Họ trở thành những tín hữu của đạo Tin Lành, họ nhóm họp, thờ phượng và đọc kinh. Từ những năm hai ngàn, đôi ba lần họ kéo nhau ra thị trấn biểu tình đòi đất, đòi được tự do quây quần để đọc kinh.
Đó là nguyên nhân khiến họ, những người Thượng ấy, cứ bị bắt bớ, bị cấm đạo, muốn ra khỏi bản làng thì phải xin phép mới được đi.
Trốn qua Thái Lan
Thoạt đầu đã có nhiều người tìm cách trốn khỏi vùng cao, băng rừng vượt sông qua tới đất Chùa Tháp, được Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc ở Phnom Penh bảo trợ, giúp đỡ cho đi một quốc gia thứ ba.
Những người chậm chân đi sau, hai ba năm trở lại đây, không được Cao Ủy cấp qui chế tị nạn nữa mà khuyên họ trở về. Họ không dám trở lại mà tìm đường tới Thái Lan để rồi bị bắt, bị ngồi tù, bị gởi trả lại nguyên quán. Những ai thoát được thì trở thành người cư trú bất hợp pháp trên đất Thái.
Thanh Trúc tình cờ gặp nhóm dân tộc người Ê Đê và M’Nông đang sống nhờ vào lòng hảo tâm của một tổ chức ngoài chính phủ. Do yêu cầu của tổ chức NGO này cũng như của những người Thượng trôi dạt ấy, không một danh tánh một tên tuổi, thậm chí chỗ ở của họ cũng không được nêu lên ở đây.
Chúng em không muốn quay về Việt Nam, thấy sợ lắm, một là chết, hai là bị đi tù từ,năm năm đến hai mươi năm, cho nên thoát chạy sang Thái Lan.
Một ngườiM'Nông
Vấn đề ở chỗ không phải là sự vượt thoát mà chính là tình cảnh bi đát tuyệt vọng của những người không có nơi để bám víu. Bà Liz, xin tạm gọi như vậy, thuộc tổ chức NGO đang cưu mang những người Thượng đó, kể lại là khi bà nghe được và tìm đến Bangkok thì tìm thấy mười mấy người Thượng vừa nam vừa nữ vừa mấy em nhỏ sống chen chúc, gần như là lẩn trốn, trong một căn phòng nhỏ bé chật chội . Bà nói vấn đề mà tổ chức từ thiện của bà quan tâm nhất là tình trạng an ninh của họ, đặc biệt những ngày đầu tới Bangkok họ vô cùng sợ hãi.
Theo bà, có thể lý do khiến những người Thượng này trốn đi là vì sợ, còn ở trong nước hay sang đến Kampuchia thì vẫn sợ công an Việt Nam, qua được Thái thì sợ cảnh sát bản xứ, trông họ đói khổ, thiếu thốn, trốn chui trốn nhủi đến là tội nghiệp.
Bà nói,"Về nơi đây được ít tháng, tổ chức NGO này xin được giấy phép làm việc cho họ, một sự bảo đảm an ninh vô cùng cần thiết bởi ít nhất bây giờ họ có một mảnh giấy tùy thân có thể gọi là hợp pháp. Dẫu gì thì giấy phép làm việc đó cũng là tạm bợ thôi vì cứ phải đi chứng thực để xin giấy mới hàng năm."
Một chút hy vọng le lói sau gần hai năm nhóm sắc tộc Ê Đê và M’Nông sống và sinh hoạt trong tổ chức từ thiện của bà Liz.
Bây giờ họ có một căn nhà, hàng ngày họ có thể cùng nhau đọc kinh và cầu nguyện, nỗi lo sợ vơi bớt phần nào: "Ở đây thì ra ngoài nó ổn định một chút, cỡ hai ba cây số, cảnh sát ít hơn trên Bangkok.

Em người dân tộc Ê Đê, em đi bằng xuồng từ Việt Nam đến Kampuchia, lên trại tị nạn Kampuchia. Rồi sau đó tụi em được phỏng vấn rồi rớt phỏng vấn. Bên phòng UN Kampuchia định trục xuất em về. Em không thể về Việt Nam được và đào thoát sang Thái Lan.”
Một người dân tộc M’Nông:
“Tụi em ra đi mỗi người mỗi đường khác nhau. Em đi từ Daklak, đánh xe khách, chạy tới Quảng Trị. Từ Quảng Trị đi một ngày một đêm xuyên qua nước Lào, em đi bộ cũng gần một tuần đến cửa khẩu Lao Bảo. Cách cửa khẩu năm cây số là em xuống xe đi đường rừng theo mấy người Lào thiểu số. Họ có thể nói tiếng Việt, tiếng Lào và tiếng Thái, họ sống ở biên giới. Đầu tiên em qua thành phố Mukdahan của Thái rồi sau đó qua Bangkok.
Đi cũng vất vả lắm, qua Kampuchia rồi đến phòng UN. Hai ngày sau, UN đưa vào trại tị nạn của người Thượng. Em đã rớt phỏng vấn từ Kampuchia. Khi rớt phỏng vấn là UN bắt buộc chúng em ký giấy rời Kampuchia. Chúng em không muốn quay về Việt Nam, thấy sợ lắm, một là chết, hai là bị đi tù từ,năm năm đến hai mươi năm, cho nên thoát chạy sang Thái Lan.
Ở Việt Nam thì em va chạm rất nhiều, thứ nhất em ở tù, thứ hai em biểu tình, nên vì thế em không thể quay về, em trốn qua nước Thái.
Chính quyền Việt Nam không cho mình sinh hoạt về tôn giáo. Đất đai của Tây Nguyên hiện không còn nữa nên người Thượng chúng tôi phải biểu tình để đòi chính phủ xem xét lại, nhưng họ không đồng ý.”
Một người phụ nữ trong nhóm (nói tiếng Ê Đê)
“Tôi ra đi cùng với gia đình tôi, từ Saigon ra biên giới, sau đó đón thuyền. Không có ai chỉ đường đâu, mình phải tự tìm hiểu đường. Người ta kiểm soát mình rất là chặt chẽ.”
Tương lai của những người này thật là bấp bênh, chính phủ Thái Lan muốn bắt họ lúc nào cũng được. Nước thứ ba nào muốn tiếp nhận họ thì cũng rất khó khăn vì họ không có giấy tờ chi hết.
Một người Thượng
Nhưng chắc phải có một tin nhắn nào đó và từ đâu đó, thì người khác mới có thể biết được là có một số người Thượng Tây Nguyên đang lẩn trốn trên đất Thái.
Quí vị đang nghĩ vậy phải không? Thưa đúng, bởi một người trong nhóm đang giải thích chuyện này:
“Người bên Mỹ họ giới thiệu, cũng gần hai năm rồi. Giờ sống nhờ cơm của trung tâm này thôi. Vừa rồi trung tâm cũng có làm cho cái giấy tạm thời, mỗi lần cảnh sát qua đây hỏi giấy tờ thì trình giấy đó với cảnh sát. Nhưng mà cái giấy đó không bảo đảm lâu dài đâu.
Làm ở đây thì đồng lương chỉ có ít thôi, đủ sống qua ngày, bởi vì trung tâm này cũng rất nghèo, họ không thể đủ khả năng để giúp đỡ nhóm của em đâu. Nhưng mà đây là con đường cuối cùng bởi vì tụi em không thể ra ngoài để kiếm việc làm được, nếu cảnh sát Thái mà bắt được họ sẽ trục xuất về Việt Nam, đó là vấn đề hết sức khó khăn và chắc chắn sẽ bị vào tù.”
Không thể trở về

Tuy được giúp đỡ nhưng tiếp tục sống trong tình trạng giấy tờ bấp bênh và không dám ra ngoài thì chẳng khác nào tự giam lỏng mình. Những người dân tộc Tây Nguyên này chừng như chỉ biết lấy câu kinh và lời nguyện làm niềm an ủi.
Một người thường lui tới thăm viếng nhóm người Thượng này, xin phép được giấu tên, nói với Thanh Trúc:
“Tôi không phải là người Thượng, tình cờ tôi biết một nhóm đồng bào người Thượng ở đây và tôi rất cảm động, biết họ là người Tin Lành.
Theo tôi biết thì ngôn ngữ tiếng Việt của họ bây giờ đã hạn chế rất nhiều. Có những người ở đây mà gia đình họ đi tù nhiều lắm, có gia đình tới ba người đi tù ở bên Việt Nam. Tôi nghĩ rằng sự quay về của họ rất là nguy hiểm cho bản thân và gia đình họ.
Tới đây thì tôi biết là họ rất khó khăn. Ngay cả những cuộc điện thoại mà họ gọi về cho gia đình họ thì công an ngày hôm nay hay ngày mai bắt gia đình họ đi lên làm việc liền. Điều đó rất nguy hiểm cho họ và cả gia đình họ.
Có những người ở đây muốn liên lạc với gia đình của họ thì họ nhờ những người Thượng đã chạy qua bên Mỹ. Ở đây gọi qua bên Mỹ, rồi những người bên Mỹ gọi về Việt Nam, chớ họ không dám gọi trực tiếp về gia đình họ nữa. Tương lai của những người này thật là bấp bênh, họ không có giấy tờ, chính phủ Thái Lan muốn bắt họ lúc nào cũng được. Thái Lan đang trục xuất rất nhiều người về. Nước thứ ba nào muốn tiếp nhận họ thì cũng rất khó khăn vì họ không có giấy tờ chi hết.”
Không giấy tờ tùy thân
Nhưng tại sao đã tới được Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc ở Phnom Penh rồi mà nay không một ai có được mảnh giấy tờ tùy thân. Người tự cho mình là bạn của những anh em người Thượng giải thích tiếp:
Có những người ở đây mà gia đình họ đi tù nhiều lắm, có gia đình tới ba người đi tù ở bên Việt Nam. Tôi nghĩ rằng sự quay về của họ rất là nguy hiểm cho bản thân và gia đình họ.
Một người Thượng
"Ngay cả giấy chứng minh nhân dân họ chạy từ Việt Nam qua Kampuchia, thì tại văn phòng Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc tại Kampuchia có một người là Yang Rin, những người ở đây nói anh đó là công an của Việt Nam, người Hải Phòng, đã cắt hết những cái chứng minh nhân dân này. Anh này hủy hết chứng minh nhân dân của họ nên bây giờ họ chẳng còn giấy tờ chi hết.
Đó là hoản cảnh tuyệt vọng mà nhóm người Thượng ấy phải cam chịu ngày này qua ngày khác. Đối với bà Liz của tổ chức NGO đang cưu mang họ cũng như đối với những người hảo tâm đang có tìm một lối thoát cho những người Thượng khốn khổ này, hình như ngoài việc giúp cho họ miếng cơm manh áo và cho họ học thêm tiếng Anh, thì chẳng có hướng giải quyết nào hoặc nếu có thì rất mơ hồ:
"Vẫn có hy vọng dù rất mong manh, như luật sư Trịnh Hội đã làm với những người tại Philippines. Tôi nghĩ rằng người Việt ở Canada, ở Úc, ở Pháp, ở Mỹ có thể nghĩ tới số phận những người này. Và không chỉ những người Ê Đê ở đây, theo tôi biết thì còn mười sáu người K'hor cũng đang ở đây nữa."
Bị ngăn sông cách chợ, bị hỏi giấy tờ, lúc nào cũng nơm nớp lo bị bắt lại, những người Thượng tây nguyên này đang kéo lê một cuộc sống tẻ nhạt và cam phận.
Thái Lan là quốc gia mà con cái của người cư trú bất hợp pháp vẫn được cắp sách tới trường, đó là cơ may cho mấy em bé người Thượng trong nhóm dân tộc Ê Đê và M’Nông này.

Không chỉ được đi học mà có em còn học rất giỏi. Bây giờ em tự hào là em có thể nói được bốn ngôn ngữ, tiếng Ê Đê, tiếng Việt, tiếng Thái, tiếng Anh.
Theo một nguồn đáng tin cậy từ Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc ở Bangkok, hiện có một số người Thượng nhập cư bất hợp pháp đang bị giam cầm trong IDC tức International Detention Center, tạm dịch là nhà tù quốc tế ở thủ đô Thái Lan.
Thái Lan đã báo cho Việt Nam biết, đồng thời đề nghị Việt Nam nhận lại những người Thượng mà họ bắt giữ. Việt Nam cho hay không thể nhận lại những người bị bắt đó với lý do họ không có giấy tờ nên không thể xác minh đó là người Việt.
Trong nhà tù IDC của Thái Lan cũng có một số người H’mông gốc Việt bên cạnh khoảng bảy chục người Việt nhập cư trái phép bằng nhiều hình thức.
Nhân viên ngoại giao đại sứ quán Việt Nam tại Bangkok đã đến IDC tìm hiểu vụ việc, sau đó báo cho nhà chức trách Thái Lan biết hiện tại Việt Nam chưa đủ khả năng và chưa có tài khoản để giải quyết hồi hương cho những người này.