Nơi nương tựa yên vui
Bà cụ Nguyễn Kim Liên dù đã trên tuổi “thất thập cổ lai hi” nhưng vẫn còn lang thang bán dạo trên đường phố. Để nuôi người chị bị mù, cụ phải làm tất cả những gì có thể làm, để hai chị em có thể sống. Tuy nhiên, đó chỉ là cuộc sống của bà cách đây vài năm. Bây giờ bà cụ Kim Liên có thể cùng người chị mù loà của mình và các cụ già khác mỗi ngày vui

kinh kệ, sống an nhàn trong ngôi chùa Lâm Quang, thuộc quận 8, Tp. HCM. Cụ bà tâm sự:
“Ở đây nhẹ nhàng, có thể là sướng hơn lúc ở nhà vì ở đây không thiếu thốn gì cả”.
Nằm tại bến Bình Đông, chùa Lâm Quang hằng ngày khói hương nghi ngút, tiếng kinh mõ không ngừng. Đến nơi đây, người ta thấy có một khu ở đặc biệt cho gần 120 cụ già neo đơn. Có cụ tàn tật, có cụ bị liệt không đi được, có cụ còn không nhớ nổi tên mình, nhưng kinh kệ thì đọc làu làu.
Khởi đầu từ ý tưởng yêu thương chúng sinh của Trụ trì Ni sư Thích Nữ Huệ Tuyến, mười bảy năm nay, ngôi chùa này trở thành gia đình lớn của những người già không nơi nương tựa. Vừa tụng xong hồi kinh tối, Ni sư chậm rãi cho biết lý do hình thành ý tưởng này:
“Đó là tâm nguyện của tôi. Từ nhỏ tôi ở trong chùa và được sư phụ nuôi. Tôi đã nhìn thấy những sư cô, tăng sĩ già lớn tuổi nên hiểu rằng người già cần có người được chăm nom. Ở đây tôi chỉ nhận nuôi những người không nhà, không con”.
Tận tâm tận lực
Trở thành trụ trì tại chùa Lâm Quang từ năm 1995, đó cũng là lúc ni sư Huệ Tuyến thực hiện tâm nguyện của mình. Vào một ngày cách đây 17 năm, trong một lần nhìn thấy một cụ già lang thang kiếm ăn trên phố, ni sư Huệ Tuyến không giấu được sự xót xa và đưa địa chỉ của chùa cho bà cụ. Vậy là bà cụ neo đơn đầu tiên đến với chùa Lâm Quang như thế. Gần hai thập niên trôi qua, các cụ già chỉ rời bỏ ngôi chùa này khi họ trở về với Trời Đất.
Chùa Lâm Quang có khoảng năm ni cô. Mỗi ni cô đều có chút ít kiến thức về điều dưỡng để có thể chăm sóc các cụ. Ni cô Diệu Hòa cho biết:
"Các cụ già cả, lại neo đơn nên chúng tôi xem như ông bà của mình".
Hạnh phúc của các ni cô nơi đây là được các cụ già kể chuyện ngày xưa hoặc tâm sự về chuyện đời của mình. Mỗi cụ già là mỗi cảnh đời và mỗi câu chuyện. Có cụ cứ kể mãi câu chuyện trở thành mồ côi từ nhỏ như thế nào. Có cụ rấm rứt kể về những đứa con bị thất lạc ra sao. Và có cụ cứ mỗi lần kể đến ngày bị đứa con nuôi đuổi ra khỏi nhà là nhăn mặt khóc.
Khu nhà dưỡng lão nằm trong khuôn viên chùa vừa lớn đủ để tạo sự thoải mái nhưng cũng vừa nhỏ để tạo không khí ấm cúng cho các cụ già. Mỗi cụ có riêng một ghế bố để nghi ngơi và trò chuyện với các cụ già khác. Nhiều cụ già gọi đây là một cơ ngơi khang trang vì so với những túp lều tại miền quê hay những ghế đá công viên mà các cụ từng phải sống thì nó tốt hơn nhiều lần.
Tuy nhiên, để có được một khu nhà điều dưỡng như thế, trụ trì ngôi chùa này đã phải trải qua nhiều vất vả. Sư cô Huệ Tuyến tâm sự khó khăn ban đầu:
“Một là vấn đề tài chính hai là khuôn viên của chùa cũng nhỏ quá. Nó cũng ọp ẹp lắm. Lúc đó cũng có những khó khăn nhưng thật ra tôi cũng đã làm hết khả năng của mình, từ se nhang, dệt chiếu, bán đồ chay, tổ chức hành hương và nấu chay cho đám tiệc”.
Hiện tại, vấn đề tài chính trong chùa đã dễ dàng hơn, nhưng điều đó không có nghĩa là khó khăn đã hoàn toàn bị loại bỏ. Hầu hết các cụ già nơi đây đều trên tuổi lục tuần, bị lú lẫn, nên việc chăm sóc khá khó khăn. Nhưng khó khăn nhất là việc mang các cụ đến với Phật.
“Nếu nuôi các cụ thì không phải nuôi cái tâm hoặc cái thân thôi mà phải nuôi cả tâm lẫn thân thì lúc đó mình mới hạnh phúc”.

Sư cô cho biết, câu nói mà sư cô hay nói với các cụ là “Khi mất đi, người ta chỉ có thể mang theo hai thứ: cái phước và cái tội”. Cho nên, đã động viên các cụ tụng kinh sám hối để giải nghiệt oan.
Hằng ngày, các cụ già đều mặc áo bà ba chỉnh tề tụng ba thời kinh Phật. Thời sáng vào lúc 8 giờ, thời trưa vào lúc 1 giờ và thời tối vào lúc 7 giờ tối.
"Các cụ có một câu như thế này: sống gởi "nạc" thác gởi xương. Nghĩa là sống thì ở đây nhưng chết thì cũng gởi hài cốt ở đây để nghe kinh kệ", Sư cô Huệ Tuyến cho biết.
Trọn đời để cứu khổ chỉ "do duyên"
Sống giữa các cụ già, Sư cô Huệ Tuyến đã được nghe nhiều câu chuyện của các cụ, nhưng có lẽ các cụ hiếm khi biết về câu chuyện của Sư cô.
Sinh ra tại Campuchia trong một gia đình có 13 người con. Gia đình Sư cô Huệ Tuyến được giáo huấn theo văn hóa xứ Chùa Tháp; mỗi người con phải vào chùa hiến thân ba năm để trả ơn cho cha mẹ.
Bây giờ nghĩ lại, Sư cô còn nhớ in cái ngày chín anh em của cô đồng loạt vào chùa xuống tóc để báo hiếu. Lúc đó, Sư cô mới vừa tròn năm tuổi. Sau ba năm, chỉ có ba anh em hoàn tục để lo cho cha mẹ, còn sáu người vẫn ở lại gởi mình nơi chốn thiêng liêng. Và trong số những người ở lại chùa, có Sư cô Huệ Tuyến. Khi được hỏi về lý do tại sao Sư cô không trở về cùng các anh chị em khác, Sư cô chỉ đáp khẽ “Do duyên”.
đó là nơi trái tim vô ưu, từ bi, hỉ xả bắt đầu. Và dĩ nhiên cuộc sống luôn cần những trái tim như thế<br/>
Năm 1969, gia đình Sư cô trở về Việt Nam sinh sống. Khi bố Sư cô mất sớm, cũng là lúc mẹ Sư cô cùng các anh chị em khác rũ bỏ hết bụi trần, gởi trọn thân xác và linh hồn nơi cửa Phật.
“Mình đem hạnh phúc đến cho người khác thì cũng như đem hạnh phúc đến cho mình. Phật đã dạy là “phụng sự chúng sanh tức là cúng dường chi Phật”. Lời dạy đó như kim chỉ nam để tiến đến trên con đường đạo”.
Cái duyên đã mang Sư cô đến với những người già neo đơn không nơi nương tựa. Có lẽ nó cũng là cái duyên để Sư cô trả hiếu một cách khác đi. Chính vì thế mà Sư cô chăm sóc những cụ già như thể đấng sinh thành của mình. Cụ bà Nguyễn Kim Liên nhận xét:
“Tôi rất may mắn gặp được sư phụ ở đây rất tốt. Tất cả mọi chuyện của mọi người sư phụ đều dang tay gánh hết”.
Chùa Lâm Quang như một ngôi nhà lớn của các cụ già. Mỗi lần có cụ về với Phật là mỗi lần hơn 100 người rơi nước mắt. Lúc đó, từng hồi kinh cầu siêu, cứu khổ lại vang lên với những giọng nói yếu ớt của các cụ già. Có cụ do lẫn trí, không nhớ nỗi bài kinh, nhưng vẫn ngồi đọc tên người bạn già vừa ra đi, hi vọng bạn mình sẽ sớm thoát kiếp luân hồi. Sư

cô tâm sự, có một cụ vừa ra đi, là lại thêm một người nữa Sư cô sẽ phụng sư kinh kệ:
“Không ai thích khổ cả, ai cũng muốn sướng hết nhưng những người già này là những người đã từng bươn chải. Bây giờ vì hoàn cảnh, vì sức khỏe nên họ không còn bươn chải nổi nữa. Chính vì thế họ càng đáng thương. Trước những mảnh đời như thế thì tôi cũng làm một việc gì đó nhưng có lẽ nó chỉ là muối bỏ biển thôi vì trên đời này còn nhiều người khổ lắm”.
Nhìn các cụ già đau đớn trong bệnh tật, người ta không khỏi thắc mắc các cụ sẽ sống như thế nào nếu không nương náu tại ngôi chùa nhỏ bé này?
Đối với Sư cô Huệ Tuyến, mang đến hạnh phúc cho người khác là mang đến hạnh phúc cho mình và đó là nơi trái tim vô ưu, từ bi, hỉ xả bắt đầu. Và dĩ nhiên cuộc sống luôn cần những trái tim như thế.
(Liên lạc với tác giả tại: Quynhchi@rfa.org.)