Những trở ngại trong tiến trình xin con nuôi từ Việt Nam sang Hoa Kỳ

Người Mỹ xin con nuôi Việt Nam không phải lúc nào cũng là chuyện thần tiên như trường hợp cặp siêu sao Hollywood Angelina Jolie và Brad Pitt sang tận nơi để đón bé Thiên từ một cô nhi viện về làm con trong cảnh giàu sang phú quí.

Theo báo cáo gần đây nhất từ sứ quán Mỹ ở Hà Nội, Việt Nam đã không kiểm soát và không ngăn chận được những vụ gian lận trong tiến trình xin trẻ mồ côi hay trẻ bị bỏ rơi làm con mà người nộp đơn là công dân Hoa Kỳ.

Mua và bán trẻ sơ sinh

Phúc trình nêu ra những trường hợp vi phạm như : mua trẻ sơ sinh từ những gia đình nghèo để bán lại cho môi giới, bệnh viện bán trẻ mới sinh mà sản phụ bỏ trốn sau khi sanh hoặc không có tiền trả viện phí, rồi thì bà tự động đem bán cháu để lấy tiền mà mẹ cháu không hề biết.

Khi đó, phó đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Jonathan Aloisi, phát biểu là ông hoàn toàn bị sốc trước báo cáo này.

Phát ngôn nhân kiêm tuỳ viên báo chí của sứ quán Mỹ ở Hà Nội, bà Angela Aggeler, cho Thanh Trúc biết báo cáo được phóng lên website để thông tin cùng các tổ chức chuyên trách xin con nuôi, những gia đình muốn nhận con nuôi ở Việt Nam, và các đại diện dân cử Mỹ ở Washington.

Đây là kết quả hàng trăm đợt điều tra trong mấy tháng trời, nỗi bật là những trường hợp hết sức tồi tệ mà chính ông phó đại sứ Aloisi phải thốt lên rằng ông cảm thấy choáng váng. Những điều này đã được chúng tôi mang ra thảo luận với nhà chức trách Việt Nam và những cuộc nói chuyện vẫn tiếp diễn.

Từ Hà Nội, giám đốc Cục Con Nuôi Quốc Tế thuộc Bộ Tư Pháp Việt Nam, ông Vũ Đức Long, cho rằng đó là điều đáng tiếc :

Sự vi phạm đó thì có xảy ra nơi này nơi khác, có chứ không phải là không có, tôi có thể khẳng định như thế. Nhưng nó phải đến mức trở thành như là một công nghệ thì mới nói rằng đó là cái không được. Còn tất cả những vụ việc mà toà đại sứ Mỹ nói giả dụ như những người phụ nữ đến Cục Con Nuôi rồi cái việc Cục Con Nuôi sang Hoa Kỳ để có những hành vi này khác…là hoàn toàn không có.

Sự <i>vi phạm đó thì có xảy ra nơi này nơi khác, có chứ không phải là không có, tôi có thể khẳng định như thế. Nhưng nó phải đến mức trở thành như là một công nghệ thì mới nói rằng đó là cái không được.</i>

Ông Vũ Đức Long

Chúng tôi đã yêu cầu các cơ quan chức năng Hoa Kỳ cung cấp tất cả những cái thông tin về đoàn Việt Nam sang Hoa Kỳ. Còn lại thì tôi hoan nghênh những cái việc nếu họ phát hiện cái này cái kia nếu có vi phạm các vị cứ báo cho chúng tôi thì chúng tôi trước hết là cám ơn, hai là phối hợp cùng các ngài xử lý đến nơi đến chốn những vi phạm này.

Gian lận, vi phạm và tham nhũng

Tưởng cần biết chương trình xin con nuôi Việt Nam từng bị ngưng một lần năm 2002, sau khi Hoa Kỳ nhận thấy có nhiều dấu hiệu gian lận, vi phạm và tham nhũng có thể dẫn đến hình thức buôn bán trẻ em trong đó.

Đến đầu 2005, chương trình xin con nuôi giữa Mỹ và Việt Nam được nối lại bằng một thỏa thuận song phương, với điều kiện phải hợp pháp hoá mọi mặt. Tính đến ngày 31 tháng Ba năm 2007, hơn một ngàn hai trăm trẻ Việt Nam (1.200) được người Mỹ xin làm con nuôi, so với con số 828 một năm trước đó.

Với 42 tổ chức Hoa Kỳ chuyên trách thủ tục xin con nuôi được cấp phép tại Việt Nam, có thể nói chương trình xin con nuôi mà phía Mỹ gọi là Children Adoptions là một công việc có tầm vóc về mặt ngoại giao cũng như pháp lý.

Phía Việt Nam, cơ quan tổng quản hồ sơ và thủ tục xin con nuôi trên cả nước là Cục Con Nuôi Quốc Tế trong Bộ Tư Pháp.

Vào khi thỏa thuận song phương nối lại từ 2005 sắp hết hạn ngày 1 tháng Chín tới, hai phía đang bàn thảo để tiến tới một thỏa thuận mới, thì Chúa Nhật 13 tây vừa qua, báo Dân Trí trên mạng loan tin công an tỉnh Nam Định bắt giữ một chuyến xe chở mười một em nhỏ với âm mưu giao cho người nước ngoài làm con nuôi.

Ba người bị bắt gồm Vũ Đình Lợi, trạm trưởng y tế xã Yên Tiến, Trương Công Lịch, trạm trưởng y tế xã Yên Lương, Trần Trọng Lãm, chuyên đi xin trẻ sơ sinh từ nhiều về cho Vũ Đình Lợi và Trương Công Lịch. Lợi dụng công việc của mình trong ngành y tế, hai ông Lợi và Lịch đã mạo giấy tờ trẻ xin về rồi chuyển tới một trung tâm trợ giúp nhân đạo địa phương để từ đó đẩy các em vào chương trình con nuôi cho người nước ngoài.

Báo Dân Trí online còn nói là tính đến ngày 21 tháng Sáu 2008, đường dây phạm pháp này đã bàn giao một trăm (100) trẻ cho các tổ chức con nuôi nước ngoài và hiện mưới một em còn lại từ hai đến năm tháng tuổi chưa kịp làm thủ tục. Công an tỉnh Nam Định quyết định khởi tố vụ án.

Được hỏi về vụ việc này, giám đốc Cục Con Nuôi Quốc Tế Vũ Đức Long trả lời:

Báo Dân Trí và báo Tuổi Trẻ của Việt Nam viết bậy, đăng cái tìn về Nam Định là không chính xác. Cái này tôi đã liên hệ. Toàn bộ ba trăm ba mươi tám trẻ từ Nam Định đi là được giải quyết theo thủ tục và rất chặt chẽ từ địa phương đến trung ương.

Tôi đã trả lời trên các báo Việt Nam và cả AFP, phải nói là chúng tôi giải quyết rất chặt các hồ sơ ở đấy, thời gian giải quyết hồ sơ là từ bốn đến sáu tháng, không phải là ngay lập tức trẻ đi như báo chí viết là không đúng. Điểm thứ hai là không có bắt được cái xe nào chở mười một trẻ như thế cả. Cái này chúng tôi đã đề nghị công an làm rõ.

Mười một trẻ đang ở một cơ sở huyện Ý Yên, trong số trẻ đó thì có vấn đề liên quan đến những cái đối tượng mà hiện nay công an đang giữ họ để điều tra xem đúng hay không chứ không phải bắt trên cái xe nào cả. Hiện đang trong quá trình điều tra thì chúng tôi chưa thể nói cái gì được, cần phải có bằng chứng cụ thể, những vụ nào, tên trẻ ra làm sao thì bây giờ công an phải làm rõ. Vi phạm thì phải xử lý, chúng tôi chống cái vi phạm này vì thật sự vi phạm này là biểu hiện của tham nhũng ngày nay đấy.

Ảnh hưởng đến tiến trình thảo luận Mỹ-Việt

Được hỏi tiếp là sự việc ở Nam Định liệu có ảnh hưởng đến tiến trình thảo luận giữa Mỹ và Việt Nam về một thỏa ước mới liên quan đến việc xin con nuôi một khi thoả ước đang có sắp hết hiệu lực, ông Vũ Đức Long nói :

Nếu mà nói thẳng với chị thì đương nhiên là nó có ảnh hưởng. Với cái pháp luật hiện nay và với cơ chế hiện nay thì vi phạm vẫn có thể xảy ra và cái này phải xử lý. Đối với chúng tôi với tư cách đại diện cho nhà nước trong lãnh vực này về tầm vĩ mô thì đang làm việc rất tích cực để có thể nối lại cái chương trình hợp átc xin con nuôi của Hoa Kỳ.

<i>Nếu mà nói thẳng với chị thì đương nhiên là nó có ảnh hưởng. Với cái pháp luật hiện nay và với cơ chế hiện nay thì vi phạm vẫn có thể xảy ra và cái này phải xử lý. Đối với chúng tôi với tư cách đại diện cho nhà nước trong lãnh vực này về tầm vĩ mô thì đang làm việc rất tích cực để có thể nối lại cái chương trình hợp átc xin con nuôi của Hoa Kỳ. <br/> </i>

Ông Vũ Đức Long

Đặc biết trong tuyên bố của tổng thống Bush và thủ tướng Việt Nam thì đã nói rất rõ hai bên đều hướng tới việc hợp tác con nuôi trên cơ sở và nguyên lý của công ước La Hague là minh bạch, đảm báo đấy là chương trình trẻ nhân đạo.

Thực tế cho thấy là nếu sau ngày Một tháng Chín mà Hoa Kỳ không tái ký thỏa thuận song phương hợp tác xin con nuôi với Việt Nam thì mấy chục tổ chức Mỹ đang hoạt động ở Việt Nam sẽ phải rút về. Các tổ chức mà Thanh Tr1uc tiếp xúc đều nói là ngoài những vụ sai trái bị phanh phui trước nay, nhìn chung thì chương trình hợp tác xin con nuôi ở Việt Nam đều hợp lý và hợp pháp.

Điển hình như tổ chức Holt International Children’s Servives có trụ sở tại bang Oregon, khởi sự làm việc ở Việt Nam từ thập niên 1970 đến giờ. Phó giám đốc chuyên về chính sách của tổ chức, bà Susan Cox, nói với Thanh Trúc:

Chúng tôi biết có nhiều chuyện gian lận sai trái, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ mọi nổ lực nhằm ngăn chận những hành động đó. Nỗi băn khoăn của chúng tôi chính là những trẻ bất hạnh ở Việt Nam. Ngoài một vài tổ chức riêng lẻ hoặc những cá nhân cố tình vi phạm, chúng tôi nhận thấy chương trình xin và nhận con nuôi ở Việt Nam đã tiến triển tốt đẹp.

Chúng tôi có văn phòng và những chương trình hổ trợ trên khắp nước, chúng tôi hiểu tầm quan trọng của những chương trình hổ trợ ấy đối với trẻ và gia đình ở Việt Nam. Không chỉ đơn thuần việc xin con nuôi mà chúng tôi còn thực hiện những công tác khác chẳng hạn như giữ trẻ trong nhà thay vì giao chúng vào cô nhi viện. Công việc của chúng tôi sẽ gặp trở ngại và bị gián đọan nếu sắp tới thỏa thuận về việc xin con nuôi giữa Mỹ và Việt Nam không được tiếp tục.

Quan điểm của Hoa Kỳ

Ông Keith Wallace, phó giám đốc điều hành tổ chức có tên Families Thru International Adoption, có mặt tại Việt Nam từ năm 1996, giải thích là tổ chức do ông điều hành vừa ngưng nhận đơn của những người Mỹ muốn nhận con nuôi Việt Nam là vì thời gian chờ đợi qua lâu chứ không phải vì tai tiếng tham nhũng của phía Việt Nam:

Có rất nhiều cơ sở nhận đơn và giúp lập thủ tục cho người Mỹ xin con nuôi ở Việt Nam, hầu hết đều hợp pháp và tuân thủ luật lệ hiện hành liên quan đến tiến trình xin con nuôi. Đáng tiếc đã có những người bất kể luật pháp bất kể qui định về việc con nuôi hợp pháp nên đã tạo khó khăn cho những tổ chức hoạt động một cách nghiêm túc.

Cái mà chúng tôi quan tâm là cứ mỗi hành động phạm pháp nào xảy ra thì y như rằng nó ảnh hưởng tức thì đến sự khả tín của cả hệ thống. Chúng tôi đang cố vận động với các tổ chức bạn có chung mục đích, với chính phủ Hoa Kỳ và chính phủ Việt Nam để một thỏa thuận mới có thể được ký kết. Điều này chẳng những bảo đảm việc làm nhân đạo của chúng tôi mà còn bảo đảm là những hành vi lạm dụng hay gian trá thời gian qua không thể tái diễn trong tương lai.

Trở lại cùng phát ngôn nhân kiêm tuỳ viên báo chí trong sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội, bà Angela Aggeler, thì Hoa Kỳ tiếp tục thảo luận với Việt Nam trên cơ sở pháp lý dựa vào công ước La Hague về sự minh bạch trong tiến trình hợp tác xin và nhận con nuôi:

Vào khi chưa thể tuyến bố điều gì về một thỏa thuận mới sau ngày Một tháng Chín năm nay, chúng tôi vẫn tiếp tục nói chuyện với các cấp trong chính phủ Việt Nam, với Cục Con Nuôi Quốc tế của Việt Nam, cung cấp và hổ trợ cho họ trong khả năng của chúng tôi hầu có thể thiết lập một hệ thống hay một chương trình hợp tác xin con nuôi mà điều kiện của nó là phải minh bạch để có thể bảo vệ thiếu nhi một cách hữu hiệu.

Quan điểm của Hoa Kỳ là mỗi một người can dự vào tiến trình xin con nuôi phải tuân thủ luật pháp, mỗi trẻ được nhận làm con nuôi phải là trẻ mồ côi, phải có giấy tờ hợp lệ. Nói một cách khác, trẻ con mà người Mỹ xin làm con nuôi phải hoàn toán đúng luật chứ không thể nào bị trao đổi mua bán như đồ vật được.

Chỉ còn hơn tháng nữa thì thỏa thuận song phương nối lại từ 2005 sẽ chấm dứt. Những tổ chức nhân đạo Mỹ đang làm việc tại Việt Nam như Holt International Children’s Services và Families Thru International Adoption mà Thanh Trúc đề cập trong bài này đều tham dự vào cuộc vận động có tên The Vietnam Child Rights Campaign, tạm dịch là Vận Động Hổ Trợ Quyền Thiếu Nhi Việt Nam.

Từ điểm này, mục Đời Sống người Việt Khắp Nơi tạm ngưng ở đây. Thứ Năm tuần tới Thanh Trúc sẽ trình bày chi tiết hơn về chiến dịch vận động vừa nói. Mong quí vị đón nghe.