Từ Hội Giáo Dục Cho Người Nghèo đến Lớp Tình Thương cho trẻ thiếu học ở Vạn Đò Thành Phố Huế

Tuần trước, mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi giới thiệu về tổ chức Education For The Poor, Hội Giáo Dục Cho Người Nghèo, với những lớp Anh văn miễn phí mùa hè cho sinh viên học sinh nghèo trong nước, bên cạnh những chương trình hỗ trợ giáo dục phối hợp với những người đang thực hiện ở trong nước.
Thanh Trúc, phóng viên đài RFA
2008.10.30

Chương trình chống nghèo bằng giáo dục

Với tôn chỉ giáo dục là điều kiện căn bản để thoát nghèo, hội Education For The Poor  sẽ thực hiện một số dự án cho mùa hè 2009,  trong đó có việc giúp đỡ các lớp học tình thương của trẻ nghèo Vạn Đò thường đi kiếm sống trên đường phố .  

Trẻ em nghèo
Trẻ em nghèo sống với cha mẹ trên ghe
Photo Vietnamnet
Trước đó, Education For The Poor cùng những sinh viên thiện nguyện đã về làm việc ở Huế. Qua sự giới thiệu của Toà Tổng Giám Mục Huế, dòng Thánh Tâm ở đây đã cho hội mượn phòng ốc để tổ chức lớp học, đồng thời giúp nơi ăn chốn ở cho các thiện nguyện viên từ Mỹ về:

Với tôn chỉ giáo dục là điều kiện căn bản để thoát nghèo, hội Education For The Poor  sẽ thực hiện một số dự án cho mùa hè 2009,  trong đó có việc giúp đỡ các lớp học tình thương của trẻ nghèo Vạn Đò thường đi kiếm sống trên đường phố . 

Linh mục Trần Đình Tề , giòng Thánh Tâm ở Huế , giải thích:

Lý do là dòng Thánh Tâm  có mục đích giáo dục thanh thiếu niên, lấy từ linh đạo của dòng đó, và cái thời gian dạy của hội Education For The Poor tổ chức ở dòng Thánh Tâm thì rất là tốt. Các cô đang còn trẻ mà  rất là nhiệt tâm, nhiệt tình và chịu khó. 

Chúa Nhật  26  vừa qua, tại Nam California, Hội Giáo Dục Cho Người Nghèo tổ chức một buổi gây quĩ  để kiếm thêm tài chính cho những công tác giáo dục của hội ở Việt Nam. Cô Xuân Văn,  thành viên mà cũng là người chị đầu đàn của hội, cho Thanh Trúc biết số tiền gây quĩ này  được dành hết cho những hoạt động về giáo dục của hội ở Việt Nam, trong đó một phần dành cho trẻ em đường phố ở Vạn Đò, Huế.

Vạn Đò vẫn buồn và nghèo như xưa…

Còn nhớ Thanh Trúc đã từng mời quí vị về thăm Vạn Đò hồi 2005, mời quí vị đi dọc cầu Gia Hội theo hướng Bao Vinh, nơi mà bên trái thì có nhà phố và cửa tiệm, bên phải thoai thoải xuống bãi sông Đào dưới kia là những thuyền những bè san sát ,  nheo nhóc, lụp xụp, đông đúc. Vạn Đò ba năm trước và  Vạn Đò bây giờ  không thay đổi, cảnh vẫn buồn và người  vẫn nghèo như thế.  

Tháng Mười 2007, khi lũ tràn về xóm  nghèo Vạn Đò, khi thuyền  bè lênh đênh trôi nỗi trên sóng nước thì cũng là  lúc Xuân Văn cùng các bạn trẻ trong Hội Giáo Dục Cho Người Nghèo nghe nói về Vạn Đò.

Tháng Sáu vừa qua, Xuân Văn  cùng một hội viên khác là Tuệ Phương đi Việt Nam, ghé Vạn Đò,  rồi quyết định sẽ giúp đỡ tiếp tay với các lớp học tình thương cho trẻ nghèo nơi đây:

 Xuân Văn: Vạn Đò thì thật sự trông  thê thảm, tại vì đời sống của họ, cái nhà của họ là một cái ghe mà trong  đó cũng phải có ít  nhất năm người. Họ đi bắt hến để bán , một ngày thu nhập của họ khoảng năm mươi  ngàn đồng  Việt Nam . Năm mươi ngàn đồng Việt Nam mà tới năm miệng ăn thì nó rất là khó khăn, cộng theo đó lại rất nhiều em đã phải bỏ học sớm. Chỗ mà Xuân tới thăm thì  có khoảng ít nhất  một trăm cái đò như vậy. .

Vạn Đò thì thật sự trông  thê thảm, tại vì đời sống của họ, cái nhà của họ là một cái ghe mà trong  đó cũng phải có ít  nhất năm người. Họ đi bắt hến để bán , một ngày thu nhập của họ khoảng năm mươi  ngàn đồng  Việt Nam.
 Xuân Văn

 Vẫn theo lời Xuân Văn, thì một vị linh mục dòng Thánh Tâm cho cô biết trình độ cao nhất của trẻ Vạn Đò vào khoảng hết khoảng  cấp hai. Đó là những trẻ may mắn bởi nhiều em học không hết cấp hai mà vì gia cảnh túng bấn đành nghĩ học để đi làm giúp gia đình.

Hãy bắt đầu từ các em nhỏ nhất 

Xuân Văn cũng cho biết khi về Vạn Đò cô đã nghe qua  về  dòng Thánh Tâm với các lớp học tình thương cho trẻ ở Vạn Đò. Cô hiểu ra một điều tế nhị là :  

 Xuân Văn: Nếu mà giúp cho các em để có triển vọng cao thì phải từ lớp nhỏ   giúp lên. Tốt nhất là cho học bổng các em từ đó trở lên. Còn những em lớn thì cũng phải  giúp nhưng mà không hiểu  cha mẹ  có chịu để cho các  em học tiếp hay không? Như các linh mục thường bảo nếu muốn trồng người tại Vạn Đò thì nên bắt đầu từ những em nhỏ nhất.

Về  những lớp học tình thương của dòng Thánh Tâm dành cho học sinh ở Vạn Đò mà Hội Giáo Dục Cho Người Nghèo muốn giúp đỡ nay mai,  linh mục Trần Đình  Tề nói rõ:  

Các em cũng đi học ở trường nhưng  không có chất lượng lắm, cho nên  đêm về các thầy dòng Thánh Tâm có kêu gọi một số anh chị em sinh viên tình nguyện , không có lương tháng gì hết, dạy thì có các thầy các cha đồng hành, không những là dạy chữ nghĩa mà thôi, vì các em ở đó  nó chửi tục rồi ăn cắp ăn trộm rồi đánh nhau. Dạy chữ là một phần nhưng mà dạy cái nhân bản cái con người là một phần nữa.

Hiện tại người trực tiếp chịu trách nhiệm trông coi các lớp học tình thương cho học sinh nghèo ở Vạn Đò là linh mục Nguyễn Thái Công . Thực tế cho thấy phần lớn học sinh trong các lớp tình thương của dòng Thánh Tâm là dân Vạn Đò đã lên cạn, nghĩa là rời đò  lên gần nhà thờ Phú Cam theo một chương trình di dời của chính phủ. Linh mục Nguyễn Thái Công cho biết:

Đối tượng là các em Vạn Đò không còn ở trên sông nước mà Vạn Đò này là năm 96 97 họ chuyển từ sông Hương lên gần núi Ngự Bình. Nhà nước chuyển họ lên đó thì họ không điều kiện để học hành cũng như không có môi trường giao dục đàng hoàng.

Cha mẹ cũng là những người không biết chữ, không hiểu ý nghĩa của việc học hành cho nên họ cũng không cho con đi  học mà lại cho  con đi bán vé số, đi đánh giày để kiếm tiền thôi.

Cha mẹ cũng là những người không biết chữ, không hiểu ý nghĩa của việc học hành cho nên họ cũng không cho con đi  học mà lại cho  con đi bán vé số, đi đánh giày để kiếm tiền thôi.

Vào lúc khởi sự mở lớp tình thương để dạy kèm cho các em, linh mục Công và những người cùng làm việc với ông, đặc biệt  các sinh viên tình nguyện, phải đến nhà thăm hỏi, khuyến khích động viên  cha mẹ cho con em đi học thêm. 

Chúng tôi mượn được một cái nhà của nhà nước, của phường đấy, rồi chúng tôi đi xin được một số bàn ghế cũ của các trường lân cận, rồi cũng xin phép các trường lân cận cho mình dạy theo chương trình của trường .

Trong hai năm đầu các lớp học tình thương của dòng  diễn ra đều đặn, nhưng không phải chuyện gì cũng dể dàng như mong đợi:

Ban  đầu chúng tôi dạy từ lớp Ba  cho đến lớp  Tám lớp Chín, dạy tất cả các buổi tối kể cả tối Chúa Nhật, bảy giờ đến tám giờ rưỡi. Năm thứ hai tức năm tiếp theo vừa rồi đây thì chúng tôi cũng dạy từ lớp Ba tới lớp Tám .

Năm nay thì vì tôi vừa làm linh mục vừa dạy học vừa phục vụ ở giáo xứ ma 2lại giáo xứ ở cách xa nữa cho nên tính là sẽ dạy từ lớp Ba đến lớp Sáu , tối thứ Hai cho đến tối thứ Bảy thôi , không dạy tối Chúa Nhật  nữa.  

Năm  đầu thì khoảng gần một trăm em , sau này thì vì điều kiện là cái lớp không có, một phòng có khi phải học đến ba lớp trong đó nên không chưa nỗi thì sau giản lại còn có khoảng năm chục sáu chục. 

Khó nhất là gia đình của họ bởi vì cha mẹ  học thức kém cõi lắm. Con cái lớn lên mà thấy là nó làm ra  tiền là được thôi, đi bán vé số là có tiền, đánh giày là có tiền, còn đi học là phải mất tiền. Cho nên cái vấn đề đi vận động gia đình là cái vất vả nhất.  

Vì thế khi được tin là Hội Giáo Dục Cho Người Nghèo có ý định giúp đỡ cho các lớp học tình thương ở Vạn Đò, linh mục Nguyễn Thái Công tán đồng ngay:

Cái việc đó  thì tốt rồi, bởi vì Vạn Đò ở Huế thì có tới ba chỗ. Hiện tại chúng tôi giúp cho một lớp có hai nhóm hơn bốn chục em. Hai lớp đó có hai cô giáo tốt lắm và các em ngoan vì đã được dạy từ nhỏ lên.

Nên đối với các em mình dạy được bao nhiêu dạy được chừng nào thì tốt cho các em chứng đó, và cũng phải tính chương trình lâu dài chứ còn lấy một năm hay một vài tháng thì không ăn thua gì.
LM. Nguyễn Thái Công

Có một vùng nữa gọi là Vĩ Dạ thì có những người khác đang làm việc ở đó, tôi có thể bạo họ liên lạc với hội Education For The Poor . Việc đó thì tốt thôi vì cái mục đích mình muốn là các em được hưởng được lãnh nhận , vì thế nếu hội về với tính cách thường xuyên thì hay ở chỗ là  hàng năm người ta vẫn biết chương trình đó để mà dạy và để mà học. 

Nói chung về vật chất thì không đến nỗi thiếu gì lắm, chỉ sợ thiếu tinh thần thôi. Vì vật chất thực  sự mình chỉ bỏ công đi dạy cho các em là chính, còn khi nào có quà ai cho thì mìnyh cho các em mà không có thì thôi, cứ dạy như vậy. 

Và trong lúc các bạn trẻ ở Hoa Kỳ thuộc hội Giáo Dục Cho Người Nghèo nuôi ước mơ mang  kiến thức và sự hiểu biết đến để giúp con người thoát ra cái nghèo, thì cũng trong tâm tình như thế, linh mục Nguyễn Thái Công chia sẻ  thêm  là  ông chỉ mong các học sinh nghèo của ông  có ước vọng cao hơn cuộc sống các em đang có một tí:

Có những em tội lắm, ví dụ mình hỏi các em ước mơ gì, mai sau có thích di dạy như các cô đó không, nó bảo thích ở nhà trèo cây thôi hay là thích bán nước mía thôi. Em nói đơn sơ như vậy . Nên đối với các em mình dạy được bao nhiêu dạy được chừng nào thì tốt cho các em chứng đó, và cũng phải tính chương trình lâu dài chứ còn lấy một năm hay một vài tháng thì không ăn thua gì.

Đó là câu chuyện trẻ nghèo Vạn Đò và các lớp học tình thương  dạy kèm cho các em mà  Hội Giáo Dục Cho Người Nghèo  của các bạn trẻ ở Hoa Kỳ đang nhắm giúp đỡ.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.