Đời sống dân nghèo A Lưới

A Lưới là một huyện miền núi nằm trong địa phận tỉnh Thừa Thiên, cách thành phố Huế 65km về hướng Tây, có hơn 40 ngàn dân với tỷ lệ hộ nghèo chiếm khoảng 40%.

0:00 / 0:00

Thời chiến, A Lưới là vùng hứng chịu nhiều bom đạn, thuốc khai quang. Hậu quả là bên cạnh khí hậu khắc nghiệt, đất đai khô cằn, A Lưới còn thiếu màu xanh cây cỏ với những ngọn đồi trơ trụi, nông sản thì không đủ cung cấp cho dân địa phương nên phải vận chuyển từ nơi khác tới.

Vì là vùng cao nên cư dân A Lưới có người sắc tộc như Tà Ôi, Cờ Tu, Pa Kô, Pa Hy.

Sau tháng Tư 1975, địa danh A Lưới được biết đến như vùng kinh tế mới mà đời sống cực kỳ khó khăn cho người thành phố di chuyển về đây.

Ngày nay, người ta nhắc đến A Lưới trong nổ lực của một vùng đất chết đang cố vươn lên bằng những cánh rừng cây được gầy dựng lại. Sau 33 năm, mảnh đất này thực sự thoát nghèo chưa thì vẫn còn là câu hỏi lớn.

Nói về đời sống tại nơi chốn ông gắn bó bao chục năm nay, chủ tịch Uỷ Ban Nhân Dân Xã Phú Vinh huyện A Lưới, ông Nguyễn Quốc Hường, kể với Thanh Trúc rằng đất canh tác nơi này không có mấy: "Cũng cỡ 5, 6 ngàn hectares thôi, thì cũng làm lúa rồi là trồng sắn mì, rồi ngô. Nói chung chủ yếu trong nông nghiệp là ba cây đó thôi."

Thiếu thốn đủ bề

Thanh Trúc: Như vậy thì đâu có đủ cho dân ăn phải không?

Ô. Nguyễn Quốc Hường: Nói chung đạt cỡ sáu đến 70% thôi, là đủ lương thức ăn thôi, còn vẫn thiếu khoảng 30, 40% lận. Coi như mua gạo từ chỗ khác chứ còn sản xuất gạo lúa rứa là không đủ ăn.

Dân thì nói chung là họ biết cái cách làm ăn hơn so với trước. Trước đây chừng 50% lận, đói nghèo đó, nhờ những nguyên nhân đó cho nên bây giờ người dân có đỡ hơn so với trước cho nên xuống còn có dưới 30%.

Ô. Nguyễn Quốc Hường

Thanh Trúc: Thưa như vậy thì tỷ lệ hộ đói nghèo là...

Ô. Nguyễn Quốc Hường: Bữa nay có xuống được dưới 30% rồi, cũng nhớ cái chủ trương ở đây là đổi mới, hai nữa là các dự án đầu tư nhất là ngoài nước họ hổ trợ họ giúp đỡ. Dân thì nói chung là họ biết cái cách làm ăn hơn so với trước. Trước đây chừng 50% lận, đói nghèo đó, nhờ những nguyên nhân đó cho nên bây giờ người dân có đỡ hơn so với trước cho nên xuống còn có dưới 30%.

Thanh Trúc: Nhưng mà ông có nói rằng người dân ở đây còn gặp rất nhiều khó khăn, trình độ dân trí thì còn nhiều hạn chế?

Ô. Nguyễn Quốc Hường: Thì cái dân trí nói chung và nói riêng trong vấn đề sản xuất là bây giờ mà họ còn áp dụng theo truyền thống trước đây là tự cung tự cấp cho nên là hoặc họ quen với tập quán của họ nên giờ chứ sản xuất ra thì hàng họ là kém hiệu quả, hai nữa dân trí thấp thì trong cuộc sống về tổ chức đời sống của gia đình còn hạn chế so với những nơi khác.

Hơn nữa học hành đi lại phương tiện này khác trong xã hội bây giờ so với các vùng nơi khác đang còn khó khăn nhiều. Mấy năm trở lại đây thì nhờ đường sá đi lại thành khá hơn chút thôi chứ còn rõ ràng A Lưới vẫn là điểm khó khăn nhất ở tỉnh Thừa Thiên Huế này.

Thanh Trúc: Thưa điện có về được tới các xã huyện của A Lưới không?

Ô. Nguyễn Quốc Hường: Hiện nay cũng khoảng trên 90% rồi, coi như về toàn xã toàn huyện đó. Nói chung bây giờ trong sản xuất trong chăn nuôi bà con ở nơi đây họ chưa biết theo yêu cầu hiện nay để mà áp dụng. Sản xuất ra một sản phẩm phải áp dụng khoa học kỹ thuật để đảm bảo chứ còn không thì cũng rất khó ra cái sản xuất đàng hoàng.

Ví dụ cây trồng rồi giống như thế nào nước thế nào rồi thuốc trừ sâu, và khi bán ra thị trường phải bảo vệ sản phẩm ra sao… những cái đó người dân đang còn hạn chế đang còn ít biết lắm.

Và trong chăn nuôi thì bây giờ chuồng trại thức ăn, cho ăn rồi con heo con bò họ vẫn còn theo cái tập quán ngày xưa , họ nuôi mà họ không biết áp dụng những cái khoa học cho nên cái năng suất nó thấp so với các vùng ở những nơi khác.

Thanh Trúc: Một điểm khác của A Lưới là bảo vệ môi trường và gây lại rừng thì bước đầu như thế nào?

Ô. Nguyễn Quốc Hường: Đúng rồi, nơi đây là một căn cứ địa trước đây cũng bị chất độc trong chiến tranh nên khi mà mới lên đây như tôi hồi ở dưới đồng bằng nhưng mà sau khi 75, 76 lên đây thì đúng là cây cối bị trụi trọc hết , cây cối bị chất hoá học càng ngày càng hạn chế , dần dần chừ là trở thành đồi núi có cây cõ màu xanh trở lại.

Hồi đó là khó khăn nhiều, có những người từ đồng bằng lên mà một trong hai năm đầu là họ bỏ về họ đi nơi khác hết, còn lại khoảng ba đến bốn mưới phần trăm là dân số thôi.

Thanh Trúc: Hiện bây giờ thay vì những cây như bạch đàn, thông, quế, thì người ta trồng cây keo tai tượng hay là keo lai. Thưa ông, giá trị kinh tế của keo tai tượng hay keo lai là như thế nào?

Ô. Nguyễn Quốc Hường: À cây tràm hay cây bạch đàn hay quế thì giá trị của nó không cao nhưng mà nay cây keo là người ta thích hơn bởi vì hiện nay bán ra một hectare được 50, 60 triệu tiến Việt Nam hiện nay lận. Nhưng mà bỏ vốn ra thì 12 đến 15 triệu thôi, trong vòng 5, 6 năm là thu.

Thanh Trúc: Cái điều ông ao ước nhất cho người dân ở A Lưới?

Ô. Nguyễn Quốc Hường: Bây giờ quan trọng nhất là về rừng, chủ yếu là rừng, bởi vì đây là có lợi thế về đất đai, đồi núi rừng, cho nên quan trọng nhất là vốn và cái khoa học kỹ thuật. Đó là hai cái đang cần. Một hộ mà có từ hai ba bốn hectares mà trồng rừng thì chắc chắn đời sống khá lên nhanh hơn.

Chứ còn tất cả những loại cây khác trong sản xuất nông nghiệp thì địa hình ở đây làm lúa nước cũng rất là khó mà trồng cà phê là cũng không đủ điều kiện. Cũng có trống cao su đó nhưng mà đòi hỏi bỏ vốn nhiều. Cái ước mơ ai cũng muốn là đi lên bằng cây rừng như thế này.

Họ kiếm ăn là vì họ không có việc làm, mà rất là nguy hiểm nữa. Dân thôi mà cũng chết và bị thương mười sáu người đấy. Nỗ, cho nên chết và bị thương cũng nhiều.

Ô. Nguyễn Quốc Hường

Thanh Trúc: Được biết người dân ở đó có khi vào sâu trong rừng để rà sắt, tức là những cái phế liệu từ thời chiến tranh còn sót lại. Như vậy có nguy hiểm không và người ta có kiếm ăn được bằng cái nghề đó không?

Ô. Nguyễn Quốc Hường: Cũng có chứ. Nói chung ở huyện A Lưới thì mấy năm qua thì một số người sống nhờ phế liệu chiến tranh cũng rất là nhiều. Hiện nay cũng còn 3 đến 5% trong đó, họ vẫn đi làm phế liệu chiến tranh ni hoặc là đi khai thác những cây này khác ở trong rừng, cây con ở trong rừng.

Họ kiếm ăn là vì họ không có việc làm, mà rất là nguy hiểm nữa. Dân thôi mà cũng chết và bị thương mười sáu người đấy. Nỗ, cho nên chết và bị thương cũng nhiều.

Thanh Trúc: Nghe nói ở đó cũng có một số nạn nhân da cam dioxin?

Ô. Nguyễn Quốc Hường: Có chứ, trong huyện A Lưới có nhiều chứ, xã mình thì ít nhưng mà có xã nhiều lắm là xã Đông Sơn thuộc vùng A Sao. Chỗ đó hiện nay cây cối ít lên lắm, nói chung hắn lên lau lách mà trồng cây thì hắn lên cũng chậm lắm.

Đời sống tinh thần

Đó là sinh hoạt của người dân A Lưới, vùng sâu vùng xa được coi là nghèo và khó khăn nhất ở miền Trung.

A Lưới có giáo xứ Sơn Thuỷ với gần sáu trăm giáo dân. Mới đây nhất, giòng Thánh Tâm ở Huế cử một tu sĩ trẻ, Linh mục Trần Đình Tề lên làm quyền quản xứ giáo xứ Sơn Thuỷ.

Giáo xứ Sơn Thuỷ là nơi tập hợp nhiều con chiên từ các miền trong nước đến lập nghiệp sau chiến tranh. Đó là lý do từ 1976 đến 1995 nơi này hoàn toàn không có nhà thờ lẫn cha xứ. Mỗi Chúa Nhật giáo dân họp tại nàh này hoặc nhà nọ để cùng nhau cầu nguyện.

Năm 1995 nhà nước Việt Nam thuận cho giáo dân ở Sơn Thuỷ cử hành hai thánh lễ lớn là Giáng Sinh và Phục Sinh.

Tháng Tám 2005, tức mươi năm sau đó, chính phủ chấp nhận cho Sơn Thuỷ thành lập giáo xứ, và năm 2007 thì nhà thờ được khởi công xây dựng.

Mời quí vị nghe phần đối thoại giữa linh mục Trần Đình Tế, quyền quản xứ giáo xứ Sơn Thuỷ nói về đới sống con chiên trong giáo xứ này:

LM Trần Đình Tề: Đó là vùng kinh tế mới, bởi sau 75 có chủ trương đi kinh tế mới thì dân ở đó chủ yếu là ở Huế lên. Bây giờ thì có thêm Hà Tĩnh, Quảng Bình ngoài Bắc vào, nhưng mới được chính quyền công nhận cách đây hai năm thôi. Và bây giờ thì bắt đầu làm nhà thờ. Giáo dân thì khoảng sáu trăm mà ở xa nhà thờ lắm.

Thanh Trúc: Nghe nói có nhiều gia đình phải đi khoảng hai mưới lăm đến 30km mới đến nhà thờ?

LM Trần Đình Tề: Có đấy. người ở gần nhất là khoảng ba cây số. nhiều gia đình xa lắm, mưới lắm mưới sáu cây rồi ba mươi cây số , xa lắm.

Thanh Trúc: Chừng như giáo dân ở đó cũng nghèo phải không thưa linh mục?

LM Trần Đình Tế: Đa số là nghèo, chỉ có một phần trăm là coi như gia đình cũng đường được, có buôn bán rồi làm công nhân viên chức thì cũng đỡ. Cỏn đa số làm rừng làm rẫy.

Thanh Trúc: Năm 1995 thì nhà nước cho phép cử hành hai thánh lễ lớn là Giáng Sinh và Phục Sinh?

LM Trần Đình Tề:Đúng, vì bên này chủ trương như vậy, họ đâu có cho đâu. Bởi vậy đó là địa phận giáo giòng Thánh Tâm nên mỗi lần tới dịp đó thì cha bề trên phải đi tĩnh rồi đi huyện để xin phép, có giấy họ cho thì mình mới lên làm lễ được.

Thanh Trúc: Theo linh mục thấy trai tráng trong làng, thanh niên nam nữ trong làng có học hết bậc trung học hay không?

LM Trần Đình Tề: Có, có trường trung học, nhưng mà ý thức học tập thì tuỳ gia đình. Nhiều người ý thức được thì cho còn cái ăn học, chịu khó chịu khổ. Còn đa số lớn lên thì đi làm công nhân ở Saigon, đi may giày da rồi đi làm công ty ở miền Nam Saigon đó.

Mong sao cho con em, nói chung là tất cả mà đặc biệt là trong giáo xứ thì có điều kiện đi học để có nghề có nghiệp để sau này đỡ vất vả hơn một chút.

LM Trần Đình Tế

Thanh Trúc: Thưa trong hơn 40 ngàn người sinh sống ở A Lưới thì có 4 dân tộc là Tà Ôi, Cờ Tu, Pa Kô, Pa Hy. Theo linh mục thấy những người dân tộc đó cuộc sống họ thế nào?

LM Trần Đình Tề: Dân tộc thì đúng là chỉ có cán bộ là giàu thôi. Còn lại rất cực khổ. Họ khổ lắm . Như mùa đông này họ không có áo mặc, nên là bệnh tất rồi cái của ăn cũng không có. Họ nghèo lắm. trừ ra cán bộ thì người ta giàu.

Thanh Trúc: Ý linh mục muốn nói cán bộ là những người dân tộc mà làm cán bộ nhà nước? Tới với họ có dể dàng hay không?

LM Trần Đình Tề:Khó lắm chị ạ. Tới với dân tộc là rất khó đó. Vấn đề chính trị, nhạy cảm mà…

Thanh Trúc: Nếu có thể có một điều ao ước nào đó cho giáo xứ Sơn Thuỷ thì linh mục ao ước điều gì?

LM Trần Đình Tề: Hai điều ước. Thứ nhất là cái nhà thờ. Thực ra ba mươi mấy năm mà mình chưa có nhà thờ, cứ làm lễ trong ngôi nhà của giáo dân lụp xụp như vậy mà nhà thờ đang còn làm dở dang. Ứơc ao làm sao có một ngôi nhà thờ cho đàng hoàng để giáo dân tới tham dự thánh lễ.

Còn việc thứ hai là mong sao cho con em, nói chung là tất cả mà đặc biệt là trong giáo xứ thì có điều kiện đi học để có nghề có nghiệp để sau này đỡ vất vả hơn một chút.

***

Đó là câu chuyện về đời sống dân A Lưới thuộc vùng sâu vùng xa của miền Trung.

Theo lời ông chủ tịch uỷ ban nhân dân xã Phú Vinh huyện A Lưới, ông Nguyễn Quốc Hường, vào khi cả nước tiến tới thoát nghèo bằng lợi tức một ngàn đôla một hộ dân hàng năm, người dân A Lưới chỉ kiếm được hơn hai trăm đô la mỗi năm là nhiều.

Mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi tạm ngưng ở đây. Thanh Trúc sẽ trở lại cùng quí vị tối thứ Năm tuần tới.