Việt Nam chuẩn bị dạy tiếng Việt ở hải ngoại (phần 2)

Nhà nước Việt nam hiện đang có dự án lập trường Việt Ngữ và cử giáo viên từ trong nước ra giảng dậy tiếng Việt cho người Việt ở hải ngoại theo giáo trình được soạn riêng. Dự án này do Bộ Ngoại Giao Việt Nam phối hợp cùng Bộ Giáo Dục Và Đào Tạo phụ trách. Giai đoạn thử nghiệm của dự án được biết bắt đầu từ nay đến năm 2010.
Phương Anh, phóng viên RFA
2009.08.27

Trước mắt, một vấn đề được cộng đồng người Việt hải ngoại nêu lên là chuyện trao đổi văn hoá hai chiều, đồng thời việc sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt của người Việt trong và ngoài nước. Kỳ này, mời quí vị nghe ý kiến của một số thành phần trong và ngoài nước liên quan đến vấn đề này.

Cali không thiếu trường Việt Ngữ 

Tại Nam California, từ quận Cam, nơi có đông người Mỹ gốc Việt nhất, lên San Bernadino và xuống đến San Diego, người ta có thể đếm hơn tám chục trường dạy tiếng Việt trong cộng đồng, nhà thờ Công Giáo, Tin Lành và các chùa. Trong đó, hai trường Việt Ngữ  Hồng Bàng và Thánh Linh được coi là hai trung tâm dạy tiếng Việt lớn nhất.

Tại Nam California, từ quận Cam, nơi có đông người Mỹ gốc Việt nhất, lên San Bernadino và xuống đến San Diego, người ta có thể đếm hơn tám chục trường dạy tiếng Việt trong cộng đồng, nhà thờ Công Giáo, Tin Lành và các chùa.

Riêng tại San Jose, Bắc California thì có Trường Việt Ngữ Văn Lang từ mẫu giáo đến lớp Sáu. Tại các trung tâm này, các tài liệu giảng dậy và sách giáo khoa có thể nói là vô cùng phong phú. Khi biết được tin nhà nước Việt Nam có dự án đem tài liệu từ trong nước ra để giảng dậy, ông  Nguyễn Linh ở quận Cam, một người tận tụy trong việc duy trì và bảo tồn tiếng Việt hơn 15 năm qua phát biểu:

Làm sao giữ được cái tiếng Việt trong sáng của nó ít ra chấp nhận được, nó không có những tiếng rất ngô nghê hoặc là những tiếng làm cho mọi người không hiểu được.

Nhà báo Vũ Quí Hạo Nhiên, hiện đang làm việc tại Nhật Báo Người Việt, một tờ báo được có quy mô lớn nhất của người Việt hải ngoại thì cho hay rằng dự án này khá mơ hồ:

Cụ thể về việc họ nói rằng họ mở một trường Việt ngữ ở hải ngoại hay  đưa sách giáo khoa gì đó ra ngoài thì thực sự ra cá nhân tôi, chừng nào thấy mới tin. Vì những cái gọi là trường Việt Ngữ, sách giáo khoa cho con em kiều bào ở hải ngoại , thì cũng đều là công trình do cán bộ nhà nước làm mà cán bộ nhà nước thì làm láo, báo cáo hay…Công trình xây dựng ngay giữa Sàigòn, giữa Hà Nội mà cán bộ nhà nước còn rút ruột thì xá gì công trình Việt Ngữ ở hải ngoại, nó rút ruột, nó xin nhà nước, thí dụ vài trăm ngàn thì nó rút ruột hết chỉ còn đôi ba ngàn, nó rất có thể xảy ra, nên chừng nào thấy mới tin.

Làm sao giữ được cái tiếng Việt trong sáng của nó ít ra chấp nhận được, nó không có những tiếng rất ngô nghê hoặc là những tiếng làm cho mọi người không hiểu được.Ô.

Ô.Nguyễn Linh ở quận Cam

Tại sao không trao đổi văn hóa hai chiều?

Cũng có người e ngại là qua dự án này, có lẽ nhà nước Việt Nam đang muốn nhắm đến việc hội nhập văn hoá theo nghị quyết 36? Về điểm này, nhà báo Hạo Nhiên nhận định:

 Nếu phía Việt Nam mà muốn nghĩ tới chuyện có sự hội nhập văn hoá nào đó giữa người Việt ở trong nước và người Việt ở hải ngoại thì chuyện đó đương nhiên mình làm gì cũng phải có hai chiều, chứ không thể áp đặt một chiều. Ở trong nước thì quen áp đặt một chiều vì họ là nhà cầm quyền, nhưng ở hải ngoại thì không thể được, họ sẽ phải chấp nhận chương trình Vân Sơn, Thúy Nga, Asia ào ạt vào trong nước nếu họ tính tới chuyện hội nhập văn hoá hay đồng nhất.

Họ sẽ phải chấp nhân văn hoá phẩm kể cả văn hoá phẩm phản động, nó cũng là trao đổi văn hoá hai chiều. Người trong nước người ta thích đọc thì người ta đọc. Nếu mà cái “phản động” đó nó có hại cho nước Việt Nam, thì người ta sẽ không đọc,  nên họ có muốn trao đổi hay hội nhập gì đó thì  phải có sự trao đổi công bằng.

Hiện nay, theo qui định mới, tại TPHCM, thì Phòng Quản Lý Xuất Nhập Khẩu Văn Hoá Phẩm đã được thay bằng Phòng Kiểm Tra Văn Hoá Phẩm Xuất Nhập Khẩu. Để tìm hiểu thêm về chuyện xuất nhập văn hoá phẩm tại Việt Nam, Phương Anh đã liên lạc với anh Thành, hiện đang làm việc tại cơ quan này. Anh cho biết:

 Nhà nước qui định là băng đĩa khi phát hành ra là phải có tem , phải có tem sẵn thì cầm đi được, còn không có tem là sao chép lậu, là vi phạm bản quyền, là không được. Còn khi gửi về thì tới cửa khẩu nào thì hải quan ở đó sẽ kiểm tra, được nhập bình thường nếu nội dung tốt. Paris By Night thì chưa được phép lưu hành ở Việt Nam. Phải được phép lưu hành thì mới được.

Nếu phía Việt Nam mà muốn nghĩ tới chuyện có sự hội nhập văn hoá nào đó giữa người Việt ở trong nước và người Việt ở hải ngoại thì chuyện đó đương nhiên mình làm gì cũng phải có hai chiều, chứ không thể áp đặt một chiều.

Chị Hằng, một cán bộ cũng đang làm việc tại đây cho biết thêm:

Trước tiên nhất, băng dĩa gửi về thì hải quan sẽ trưng cầu giám định, qua bên đây thì sẽ có bộ phận giám định thì họ sẽ cho kết quả là cho nhận hay gì đó. Hải quan trưng cầu qua đây thì bên đây mới kiểm. Đó là đường bưu điện, còn cầm tay thì tùy hải quan, có nhiều khi người ta đưa, có khi người ta không đưa.

Mấy cái nào nhập vô thì có bộ phận  giám định, người ta sẽ giám định nội dung và đề xuất ý kiến cho nhập. Cái nội dung đó là trong nghị định 88, trong đó nội dung, về phim ảnh thì không có đồi trụy, ca nhạc thì tuỳ thuộc vào chương trình đó có được phép phát hành ở Việt Nam chưa, và nội dung nó như thế nào thì bộ phận giám định người ta sẽ cho ý kiến.

 

Còn ông Nguyễn Linh, cũng hiện đang làm việc tại tờ Người Việt thì nói về sự xuất hiện đây đó của tờ Người Việt tại Việt Nam và nói rằng:

Một cách nào đó tờ Người Việt về được tới trong nước thì cũng là một điều tốt vì nó thể hiện cái sinh hoạt, cái lối sống của người Việt tại hải ngoại, cái quan điểm chính trị của người Việt tại hải ngoại. Với cái phương tiện mà mình có được để theo dõi rằng cái trang điện tử của tờ Người Việt thì có rất nhiều độc giả từ Việt Nam đã vào coi, thì tôi nghĩ rằng tin tức của báo Người Việt ở đây có về tới Việt Nam.

Từ ngữ ở trong và ngoài nước

Trở lại dự án dậy tiếng Việt cho người Việt hải ngoại, thì một điều không ai có thể phủ nhận là hiện nay, những từ ngữ ở trong và ngoài nước vẫn còn nhiều cái chưa nhất quán. Liệu chuyện thống nhất ngôn ngữ và từ vựng có khả năng xảy ra hay không?  Ông Hồ Ngọc Đại, Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu Giáo Dục tại Việt Nam, người sẽ phụ trách dậy tiếng Việt trên kênh VTV4 cho đồng bào người Việt hải ngoại cho biết:

Một điều không ai có thể phủ nhận là hiện nay, những từ ngữ ở trong và ngoài nước vẫn còn nhiều cái chưa nhất quán. Liệu chuyện thống nhất ngôn ngữ và từ vựng có khả năng xảy ra hay không

Thống nhất được, cái đó dần dần thống nhất được những từ ngữ, bởi vì lúc đầu mình chưa đụng chạm đến những từ khác nhau quá, (chỉ nói đến) những từ thông thuộc hàng ngày cái đã…Có cái hướng là những từ ngữ thống nhất, khi viết thì có thể là phải thống nhất, còn khi nói thì có thể là âm thanh giọng điệu thì khác nhau.

Bây giờ cái cơ cấu chung của tiếng Việt thì thống nhất cái đã. Nhưng cái thống nhất rất cơ bản thôi. Còn những khác biệt thì chấp nhận thôi. Lúc đầu thì đưa ra cái cơ bản đã, sau đó thì cùng nhau làm. Bỏ bẵng đi mấy chục năm không làm bây giờ làm thì cũng gặp khó khăn hay sau này cũng cần phải có điều chỉnh.

 Thế nhưng, nhà báo Vũ Qúi Hạo Nhiên thì lại cho rằng:

Tôi nghĩ rằng rồi sẽ có sự đến gần hơn nhưng mà đồng nhất thì không bao giờ có, ngay cả trên văn bản thì nó cũng không thể thống nhất được, thí dụ có những ngôn ngữ ở ngoài dùng quen rồi thì nó cũng không thể dùng khác đi được. Nhưng mà có những từ ngữ mà mình hay quen gọi là từ Cộng Sản thì thực ra ngay ở trong nước bây giờ nó cũng từ từ nó chết đi, không ai dùng nữa, những từ như là “hồ hởi, phấn khởi” những từ có tính tuyên truyền cao bây giờ cũng từ từ chết đi rồi, người trong nước cũng ít ai dùng những chữ đó.

Ngược lại, có những chữ thuộc về tiếng Việt cổ như là đá bóng là túc cầu, bây giờ ở ngoài cũng ít ai dùng. Thành ra tôi nghĩ là hai bên tiếng Việt tự động nó sát lại gần nhau chỉ vì cái thói quen của người dân người ta đọc trên báo, trên internet. Nhưng điều đó nó xảy ra một cách tự nhiên, hài hoà với nhau, chứ không có việc nhà nước nhúng tay vào…thì chuyện đó sẽ không bao giờ thực hiện được bởi vì ngôn ngữ  không phải là một thứ để cho nhà cầm quyền điều khiển bảo là thế này thế nọ…

Có những từ ngữ mà mình hay quen gọi là từ Cộng Sản thì thực ra ngay ở trong nước bây giờ nó cũng từ từ nó chết đi, không ai dùng nữa, những từ như là “hồ hởi, phấn khởi” những từ có tính tuyên truyền cao bây giờ cũng từ từ chết đi rồi, người trong nước cũng ít ai dùng những chữ đó.

Ông Nguyễn Linh thì cho rằng, việc thống nhất có thể xảy ra chỉ trong trường hợp cả hai phía trong và ngoài nước bàn thảo với nhau mà thôi. Ông nói:

Thống nhất là điều rất tốt, và mình không thể nói rằng hơn 3 trịệu người Việt ở hải ngoại bắt buộc 80 triệu người trong nước nói giống mình, (thì) điều đó là không thực tế, nhưng bảo rằng những nguời trong nước nói theo tiếng mình dùng hàng ngày mà mình không tìm hiểu để hiểu những người ở hải ngoại, không có sự đối thoại thì không thể thông cảm nhau được.

Nếu mọi người cùng ngồi lại vì cùng mục đích làm việc cho những thế hệ sau một cách khoa học, với sự thảo luận đó, với thời gian, có thể đem lên bàn thảo luận được, nó sẽ đi đến kết quả nào đó mà mọi người có thể  đồng thuận được, và áp dụng thì với thời gian, thế hệ này đến thế hệ khác thì cũng sẽ có sự đồng nhất.

Quí vị vừa nghe một số ý kiến của một số người trong và ngoài nước qua việc thống nhất tiếng Việt của hai phía trong nước-hải ngoại, cũng như vấn đề hội nhập và trao đổi văn hoá hai chiều . Mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi xin dừng nơi đây. Phương Anh xin tạm biêt và hẹn gặp lại quý thính giả vào kỳ sau.    

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.