Phải chăng “thép đã tôi thế đấy”?

Ông Nguyễn Đức Vệ - người đàn ông vượt lên quãng tối cuộc đời để rồi ngoảnh đầu thách thức số phận. Câu chuyện như thế nào, mời quý vị cùng theo dõi.
Quỳnh Chi, phóng viên RFA
2012.03.27
034_2126084-305.jpg Một người khuyết tật đang đi trên đường với đôi nạng
AFP photo

Mất đi nửa cơ thể

Là chủ hai cơ sở sửa chữa xe ô tô tại Đèo Ngang và là người sáng lập ra một trung tâm đào tạo nghề cho người khuyết tật khiến ông Nguyễn Đức Vệ luôn suy nghĩ. Cái bận rộn của ông không chỉ gói gọn trong công việc của một người quản lý nhiều công việc cùng một lúc mà đó là cái bận rộn của một người luôn phải làm công tác tư tưởng:

“Rất vất vả, nhiều người đến được vài ba hôm là nản chí, muốn về nhưng tôi cũng cố gắng giúp đỡ cho họ. Bản thân họ cũng có những khó khăn, tay chân khều khào, lưng, gối… cũng khuyết tật. Tôi dùng mọi cách khuyên nhủ họ, nói cho họ biết là phải cố gắng vượt qua vất vả thì một ngày nào đó sẽ thành công."

Cả TT đào tạo nghề và xưởng sửa chữa xe ô tô đều có người khuyết tật làm việc và chính bản thân ông Vệ cũng là người mất đi gần một nửa cơ thể. Nhiều người cho rằng cuộc đời con người bắt đầu khi vừa sinh ra, nhưng có lẽ cuộc đời ông Vệ chỉ thực sự bắt đầu khi ông được hơn 20 tuổi, cách đây 20 năm.

Hai mươi năm trước, là một người lanh lẹ, ông Nguyễn Đức Vệ trở thành một thanh niên bí thư đoàn xông xáo của thôn. Có lẽ ông Vệ sẽ xây dựng một gia đình đầm ấm bình thường như bao thanh niên khác nếu quả bom còn sót lại sau nhà không nổ trong một lần ông cuốc đất. Quả bom sót lại sau chiến tranh nổ tung, lấy đi vĩnh viễn của ông Vệ hai cánh tay và một chân. Nhưng quan trọng hơn hết, nó lấy đi tất cả niềm tin và hy vọng vào cuộc sống của ông.

Lúc tai nạn xảy ra, đứa con trai của ông vừa tròn 7 tháng tuổi, chưa dứt sữa mẹ và mới biết quen mùi của cha. Thế mà tỉnh dậy trên giường bệnh, ông Vệ còn ngơ ngáo hơn chính đứa con của mình. Nhìn cơ thể chỉ còn một nửa, ông hết sững sờ lại không tin sự thật. Rồi ông lại phải tin, lại tức, lại khóc và lại “điên” và tìm đến cái chết. Mẹ ông Vệ, bà Hiền nhớ lại:

“Khi con tôi bị như thế thì tôi nuôi mà cứ nghĩ là khi xưa nó lành lặn còn bây chừ lại như thế. Những lúc như thế là tôi tủi thân và ngồi khóc mà không biết nói với ai”.

Khi tỉnh dậy thì cũng rất muốn chết. Nhiều lần tôi đã muốn nhảy lầu chết. Nhưng cũng vì con cái, gia đình nên không chết được. Phải sống để làm ăn.

Ông Nguyễn Đức Vệ

Chỉ trong vài tháng điều trị tại bệnh viện, có đến ba lần ông Vệ tìm đến cái chết. Hai lần đầu ông Vệ được người nhà và bệnh viện ngăn cản. Lần thứ ba, ông ngăn cản chính bản thân mình khi nghe tiếng khóc của một em bé trong bệnh viện. Và thế là ông Vệ quyết định phải sống, phải sống với vợ con.

“Khi tỉnh dậy thì cũng rất muốn chết. Nhiều lần tôi đã muốn nhảy lầu chết. Nhưng cũng vì con cái, gia đình nên không chết được. Phải sống để làm ăn”.

Nhưng lúc ông Vệ quyết định sống cũng là lúc ông chết lần thứ hai khi hay tin vợ đã bỏ đi. Ngày trở về nhà từ bệnh viện, ông Vệ bơ vơ nhìn đứa con lăn lóc, khóc ngao ngao trên sàn đất. Nhìn mẹ già, cha bị mù một mắt, con còn hôi sữa và bản thân không lành lặn, ông chỉ biết đấm mạnh hai cùi tay vào tường đến bật máu. Bà Hiền nói tiếp:

"Lúc đó Vệ nói với tôi là 1-2 năm là nó chết thôi. Tôi động viên nó là bản thân nó đã bị thiệt thòi thì trước sau cũng như thế. Tôi khuyên nó cố gắng sống với con vì mẹ nó bỏ đi rồi thì ông bà cũng không làm gì được. Vợ chồng tôi lúc nào nước mắt cũng chảy để động viên nó. Lúc đó bạn bè lúc nào cũng đến hát hò nhảy múa để làm nó vui, động viên nó”.

Phải sống vì con

000_Del237358-250.jpg
Ảnh minh họa người khuyết tật trên một sân bóng ở Sri Lanka. AFP
Ảnh minh họa người khuyết tật trên một sân bóng ở Sri Lanka. AFP
Trầm ngâm nhớ lại quá khứ, ông Vệ tiếp lời:

“Hồi xưa tôi cũng có nhiều lúc chán nản lắm, chỉ muốn chết thôi. Nhưng khi gia đình, xã hội động viên thì tôi phải sống nhưng phải sống thế nào để người khác không phải lo lắng cho mình”.

Có lẽ khi trái bóng đã đụng đáy, nó chỉ có thể đi lên. Khi người ta đã đi đến tận đáy của bước đường cùng, người ta chỉ có thể vực dậy. Và ông Vệ đã đứng dậy như thế. Ông đứng dậy sau khi số phận không cho ông đủ hành trang để bước trên đường; đứng dậy sau khi đã buông xuôi và đứng dậy sau một đêm hành hạ chính bản thân mình đến điên dại. Và ông quyết tâm “cãi số”:

“Ban đầu thì cũng chẳng có vốn để làm ăn vì cha mẹ nghèo. Tôi vay mượn, xin hàng xóm được 500 ngàn đồng rồi mở một cái quán nhỏ bên lề đường để bán quà bánh. Tôi lại buôn củi… nói chung đủ hết”.

Cho đến bây giờ, ông Vệ vẫn còn nhớ như in cái ngày ông lê tấm thân khó nhọc gõ cửa từng nhà để xin từng đồng, mượn từng cắc. Mỗi nhà 5 ngàn, 10 ngàn và ngày cuối cùng cầm 500 ngàn trên tay, ông vừa mừng vừa mân mê, mặc dù chưa biết phải làm gì với nó. Lúc đó, trong đầu ông Vệ chỉ có một mục tiêu duy nhất là làm cho số tiền này sinh sôi nảy nở gấp trăm thậm chí gấp ngàn lần.

Việc đầu tiên ông Vệ làm làm là biến những phần cơ thể tưởng vô dụng thành hữu ích. Ông dùng hai ống sắt đút hai cánh tay cụt vào để nối dài hai cánh tay. Những ngày đầu, hai cánh tay bị lõi sắt cắt nát nhừ, phun máu. Ông quyết chí nhét vải vào sử dụng tiếp vì biết rằng chỉ có nối dài hai cánh tay mới có thể tự tập đi được mà không cần xe lăn. Ngày ông Vệ sử dụng được hai cái nạng để đi đứng, cũng là lúc hai cánh tay cụt chai sạn không cảm giác. Bà Hiền kể lại:

“Khi Vệ bị tai nạn là lúc con nó được 7 tháng. Sau này mẹ đứa nhỏ bỏ đi. Lúc đó chúng tôi nghĩ là sẽ nuôi hai cha con nó suốt đời. Nhưng sau này không biết vì sao Vệ có suy nghĩ muốn làm ăn. Lúc đó tôi và ông xã đã mừng”.

Rồi ông Vệ quyết chí đi buôn. Thoạt tiên, ông mở một quán nhỏ bên đường buôn bán đủ thứ: từ quả ớt, bó củi đến phế liệu… Nói chung, ông mua và bán tất cả thứ gì có thể đẻ ra tiền. Cứ như thế, một đồng lời là ông dồn hết vào vốn, chắt mót từng xu lẻ.

“Mình cũng phải cố gắng bươn chải, chắt mót từng đồng để làm nên sự nghiệp”, ông Vệ chia sẻ.

Những năm 90, khi thôn chưa có điện, ông Vệ mua máy phát điện phát sáng và thu tiền trong cả xóm. Khi bà con quen với đèn điện, ông lại mua ti vi, đầu máy về chiếu phim, thu tiền vé và bán thêm quà bánh trong mỗi đêm chiếu. Mỗi tối, sau những xuất chiếu phim, cha con ông Vệ lại đếm từng đồng lẻ và mừng rơn. Cứ như thế, số tiền vốn 500 ngàn đồng ngày nào đã lên cả chục triệu với niềm vui của hai cha con.

Năm 1996, hai cha con ông Vệ ra Vinh để ghép tay nhân tạo. Chuyến điều trị kéo dài, khi không còn tiền, hai cha con xin cơm thừa bệnh viện ăn cầm chừng. Vận may đến với ông Vệ khi một tổ chức nhân đạo của Mỹ đã nối cho anh hai cánh tay với các ngón tay bằng sắt. Hai cánh tay này có thể hoạt động như hai cánh tay người; chỉ có điều để làm được điều đó, người sử dụng nó phải có một ý chí kiên cường và bền bỉ tập luyện.

Nhạy bén trong kinh doanh

baobinhdinh-250.jpg
Người khuyết tật tại Việt Nam đang lao động thủ công, ảnh minh họa. Photo courtesy of baobinhdinh
Người khuyết tật tại Việt Nam đang lao động thủ công, ảnh minh họa. Photo courtesy of baobinhdinh
Ngày ráp xong đôi tay nhân tạo, ông Vệ chỉ có thể viết được chữ “Cám ơn bác sĩ” nguệch ngoạc như đứa trẻ lên năm. Những ngày đầu tập làm quen với đôi tay, ông Vệ lêu khêu đánh vỡ tất cả những gì nằm trong bàn tay sắt. Có những đêm ông thức đến sáng chỉ để tập rót một chén trà. Tuy nhiên, trời đã không phụ lòng người, sau một thời gian, ông sử dụng bàn tay nhân tạo thành thục như một phần thân thể mình.

Lúc đó cũng là lúc ông Vệ bắt đầu làm ăn lớn hơn:

“Khi có điện rồi thì chuyển qua nghề sửa điện tử. Khi dân cư phát triển, tôi chuyển sang nghề lái xe công nông. Sau khi dân sắm nhiều xe quá, tôi lại chuyển sang sửa xe công nông và ráp xe. Sau đó một thời gian, tôi lại làm thêm công việc nhận thầu xây dựng và mở xưởng sửa xe ô tô”.

Công việc của ông Vệ cứ như thế phát triển. Lãi đẻ lãi, góp thành vốn lớn hơn và lại đẻ lãi lớn hơn. Có một điều thú vị là ông luôn biết thức thời trong công việc và luôn là người đầu tiên mang đến những dịch vụ mới tại xã Quảng Đông.

“Nói chung khi vất vả thì mình phải tự học từ xã hội. Cái khó nó ló cái khôn. Làm ăn thì có sự ngạy bén xã hội thôi”, ông Vệ vui vẻ chia sẻ.

Cứ như thế, hai mươi năm trôi qua, từ 500 ngàn đồng và một ý chí sắt đá ngày xưa, ông Vệ đã tạo ra hai cơ sở sửa chữa xe ô tô. Cuộc sống không chỉ mang đến cho ông khả năng nhạy bén trong thương trường mà còn bồi đắp cho ông một trái tim nhân hậu. Năm 2011, ông mở một trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật. Những người đến với ông Vệ không một ai lành lặn nhưng những cây nến, những bó nhang họ làm ra thì luôn trơn tru, thẳng tắp.

Nói chung khi vất vả thì mình phải tự học từ xã hội. Cái khó nó ló cái khôn. Làm ăn thì có sự ngạy bén xã hội thôi.

Ông Nguyễn Đức Vệ

“Tôi lăn lộn cuộc đời nhiều quá nên cũng mong muốn những người cùng cảnh ngộ vượt lên số phận. Bởi nhiều khi những người khuyết tật cũng có những cái rất vui và rất buồn. Tôi muốn động viên những người khuyết tật vượt qua số phận giống như tôi”.

Hai mươi năm trôi qua, ông Vệ sử dụng bàn tay nhân tạo và cái nạng thành thạo như chính phần cơ thể của mình. Ông đã vất vả bước qua phần đời đầy gian khó và ngạo nghễ trước sự thách thức của số phận để rồi đôi khi nghĩ lại, ông khinh bỉ chính bản thân ông của ngày xưa:

“Nhiều khi tôi nghĩ nếu ngày xưa tôi chết đi thì bây giờ sẽ chẳng có ai biết mình. Thế nên sống thì phải bươn chải để vượt qua số phận. Tôi phải tự động viên tôi để sống vui vẻ chan hòa. Còn dù giàu hay nghèo thì cũng sống qua một cuộc sống thế thôi. Một người tàn tật cố gắng vượt qua số phận, mình có cố gắng thì xã hội sẽ cố gắng theo mình”.

Trong những câu chuyện về tâm hồn cao đẹp, có một câu chuyện về một cậu bé bị mất đi cánh tay phải trong một tai nạn. Cậu bé đã gào thét và thất vọng tột cùng và cho rằng mình sẽ vĩnh viễn trở thành người vô dụng. Nhưng người y tá bệnh viện đã cột tay phải của mình lại và làm tất cả mọi thứ bằng tay trái của mình để chứng minh rằng cậu bé đã sai. Kết thúc câu chuyện, cậu bé bắt đầu sử dụng tay trái của mình để biến nó thành cánh tay có ích.

Ông Nguyễn Đức Vệ không phải là một nhân vật trong bất cứ câu chuyện nào nhưng đủ trở thành một huyền thoại về nghị lực sống cho bất cứ ai. Ông cũng chưa bao giờ được công nhận là một người thành công. Thế nhưng, có thể lắm rồi câu chuyện của ông sẽ tạo ra những người thành công. 

Liên lạc với tác giả tại: Quynhchi@rfa.org

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.