Ted Williams - giọng nói thay đổi cuộc đời
2011.10.03
Yêu nghề phát thanh
Ted Williams, một người vô gia cư kiếm sống nghề hành khất đã không còn là một người hành khất bình thường, sau khi một phóng viên phát hiện ông có giọng nói thiên phú.
Cuối tháng 10 năm ngoái, khi Doral Chenoweth, một phóng viên của tờ Dispath Columbus đang lái xe trên một tuyến đường thuộc Columbus, Ohio, Hoa Kỳ thì chú ý đến một hành khất bẩn thỉu đang đứng xin tiền tại một chốt đèn giao thông. Người hành khất này cầm một tấm bảng cac-tong to bằng 2 gang tay, ghi dòng chữ viết tay ngoằn ngoèo “Tôi có giọng nói thiên phú”.
Tò mò, người phóng viên trờ xe đến và yêu cầu người hành khất này đọc thử một đoạn văn. Quả thật khi giọng nói của người hành khát này cất lên, đã gây kinh ngạc cho người phóng viên vì sau chiếc áo cũ kĩ lâu ngày không giặt và sau mái tóc hoang dại, là một giọng nói trầm, mượt mà như một phát thanh viên chuyên nghiệp. Người hành khất ấy tên là Ted Williams.
Theo ông Ted, khi còn là một cậu bé tại New York, năm 14 tuổi ông đã nghe radio và rất yêu thích giọng nói của các phát thanh viên. Trong một chuyến đi thực tế dành cho học sinh, ông Ted đến đài radio này và rất bất ngờ vì ngoại hình của các phát thanh viên ở đây không như ông tưởng tượng. Tuy nhiên, nơi đây lại là nơi truyền cảm hứng cho ông Ted nuôi mộng trở thành phát thanh viên khi ông trưởng thành. Ông Ted nói trong đoạn clip của báo Dispath Columbus.
“Tôi sinh ra và lớn lên ở Brooklyn, New York. Khi 14 tuổi, tôi bắt đầu nghe một phát thanh viên địa phương trên radio. Trong một lần ghé đài radio này và gặp phát thanh viên ấy. Và ngoại hình của người ấy thật không hề đi đôi với giọng nói của mình. Tôi đã hỏi chuyện và được ông ta trả lời rằng radio là cái rạp hát trong tưởng tượng. Và khi ông ta nói như thế, tôi nảy ra suy nghĩ rằng nếu mình không được trở thành một diễn viên, không có tố chất để lên TV nhưng giọng nói là cái trời ban và sẽ phát triển theo năm tháng”.
Tôi suy nghĩ rằng nếu mình không được trở thành một diễn viên, không có tố chất để lên TV nhưng giọng nói là cái trời ban và sẽ phát triển theo năm tháng.
Ted Williams
Khi ngoài 20, nhớ đến lời động viên của người phát thanh viên này, ông Ted tham dự một lớp học về kỹ năng phát thanh. Tại đây, ông Ted được đào tạo cách phát âm tròn vành rõ chữ. Tuy nhiên, ông Ted cũng không phát triển thêm việc học để trở thành phát thanh viên chuyên nghiệp mà chỉ dừng lại tại đó. Có lẽ vì thế mà cũng chẳng ai biết đến giọng nói “thiên phú” của ông mãi cho đến hơn 25 năm sau.
Đoạn phim ngắn dài chưa đến 2 phút ghi lại cảnh ông Ted khoe giọng nói của mình đã được người phóng viên đăng tải trên website của tờ báo vào tháng 1 năm nay. Liền sau đó, đoạn phim này được đăng tải lại trên YouTube và nhanh chóng truyền đi trong cộng đồng mạng.
Chỉ trong vòng 2 ngày, đoạn clip này đã có đến hơn 10 triệu lượt xem, làm nhiều người không khỏi bất ngờ. Trong một cuộc trao đổi với đài MSNBC, phóng viên Doral Chenoweth cũng cho biết:
“Khi quay đoạn clip ấy tôi cũng không nghĩ là nó sẽ gây tiếng vang như thế. Tôi chỉ nghĩ là Ted có một giọng nói hay nên làm một cái đoạn video clip vậy thôi. Nhưng không ngờ phản ứng từ khán giả lại mạnh đến vậy.”
Làm lại cuộc đời
Ngay cả mẹ của ông Ted cũng không tin nổi vào mắt mình khi nhìn thấy đoạn video clip của ông Ted trên mạng. Bà nói trong một cuộc phỏng vấn với RT, mẹ ông Ted, bà Juila cho biết:
“Ted gọi cho tôi nhân dịp sinh nhật của tôi. Ted nghĩ là tôi 92 tuổi, nhưng thật ra tôi chỉ 90 tuổi thôi. Ted từng có một nghề nghiệp rất tốt, một gia đình, nhưng rồi Ted dính vào ma túy rồi tiêu tan cả. Lúc ấy tôi đã cầu nguyện rất nhiều nhưng có lẽ những lời cầu nguyện của tôi đã không thấu được Chúa. Rồi tôi được xem một đoạn clip gọi là “Người đàn ông với giọng nói vàng” mà không biết đó là ai. Người ta nói đó là con tôi. Ôi trời ơi”.
Trước khi trở thành hành khất, sống tại những trạm xăng bỏ hoang, ông Ted Williams cũng có một nghề nghiệp ổn định, từng phục vụ trong quân đội và có một cơ ngơi kinh doanh riêng. Theo ông Ted, sự nghiệp của ông sụp đổ từ năm 1996 do rượu chè và ma túy, cùng những thua lỗ trong kinh doanh. Sau đó, ông cũng đã bị bắt đến 7 lần vì tội trộm cắp, sử dụng ma túy và cướp giật. Sau khi sa cơ thất thế, ông Ted trôi dạt nhiều nơi, trở thành tội phạm sống tại những ngôi nhà hoang và đứng tại các chốt giao thông xin tiền người qua lại.
Và ông đã nghĩ đến việc sử dụng tài năng của mình để xin tiền. Trả lời trong một cuộc phỏng vấn với đài ABC, ông nói:
“Tôi đứng ở các góc đường, cầm một tấm bản bằng cạc-tông với vài dòng giới thiệu về mình với hy vọng có ai đó sẽ chạy qua và thuê tôi đọc một vài đoạn thoại trên radio của họ.”
Hằng ngày, ông Ted cầm tấm biển xin từng xu lẻ, với hy vọng có ai biết đến giọng nói của ông và thuê ông lồng tiếng cho một đoạn quảng cáo nào đó. Nhưng ông không ngờ, khi người ta biết đến giọng nói của ông, cũng là lúc ông nhận được những lời mời từ các hãng truyền thông lớn nhất thế giới.
Chỉ hai ngày sau khi clip ấy lan tỏa trên mạng, rất nhiều công ty và hãng truyền thông gọi điện cho người phóng viên để tìm tông tích người hành khất. Ông Ted bắt đầu nhận được các lời mời trở thành nhân viên chính thức từ Kraft Foods, Cleveland Cavaliers, MSNBC…Sau bao nhiêu năm không có nổi một cái nhà che nắng che mưa, ông đã được Cleveland Cavaliers thuê làm người đọc tin thể thao và tặng một căn nhà để ở. Mọi chuyện xảy ra một cách quá nhanh và quá nhiều. Chỉ sau hai ngày, ông đã trở thành một người hoàn toàn khác. Đối với ông Ted, có được một nơi an cư, một công việc phát thanh tại những hãng truyền thông nổi tiếng trên thế giới là điều không thể ngờ.
Ông Ted chia sẻ trên đài CBS về niềm vui này:
“Thật là bất ngờ và không thốt được nên lời. Có quá nhiều điều tôi muốn nói. Người ta nói rằng chuyện của tôi giống như của bà Susan Boyce vậy đó…Tôi thật sự rất vui”.
Tuy nhiên, sau nhiều năm nghiện ma túy và rượu chè, ông Ted trở nên dễ xúc động. Chính vì thế, vào tháng 5 năm nay, ông Ted được một trong những xướng ngôn viên nổi tiếng tại Hoa Kỳ, Phil McGraw (trong talkshow Dr. Phil) hỗ trợ và vào trung tâm phục hồi nhân phẩm. Tháng 8 vừa qua, ông Ted hoàn thành chương trình 90 ngày phục hồi nhân phẩm và trở về cuộc sống bình thường:
Điểm khác biệt duy nhất giữa bây giờ và những ngày thành công của tôi trong quá khứ là tại thời điểm này tôi quý trọng cuộc sống hơn.
Ted Williams
“Tôi chỉ muốn có được một công việc, một nơi ở, nơi mà tôi có thể nấu ăn, sống có trách nhiệm và gác quá khứ sang một bên và tiếp tục những ngày tới với những gì còn lại của cuộc đời. Điểm khác biệt duy nhất giữa bây giờ và những ngày thành công của tôi trong quá khứ là tại thời điểm này tôi quý trọng cuộc sống hơn. Tôi sẽ không coi nhẹ cuộc sống của mình. Tạ ơn Chúa”.
Chuyện về ông Ted Williams, chuyện về một người từ tận cùng đáy của xã hội bỗng chốc trở thành một phát thanh viên chuyên nghiệp được nhiều người biết đến. Hiện nay vừa ra khỏi trại phục hồi nhân phẩm, những bước đi và hoạt động của ông Ted lại được nhiều người chú ý. Ông Ted xuất hiện trong chương trình “Cơ hội thứ hai trong đời”, trong đó ông cho rằng mỗi người đều xứng đáng có một cơ hội làm lại cuộc đời. Và cơ hội sẽ đến cho những người có hy vọng.
Mời quý thính giả đóng góp ý kiến và chia sẻ câu chuyện của mình với Quỳnh Chi qua email: QUYNHCHI@RFA.ORG; hoặc kết nối với Quỳnh Chi trên Facebook và Twitter.