Ở thành phố Staunton thuộc tiểu bang Virginia, miền Đông Bắc Hoa Kỳ, một trường đại học nữ mang tên Mary Baldwin College có tiếng tăm vì
đây chỉ nhận những nữ sinh ưu tú nữ từ 12 tuổi trở lên với chương trình nội trú bắt buộc và kỷ luật rất nghiêm khắc.
Mùa khai giảng vào tháng mùa thu năm nay Mary Baldwin College sẽ đón một nữ sinh Mỹ gốc Việt đầu tiên là em Nguyễn Yến Vi, 13 tuổi, hiện đang học lớp 8 trung học cấp I. Em Yến Vi sẽ vào thẳng chương trình đại học mà không qua chương trình 4 năm của trung học cấp Hai như thông lệ.
Tuổi trẻ tài cao

Câu chuyện Nguyễn Yến Vi là tấm gương hiếu học và ý chí tự quyết của cô học sinh muốn làm sinh viên khi chưa được 14 tuổi. Lý do thôi thúc em chọn học ngành Y Khoa là một trường hợp đơn giản nhưng hết sức cảm động .
Với thành tích liên tục đạt điểm A và A+ trong những năm trung học cấp I, Nguyễn Yến Vi đạt đủ tiêu chuẩn được nhận vào trường điểm Thomas Jefferson về Khoa Học và Kỹ Thuật, vốn một trường trung học cấp II nổi tiếng ở Virginia, cho niên khóa tới.
Thế nhưng nhờ sự giới thiệu và khuyến khích của thầy cô trong trường, em Nguyễn Yến Vi quyết định ghi danh vào đại học Mary Baldwin chứ không tiếp tục trung học Thomas Jefferson nữa. Em muốn vào chương trình đại học sớm để trở thành sinh viên Dự Bị Y Khoa ( Pre-medical ), ra trường nịên khóa 2012 .
Vì sao Yến Vi thích học nhảy, thích đốt giai đoạn trong lúc còn quá trẻ để trở thành sinh viên như vậy? Mọi chuyện bắt đầu từ một bài báo viết về đại học Mary Baldwin. Em kể lại với Thanh Trúc:
Yến Vi:
Bà thầy giáo đem vô một tờ báo mà con đọc thấy hay rồi con nộp đơn vô. Bái báo kể chuyện con gái cỡ tuổi con đi học trường đó. Chổ đó tốt quá tại bỏ qua được trung học, ( con) lên đó là lên đại học sớm hơn.
Một lý do khác thôi thúc Yến Vi ghi danh vào đại học Mary Baldwin là vì em chỉ thích học hơn là nghĩ đến bất cứ việc gì khác ở lứa tuổi mới lớn:
Yến Vi:
Con thích học, mà
ở trong middle school ( trường trung học cấp I ) thì con thấy không hợp, tại mấy bạn thích pop stars (tài tử /diễn viên) , thích make up ( trang điểm), con không ưa mấy chuyện đó.
Thanh Trúc:
Vậy chứ Yến Vi thích cái gì?
Yến Vi:
Con chỉ thích học, đọc sách, coi movie chứ không có thích make up coi nó giả quá …
Để được Mary Baldwin College nhận , ngoài điểm cao, thành tích học vấn xuất sắc, Yến Vi phải có thư giới thiệu của hai giáo sư và giấy chứng nhận học sinh giỏi của hiệu trưởng trường trung học cấp I Rachel Carson, nơi em hiện đang học lớp Tám .
Chỉ sau khi được thư chấp thuận từ đại học Mary Baldwin, Yến Vi mới báo cho cha mẹ biết. Chị Yến Minh, mẹ của Yến Vi, chia sẻ:
Yến Minh:
Tôi mới nghe thì thấy cũng hơi sốc, tại không biết con gái có đủ sức để học không, sợ nó không đủ kinh nghiệm khi vào đại học. Yến Vi mới nói là con đã nộp đơn xong xuôi hết rồi bây giờ chỉ cần cái phần của ba mẹ phải viết thu bảo đảm cho con đi học college. Cha mẹ cũng phải trả lời mấy câu hỏi của trừơng Mary Baldwin.
Về phần Yến Vi, em cũng phải trả lời sáu câu hỏi trong một cuộc phỏng vấn ở đại học Mary Baldwin mà em thuật lại như sau:
Yến Vi:
Họ hỏi là tại sao con muốn vô trường này, hỏi là điều này đúng hay là không đúng, người nào là role model của con, ai là ngừơi làm gương cho con. Con nói ba mẹ con làm gương cho con, rồi con nhắc tới bà Rosalyn Franklin tại con thấy bà giỏi lắm mà mấy người không có để ý nhiều tại vì bà là đàn bà. Con thấy cái đó không đúng. Con kính trọng bà vì thấy bà rất là hay.
Thanh Trúc:
Khi người ta hỏi Yến Vi là ba mẹ có bắt buộc em đi học hay tự mình muốn, Yến Vi trả lời như thế nào?
Con thích challenge, thích thử thách , thích cái gì mới, cái gì khác hơn mấy bạn con.
Yến Vi
Yến Vi:
Con trả lời là con muốn cái này thì con làm. Nếu ba mẹ mà bắt con thì con không có làm giỏi bằng con làm một mình.
Thanh Trúc:
Nhưng em mới học có lớp Tám, để ra khỏi trung học thì Yến Vi phải qua lớp 9, lớp 10, lớp 11 , lớp 12. Bỏ qua bốn lớp đó để vô Mary Baldwin College thì Yến Vi dựa vào cái gì để tin tưởng là mình có thể học được?
Yến Vi:
Tại con thấy vào trườngtrung học Thomas Jefferson thì giống như học đại học rồi, mà tại sao con phải học bốn năm nữa thấy nó uổng thời gian quá. Con thấy là chỉ cần bỏ qua hết mấy năm đó rồi đi thẳng vô đại học , dễ hơn và tốt hơn nữa. Con thích challenge, thích thử thách , thích cái gì mới, cái gì khác hơn mấy bạn con.
Với chủ trương để cho sinh viên tự khám phà và quyết định chọn ngành , đại học Mary Baldwin không cho sinh viên lựa chọn môn học trước. Thế nhưng Yến Vi biết rõ em muốn gì và phải theo học ngành gì:
Yến Vi:
Con đã biết con thích môn gì nên con lựa các lớp liên hệ với pre-med, về Y Khoa.
Thanh Trúc:
Vì sao Yến Vi lại thích Y Khoa?
Yến Vi:
Con chỉ thấy là phụ được người ta., giống như ông bà ngoại con thấy yếu rồi già con thấy buồn quá, con muốn con làm bác sĩ sớm hơn để con phụ ông bà ngoại con được.
Thanh Trúc:
Yến vi muốn giúp chữa bịnh cho ông bà ngoại?
Ước vọng sâu xa
Yến Vi Không phải chỉ ông ba ngoại mà hết mấy người bị bịnh, tiểu đường, ung thư, bệnh đau tim. Nhưng mà con thấy buồn nhất là neurology (bệnh thần kinh) đó, ,tại mấy người đó không còn biết cái gì là cái gì nữa, không có nhớ gia đình mình là ai. Con thấy cái đó buồn quá và Yến Vi muốn học ra bác sĩ để phụ người ta.
Đó là ước nguyện của Yến Vi, cô học sinh lớp Tám , tuổi mới gần lên 14. Thực sự nguyên nhân sâu xa khiến Yến Vi thích và muốn học để trở thành bác sĩ bắt nguồn từ căn bệnh mất trí nhớ của một người mà em thương yêu trong gia đình. Ứơc muốn này Yến Vi không đủ khả năng diễn tả nhưng được mẹ Yến Minh giúp thuật lại như sau:
...ba với mẹ dạy con tốt lắm, đó tại sao con được như bây giờ. Ba mẹ con cho con cái tự do làm điều gì con muốn, cho con làm cái gì con thấy đúng.
Yến Vi
Yến Minh:
Bà cố của Yến Vi bị bệnh mất trí nhớ nên không biết gì hết, chưa lớn tuổi lắm mà đã quên hết. Yến Vi từ hồi hai ba tuổi mỗi lần đến là tới nói chuyện với bà , hát cho bà nghe, và bà cố chỉ nói chuyện với Yến Vi thôi. Từ lúc 3 tuổi Yến Vi đã biết phụ bà ngoại đem mâm thức ăn mỗi ngày đưa cho bà cố mời bà ăn. Nên cái tính đó là từ nhỏ Yến Vi đã thích giúp đỡ lo lắng cho ngừơi khác.
Hai năm vừa rồi, Yến Vi tới thăm bà cố thì bà không còn biết gì nữa rồi, không đi không đứn,g không còn biết gì hết. Nhưng khi bà cô của Yến Vi, người săn sóc cho bà cố, kéo Yến Vi lại để cháu chúc Tết bà cố thì bà cố ngừng lại nhìn, nghe . Không biết bà có hiểu gì không nhưng khí Yến Vi nói xong rồi thì bà kéo Yến Vi xuống và hôn Yến Vi. Yến Vi cảm động quá và khóc. Từ đó là Yến Vi nói con phải ra làm bác sĩ để con giúp đỡ ông bà và mấy người bịnh tật.
Chính vì thế, dù rất lo lắng khi nghe tin Yến Vi sẽ vào đại học Mary Baldwin mùa thu tới, chị Yến Minh chỉ biết tâm sự rằng chỉ rất hiểu bản tính cương quyết của đứa con gái nhỏ của mình:
Yến Minh:
Cũng lo lắng nhiều tại vì nó còn nhỏ quá, sắp mưới bốn tuổi thôi, nên khi nghe tin nó được trung học Thomas Jefferson nhận mà bỏ vào thẳng đại học thì không biết con làm có đúng không, nhưng mình nghĩ đây là cơ hội để cô học cho nhanh để ra làm bác sĩ thì mình sẽ giúp đỡ hổ trợ cho con của mình.
Đại học Mary Baldwin sẽ cho một nửa tiền học, phần còn lại do cha mẹ em trang trải.
Yến Vi:
Con thấy ba với mẹ dạy con tốt lắm, đó tại sao con được như bây giờ. Ba mẹ con cho con cái tự do làm điều gì con muốn, cho con làm cái gì con thấy đúng.
Sinh viên đại học nữ Mary Baldwin phải ở nội trú, phải theo một thời khoá biểu học tập nghiêm túc và phải chấp hành nội qui, qua đó không được phép có bạn trai, không được hút thuốc, uống rượu hoặc đi chơi đêm. Ai phạm kỷ luật dù chỉ một lần là bị đuổi học .
Thế nhưng, cô học sinh lớp Tám Nguyễn Yến Vi, sinh viên dự bị Y Khoa tương lai, không chỉ biết học và học mà thôi. Thời gian còn lại của em là sinh hoạt với gia đình, coi phim và đi học võ mỗi tuần cùng với ba mẹ và em trai :
Yến Vi:
Con đang học Hàn Bái Kung Fu, cái Kung Fu này đặc biết lắm tại vì nó không bạo động, chỉ để tự vệ thôi, tức là tập cho mình cái tính ôn hoà, không có đánh nhau.