“Trại Hè Về Miền Tây” do Dự Án Việt Nam bảo trợ

Tháng trước, Thanh Trúc đã trình bày đến quí vị việc chuẩn bị trại hè của Project Vietnam, tức Dự Án Việt Nam, mà sinh viên Việt ở hải ngoại có cơ hội về Việt Nam để cùng sinh viên bên nhà thực hiện những công tác y tế và xã hội tại các vùng sâu vùng xa trong nước.

Hôm nay, khi mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi đến với quý vị, thì Trại Hè Về Miền Tây đã diễn ra hai tuần ở Việt Nam, với hai điểm đến là Trà Vinh của tỉnh Sóc Trăng, Hòn Đất ở tỉnh Kiên Giang.

Đoàn về đến Việt Nam hồi đầu tháng, trực chỉ Sóc Trăng, sinh hoạt và làm việc ở Trà Vinh bảy ngày, sau đó lên đường sang Hòn Đất để tiếp tục công tác tám ngày tại Kiên Giang. Ông Nguyễn Đức Quang, trại trưởng Trại Hè Về Miền Tây, cho biết tại Trà Vinh, đoàn có thêm 30 tham dự viên là sinh viên ở ngay địa phương:

Sáu mươi người, trong đó 52 em là trại sinh, một số người hướng dẫn, toán bác sĩ, cùng với 30 em trại sinh ở Trà Vinh, đã xúc tiến ngay công tác trong chặng đầu. Sau khi sinh hoạt với nhau, họ đã chia toán và tổ chức hai chuyến công tác về y tế trong hai ngày.

Một chuyến đi có ý nghĩa

Đoàn đã tổ chức hai buổi khám sức khỏe cho gần chín trăm người ở Trà Vinh mà hết một nửa số đó là trẻ em. Theo ông Nguyễn Đức Quang, việc khám bệnh và phát thuốc diễn ra rất thuận lợi, mặc dầu có nơi trời nắng chang chang vì địa điểm ma 2mọi người tập trung để được khám bệnh miễn phí là sân trường trống trải không một bóng cây.

Sau Trà Vinh thì đi qua Kiên Giang, ở đây họ tổ chức ba buổi công tác liền, trong ba buổi đã khám cho trên một ngàn rưởi người gồm cả trẻ em và người lớn, phát quà tặng phẩm cho đồng bào.

Ông Nguyễn Trung Tín, cố vấn của trại hè Về Miền Tây:

Chúng tôi muốn đưa các em vào thăm vùng sâu vùng xa, những chuyến đi khám bịnh phát thuốc thì đều ở những vùng rất sâu, phải qua nhiều phương tiện như đi đò, đi thuyền lơn thuyền nhỏ mới vào được tận vùng U Minh Thượng. Chúng tôi có bốn bác sĩ tình nguyện đi theo trong vai trò giữ gìn sức khỏe cho các em bởi chúng tôi biết khí hậu trong đó khắc nghiệt, đồng thời họ cũng giúp khám bịnh cho đồng bào nữa. Những bác sĩ đó ở bên Mỹ, tình nguyện đi theo đoàn suốt mười lăm ngày nay.

Đối với bác sĩ Diễm Chi, chuyên về sản phụ khoa, đi cùng chồng là bác sĩ Hà chuyên về nội thương, thì đây là một chuyến đi có ý nghĩa:

<i>Đây là lần đầu tiên đi về miền Tây, với lại đây cũng là lần đầu tiên đi theo Project Vietnam. Rất là thích thú tại vì thấy người ta rất là nhiệt tình, với lại thấy mình đã giúp đỡ được dù là trong phần nhỏ thôi nhưng mà rất là cảm động.</i>

Bác sĩ Diễm Chi

Đây là lần đầu tiên đi về miền Tây, với lại đây cũng là lần đầu tiên đi theo Project Vietnam. Rất là thích thú tại vì thấy người ta rất là nhiệt tình, với lại thấy mình đã giúp đỡ được dù là trong phần nhỏ thôi nhưng mà rất là cảm động.

Không chỉ tình nguyện tháp tùng trại hè Về Miền Tây, bác sĩ Diễm Chi và bác sĩ Hà còn mang theo bốn người con, từ mười một đến mười sáu tuổi, để cho con biết thế nào là một sinh hoạt tập thể có tính cách xã hội, đồng thời nếm trải cuộc sống của người nghèo ở miền Tây. Về tình trạng sức khỏe của dân quê, bác sĩ Diễm Chi chia xẻ:

Nói chung thì thứ nhất là người ta thiếu ăn, thứ hai là tại vì người ta làm ruộng, người ta làm nguyên ngày thành chi người nào vô cũng than là bị nhức đầu, nhức mỏi, không uống đủ nước rồi không ăn đủ là tại vì chỉ ăn một bữa sáng và một bữa chiều thành chi là mấy cô mấy bác người nào cũng mệt mỏi. Nhưng mà nói chuyện có dặn cách ăn ang dặn cách uống, nhắc uống nước rồi cho thuốc bổ này nọ thì thực ra Diễm Chi cũng biết là chỉ giúp đỡ một phần rất là ít. Hy vọng là từ đó mình càng ngày càng giúp được thêm.

Sức khỏe cộng đồng

Dưới con mắt nhận xét của bác sĩ Hà, nói về sức khỏe cộng đồng trong đa số dân quê thì chừng như có hiện tượng gọi là mắc bịnh theo từng vùng. Ông nói có nơi nhiều người bị huyết áp cao, có nơi chủ yếu sống về nông ngiệp thì nhiều người bị đau vai, lưng và đầu gối.

Trẻ em thì đa số nhỏ con, bác sĩ Hà nói tiếp, nhiều phần là vì chỉ ăn một ngày hai bữa, thức ăn lại không đủ chất dinh dưỡng trong lúc các em ngày một lớn nên chừng như em nào em nấy không phát triển chiều cao. Nói chung về sức khỏe thì cái mà mọi người thiếu nất ở đây chính là chất đạm và một chế độ dinh dưỡng đúng tiêu chuẩn.

Tại Hòn Đất, Kiên Giang, ngoài việc khám sức khỏe miễn phí, phân phát quà cho người nghèo, đoàn còn bàn giao cho địa phương một khu nhà vệ sinh bốn phòng trong một trường tiểu học, một chiếc xuồng cấp cứu với đầy đủ dụng cụ, và bốn cây cầu xi măng đã được xây xong. Phí tổn xây cầu do Hội Thân hữu Kiên Gaing ở Hoa Kỳ tài trợ.

Vào khi chuyến công tác ý tế ba ngày ở huyện Hòn Đất kết thúc, mọi người lên xe đi tiếp sang Hà Tiên, vùng đất xinh đẹp của tỉnh Kiên Giang.

Đời sống người dân ở miền Tây

Sinh viên Nguyễn Hạnh, sẽ vào năm thứ nhất Y Khoa ở California, năm 2007 là tham dự viên của trại hè Về Miền Duyên Hải, năm nay trở lại Việt Nam trong tư cách trưởng nhóm:

Thì tụi em cũng có nhiều việc lắm. Em thì chưa bao giờ về miền Tây cho nên về lần này để thấy được cách sống của người dân miền Tây nó cũng khác. Năm ngoái là đi Nha Trang thì cuộc sống của người dân Nha trang và dân ở miền Tây khác nhau. Miền Tây họ đi nhiều bằng tàu bè, có nhiều nước, có nhiều cây xanh thì cũng đẹp lắm. Nhưng mà dân ở miền Tây thì hình như khổ hơn, những nơi mà em đi thấy nghèo lắm. Đi vô sâu ơi là sâu, bởi vậy thấy họ khổ hơn.

Miền Tây đi nhiều bằng tàu bè, có nhiều nước, có nhiều cây xanh thì cũng đẹp lắm. Nhưng mà dân ở miền Tây thì hình như khổ hơn, những nơi mà em đi thấy nghèo lắm. Đi vô sâu ơi là sâu, bởi vậy thấy họ khổ hơn.

Sinh viên Nguyễn Hạnh

Khi Thanh Trúc hỏi cái nghèo mà Hạnh đang cố diễn tả ở đây là như thế nào, cô sinh viên lớn lên ở Mỹ giải thích:

Thì coi như là suy dinh dưỡng, ba ngày khám thì thấy em nào cũng suy dinh dưỡng hết á, lớn tuổi rồi mà thấy bé tí xíu hà. Với lại không biết có phải là cái cách ở của họ không mà cái nhà thì là nhà lá, bé tí xíu mà nguyên gia đình ở, cái nền nhà bằng đất hết. Vấn đề vệ sinh của họ giống như là sông thì cũng dơ, họ phải hứng nước mua để trong lu, em thấy cách sống của họ khác ở Nha Trang. Ở Nha Trang em không thấy một cái nhà lá nào, còn dưới đây thì đa số là nhà lá hết trơn.

Hạnh nói cô thấy rõ lợi ích của việc xây bốn cây cầu cho dân địa phương dùng, thay thế những cái cầu khỉ gập ghềnh ọp ẹp trước đây:

Tại vì tụi em để lại cái cầu ván nhưng mà xây thêm cái cầu xi măng nữa. Cầu xi măng thì bây giờ ai cũng đi qua được, thấy người ta dùng cầu xi măng và không ai dùng cầu ván nữa. Bây giờ học sinh có thể đi học được tại vì trời mưa vẫn băng qua cầu được.

Tham gia của các sinh viên trong nước

Nhưng có lẽ đối với Project Vietnam, chương trình chăm sóc sức khỏe căn bản cho người vùg sâu vùng xa ở trong nước từ năm 1996 đến giờ, thì quan trọng vẫn là sự tham gia của các bạn sinh viên ở trong nước. Tại Sóc Trăng thì có ba mươi bạn tham dự trại, và ở Kiên Giang là hai mươi chín người. Cảm tưởng của những bạn trẻ này ra sao, các bạn có hoà đồng vào không khí sinh hoạt và làm việc chung bên các sinh viên từ Mỹ về?

Trên chuyến xe đi thăm một nhà trẻ khuyết tật ở Hà Tiên, cô sinh viên trường Cao Đẳng y Tế ở Kiên Giang bày tỏ với Thanh Trúc:

Em tên Giang, em ở Hòn Đất là một huyện thuộc tỉnh Kiên Giang. Cái chương trình này tức là cái Project Vietnam tài trợ cho sinh viên tỉnh Kiên Giang, hai trường là trường Y Tế với trường Cao Đảng Sư Phạm. Tụi em thì nói chung đối với người ở bên đó cũng là ngôn ngữ khác nhau nhưng mà tụi em cũng có một kiến thức nhất định về Anh văn đó, nên thành ra cũng hoà đồng được.

Họ hăng hái, nhiệt tình, nói chung là họ rất quý những người mà đến làm việc. Trường của em thì được mười bốn người, ở bên trường Cao Đẳng Sư Phạm thì được mười lăm người nữa, tổng cộng ở Kiên Giang là 29 sinh viên .

Giang nói cũng nhờ Dự Án Việt Nam mà cô có cơ hội đi vào tận những vùng xa xôi héo lánh để thấy và để biết về dân tình trong đó:

Để tụi em có cơ hội giúp đỡ những người khó khăn mà có thể là bình thường thì tụi em không có đủ tài và lực để mà đi tới đó. Nhờ cái này mà tụi em có cơ hội để làm nhiều việc tốt.

Em đang đi đến trường khuyết tật ở xã Mỹ Lâm, huyện Hòn Đất tỉnh Kiên Giang, dạ tới rồi đó, bây giờ vô để phát quà cho các bạn nhỏ mà bị khuyết tật đó.

Kinh nghiệm học được

Và đây, trong khuôn viên của trường khuyết tật, bạn Đức, sinh viên Cao Đẳng Sư Phạm Kiên Giang:

Cảm nghĩ của em thì chuyến đi nay rất là bổ ích, mình có thể giúp được những bạn nghèo ở nông thôn, giúp họ chữa một số bịnh, cho họ những cây cầu để họ có phương tiện đi lại, em cảm thấy mình thật là hạnh phúc khi có thể theo đoàn làm được việc này.

Cảm nghĩ của em thì chuyến đi nay rất là bổ ích, mình có thể giúp được những bạn nghèo ở nông thôn, giúp họ chữa một số bịnh, cho họ những cây cầu để họ có phương tiện đi lại, em cảm thấy mình thật là hạnh phúc khi có thể theo đoàn làm được việc này.

Bạn Đức, sinh viên Cao Đẳng Sư Phạm Kiên Giang

Được hỏi Đức nhận xét thế nào về những bạn sinh viên từ Mỹ về, họ có cách biệt với các sinh viên trong nước không, Đức trả lời là em không thấy có sự khác biệt nào:

Họ đang cùng với các em khuyết tật trao quà rất là gần gũi. Đứng trên khia cạnh giáo dục thì em thấy họ có thể rút ra được những cái bài học về tình người, họ có thể hoà nhập có thể biết được ở nông thôn còn rất là nhiều khó khăn, do đó họ có thể đầu tư nhiều hơn nữa vào những Project Vietnam tiếp theo.

Riêng với bản thân, bài học mà Đức rút tỉa được từ những bạn sinh viên ở xa về là :

Cái bài học ở đây là tinh thần đoàn kết, năng lực làm việc của nhóm và đặc biệt là cái sự chuẩn bị của các bạn rất rốt.

Vẫn theo lời Đức, một kinh nghiệm khác em thu thập được từ các sinh viên bên Mỹ là cung cách hợp tác và làm việc chung trong một nhóm người có cùng một lý tưởng phục vụ.

Mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi đến đây tạm ngưng. Thanh Trúc kính chào. Hẹn tái ngộ quí thính giả tối thứ Năm tuần tới.