Quá muộn để yêu nhau

Tình yêu không hẳn lúc nào cũng đến đúng lúc, để rồi khi sắp phải mất nhau, người ta mới đau xót nhận ra rằng họ còn quá ít thời gian để yêu nhau. Đó là câu chuyện về hai vợ chồng anh Chu Văn Ngọc và chị Nguyễn Thị Diễm.

0:00 / 0:00

Hai vợ chồng đều bệnh nặng

Xóm nhỏ của thôn Cộng Hoà, Ba Vì, Hà Nội không quá đìu hiu nhưng căn nhà nhỏ của gia đình anh Chu Văn Ngọc thì luôn ảm đạm. Dưới bếp, anh cặm cụi đun ấm nước cho vợ. Trên chiếc giường tre đã lỏng chân, chị Nguyễn Thị Diễm nằm nghiêng, gối đầu cao trên vài chiếc gối, thở một cách nhọc nhằn. Chị nằm đó nhưng không ngủ được, chỉ ngóng từng đợt gió lùa qua kẻ vách mà rấm rứt khóc. Anh Ngọc ái ngại cho biết, vợ mình không thể nói chuyện được vì quá mệt trong người:

“Vợ tôi yếu lắm nên không tiếp chuyện được với ai”.

Ơ ̉ cái tuổi 38, vậy mà chị Diễm phải trải qua những năm tháng cuối của cuộc đời. Cả đời chị làm lụng vất vả nuôi chồng con chưa bao giờ ốm vặt. Nhưng cách đây hơn hai tháng, chị thấy đau nhói ở ngực và đi khám mới biết mình bị ung thư thực quản giai đoạn cuối. Anh Ngọc tâm sự:

“Vợ chồng sống với nhau mười mấy năm, trong lòng thương nhau lắm mà không cách nào giải quyết cho nhau được”.

Quả thực anh Ngọc cũng chẳng thể làm gì hơn ngoài việc ôm mặt khóc cùng vợ. Bản thân anh bị bệnh thận rất nặng phải lọc máu, chạy thận 3 lần mỗi tuần. Chứng suy thận hành hạ anh hơn hai năm nay đã lấy đi hết sức lao động của anh và làm người đàn ông chưa bước vào tuổi 50 gầy gò, teo tóp như thân cây khô. Càng nhìn vợ, càng nhìn mình, anh Ngọc càng thấy bất lực và đau xót. Có lẽ trong giấc mơ bản thân anh Ngọc cũng không ngờ vợ của mình quỵ ngã trong lúc hai vợ chồng cần nhau nhất và yêu thương nhau nhất.

"Cuộc sống vợ chồng rất khó khăn. Một thời gian đầu cũng chưa hiểu nhau nên chưa hết lòng thương nhau. Nhưng đến khi vợ chồng hòa hợp, nghĩ lại để yêu thương nhau thì đều đổ bệnh cả, không sống với nhau được bao lâu nữa", anh bùi ngùi nói.

Chị Diễm và anh Ngọc đến với nhau cách đây 18 năm, khi chị vừa tròn hai mươi còn anh thì đã ba mươi. Cái nghèo đã mang hai người đến với nhau vì cùng hoàn cảnh. Cho đến lúc đổ bệnh phải nhờ vợ chăm sóc, cả đời anh Ngọc chỉ biết vôi vữa của nghề thợ hồ. Còn chị Diễm cũng chỉ quanh quẩn với một sào ruộng, hễ rảnh lúc nào là chị theo anh đạp xe đi làm phụ hồ lúc đó.

Từ lúc tôi bị bệnh là vợ chồng cùng khóc trên giường bệnh rồi. Tôi thấy buồn vì căn bệnh đến quá sớm, hai đứa con còn nhỏ quá. Bà xã lại mắc chứng bệnh ung thư thực quản giai đoạn cuối.<br/>Anh Chu Văn Ngọc

"Tất cả chỉ là một sào đất của tôi thôi chứ bà xã tôi không có một tấc đất trong tay", anh cho biết.

Cuộc sống khó khăn thiếu thốn đã làm những năm đầu hôn nhân trôi qua trong khó nhọc cùng những tiếng cãi vã trong gia đình anh chị. Tuy nhiên, tình nghĩa vợ chồng, rồi những đứa con lớn lên đã gắn bó cuộc đời anh chị vào nhau. Họ quyết định yêu thương, chăm sóc nhau và cùng nuôi con khôn lớn. Anh Ngọc chua chát tâm sự:

"Kỷ niệm vui nhất của vợ chồng là biết thương nhau, tất cả đều vì mục đích lo cho con cái, gia đình yêu thương nhau. Nhưng thời gian vợ chồng sống với nhau ngắn ngủi quá, đổ bệnh nhanh quá”.

Thương chồng đạp xe làm lụng vất vả, chị Diễm đánh bụng hỏi vay 2 triệu đồng với mơ ước mua cho anh chiếc xe máy đi làm. Ngày hai vợ chồng mua được chiếc xe máy Trung Quốc cách đây bốn năm giá bốn triệu đồng, cả hai mừng phát khóc:

“Gia đình tôi chả có gì là quí cả ngoài chiếc xe máy rất bình thường để làm phương tiện đi lại”.

Mỗi ngày, ngồi xe đi làm hồ cùng chồng, chị Diễm như thấy mình là người đàn bà hạnh phúc nhất cuộc đời. Những tưởng hạnh phúc này sẽ kéo dài để họ chứng kiến cảnh các con yên bề gia thất nhưng số phận trớ trêu như chưa buông tha cho đôi vợ chồng nghèo khó:

“Từ lúc tôi bị bệnh là vợ chồng cùng khóc trên giường bệnh rồi. Tôi thấy buồn vì căn bệnh đến quá sớm, hai đứa con còn nhỏ quá. Bà xã lại mắc chứng bệnh ung thư thực quản giai đoạn cuối”.

Chỉ hai tháng sau khi đổ bệnh, chị Diễm từ một người phụ nữ cao lớn đã trở thành người đàn bà xanh xao không thần sắc. Vừa thương thân mình, vừa thương chồng bệnh tật, con lại dại, lòng người đàn bà bất hạnh cứ như ai xát muối.

Đứa con lớn phải nghỉ học

Một phụ nữ thôn quê Việt Nam. AFP
Một phụ nữ thôn quê Việt Nam. AFP (Một phụ nữ thôn quê Việt Nam. AFP)

Thấy mẹ vật vã nôn ra máu với từng hơi thở khó nhọc còn bố thì nhăn nheo ôm mặt khóc, con bé út 7 tuổi của anh chị chỉ biết há miệng khóc theo. Anh Ngọc chua xót nói:

“Cháu đang học lớp 1, còn ngây thơ quá. Chúng tôi còn tồn tại được ngày nào thì cho con đi học ngày nấy thôi. Cháu lớn thì đã biết chuyện. Nó hay nhìn chúng tôi, xót xa và khóc. Nhưng cháu bé thì chưa biết gì cả”.

Đứa con lớn của anh chị, em Chu Thanh Long, mới 16 tuổi cũng phải nghỉ học sớm đi giúp việc cho một quán ăn từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối. Để tiết kiệm, em phải ăn ở luôn tại nhà chủ, dành hết tiền gởi cho cha mẹ.

Tuy nhiên, số lương ít ỏi 2 triệu đồng một tháng cũng chẳng thấm vào đâu so với hai căn bệnh ngặt nghèo của hai vợ chồng. Em Long cho biết, hai tháng em mới để dành được tiền về thăm bố mẹ. Mỗi lần nhìn thấy bố mẹ khó khăn, vất vả vì bệnh tật là em lại khóc:

“Lúc mẹ bị bệnh thì em với bố đã khóc. Bố mẹ em rất yêu thương đùm bọc, không vì bệnh tật mà cãi nhau. Em rất thương ba mẹ của mình, em chỉ biết cố gắng ngoan ngoãn cho ba mẹ vui”.

Thấy chị Diễm và anh Ngọc yêu thương nhau, hàng xóm ai cũng mủi lòng; người cho gạo, kẻ cho rau để sống qua ngày. Đôi lúc anh Ngọc mệt quá vì chứng bệnh thận, không chăm sóc được cho vợ; mẹ anh, năm nay đã tám mươi hai tuổi phải lọ mọ nấu nước, nấu cháo cho con mà không cầm được nước mắt. Bà nói:

“Dù nghèo khổ nhưng vẫn nuôi nấng nhau. Tôi thấy buồn lắm nhưng không làm gì được. Tôi đã già, hai đứa con lại ốm, cháu thì còn dại. Thấy cũng buồn quá’.

Cái đau đớn của anh Ngọc là thấy đó, đau đó mà không thể làm gì được. Anh chẳng những anh không gánh vác được sự đau đớn của vợ mà cũng chẳng thể làm gì cho con. Nói về tương lai của các cháu sau này, anh Ngọc chỉ biết nhìn lên trời cầu khẩn:

“Tôi rất buồn nhưng cũng chẳng làm gì được. Thôi thì cứ đánh liều được đến đâu hay đến đấy, được ngày nào hay ngày nấy. Biết cách nào để giải quyết bây giờ. Bây giờ tôi có một ước mơ duy nhất là có một phép mầu nào, hay một vị cao nhân nào chữa được bệnh cho hai vợ chồng tôi. Chỉ cầu mong khỏi bệnh để có sức khỏe để lao động để nuôi các cháu chứ chẳng mong ước gì nữa cả”.

Bố mẹ em rất yêu thương đùm bọc, không vì bệnh tật mà cãi nhau. Em rất thương ba mẹ của mình, em chỉ biết cố gắng ngoan ngoãn cho ba mẹ vui. <br/>Em Chu Thanh Long

Anh Chu Văn Ngọc tâm sự, lúc còn bé, anh cứ ngỡ đàn ông không biết khóc. Thế nhưng nhìn con cái ngơ ngác và chứng kiến vợ vật vã với căn bệnh quái ác, anh mới biết nước mắt sẽ chảy khi lòng người ta đau đớn. Đã nhiều lúc anh Ngọc muốn gác chuyện trị bệnh của mình để tập trung lo cho vợ. Nhưng mỗi lần như thế thì chị Diễm lại khóc, khuyên chồng tiếp tục đi chạy thận mà rằng "Thà một người chết vẫn hơn hai người chết". Mỗi lần như thế, anh Ngọc lại nắm tay chị mà khóc, càng cảm nhận được cái bất lực của chính bản thân.

Còn bà Linh, mẹ anh Ngọc, cũng không biết làm gì ngoại việc khóc, nhìn khóm trúc đào mà trách Trời cao “Hoa cũng đẹp, tình cũng thơ mà sao cây thì độc quá hỡi Trời…” Có lẽ, bà cũng hiểu được rằng anh Ngọc và chị Diễm cũng chẳng còn nhiều ngày để yêu nhau.

Mời quý vị chia sẻ câu chuyện của mình cũng như đóng góp ý kiến với chương trình tại email Quynhchi@rfa.org. Hoặc quý vị cũng có thể liên lạc với Quỳnh Chi qua Facebook và Twitter.

Opens in new window

Video: Việt Nam Tuần Qua 08.6.2012

Theo dòng thời sự: