Năm 1999, giám đốc tiếp thị khu vực Châu Á-Thái Bình Dương thuộc tập đoàn Microsoft, ông John Woods, đi du lịch qua Nepal. Đến thăm một ngôi làng ở quốc gia nghèo khó này, ông thực sự ngạc nhiên khi thấy học sinh ở đó toàn học và đọc những cuốn sách có từ thời Liên Xô trước kia.
Trở về Hoa Kỳ, ông huy động bạn bè và quyên góp được rất nhiều sách rồi mang trở qua Nepal, tặng lại cho những em học sinh trong ngôi làng nọ như ông đã hứa. Đây cũng là lúc ông quyết định từ bỏ công việc đang làm cho Microsoft để thành lập tổ chức Room To Read và trở thành giám đốc điều hành.
Không dừng lại ở công việc quyên góp sách và phát sách, Room To Read còn thực hiện những chương trình giáo dục cho trẻ em nghèo các nước. Đó là các chương trình vi tính, phòng Lab ngoại ngữ, xây trường học, thư viện, học bổng, xuất bản truyện song ngữ.
Hiện phần nhiều hoạt động của Room To Read tập trung tại các nước đang mở mang ở Châu Á. Tháng 11/ 2001, Room To Read chính thức được giấy phép mở văn phòng hoạt động tại Việt Nam.
Mục đích
Nếu truy cập vào địa chỉ www.roomtoread.org trên mạng, người đọc sẽ thấy câu kết luận như thế này: Việt Nam muốn nâng cao phẩm chất cũng như trình độ giáo dục cho giới trẻ trong nước nhưng họ chưa đủ nguồn lực để hoàn thành trách nhiệm, vì thế Room To Read cần có mặt để giúp đỡ.
Đó cũng là nhận định của cô Phạm Mộng Thuý, giám đốc Room To Read tại Việt Nam. Là một người Mỹ gốc Việt trẻ cư ngụ tại San Francisco (California, Hoa Kỳ), Năm 2001 Phạm Mộng Thuý về Việt Nam theo một chương trình thiện nguyện đi Á Châu. Sau một năm dạy tại Viện Đại Học Dalat, cô tìm đến Room To Read và trở thành giám đốc văn phòng của tổ chức tại Việt Nam.
Cô Phạm Mộng Thuý : Năm 2001 lần đầu tiên Thuý qua Việt Nam. Sau một năm đó Thuý quen biết mấy người ở Room To Read thì Thuý cũng có nói chuyện với họ là Thuý ở Việt Nam và họ có cần thì Thuý sẽ phụ giúp cho Room To Read.
Tiêu chí đầu tiên của Room To Read ở Việt Nam là học bổng cho trẻ em nghèo mà đối tượng là nữ sinh. Giám đốc Room To Read Phạm Mộng Thuý giải thích:
Cô Phạm Mộng Thuý : Học bổng của Room To Read dành cho nữ sinh tại vì ở đây cũng giống như ở mấy nước nghèo khác là nữ sinh không có nhiều cơ hội giống nam sinh. Nếu mà phải chọn con trai hay là con gái thì thường thường gia đình sẽ chọn con trai để cho đi học.
Học bổng của Room To Read giúp học sinh từ Cấp Một cho đến hết Cấp Ba. Cô Mộng Thuý cho rằng điều này rất quan trọng trong một xã hội vốn trọng nam khinh nữ, cha mẹ ở thôn quê thường không phản đối chuyện con gái trong nhà nghỉ học sớm để đi làm kiếm tiền phụ giúp gia đình:
Cô Phạm Mộng Thuý : Nếu mà trẻ em muốn đi học thì Room To Read sẽ cho đi học tới lớp 12. Những học bổng này rất là quan trọng vì nếu trẻ em ở Câp Một lúc lên Cấp Hai hay là lên Cấp Ba thì lúc đó đến tuổi đi làm rồi, với thường thường ở huyện hay là ở dưới tỉnh mà xa thì nó bắt chước bạn bè mà bỏ học để lên thành phố kiếm việc làm.
Thường thường mấy đứa đó mà lên thành phố kiếm việc làm thì rất là khó, mà nó chỉ đi theo bạn mà thôi, cho nên mình muốn nó tiếp tục đi học. Nếu mà nó tiếp tục đi học và ba mẹ nó cũng giúp đỡ nó thì Room To Read cũng sẽ tiếp tục cho nó học bổng đến Lớp 12.
Hoạt động tại Việt Nam
Vừa rồi là phần trình bày của Phạm Mộng Thuý, Giám Đốc Room To Read tại Việt Nam. Để quí vị rõ hơn về hoạt động cũng như công việc của Room To Read, Thanh Trúc mời bạn Nguyễn Hạnh, một người trẻ trong nước đang cư ngụ tại TP.HCM, được đào tạo để phụ trách Chương Trình Học Bổng Nữ Sinh Room To Read:
Room to Read tạo nhiều điều kiện tốt hơn về giáo dục, hổ trợ cho các nữ sinh vùng sâu vùng xa. Chương trình học bổng sẽ bảo đảm cho các em trong mười hai năm liền về học phí, về các dụng cụ học tập cũng như các chuyến đi dã ngoại.
Cô Hạnh Nguyễn
Cô Nguyễn Hạnh : Em có cơ hội làm việc với Room To Read từ 2005 đến 2008. Gọi là Chương Trình Học Bổng Nữ Sinh bởi vì chương trình này chỉ dành cho nữ mà không có dành cho nam. Thật ra có một số người rất là thắc mắc, người ta hỏi như vậy chẳng khác nào trọng nữ khinh nam hay sao.
Đó là một cách nói vui thôi chứ còn thật ra trước giờ thì nữ, đặc biệt là nữ ở những nước đang phát triển, ít có cơ hội được tiếp cận giáo dục, tiếp cận y tế, tiếp cận những cơ hội việc làm hơn là nam. Vì vậy Room To Read với tiêu chí cho nữ có nhiều điều kiện tốt hơn về giáo dục nên chương trình này hổ trợ các nữ sinh vùng sâu vùng xa. Chương trình học bổng sẽ bảo đảm cho các em trong mười hai năm liền về học phí, về các dụng cụ học tập cũng như các chuyến đi "field trip training" dã ngoại.
Thanh Trúc : Tức là các chuyến đi huấn luyện.
Cô Nguyễn Hạnh : Dạ. Đúng rồi. Là để các em có thể phát triển toàn diện không những về việc học mà là những kỷ năng sống, tức là để các em có thể tự bảo vệ chính bản thân mình, tự có thể phát triển bản thân. Room To Read tin rằng phụ nữ là người mẹ của gia đình tương lai, nếu người mẹ đó có học vấn chắc chắn họ sẽ cho con họ đi học, cho thế hệ sau kế tiếp đi học.
Hỗ trợ học sinh nghèo
Kể từ lúc có mặt tại Việt Nam, Room To Read đã hỗ trợ giáo dục và giúp học bổng cho nữ sinh nghèo tại những vùng phụ cận của thành phố Hồ Chí Minh như Cần Giờ, Nhà Bè, Hóc Môn, cho đến những vùng sâu vùng xa thuộc các tỉnh miền Trung là Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, rồi các vùng sâu vùng xa tại đồng bằng sông Cửu Long như An Giang, Bình Dương, Đồng Tháp, Long An, Vĩnh Long, Trà Vinh.
Là người phối hợp thức hiện các chương trình giáo dục của Room To Read, Nguyễn Hạnh cho biết hiện có 802 em học sinh nữ từ những địa danh vừa kể nằm trong Chương Trình Học Bổng Nữ Sinh Room To Read:
Cô Nguyễn Hạnh : Thì cách mà em làm việc là như thế này: Đầu tiên là trường giới thiệu những nữ sinh nào mà có hoàn cảnh khó khăn. Tụi em sẽ đến tận nơi để mà phỏng vấn các em, tìm hiểu hoàn cảnh các em, đến thăm gia đình các em.
Sau đó khi mà các em bắt đầu vào chương trình thì mỗi năm vào đầu học kỳ các em sẽ tham gia chương trình gọi là lễ trao học bổng để em cảm thấy cái vinh dự là một nữ sinh của chương trình học bổng Room To Read.
Đầu năm học các em được cung cấp những dụng cụ học tập cơ bản nhất, đóng tiền học phí cho các em, hổ trợ cho các em những phương tiện đi học như là xe đạp. Trong suốt một năm các em được những khoá đi "field trip", đi chơi nhưng là học, hoặc là được tham gia trại hè, nơi đó các em có thể kết bạn, tham gia những hoạt động có thể tạo ra cái self esteem nghĩa là các em cảm thấy tôn trọng bản thân mình hơn.
Vì Room To Read bắt đầu đến Việt nam từ 2001, như vậy có những em gái đã ở trong chương trình học bổng sáu bảy năm nay. Nguyễn Hạnh nhận xét tiếp:
Cô Nguyễn Hạnh : Ví dụ như là, ngay từ đầu khi mà mình mới bắt đầu làm, mình gặp các em thì nó còn nhút nhát và khi mình hỏi chuyện nó thì nó không dám trả lời, rất là sợ sệt. Nhưng một vài năm sau, cũng là những em đó, nhưng mà mình tổ chức những khoá tập huấn về kỹ năng sống, kỹ năng ra quyết định, rồi hiểu bản thân mình như thế nào, yêu mến chính bản thân mình, yêu mến giá trị của mình, ra những quyết định trong những hoàn cảnh khó khăn thế nào đó, và rất nhiều kỹ năng khác, thì các em đó có một sự chuyển đổi rất là lớn.
Từ những em không có điều kiện tiếp cận, thậm chí là những vùng nó ở hầu như là không hề có điện, tối nhiều khi phải học bằng đèn dầu, hoặc là nó phải đi học xa hai ba tiếng đồng hồ mà phải chuyển qua rất là nhiều phương tiện. Nhà nó ở quá sâu, như là mẹ nó phải chèo thuyền, chèo xuồng ra tới đường lộ, rồi từ đó nó phải đạp xe đến trường, có thể là nhiều khi 4-5 giờ sáng.
Nhưng mà dù trong hoàn cảnh như vậy nhưng các em cũng tự vươn lên, tự nỗ lực và tự khẳng định bản thân. Qua những chuyến đi chơi như vậy thì em thấy đó là một thành quả rất khích lệ cho những người làm chương trình như em.
Thư viện Child Friendly
Trên tất cả, khởi đi từ ý muốn giúp đỡ cho học sinh có đầy đủ sách đọc và có phương tiện học tập theo đúng với ý nghĩa của ba chữ Room To Read, tổ chức này đi tới đâu thì lập thư viện lên tới đó. Mời quí vị nghe Nguyễn Hạnh diễn tả về những thư viện độc đáo mà Room To Read gọi là Child Friendly tức là thân thiện với trẻ:
Cô Nguyễn Hạnh : Ở vùng sâu vùng xa thì các em ít có cơ hội tiếp cận với sách, thì Room To Read cùng với địa phương, có nghĩa là cả hai bên cùng hợp tác luôn. Room To Read cung cấp sách và các dụng cụ trang trí, còn địa phương thì chuẩn bị phòng. Có hai dạng thư viện là thư viện trong phòng đọc và thư viện di động.
Room To Read cho trải thảm dưới đất, để các em có thể ngồi đọc, nằm đọc ở bất cứ tư thế nào. Trẻ sẽ thấy là tại sao mà phòng thư viện đẹp quá, nhiều màu sắc quá, vui quá, hấp dẫn quá ,vào đọc được mà chơi cũng được. Nó tạo ra một môi trường rất là lành mạnh cho các em đọc sách.
Nếu trường không có một phòng học nào đó để cung cấp thì sẽ có một xe đẩy lưu động, và Room Tpo Read cung cấp sách để cho mỗi giờ chơi các em có thể ngồi ở sân trường mà đọc sách. Hình thức thứ hai là thư viện trong phòng học thì các em được vào phòng đọc sách. Phòng đó trang hoàng sơn phết rất là đẹp, vừa có đồ chơi, vừa có sách song ngữ tiếng Anh, vừa có sách truyện, sách học và sách đọc.
Room To Read cho trải thảm dưới đất, để các em có thể ngồi đọc, nằm đọc ở bất cứ tư thế nào. Trẻ sẽ thấy là tại sao mà phòng thư viện đẹp quá, nhiều màu sắc quá, vui quá, hấp dẫn quá ,vào đọc được mà chơi cũng được. Nó tạo ra một môi trường rất là lành mạnh cho các em đọc sách.
Số liệu trên trang web của Room To Read cho thấy là tính đến năm 2007 thì có 241 thư viện đã hình thành tại các vùng mà Room To Read hoạt động ở Việt Nam. Kế hoạch của năm 2008 là một trăm mười thư viện mới cho các nơi.
Về trường học, 86 ngôi trường được Room To Read xây lên nơi những vùng sâu vùng xa mà tổ chức có mặt. Theo dự tính năm nay, Room To Read sẽ lập thêm hai mươi trường nữa.
Từ 2001 tới giờ có 802 nữ sinh chính thức tham gia Chương Trình Học Bổng Room To Read. Năm 2008 thêm 373 em được Room To read trao học bổng.
Về chương trình vi tính và phòng Lab ngoại ngữ , Room To Read ở Việt nam đã có 67 phòng với dự trù cho năm 2008 là thêm 10 phòng khác.
Trước khi kết thúc mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi hôm nay, Thanh Trúc mạn phép viện dẫn câu ngạn ngữ Trung Hoa mà Room To Read đưa lên trang web của mình để đề cao sự ích lợi của giáo dục:
Muốn lợi một năm thì gieo hạt, muốn lợi mười năm thì ươm cây, và muốn lợi trăm năm thì trồng người.
Thanh Trúc sẽ trở lại cùng quí vị tối Thứ Năm tuần tới.