rằng, với những cảnh đẹp, môi trường trong sạch và những việc làm ổn định, nhiều người sẽ không bỏ làng mạc lên thành thị làm gì.

Bà Puni

Vừa rồi là chia sẻ của bà Tri Mumpuni, người phụ nữ thông minh, giàu lòng nhân ái đã mang đến ánh sáng cho mọi người. Điều đặc biệt là thứ ánh sáng bà mang lại không chỉ đơn giản giúp mọi người có thể nhìn thấy trong đêm tối mà ánh sáng bà mang lại là thứ ánh sáng kỳ diệu dẫn dắt trẻ em đến trường, đưa người già đến với bác sĩ và mang lúa thóc đầy bồ cho nông dân.

Chương trình “Câu chuyện hàng tuần” xin được dừng tại đây. Mời quý thính giả chia sẻ câu chuyện của mình qua email Quynhchi@rfa.org hoặc kết nối với Quỳnh Chi trên Facebook và Twitter. Xin kính chào và hẹn gặp lại quý vị vào kỳ tới.

Theo dòng thời sự: