Người Miền Núi Tại Xã A Vao Và Thôn Tà Lao Huyện Dakrông Tỉnh Quảng Trị
2010.08.05
Hai ngôi trường mới ở vùng rừng núi
Trên miền ngược, tức trên vùng rừng núi bao la ấy của Quảng Trị, đời sống của dân tôc Paccoh và dân tộc Bru Vân Kiều tại xã A Vao hoặc thôn Tà Lao, là nghèo khổ là tụt hậu so với người Kinh ở miền xuôi.
Vậy mà đến ngày 5 tháng Chín tới, cùng lúc với ngày khai giảng niên học mới trên toàn quốc, hai ngôi trường vừa hoàn tất ở huyện Đakrông, một tại xã A Vao, một tại thôn Tà Lao xã Tà Long, cũng sẽ tưng bừng mở cửa đón mấy trăm em học sinh miền núi.
Trường Cấp Một và Cấp Hai A Vao, khởi sự xây từ tháng Năm, khánh thành hồi tháng Sáu.Trường Cấp Một Tà Lao ở thôn Tà Lao huyện Tà Long, khởi công ngay khi trường A Vao hòan tất, dự kiến hoàn thành vào tháng Chín tới cho kịp ngày tựu trường.
Đây là hai ngôi trường do Global Community Service Foundation, Quĩ Phục Vụ Cộng Đồng Toàn Cầu, trụ sở tại Virginia, Hoa Kỳ, phối hợp cùng đại công ty Boeing, xây lên cho A Vao và Tà Lao trong mục đích hỗ trợ giáo dục cho hai vùng nghèo xa xôi này.
Đây là hai ngôi trường do Global Community Service Foundation, Quĩ Phục Vụ Cộng Đồng Toàn Cầu, trụ sở tại Virginia, Hoa Kỳ, phối hợp cùng đại công ty Boeing, xây lên cho A Vao và Tà Lao trong mục đích hỗ trợ giáo dục cho hai vùng nghèo xa xôi này.
Dưới mắt bà Marcia Selva, đến Việt Nam từ năm 1992, sau này trở thành người sáng lập kiêm giám đốc Quĩ Phục Vụ Cộng Đồng Toàn Cầu, thì Quảng Trị là nơi mà khi bà đến lần đầu tiên và đi thăm người dân tộc:
Đó là một vùng nghèo, trường không ra trường, lớp không ra lớp, nhìn cảnh học sinh miền núi đi học mà thấy tội. Tôi đặc biệt quí vùng đất Quảng Trị, và khi thấy cảnh nghèo ở A Vao tôi cứ nghĩ đây là nơi chốn bị lãng quên trong một đất nước đang phát triển.
Cái may cho tổ chức chúng tôi là khi đó công ty Boeing dự tính xây trường học cho vùng quê Việt Nam. Họ đã đồng ý hỗ trợ tài chính để cùng Quĩ Phục Vụ Cộng Đồng Toàn Cầu xây lên hai trường học cho huyện Đakrông. Thật tuyệt phải không, bây giờ thì xã A Vao và thôn Tà Lao mỗi nơi có một ngôi trường khang trang, sẵn sàng cho năm học mới ngày 5 tháng Chín này đấy.
Đương nhiên khi xây cất thì chúng tôi phải bảo đảm trường không thể bị mưa lũ phá huỷ, chúng tôi đóng cừ đóng móng thật chắc, nghĩa là phải ổn định mọi thứ trước khi mùa mưa tới.
Trường Tiểu Học và Cấp Một A Vao là một toà nhà hai tầng với tám phòng học, sẽ tiếp nhận học sinh từ Lớp Một đến Lớp Chín, được trang bị phương tiện đầy đủ, có rào, có cổng, có hệ thống nước sạch, có nhà vệ sinh riêng, nơi mà học sinh miền núi có thể yên tâm học hành vui chơi, không sợ dột khi trời mưa, không lo nóng dưới cái nắng đổ lửa và khô khốc của Quảng Trị. Đó là mục đích của Quĩ Phục Vụ Cộng Đồng Toàn Cầu.
Trường Tiểu Học và Cấp Một A Vao sẽ tiếp nhận học sinh từ Lớp Một đến Lớp Chín, được trang bị phương tiện đầy đủ, có hệ thống nước sạch, có nhà vệ sinh riêng, nơi mà học sinh có thể yên tâm học hành vui chơi, không sợ dột khi trời mưa, không lo nóng dưới cái nắng đổ lửa và khô khốc của Quảng Trị
Ông Nguyễn Xuân Tâm, đại diện miền Trung của Quĩ Phục Vụ Cộng Đồng Toàn Cầu, cũng là người Quảng Trị, cho biết cũng như các sắc dân thiểu số khác, dân tộc Paccoh và dân tộc Bru Vân Kiều có nền văn hoá riêng biệt.
Đời sống của người dân tộc đa số thấp hơn về mọi mặt so sánh với dân tộc Kinh ở miền xuôi. Đời sống đồng bào dân tộc Paccoh và Vân Kiều cũng vậy. Họ sống ở khu vực thật ra rộng rãi hơn nhiều so với người miền xuôi. Tuy nhiên địa hình miền núi thì lại rất là trắc trở, giao thông đi lại khó khăn, hạ tầng y tế và giáo dục ở miền núi không được hoàn thiện như ở đồng bằng.
Truyền thống văn hóa miền ngược
Ông cho biết có những nét truyền thống văn hoá cần lưu giữ cần bảo tồn:
Họ có những lễ hội mà chính quyền địa phương thường cố gắng khai thác để phát triển nó lên. Hàng năm họ có lễ Mừng Lúa Mới , nó như một kiểu Tết, thì họ xum vầy lại và họ uống rượu cần, một loại rượu từ lúa ráo mà họ trồng trên đồi, chứ không phải lúa nước như nông nghiệp của người Việt mình đâu. Họ muá hát rồi họ sử dụng những nhạc cụ truyền thống mà họ tự sáng tạo ra. Rồi họ còn lễ như là Lễ Đâm Trâu. Hàng năm họ tổ chức nhiều lễ hội như vậy. Đó là một trong những nét văn hóa thực sự cần được bảo lưu mà như bà Marcia thì bà hy vọng có thể phát triển thành du lịch cộng đồng nhằm phát triển đời sống cho người ta.
Hàng năm họ có lễ Mừng Lúa Mới , nó như một kiểu Tết, thì họ xum vầy lại và họ uống rượu cần, một loại rượu từ lúa ráo mà họ trồng trên đồi, chứ không phải lúa nước như nông nghiệp của người Việt mình
Bên cạnh những nét văn hoá độc đáo thì cũng có nhiều hủ tục mà may mắn đã bớt đi nhiều. Phụ nữ Paccoh và phụ nữ Vân Kiều có tục lệ là khi tới ngày sinh thì người mẹ phải tự lo toan, tự ra ngoài cất một cái chòi rồi đẻ con. Đứa bé mới lọt lòng bị mẹ bỏ lại bên rừng bên suối. Nếu có khả năng chống chọi tốt thì nó sẽ sống, bằng không mẹ cứ bỏ mặc đấy, hai ba ngày sau quay lại mà bé chưa chết thì mới mang về nuôi:
Tức là những đứa bé đã qua được sự đào thải tự nhiên như vậy thì sau này sức đề kháng của nó rất là mạnh, nó chống chịu được với khi hậu và những điều kiện vệ sinh không được tốt như ở dưới này.
Đó là lý do tại sao cách đây hai thập niên tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh nơi hai dân tộc Paccoh và Vân Kiều rất cao. Tuy nhiên, vẫn theo lời ông Nguyễn Xuân Tâm, sinh suất của hai dân tộc này không vì thế mà giảm. Phụ nữ Paccoh và phụ nữ Vân Kiều rất mắn con, một nhà hai vợ chồng với đàn con năm bảy đưá nheo nhóc là chuyện bình thường.
Cũng như hủ tục tự ra ngòai rừng để sinh con rồi để mặc đứa trẻ chống chọi với thiên nhiên, người Paccoh và người Vân Kiều khi đau ốm thì tin vào ông Giàng và thầy cúng hơn là tin vào thuốc men và bác sĩ
Cũng như hủ tục tự ra ngòai rừng để sinh con rồi để mặc đứa trẻ chống chọi với thiên nhiên, người Paccoh và người Vân Kiều khi đau ốm thì tin vào ông Giàng và thầy cúng hơn là tin vào thuốc men và bác sĩ:
Khi mà bịnh thì thường người ta gọi già làng, trưởng bản hoặc là thầy cúng đến để trừ tà. Người ta luôn nghĩ bệnh là do tà ma nhập vào. Đó là một trong những hủ tục mà cần thời gian rất lâu mới có thể cải thiện được.
Khi hệ thống y tế được xây dựng trên khu vực đó thì có hai vấn đề đặt ra. Thứ nhất là vì địa bàn quá rộng, người dân tộc trên kia cứ thấy xa và lười thành không mang người nhà đến trạm y tế. Thứ hai nữa, người đầu tiên họ nghĩ tới là thầy cúng chứ không phải thầy thuốc.
Nhưng có lẽ cái lý do chính khiến người dân tộc thiểu số Paccoh và Vân Kiều ở huyện Đakrông tỉnh Quảng Trị rơi vào cảnh tụt hậu chỉ bởi vì họ là những người dễ dàng bằng lòng với hòan cảnh và những gì mình có, họ thiếu ý thức cầu tiến và phấn đấu:
Làm một vụ mùa mà cảm thấy ăn đủ cho một năm như vậy là họ hài lòng. Cái ý thức cầu tiến của người ta rất thấp, họ cảm thấy dễ dàng hài lòng với những gì mình có. Đấy cũng là một trở ngại khi mình muốn giúp đỡ cho người ta phấn đấu vươn lên, học cao hơn để sau này có thể trở về giúp đỡ cho địa phương của người ta.
Cái ý thức cầu tiến của người ta rất thấp, họ cảm thấy dễ dàng hài lòng với những gì mình có. Đấy cũng là một trở ngại khi mình muốn giúp đỡ cho người ta phấn đấu vươn lên, học cao hơn
Từng tìm hiểu và sinh họat bao lâu với người dân tộc, đặc biệt hai bộ tộc Paccoh và Bru Vân Kiều, ông Nguyễn Xuân Tâm phân tích điều ông gọi là thay đổi hành vi cho người thiểu số. Để thay đổi hay cải thiện một hành vi, cũng có nghĩa là thay đổi tập tục xấu hay thói quen xấu, ông nói thường người ta phải mất mươi, mười lăm năm hoặc hơn chứ không thể một sớm một chiều.
Chẳng hạn hành vi sinh con một mình trong một cái chòi thì bây giờ có đến 95% sinh con ở các trạm y tế rồi. Người ta đã xây dựng một mạng lưới gọi là nữ hộ sinh cộng đồng. Nghĩa là không phải những người đỡ đẻ mà là giúp đưa phụ nữ sắp sinh đến trạm y tế.
Có những cái rất thành công mà cũng có những cái rất buồn cười như thế này. Chẳng hạn như là xây nhà vệ sinh cho người dân tộc thiểu số, người ta hỏi lại mình buồn cười một câu rất là ngây thơ nhưng mà xét về quan điểm của người ta là có lý tới một mức nào đó. Họ hỏi tại sao tôi phải vào một cái hộp nhỏ nhỏ hôi hám như vậy, trong khi tôi có cả một khu rừng hòan tòan để sử dụng.
Sự cần thiết cấp bách của giáo dục
Chính vì thế, đối với các thành viên của Quĩ Phục Vụ Cộng Đồng Tòan Cầu, chỉ giáo dục mới có thể tác động và biến đổi nếp nghĩ đơn giản của người miền núi:
Giáo dục và y tế là hai mảng quan trọng nhất, trong đó giáo dục gần như là nền tảng, bởi vì nó giúp nâng cao nhận thức trong tất cả mọi lãnh vực. Mặt khác, cần hướng họ đến và tạo ra một đội ngũ trí thức những người dân tộc thiểu số , sau này họ trở về giúp đỡ chính đồng bào của mình.
Giáo dục và y tế là hai mảng quan trọng nhất, trong đó giáo dục gần như là nền tảng, bởi vì nó giúp nâng cao nhận thức trong tất cả mọi lãnh vực. Mặt khác, cần hướng họ đến và tạo ra một đội ngũ trí thức những người dân tộc thiểu số , sau này họ trở về giúp đỡ chính đồng bào của mình.
Sỡ dĩ khu vực A Vao mà Quĩ Phục Vụ Cộng Đồng Tòan Cầu lên xây trường như vậy là muốn tạo một trường điểm trung tâm, nhằm thu hút và khích lệ các em đến trường. Do đó, tháng Chín này, khi các em có được một trường cơ sở như vậy, thì thực sự đó không những là niềm tự hào của các thầy cô mà còn là sự khích lệ các em, khích lệ cha mẹ cho các em đến trường. Nghĩa là nó giải quyết được vấn đề của ngôi trường tạm trước đây, không đủ phòng học cho học sinh. Hy vọng các em đến học sẽ nhiều hơn.
Trong niên học 2010-2011, khỏang ba trăm năm mươi học sinh dân tộc ở Đakrông sẽ vào trường Tiểu Học và Trung Học Phổ Thông A Vao. Còn ngôi trường xây sắp xong cho thôn Tà Lao, xã Tà Long, cách A Vao tầm 80 kilômét:
Đây cũng là vùng cần được hỗ trợ về mặt giáo dục phổ cập. Điểm trường này, từ lớp Một đến lớp Năm, chỉ dành cho một thôn, khác với A Vao là dành cho nguyên cho một xã. Vừa rồi chính quyền mới xây một trường Mầm Non ở đó, đo đó mà GCSF ( Quĩ Phục Vụ Cộng Đồng Tòan Cầu) quyết định đầu tư vào bậc Tiểu Học tức cấp học phổ thông tại khu vực này. Trường Tà Lao dự kiến sẽ hòan thành trước tháng Chín này luôn, vì mùng 5 tháng Chín là ngày khai trường của cả nước.
Nhấn mạnh về sự cần thiết của giáo dục đối với người dân tộc, đại diện miền Trung của Quĩ Phục Vụ Cộng Đồng Tòan Cầu , ông Nguyễn Xuân Tâm, nói rằng ước vọng của tổ chức là tận dụng giáo dục để thay đổi nếp sống mà vẫn giữ gìn được bản sắc dân tộc:
Cân bằng kiến thức và cơ hội tiếp cận giáo dục giữa trẻ em miền xuôi với trẻ em miền ngược, nâng cao trình độ dân trí của người dân tộc để họ có thể tự mình giúp mình chứ không phải nhờ người khác giúp mình nữa, cho họ khả năng phát huy truyền thống của mình để cho địa phương của mình phát triển hơn. Đó là trách nhiệm chung của chính quyền và của các tổ chức .
Những đứa bé người dân tộc ấy, tôi nghĩ chúng đi học với cái bụng đói. Khi chúng tôi xây trường thì chúng tôi biết học sinh sẽ có ba buổi học trong một ngày, ba chứ không phải hai nhé. Chắc chắn ở lâu như vậy thì mình phải nghĩ cách cho các em một bữa ăn hay chí ít một món gì cho đỡ đói bụng
Đó là nỗ lực của Quĩ Phục Vụ Cộng Đồng Tòan Cầu với những công việc cho người miền núi ở Quảng Trị. Khi mà câu chuyện Đời Sống Người Việt Khắp Nơi tối nay đến với quí vị thì giám đốc Marcia Selva đã có mặt tại xã A Vao hay thôn Tà Lao chi đó rồi. Người phụ nữ nhân hậu, tử tế và làm việc không biết mệt này vừa rời Washington hôm thứ Ba, không quên gọi để chia sẻ một ý nghĩ thóang qua khi nhớ lại một câu hỏi Thanh Trúc:
. Câu hỏi của cô khiến tôi suy nghĩ. Những đứa bé người dân tộc ấy, tôi
nghĩ chúng đi học với cái bụng đói. Khi chúng tôi xây trường thì chúng
tôi biết học sinh sẽ có ba buổi học trong một ngày, ba chứ không phải
hai nhé. Chắc chắn ở lâu như vậy thì mình phải nghĩ cách cho các em một
bữa ăn hay chí ít một món gì cho đỡ đói bụng
Cảm ơn cô đã nói điều này với tôi. Tôi sẽ phải tìm câu trả lời. Quả thực tôi không muốn làm cái công việc mà chính phủ bên đó phải làm, đó là trách nhiệm của chính quyền địa phương, dầu như tổ chức của chúng tôi có phối hợp với chính quyền địa phương bên đó để xây dựng trường. Cảm ơn cô đã hỏi, hãy tin tôi đi, tôi hứa tìm hiểu và nêu vấn đề này lên. Nếu con trẻ mà đói bụng thì không cách chi tập trung vào việc học đâu. Tôi phải coi xem ra sao trước khi quyết định phải làm cái gì đó.
Nỗi băn khoăn của bà Marcia Selva làm Thanh Trúc cảm động không nói nên lời. Hà cớ gì một người không cùng máu mủ ruột thịt với Quảng Trị, mà cứ tối ngày hướng về vùng đất cày lên sỏi đá ấy, với nào là Đakrông, A Vao, Tà Lao, với nào là người Paccoh người Vân Kiều trên nơi xa xôi ấy.
Chừng như đọc được dòng suy nghĩ của Thanh Trúc, bà giám đốc Quĩ Phục Vụ Cộng Đồng Tòan Cầu dứt khóat:
Giấc mơ của tôi là đứa trẻ nào cũng được đi học, là những gì trẻ con thành thị có được thì trẻ con ở miền quê cũng có được. Giấc mơ của tôi là nếu trẻ dưới phố được học thì trẻ miền cao cũng được học chứ không phải lang thang lếch thếch nơi bờ nơi bụi để rồi một ngày nào bỏ cha bỏ mẹ lại mà đi mất đất.
Cô thấy đó, tôi sáu mươi tuổi rồi, tôi biết Việt Nam từ 1992 lận, đất nước này cho tôi cơ hội phục vụ trẻ nghèo khó và trẻ tật nguyền, vậy coi như là đôi bên cùng có lợi, đúng không nào.
Thanh Trúc xin phép tạm dừng giấc mơ dài của Marcia Selva ở đây, để bắt chước bà ước ao cho sự thành hình của hàng trăm ngôi trường trên các bản làng hẻo lánh xa xôi và nghèo khó của đất nước.
Mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi sẽ trở lại cùng quí vị tối thứ Năm tuần tới.