Một người Đức mê đàn ca tài tử
2011.11.08
Không mang giòng máu Việt
Anh Bernard chia sẻ “Mỗi sáng đi làm, đôi lúc thấy ở ngoài trời mưa bão thì tôi mở cải lương và hát trong xe. Khi lái xe về cũng vậy, tôi cũng mở cải lương và hát trong xe.”
Cha là người Đức, mẹ là Ấn Độ, Bernard được sinh ra tại Việt Nam và sinh sống tại Sài Gòn cho đến năm 8 tuổi. Bernard kể rằng, năm 1961 một thương gia người Đức đến Sài Gòn làm việc và có tình cảm với một trong hai người quản gia người Ấn Độ của mình. Kết quả của mối tình ấy là đứa con trai ra đời năm 1962, lấy tên Bernard:
“Cha tôi người Đức, mẹ tôi là người Ấn Độ. Tôi sinh ra ở Việt Nam vào năm 1962. Đến năm 8 tuổi, tôi rời Việt Nam. Từ năm 1970 đến năm 1976, tôi ở Đức. Thời đó cộng đồng người Việt lại không nhiều nên tiếng Việt của tôi cũng mất từ đó”.
Mặc dù đang sinh sống tại Pháp, nhưng từ 4 năm nay, mỗi năm Bernard đều về Việt Nam từ 1-2 lần để tham gia đàn ca tài tử tại các tỉnh Nam bộ. Cách đây 4 năm, trong một dịp tình cờ về Mỹ Tho, khi đến một sân chơi đàn ca tài tử, phút ngẫu hứng của Bernard đã mang anh đến cộng đồng Youtube. Anh Lâm, một người trở thành bạn của “ông Tây người Đức” cho biết cơ duyên mình được nghe Bernard hát lần đầu tiên:
“Tôi gặp Bernard trong một dịp tình cờ đi dự một đám cưới ở Sài Gòn. Tôi ngồi chung bàn với Bernard và nói rằng mình là người Mỹ Tho, nơi có đờn ca tài tử. Lúc đó Bernard ngỏ ý muốn về quê tôi chơi cho biết. Khi đến Mỹ Tho thì anh Bernard hát vọng cổ, tôi bất ngờ quá và quay phim và đưa lên Youtube để chia sẻ với bạn bè. Không ngờ nhờ như thế mà nhiều người lại biết đến anh Bernard.”
Từ sau lần được hưởng ứng nhiệt tình ấy, Bernard trở về Pháp và cứ có dịp hoặc nhận được thư yêu cầu, Bernard lại về Việt Nam hát giao lưu. Bernard cho biết, để có thể hát đúng nhịp, bắt đầu hơn 1 năm nay, anh học hát ca cổ với cô Thanh Vân ở quận 18 Paris, mỗi tháng 2 ngày. Có lẽ vì quá mê cải lương mà Bernard lấy tên Việt nam là Dũng Thanh Phước, như một cách gợi nhớ đến tài năng dân ca tài tử một thời Dũng Thanh Lâm. Anh Lâm cho biết:
Cha tôi người Đức, mẹ tôi là người Ấn Độ. Tôi sinh ra ở Việt Nam vào năm 1962. Đến năm 8 tuổi, tôi rời Việt Nam.
Anh Bernard
“Ngạc nhiên lắm. Một người nước ngoài nói tiếng Việt được đã lạ rồi mà hát cải lương được thì quá lạ. Đờn ca tài tử tại Mỹ Tho bây giờ cũng mai một dần, chỉ còn ở những khu du lịch hoặc vùng sâu mà thôi. Giọng của Bernard là chuẩn Nam bộ. Dân ca tài tử tại cồn Thế Sơn còn khen anh Bernard hát hay và chuẩn nữa”.
Đó là chia sẻ của anh Lâm về tiếng hát của Bernard. Nói tiếng Việt sõi, hát cải lương điệu nghệ và mặc dù thích nghe cải lương từ 20 năm nay, ít ai biết rằng trước đó, anh Bernard không nói được tiếng Việt và xem cải lương là một môn “khó nuốt”. Anh cho biết:
“Năm 1976, tôi bắt đầu sang Pháp sống. Dần dần, có nhiều người Việt sinh sống hơn. Đến năm 1980, nhiều gia đình Việt Nam xuất hiện. Lúc đó bắt đầu xuất hiện những băng cat-sét cải lương mà dì tôi hay mua để nghe. Lúc đó tôi cũng không thích cải lương nên hễ dì tôi ngủ là tôi mở thật nhỏ để không phải nghe”.
Nhưng lại mê cải lương
Năm 1984, trong một dịp tình cờ, Bernard được một người Việt tặng một vé xem cải lương khi đoàn nghệ thuật cải lương Trần Hữu Trang qua Pháp biểu diễn:
“Tôi đi xem cải lương đầu tiên trong vở tuồng do Bạch Tuyết đóng. Khi đến rạp hát, tôi thấy nghệ sĩ mặc đồ bà ba lụa là, đờn thì dạo lên nghe buồn quá. Lúc đó tôi khóc. Tôi thấy ông Diệp Lang đóng vai ông Hội đồng và thấy ông ác quá. Lúc đó tôi muốn leo lên sân khấu đánh ông ta luôn. Lúc đó tôi bắt đầu hiểu cải lương, biết khóc và cảm động. Khi vở diễn kết thúc cũng là lúc tôi khóc khô cả cổ”.
Từ cảm xúc của vở diễn ấy, tiềm thức Bernard gợi lại những bộ đồ bà ba mà mẹ anh từng mặc ở Việt Nam, những chiếc xe Honda-dame yên dài, những chiếc xe 67 cổ ngang chạy trên các con đường nhỏ Sài Gòn:
“Từ vở diễn ấy tôi bắt đầu nhớ lại quê hương. Tôi chạy sang quận 5 Paris, đến tiệm Thanh Bình và hỏi mua cả chục băng cải lương. Lúc ấy tôi cũng không phân biệt được giọng ca nào cả. Tôi từ từ tìm hiểu và biết giọng ca từng người. Tôi thấy thích và hát nhái theo họ. Lúc ấy tiếng Việt tôi rất kém, nghe nhưng phát âm lại không đúng nên hay bị cười”.
Từ đó, Bernard bắt đầu quyết tâm rèn luyện vốn tiếng Việt mà anh đã bỏ quên từ năm 8 tuổi. Năm 23 tuổi, Bernard bắt đầu len lỏi phụ việc cho các gánh hát tại Pháp - vừa để học tiếng Việt, vừa làm quen với cải lương.
“Đến năm 1985 thì có nhiều nghệ sĩ cải lương đến tị nạn như Hữu Phước, Dũng Thanh Lâm, Minh Tâm, Tài Lương, Minh Đức, Kiều Lệ Mai…Tôi đi theo họ phụ dựng cảnh và lái xe đưa họ đi đây đó. Ba năm trời tôi làm như thế. Và trong thời gian đó tôi bắt đầu bắt chước nói lối, đọc chữ Việt khi các nghệ sĩ tập tuồng. Nhờ như thế mà tôi lấy lại được vốn tiếng Việt của mình”, anh nói.
Bernard thông thạo tiếng Pháp và tiếng Anh, vợ là người Bồ Đào Nha và có 3 người con. Gặp những người trong gia đình Bernard, đặc biệt hai cô con gái, người ta dễ có thiện cảm với khả năng nói tiếng Việt của họ. Khó ai ngờ rằng các cô gái mặc dù có màu mắt xanh, mái tóc vàng, lại nói tiếng Việt rành rọt và bắt đầu học hát cải lương như cha của mình. Bernard cho biết, anh luôn cố gắng khuyến khích gia đình của mình nói tiếng Việt khi có thể.
“Tôi nghĩ rằng nếu mình không dạy con tiếng Việt thì cũng phí vì mình có điều kiện dạy cho nó”.
Không chỉ ấn tượng tiếng hát của Bernard, những người gặp anh còn trân trọng vì sự cố gắng học hỏi của “ông Tây” này. Anh Lâm chia sẻ:
“Mặc dù Bernard nói tiếng Anh và tiếng Pháp rất chuẩn nhưng khi về Việt Nam, Bernard muốn mọi người giao tiếp bằng tiếng Việt vì Bernard muốn học hỏi thêm”.
Mỗi khi nghe nơi nào có những tài năng cải lương, Bernard luôn tìm đến để tham khảo và giao lưu. Lúc trả lời phỏng vấn của chúng tôi, Bernard đang về Việt Nam nghỉ phép 8 ngày. Anh cũng tranh thủ tìm giao lưu với những tiếng hát ngọt ngào khác. Anh nói:
“Hiện tại tôi đang ở Hóc Môn. Cách đây ba tuần tôi thấy được một clip trên mạng trong đó người ta đờn ca tài tử bằng violon. Tôi nhìn thấy và rất thích và muốn về Việt Nam tìm đến đó. Tôi định đi Tây Ninh để tìm một người đàn ca tài tử. Tôi nghe nói anh này rất độc đáo. Tôi có một người bạn rất giỏi đàn cải lương bên Pháp và bạn tôi học từ người này”.
Nếu đánh dòng chữ “Ông Tây ca cải lương” trên Youtube, người ta sẽ thấy xuất hiện nhiều clip mà trong đó Bernard hát một cách say mê và không ngần ngại trước đám đông. Anh còn để lại cả email để mọi người có thể liên lạc. Có lẽ sự nhiệt tình của Bernard chính là cầu nối dẫn anh đến bạn bè Việt Nam.
Tôi định đi Tây Ninh để tìm một người đàn ca tài tử. Tôi nghe nói anh này rất độc đáo. Tôi có một người bạn rất giỏi đàn cải lương bên Pháp và bạn tôi học từ người này.
Anh Bernard
“Dân miền Tây thì ca hát rất nhiều, phong trào cải lương hiện nay lại yếu đi. Khi thấy Bernard là người nước ngoài mà ca cải lương hay như thế thì tôi thấy hay và chia sẻ với mọi người”.
Bernard chia sẻ, mỗi khi hát lên một câu vọng cổ, một điệu hò là trong đầu anh hiện lên hình ảnh quen thuộc của Việt Nam. Anh cho rằng mặc dù không mang dòng máu Việt nhưng những giá trị văn hóa nơi đây đã mang anh đến đất nước này. Và chắc có lẽ không nhất thiết phải là người Việt mới thấy Việt Nam thật hiền hòa và đằm thắm.
Trên website của ban Việt Ngữ, mời quý vị bấm vào phần “Tạp chí” và chọn mục “Câu chuyện hằng tuần” để nghe và xem thêm các bài viết khác của Quỳnh Chi. Quỳnh Chi cũng rất mong nhận được những chia sẻ và đóng góp quý báo của quý vị tại email: QUYNHCHI@RFA.ORG.