Người cha 6 lần thắt ruột chôn con
2011.08.22
Vui vì ít ra họ còn được nhớ đến giữa muôn ngàn bộn bề cuộc sống. Buồn vì hơn ai hết họ hiểu rằng sau cơ thể khó được coi là trọn ấy là những nỗi lòng chẳng biết giấu vào đâu.
Quỳnh Chi mời quý vị nghe câu chuyện của ông Nguyễn Văn Đính, người thắt ruột 6 lần đào hố chôn con vì di chứng của chất độc màu da cam mà ông mang trong mình.
Tre già khóc măng non
Xóm Hậu Thành 1, xã Tây Thành nằm lọt thõm giữa cái huyện núi đá khô khốc, nhỏ bé và hiu quạnh như chính cuộc đời tưởng như có thể bị lãng quên của ông Đính. Ông Đính tuổi gần 60, vóc người đậm, da đen và khô hoắc. Trên những thớ da nhăn nheo của ông Đính là chi chít như những bụi cây khô của huyện miền núi ấy là những cục u của xương cứ thi nhau mọc trên cơ thể.
Dường như cái cơ thể tưởng lành lặn nhưng khiếm khuyết ấy không thể che giấu được hết nỗi lòng của ông, để hễ mỗi khi có ai nhắc đến là mắt ông lại long lên và giọng lại run run như không vững: “Tôi có mười hai người con, mất 6 đứa; trong đó có một đứa mới 7 tháng tuổi. Các đứa con chết đi đứa lớn nhất là 16 tuổi và nhỏ nhất là một tuổi”.
Mười hai người con, 5 đứa chết khi còn thơ và một đứa chết trong bụng, “đều là con trai đó cô phóng viên” là tất cả những gì ông có thể nhớ về những đứa con bạc phước. Đã nhiều lần tự tay đào hố chôn con đến nỗi ông không còn nhớ được năm sinh, năm mất hay họ tên của các con mình. Để rồi mỗi khi có ai hỏi đến chi tiết ấy, ông Đính lại vội vã lấy cuốn sổ tay cũ kỹ ra xem lại.
Cuốn sổ tay này có rất nhiều kỷ niệm đối với ông vì những dòng chữ đầu tiên ông ghi vào sổ là “con trai Nguyễn Văn Tạo, sinh năm 1983, mất năm 1992”. Sau dòng ấy, người ta còn thấy 5 dòng nữa với thông tin về những đứa con đã yên nghỉ một nơi nào xa lắm. Đứa con chết trong bụng mẹ cũng chưa kịp đặt tên, ông chỉ ghi “con trai, 7 tháng tuổi”.
Ông Đính nhìn vào sổ đọc tên con, mỗi lần cái tên mới được xướng lên là mỗi lần tim ông thắt lại, “đâu có nỗi đau nào bằng cảnh tre già khóc măng non phải không cô?”. Câu hỏi của ông Đính chỉ có thể làm người ta im lặng. Ông Đính nói về nỗi đau của mình, giọng ngập ngừng nửa như cam chịu, nửa như tủi phận. Mắt ông nhíu lại nhưng không thấy được giọt nước mắt nào, làm người ta cũng không biết ông đang cười hay khóc. Có lẽ chính bản thân ông cũng không biết nên cười hay nên khóc:
“Nói chung con mất đi thì thực sự tôi rất buồn. Buồn một phần vì hy sinh cho đất nước mà gia đình bị hẩm hiu thiệt thòi như vậy. Biết nó là trách nhiệm với đất nước nhưng mà khi các bác sĩ chẩn đoán bệnh của các con tôi không chữa được thì tôi rất buồn .”
Năm 1974, ông Đính khoác áo bộ đội, hoạt động tại các trận tuyến miền tây Quảng Trị, Quảng Nam, Đà Nẵng vì cái lý tưởng cao đẹp của một người lính thực thụ. Ông bồi hồi nhớ lại:
“Khi đất nước có chiến tranh thì không phải tôi mà ai cũng lên đường. Lúc ấy bom đạn quá nhiều. Nói chung là tôi thấy chết chóc quá nhiều nên về tình cảm cũng muốn đi để kết thúc chiến tranh”.
Từng chứng kiến người thân chết vì chiến tranh, ông Đính ra trận chỉ mong chiến tranh kết thúc sớm để bớt cảnh đạn bay máu đổ cho dân tộc, để cứu mạng sống người khác. Thế nhưng cũng từ đó, ông bị nhiễm chất dioxin mà sau này nó trở thành cái án tử cho tương lai và gia đình.
Năm 1978, ông Đính cũng tiếp tục hòa mình vào lớp người tham gia các cuộc chiến bảo vệ biên giới. Trước khi đi, ông chỉ kịp dạm hỏi người con gái cùng thôn mà ông hằng để ý. Năm 1981, sau khi tiếng súng đã ngừng vang trên biên giới, ông trở về cái thôn Hậu Thành 1 bé nhỏ, mơ về một mái nhà mà nơi đó tiếng trẻ thơ sẽ mãi tràn đầy:
“Tôi nghĩ là chiến tranh đã kết thúc rồi nên cũng bắt đầu xây dựng cuộc sống gia đình. Năm 1978 tôi dạm hỏi nhưng năm 1981 mới cưới sau khi tôi mãn lính. Trong lúc tôi đi lính mấy năm mọi người đồn tôi chết rồi, nhưng bà xã tôi vẫn chờ tôi”.
Những đứa con bạc mệnh
Thế nhưng, ước mơ đó của ông Đính và vợ, bà Hoàng Thị Điểm có lẽ chỉ là một thứ gì đó rất xa xỉ. Các con ông đều chết vì ảnh hưởng của chất dioxin khi chưa bước đến tuổi 17, qua các di chứng như: xuất huyết tiểu cầu, tràn dịch màng bụng, bầm tím da, lở loét, phù toàn thân, vỡ u ở đầu, hoại thận….
Năm lần ông mang con đi viện, là 4 lần phải tự đón xe mang xác con về, trừ đứa nhỏ chết trong bụng khi chỉ mới kịp tượng hình và đứa con trai 16 mất tại nhà sau khi xuất viện được mười hôm:
“Sáu đứa con đều chết trên tay tôi cả, 4 đứa chết tại bệnh viện, và 2 đứa chết tại nhà. Tôi cũng lanh lẹ, mạnh dạn hơn vợ nên lúc nào tôi cũng là người lo cho con đi viện. Năm 2009, sau khi bác sĩ báo là không cứu được bệnh cho con tôi thì lúc đó tiền túi cũng cạn. Tôi đành bán điện thoại rồi kêu xe đưa con về”.
Nguyễn Văn Đạt, đứa con trai mất cách đây 2 năm, khi vừa tròn 16 tuổi, là cậu bé thông minh, ham học và có năng khiếu về hội họa, từng là niềm hy vọng của ông. Những cơn bạo bịnh đã làm cậu bé học trễ đi so với tuổi của mình. Chính vì thế mà gần 16 tuổi, Đạt chỉ lẹt đẹt ở lớp 8:
“Cháu Đạt sức khỏe kém nên cứ đi viện suốt. Một năm nó học được chỉ vài tháng thôi. Trước khi mất, nó đi bệnh viện một đợt kéo dài hơn 3 tháng. Sau khi bác sĩ bảo không chữa được tôi mang về nhà thì 10 ngày sau là nó mất”.
Tôi có mười hai người con, mất 6 đứa; trong đó có một đứa mới 7 tháng tuổi. Các đứa con chết đi đứa lớn nhất là 16 tuổi và nhỏ nhất là một tuổi.
Ông Nguyễn Văn Đính
Có lẽ cái chết của Đạt là một cú đánh khiến gia đình ông Đính quỵ ngã. Mỗi lần nhắc lại là ông nhớ như in những ngày nhìn con đau đớn trên giường bệnh, những ngày ông lót chiếu ngủ bên cạnh con trong bệnh viện và những ngày ông chỉ ăn một lần mỗi ngày vì để dành tiền mua bánh bao cho con.
Cũng sau cái chết của các con, trí nhớ bà Điểm cũng giảm hẳn. Trí nhớ của bà lúc này là những mảnh ghép không toàn vẹn của quá khứ. Thế nhưng cái ước mơ trước khi chết của Đạt và cái cảm giác nhìn con trút từng hơi thở cuối cùng là mảnh ký ức mà bà không sao quên được:
“Bây giờ trí nhớ tôi giảm sút lắm, không nhớ được nhiều. Nhưng mà tôi nhớ con. Thằng bé mới mất năm 2009, học lớp 8 hay nói là nó thích học vẽ. Mỗi khi nó kể rằng nó đi viện rất đau là tôi xót xa trong bụng. Khi nó mất là tôi ngất luôn”.
Những đứa con ông Đính mất đi, đánh một dấu chấm hết cho những số phần bạc mệnh. Thế nhưng, không ai biết nó có phải là dấu chấm hết cho những bất hạnh gia đình này. Người con lớn nhất, năm nay 30 tuổi, là hy vọng nối dõi tông đường nhưng cũng không thoát khỏi ảnh hưởng của chất độc da cam. Anh bị liệt bả vai bẩm sinh và đứa con anh sinh ra (cháu nội ông Đính) cũng có những triệu chứng lạ.
Cuộc sống bấp bênh
Còn đứa con trai út của ông Đính chỉ mới 8 tuổi nhưng lại bị chứng tiều tụy, máu không đông và bầm tím cơ thể - những triệu chứng mà chỉ có thể làm ông Đính nghĩ đến những đứa con đã vĩnh viễn ra đi. Và đó là nỗi ám ảnh của ông bởi ông hiểu rằng một khi ông mất đi, đàn con sẽ là một gánh nặng quá lớn cho người vợ quanh năm chỉ biết bưng biền. Nói về bệnh tình của mình, ông Đính thật thà nói:
“Xương bị u như thế thì tôi cũng không đi khám nên không biết chính xác bệnh gì. Nhưng mà tôi có một người chiến đấu chung cũng bị như thế và đã chết”.
Nhìn ông Đính, với cái dáng khắc khổ và ánh nhìn nặng trĩu, có thể tưởng tượng được vui sướng chưa bao giờ về trọn vẹn với người đàn ông này. Những năm sau chiến tranh, bỏ bá súng khỏi vai là lúc ông đặt trên vai mình những buổi kéo cày nặng nhọc trên vùng đất khô cằn.
Hai sào 8 thước ruộng với mười ba miệng ăn là một gánh nặng quá lớn. Có lúc cực chẳng đã, ông phải vào Nam bán sức lao động đổi gạo cho gia đình. Chất dioxin trong người đã lấy đi của ông những năm tháng tuổi trẻ nhanh hơn bất kỳ một người nào đi qua thời gian.
Những nhọc nhằn của nghề cửu vạn trở nên quá sức với ông Đính. Ông đành về quê gói ghém cuộc sống vào 1 triệu đồng tiền hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam và 30 ngàn đồng kiếm được mỗi ngày từ việc chữa bệnh thú y. Mới thấy con sông Đào từ thời Pháp thuộc và hai con kênh Vách Nam và Vách Bắc của vựa lúa Yên Thành cũng không giúp được ông trong cái xã nghèo này: “Làm ăn bấp bõm lắm, vì ruộng ở đây là miền rừng núi, phụ thuộc nước. Có năm thì hòa vốn, có năm lại lỗ”.
Làm ăn bấp bõm lắm, vì ruộng ở đây là miền rừng núi, phụ thuộc nước. Có năm thì hòa vốn, có năm lại lỗ.
Ông Nguyễn Văn Đính
Sự ra đi lần lượt của những đứa con đã làm ông trở bên suy sụp. Ông gượng sống với nỗi đau như chính cái căn nhà 30 tuổi đời xập xệ của ông đang gượng dậy trong cái mưa lũ miền Trung. Căn nhà hai gian bằng đá vôi, là quà cưới của ba mẹ ông, cũng bị mối ăn theo năm tháng. Phần sau nhà đã sập phía đuôi, liệu ông Đính còn có thể gắng gượng?
Mời quý thính giả đóng góp ý kiến tại email: QUYNHCHI@RFA.ORG